Trần DầnĐấu Nguyễn Văn Nga
Chân dung Trần Dần, kí hoạ của Nguyễn Sáng (Nguồn: Nhân văn số 1, 20.9.1956) |
Sau ba tháng (13.6-14.9.1955) giam kiểm thảo trong quân đội, từ 03.11.1955 đến đầu tháng 2.1956 Trần Dần được cử đi tham quan cải cách ruộng đất đợt 5 - đợt cuối cùng, có quy mô lớn nhất, diễn ra phức tạp nhất và mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng nhất trong toàn bộ 6 đợt (1 đợt thí điểm và 5 đợt chính thức) của chiến dịch cải cách ruộng đất - tại đội Thái Hoà, xóm Thịnh Lang, làng Đình Bảng, Bắc Ninh.
Cuộc đổi đời vĩ đại tại vùng nông thôn Việt Nam này đã để lại trong ông những ấn tượng mãnh liệt, ngổn ngang và đầy mâu thuẫn. Hai cuốn sổ ghi chép của ông ở giai đoạn này dày đặc những dòng ghi, lúc thì miên man trình bày cảm tưởng và nhận định, lúc thì tỉ mỉ miêu tả từng người từng cảnh, lúc thì vội vã vài nét phác hoạ hay những con số thống kê về cái thực tại mà ông vừa kinh ngạc, hoài nghi, ghê sợ, nhưng cũng vừa thán phục chứng kiến và chân thành mong được hoà mình vào đó.
Đoạn "Đấu Nguyễn Văn Nga" sau đây được biên soạn từ cuốn sổ ghi "1955 - Từ 20/11 trở đi" của Trần Dần. Một phần của đoạn này đã được đưa vào cuốn Trần Dần – Ghi: 1954-1960 (td mémoire, 2001). Các hình minh hoạ trích từ cuốn Rot leuchtet der Song Cai (Kongress-Verlag, Berlin 1955) của nhà báo Đức Franz Faber, người được Hồ Chủ tịch mời đến Việt Nam để tường thuật về chiến dịch Điện Biên Phủ và sau đó. Franz Faber cũng là dịch giả tiếng Đức của Truyện Kiều.
Phạm Thị Hoài
Trần Dần
Đấu Nguyễn Văn Nga
1. Anh Tụng lên.
Mày mất thóc, em mày lấy, mày vu cho tao mày đánh tao.
Nga, mày có đánh anh Tụng không?
Không.
Đả đảo...
Mày có đánh không?
Có.
Đả đảo thái độ ngoan cố...
Mày đuổi tao đi...
Ngảnh mặt lên đây. Khoanh tay lại.
Tao ở với mày bao nhiêu năm, mày đối xử với tao như thế nào? Mày phải nhận.
Mày có đổ cho anh Tụng lấy thóc không?
Có.
Mày có đánh không?
Có.
Trước mày không nhận, bây giờ mày đã nhận mày phải kể lại đi.
Thưa quý toà con mất thóc về hỏi, chả nhẽ ở nhà mất còn có ai, anh Tụng…
Anh với mày à ?
Ông Tụng. Con có hỏi ông Tụng. Xong có đánh.
Đánh thế nào? Đánh thế nào? Nga! Đánh thế nào? Hỏi! Cho mày nói đánh thế nào.
Đánh bằng đòn gánh.
Thế nào nữa? Hỏi!
Trói vào cột.
Cho phép mày quay về ông bà nhân dân mà nói về việc đánh anh Tụng. Phải thưa ông bà.
Thưa ông bà nhân dân, ông Tụng ở với con…
Bao nhiêu năm?
Sáu năm.
Bảy năm chứ.
Vâng bảy năm. Con mất thóc, con đánh anh à ông Tụng. Con trói vào cột.
Mày có treo anh Tụng lên không?
Con trói vào cột… Con có treo ông Tụng lên ạ…
Đả đảo…
Nga! Hỏi! Về sau thóc ai lấy?
Con không biết ạ…
Kết luận: Chúng ta nhân dân thấy bộ mặt ngoan cố tên địa chủ. Nó đã nhận, thóc nó con cháu nó lấy mà nó đổ cho anh Tụng, nó đánh.
2. Ông Sử
Mày đánh tao nát cả người cả ngợm ra.
Con chỉ đánh nát người thôi ạ. Không đánh vào ngợm ạ.
Tao đói quá tao đi bẻ mấy bắp ngô. Tao lấy của nhân dân chứ có lấy của nhà mày đâu? Sao mày lột quần tao ra, chắp 10 roi đánh.
Mày có đánh ông Sử không?
Có.
Năm ấy mày làm gì?
Thưa quý toà con không nhớ ạ.
Mày đánh bằng gì?
Con đánh bằng roi tre ạ. Có máu mê gì đâu?
Dẫn chứng: Mày sai tao với X, Y bắt ông ấy về đánh 10 roi tre đực, lột quần. Ông ấy về đắp cái tã rách, mày lại bắt ra đánh nữa.
Ông ấy ăn cắp ngô, con đi tuần thì con đánh ông ấy chảy máu đít.
3. Em anh Niệm
Anh tao là Niệm làm tình báo, mày uỷ viên hành chính. Anh tao với mày cùng đi buôn. Mày có hiềm với anh tao... Ngày 13/7 mày thủ mưu giết anh tao.
Việc giết anh Niệm và anh Ân thế nào? Nói ra! Kể! Từ đầu chí cuối!
Đả đảo…
Kiên quyết đánh đổ…
Thưa quý toà, thằng Phồn thằng Nghĩa sai con đi giết anh Niệm xuống Làng Chùa.
Nga!
Dạ.
Tao hỏi mày chứ tao hỏi đâu thằng Phồn thằng Nghĩa.
Dạ thằng Phồn thằng Nghĩa là bí thư với chủ tịch.
Mày cơ mà! Mày nhận mày giết cơ mà!
Đả đảo…
Con cầm đá đập óc ông Niệm…
Còn một việc nữa, trong đêm hôm ấy mày giết anh Ân ra sao?
Con với Khoát, Nghĩa, Tộ, Tính, Hậu. Ông Hậu chém.
Chém thế nào?
Chém vào người.
Mày làm gì?
Con lấy gậy đánh.
Đánh thế nào? Kể sao cứ nhát một thế?
Đánh vào người.
Xong sao?
Xong vứt xuống sông.
Kết luận: Ngày 15/7 nó giết hai người: anh Niệm quân báo và anh Ân.
4. Chị Vịnh
Nga! Mày sai chồng tao đi lấy thẻ, mày về mày đánh chồng tao vãi cứt. Đội giảm tô sắp về, mày sợ mày chỉ định chồng tao đi dân công, mày giết chồng tao.
(Chị Vịnh: áo bông, khăn vuông tùm hum, khăn tang trắng, nói cứ nhìn đi, nghẹn ngào… 3 con, chồng chết, một mình nuôi)
Mày có đánh ông Vịnh không?
Thưa quý toà, con có đánh ông ấy đâu?
Đả đảo…
Nga! Nhân dân nói vu cho mày à?
Con có đánh đâu?
Năm mày làm quản xã, mày làm thẻ phiên. Chúng tao phải đi tuần, đêm mày bắt chúng tao đánh ông Vịnh. Ông ấy điếc lác, chậm không đi lấy thẻ kịp…
Mày có đánh không?
Dạ, ông bà nhân dân đã vạch thì con có tội!
Mày có đánh không?
Con ở nhà con.
Không khiến mày nói dài. Có hay không?
Có.
Mày có đi buôn lậu không?
Mọi người trong xã…
Có hay không?
Có.
Mày có đi lại họp hành nhà ông Vịnh không?
Không con không họp với ông Vịnh bao giờ!
Ở nhà ông Vịnh cơ mà!
Con có chơi với ông Vịnh đâu.
Đi lại họp hành cơ mà!
Có ạ.
Đả đảo…
Mày giết ông Vịnh thế nào? Nga! Mày có buôn lậu không? Mày làm gì?
Con đi buôn lậu.
Mày làm gì cơ mà? Mày làm chức vụ gì?
Con buôn lậu.
Dẫn chứng: Mày làm uỷ viên hành chính. Nga! Mày làm gì?
Con làm uỷ viên hành chính.
À! Mày làm uỷ viên hành chính mà mày lại đi buôn lậu! Như thế mày có tội không?
Thưa quý toà con có tội.
Mày có tội. Thế mày định giết ông Vịnh để bịt tội đi phải không?
Con có giết đâu. Con ở nhà…
Hôm ấy mày để tao từ 4 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Thế là mày đi đâu? Tao bảo mặc kệ B phó cứ về. Gặp mày giữa đường. Mày đi đâu từ 4 giờ sáng đến 9 giờ sáng? Sao mày nói là ở nhà? Mày đem đi lĩnh gạo đâu? Bổn phận mày là B phó mày lãng phí, mỗi người mất mấy trăm bạc quà? Nga! Sáng hôm ấy mày đi đâu?
Con sang công trường lấy gạo.
Vạch lại!
Nga! Mày có đi lĩnh gạo đâu?
Con sang công trường lĩnh gạo chứ không phải đi lấy gạo với toán Từ Sơn…
Nga! Mày đi đâu?
Con sang công trường hỏi gạo ăn buổi sáng.
Mày làm gì?
Con làm B phó.
Mày làm chỉ huy sao mày lại bỏ người ta?
…
Hỏi! Khi ông Vịnh chết thì mày làm thế nào?
Một anh ở y viện về bảo con không biết ông Vịnh sống chết cảm thế nào ngoài đồng. Ban chỉ huy bảo con ra xem có mục đích không. Con đi ra xem với ông nhân dân gọi con ra ruộng dâu.
Mày có khám không?
Con chỉ trông qua chứ không khám.
Mày là chỉ huy, dân công mày chết mà mày không khám chỉ trông qua thôi. Mày khai thế đã đúng chưa? Tại sao mày chỉ trông qua loa? Sao không khám? Đó là một điều vô lý! Mày nhớ ra! Nhớ ra! Khai ra! Nga! Từ đó mày làm gì?
Con sang công trường con báo. Con về nhà con báo cho gia đình ông ấy biết.
Ai cho mày về? Ai cử mày về? Hỏi! Mày đã về báo Ban chỉ huy chưa?
Thưa con là Ban chỉ huy.
Mày là gì ?
Con là C phó.
C phó mà mày chỉ huy cả Ban chỉ huy à? C trưởng có quyền không? Hỏi!
C trưởng bận họp.
Mày báo cáo Ban chỉ huy chưa?
Con đi thẳng sang công trường, Ban chỉ huy đang họp.
Hỏi báo cáo chưa cơ mà.
Con chưa báo cáo.
Hừ! Tại sao mày không báo cáo Ban chỉ huy mà đi thẳng sang công trường? Ai sai mày?
Con đi sang.
Mày tự động đi phải không?
Vâng.
Nga! Hỏi! Ai sai mày về báo cho gia
đình
ông Vịnh?
Con về.
Mày ra khám ông Vịnh qua loa. Mày không về báo cáo Ban chỉ huy. Mày tự sang công trường. Mày tự về gia đình ông Vịnh. Hỏi! Mày về nói với gia đình ông Vịnh thế nào?
Con nói cảm thế nào có máu, đít quần cũng có máu.
Mày nói với ai nữa?
Nhà ông Vịnh đây này.
Mày nói thế nào nữa?
Con bảo bị cảm.
Đề nghị dẫn chứng: Mày vào Ban thuế 20 người, bảo ông Vịnh bị cảm hộc máu mồm và đít.
Tại sao mày bảo ông Vịnh bị Việt gian giết?
Thưa quý toà, tối hôm ấy khi chôn mới thấy là bị giết.
Nga! Tối hôm ấy đâu! Ngay hôm ấy cơ.
Anh Lý dẫn chứng: Lúc đầu mày bảo bị cảm. Sau mày lại bảo Việt gian giết. Mày bảo đã khám rồi. Khi chôn mày không mặc niệm mặc nung gì.
Tại sao mày bảo Việt gian giết?
Nhân dân hỏi con không biết con nói…
Có nói Việt gian giết không?
Nhân dân hỏi thì con đoán chừng ra…
Hòi! Ông Vịnh là người thế nào mà Việt gian giết? Ông Vịnh làm gì?
Ông Vịnh đi dân công.
Đi dân công mà Việt gian lại giết? Âm mưu của mày đã giết lại tung tin Việt gian. Mày nói với Ban thuế mày khám cơ mà?
Con đến chung quanh con xem chứ con không lật lên.
Dẫn chứng: Mày khai với chúng tao Ban thuế là mày đã khám lật ngửa lên rồi cơ mà?
Nga! Nhân dân có nói điêu không? Hai người nói cơ mà.
Nhân dân không nói điêu ạ.
Thế sao mày không nhận?
Ông bà ấy nói sai.
Một người nữa lên dẫn: Mày vào Ban thuế, gác cái xe đạp ở hè. Mày nói đã khám rồi, lật xem cả người…
Kết luận: Nó đã lấy xẻng chặt đầu ông Vịnh sắp đứt. Nó chối hết cả. Quanh co, vô lý. Mặc dầu nó chối, mặc dầu không ai trông thấy, nhưng đủ kết luận là nó giết.
5. Ông Đức
Năm 45 mày đánh đứa cháu tao là Hiểu nó lấy 2 bắp ngô mà mày đánh, nó về ốm chết. Mày đánh tao phải bỏ làng đi đến giờ hoà bình mới về. Tao nằm lại nghĩ đến cháu tao, thân già tuổi lão không thấy cháu tao.
Nga! 45 mày làm gì?
Con làm quản xã.
Mày có đánh em Hiểu không?
Ông Đức ông ấy bảo thế thì con có đánh.
Thằng này ngoan cố.
Đả đảo… Kiên quyết…
Dẫn chứng: 28/3/45 ngô hung hung. Mày lấy thanh bạt, đánh nó lăn ở đê. Ba ngày thì nó chết.
Mày có đánh không?
Có ạ.
Đánh thế nào?
Đánh như ông vừa giờ bảo.
Đánh thế nào? Khai!
Thưa quý toà, đánh em Hiểu đi ăn cắp ngô ạ.
Em Hiểu à? Em mày à?
Đánh bằng thanh tre.
Đánh vào đâu?
Đánh vào người ạ.
Em bé nó thế nào?
Đánh xong em bé đi về nhà ạ.
Cho mày báo cáo với nhân dân.
Thưa ông bà nhân dân, em Hiểu…
Em mày à?
Ông Hiểu ắn cắp ngô…
Ăn cắp à? Mày phải nói là đói chứ?
Vâng, ông Hiểu đói đi lấy ngô, con đánh bằng thanh tre.
Mấy hôm anh ấy chết ?
Con không nhớ.
Dẫn chứng: 3 hôm chết. Anh ấy bé…
Nga! Em Hiểu chết vì ai?
Vì con đánh.
6. Anh Chắt
Đánh anh Chắt không?
Có!
Đánh bằng gì?
Đánh bằng tay ạ.
Đánh thế nào?
Con thụi.
Thụi vào đâu?
Vào người.
Người đâu?
Vào lưng.
Nga!
Nó im.
Nga! Sao gọi mày không thưa? Thái độ mày thế à?
Đả đảo…
Mày đánh vào đâu?
Vào bụng.
Vào đâu nữa?
Cạnh sườn.
Vào đâu nữa?
Con không nhớ ạ.
Nga! Thái độ mày như thế à?
7. Đá chết hai người đói ở xa đến nằm ở quán
Thưa quý toà người ta ốm sắp chết mà con lại đá à?
Mày sợ người ta sống lại đi bẻ ngô mày đá chết.
Có không?
Có. Đánh thế nào?
Đá hai cái ạ.
Mày quanh co.
Đả đảo…
Thưa ông bà nhân dân, năm 45 hai ông ấy đói nằm ở điếm thì con đá thêm cho hai cái hai ông ấy chết.
Tại sao giết?
Con sợ các ông ấy bẻ ngô của bà con nhân dân.
Toà vạch: Không phải! Nó sợ lấy của nó.
8. Bà Phấn
Mày vồ tao mày hiếp tao. Mày rình đầu bếp mày vồ tao đi giải. Một lần thứ ba nữa mày chẹt cổ tao ở đầu bếp. Tao khổ sở bỏ nhà chồng mà đi.
Hành động dã man của mày, nói lên! Mày có hiếp không?
Có ạ.
9. Bà Chính
1952 tao khổ sở ở nhờ nhà ông Khôi , tối tao rửa chân chưa đi ngủ, mày sang nhà tao nói chuyện một lúc mày đè tao mày hiếp. Mày doạ nói ở đâu mày giết ở đấy. Tao cho mày nói. Mày nói lên!
Mày có hiếp bà Chính không?
Con đi từ 51 cơ mà.
Một người đàn bà ai lại nói vu cho mày?
Có ạ.
Sao mày lại giơ dao ra?
Con có dao đâu?
Sao mày doạ? Có không?
Có doạ ạ.
10. Bà Chinh
Năm 43 mày làm thẻ phiên tao đi trình ngô mày đè hiếp tao, đến tháng tám tao bế con mày sấn vào bịt mồm hiếp tao. Tao vạch mặt mày là mặt đồ đểu.
Có không?
Có.
11.
Năm 42 tao đi tuần với mày, một chị cắt cỏ mày hiếp, một chị ở Tây Xuyên nữa mày hiếp.
Có không?
Thưa quý toà có.
12. Ông Thìn
Mày lấn ruộng, bờ tre.
Cha ông nhà tôi…
Tôi với mày à?
Đả đảo thái độ láo xược…
Có chiếm đất không?
Có.
Chiếm thế nào?
Tre nó đẻ dần ra lấn sang.
Mày có đào hào không?
Có.
Thế có phải tre đẻ đâu?
Con không đo không biết bao nhiêu.
13. Anh Lý
1949 tao buôn sợi, vốn mày bán của tao mày ăn. Việc thứ hai, tao đi bộ đội, có đôi khuyên cho vợ buôn đỗ mày lấy mất. Cả hai con gà sắp đẻ, mày giết nhà tao.
Có lấy sợi không?
Có.
Có lầy đỗ không?
Có.
Có lấy gà không?
Có.
Lấy làm gì?
Lấy để không cho mang sang bán bên kia sông cho Pháp.
Lấy làm gì?
Ăn ạ.
14.
Vay 200 bạc định đong 3 đấu đỗ, mày cướp sống. Tao mang nợ tới giờ.
Có lấy không?
Có ạ.
Lấy làm gì?
Con ăn.
Mày rượu chè thế nào?
Con ăn hàng ngày, con không nhớ.
Mày mua thịt uống rượu thế nào?
Thưa con có mua thịt mua rượu uống.
Mày phải nói là bán đỗ đi mua thịt rượu chứ. Nga! Nói lên!
Vâng.
15.
Năm 46 triệt để tản cư mày bắt chúng tao chạy thóc lúa cho nhà mày, họ hàng phú nông nhà mày. Tản cư phải gánh ngô cho mày thổi, gác làng cho mày, nhà mày lợn gà, cả làng đi hết, nhiều người gác mà chết.
Các ông ấy chết là tự động về chứ con có sai đâu?
Đả đảo.
Bấy giờ mày làm gì?
Trưởng thôn.
Mày có sai du kích về làng không?
Nó im. Đả đảo.
Có ạ.
Sai về làm gì?
Về trông làng.
Làng còn những ai?
Về trông hoa lợi ạ. Còn chuối.
Chuối mà phải trông à? Ai lấy? Dân đi hết rồi cơ mà!
Nó im.
Nga!
Nga! Ơ vặn không nói à? Mày sai du kích về làm gì?
Trông làng ạ.
Mấy cây chuối à?
Còn đồ đạc của nhân dân ạ.
Mày có sai du kích ghính thóc không?
Có ạ.
Như vậy du kích chết tại ai?
Ông Phương ông Đại có phải là du kích đâu ạ.
Là tự vệ! Tự vệ! Cãi à? Tại ai?
Tại con.
16. Ông Tính
Thưa ông, ông vạch lại cho con.
Mày có đánh ông Tính không?
Con không nhớ ạ.
Mày có treo ông Tính lên điếm không?
Thưa quý toà… có… ạ… Lâu con không nhớ ạ.
Đả đảo.
17. Ông Dăm
Thưa ông, ông vạch lại cho con.
Mày có đánh ông Dăm không?
Có.
Mày đánh ông làm gì?
Để ông ý đau ạ.
Mày có lấy gánh chuối của ông Dăm không?
Không.
Dẫn chứng: … Mày lôi ông ấy vào, đập đầu gốc nhãn.
Có lấy không?
Có.
Lấy ở đâu?
Ở cánh đồng đi sang Hạ Dương.
Chỗ nào?
Ở giữa cánh đồng.
Thằng này láo, chỗ gốc nhãn cơ mà!
Đề nghị du kích dẫn tên Nga ra khỏi đấu trường. Đề nghị bà con nghỉ để cho máy nó nghỉ.
© 2007 talawas
Các bài liên quan
Trần Dần (23.8.1926-17.01.1997) là gương mặt nổi bật của phong trào Nhân văn-Giai phẩm (1956) và một trong những tác giả quan trọng nhất của văn học Việt Nam thế kỉ 20. Ngoài một số tác phẩm xuất bản trước 1956 (Người người lớp lớp, tiểu thuyết, 1954; "Tiếng trống tương lai", thơ, 1954; "Nhất định thắng", thơ, 1955…) và ba tác phẩm mới in sau này (Cổng tỉnh, tiểu thuyết thơ, 1995; Mùa sạch, tập thơ, 1998 và Ghi: 1954-1960, nhật kí, 2001), phần lớn di cảo văn học của ông chưa được xuất bản.