talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 22.04.2007


Vũ HùngMái nhà xưa


Vu Hung
Vũ Hùng

Việt Nam là một xã hội trẻ với xấp xỉ 30% dân số dưới 15 tuổi [1] nhưng văn học thiếu niên lại chưa bao giờ được quan tâm đúng mức (trên thực tế, chúng ta không dám chắc Việt Nam có một nền văn học thiếu niên hay không). Có lẽ vì thế mà tên tuổi của nhà văn Vũ Hùng, người có hơn 40 năm kiên trì theo đuổi văn học thiếu niên với gần 30 đầu sách, tuy có thể quen thuộc với nhiều bạn đọc nhỏ tuổi một thời nhưng lại ít được giới phê bình văn học hôm nay nhắc tới. Một phần có lẽ cũng vì ông sống xa quê hương từ gần 20 năm nay và từ lâu không có tác phẩm xuất bản ở Việt Nam.

Bên cạnh mảng văn học thiếu niên, từ khi sang Pháp năm 1989, Vũ Hùng còn sáng tác nhiều tác phẩm dành cho người lớn, trong đó có thể kể các tập truyện: Đò trăng, Cô giáo quốc tế vũMây trôi. Hầu hết những tác phẩm này đều chưa được công bố.

Mây trôi là một cuốn truyện - có thể gọi là một tiểu thuyết - gồm 3 phần: Mái nhà xưa, Trang lứaBạn tình. Riêng phần 1, Mái nhà xưa, có thể xem như một truyện vừa hoàn chỉnh.

Mái nhà xưa, như tên gọi của tác phẩm, là hồi tưởng của một người đàn ông đã qua tuổi 60 về tuổi thơ và thời thanh niên trong ngôi nhà của cha mẹ mình ở Hà Nội những năm trước và sau kháng chiến chống Pháp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. talawas chủ nhật

 

Vũ Hùng

Mái nhà xưa

I II


Chương 3

Bác bước vào cổng. Bác là anh ruột của cha Hoàng. Anh chị em Hoàng kêu bác là bác Thông. Nhưng Thông không phải là tên bác. Tên thật của bác là Tâm, bác Tâm. Thông chỉ là chức vụ của bác, khi bác còn làm thông lại ở một huyện nhỏ xa Hà Nội.

Nhà bác Thông nghèo. Rất nghèo vì hưu bổng ít, nhất là vì cả bác và anh Tạo, con bác, cùng nghiện thuốc phiện.

Nhiều lần cha Hoàng bảo:

"Ông Thông Tâm ơi, sao ông đa mang nhiều thứ thế? Chẳng thứ gì mà tôi thấy không có ông: tổ tôm xóc đĩa, cô đầu con hát, thuốc sái..."

Chỉ khi nào có chuyện thật nghiêm túc, cha Hoàng mới gọi đầy đủ tên bác như vậy. Bác chậm rãi trả lời:

"Tôi bỏ cả rồi."

"Lạ thật! Ông bỏ thuốc bao giờ? Tôi biết ngày nào ông chẳng lén vào tiệm hút. Đa mang mãi làm gì cho khổ! Cố mà cai đi ông ạ!"

"Chỉ có thuốc là tôi chưa bỏ được thôi. Vẫn biết là khổ! Nhưng tôi già rồi, cai bây giờ thì thuốc nó vật tôi chết mất."

"Thì ông bắt thằng Tạo nó cai."

"Tôi không bênh gì nó nhưng nó cũng quá bước như tôi mất rồi, không cai được nữa."

"Thế thì tôi chịu ông. Tôi chẳng có tiền mà đưa cho ông mãi. Đưa bao nhiêu thì chẳng ông cũng lại thằng Tạo đốt hết trên bàn đèn. Từ nay hàng ngày ông lên ăn cơm với tôi, tôi không đưa tiền nữa."

Lần ấy bác Thông đến khi Hoàng đang ngồi dưới giàn móng rồng. Ngồi để chẳng làm gì: Hoàng thích nơi này, trong nhà không có chỗ nào tự do và im ắng hơn. Hàng hiên phía đó hướng Tây, chiều chiều rực nắng, nhưng nhờ có giàn móng rồng che phủ nên luôn râm mát.

Thấy bác, Hoàng đứng dậy:

"Lạy bác ạ!"

"Ừ cháu! Bác lên xin cậu mợ cháu bữa cơm đây!"

"Bác cứ nói thế! Mời bác vào ạ!"

Mùi hoa móng rồng thoảng bay. Hoa móng rồng, cánh dài như những ngón tay, xanh ngăn ngắt màu lục, chỉ thơm khi đã chín và ngả sang màu hoa lí, ngòn ngọt hăng hắc khi ngửi gần nhưng thơm huyền ảo khi hương thoáng đến từ xa.

"Cháu cũng thích hoa móng rồng à? Phải ngồi xa mới thấy hết cái thơm."

"Vâng ạ! Cháu biết!"

"Nhưng móng rồng là hoa của người lớn, không phải của trẻ con. Cháu có biết người ta hát thế nào về bông hoa móng rồng không?"

"Không ạ!"

"Nàng trong xứ Huế Nàng ra T... óc... Nàng thơm ngát như hoa móng rồng... Ở tuổi bác, ai đã thích hoa móng rồng đều biết câu hát ấy."

Rồi bác thong thả đi vào phòng khách.

Những bữa cơm có bác, nhà Hoàng ăn hai mâm. Bác ngồi ăn với cha Hoàng để trò chuyện và nhâm nhi chén rượu. Ăn uống xong, bác đã ngà ngà. Cha Hoàng nói:

"Để tôi bảo người đưa ông về. Ông say rồi."

"Không dám phiền ông. Ông cứ để tôi đi một mình."

Ra về, bác gọi Hoàng đi theo. Đến dưới giàn hoa móng rồng, bác đứng lại. Rượu làm bác bứt rứt và thành thật:

"Cháu biết không, lúc nãy bác nói dối cháu đấy. Bây giờ bác nói thật nhé: câu hát không thanh nhã như thế đâu. Nó tục lắm. Cháu cứ thử thay một chữ mà xem."

Ngày ấy Hoàng còn quá nhỏ, chưa biết cần phải thay chữ gì, vào để câu ca dao trở lại thực chất của nó:

"Cháu không nghĩ ra ạ!"

"Cháu còn bé, chưa nghĩ ra được đâu. Nhưng thôi, nghĩ làm gì. Bao giờ lớn, tự khắc cháu biết, chẳng cần ai bảo."

"Cháu hỏi cậu cháu, bác nhé?"

"Ấy đừng! Cậu cháu không biết đâu, chỉ người như bác mới biết thôi!"

Rồi bác lẩm bẩm:

"Kẻ đầu tiên nào đăt tên cho hoa móng rồng thật đáng mặt tài danh. Lạy Người! Người là ai, để tôi thắp hầu Người mấy nén hương. Tài hoa quá! Khi con rồng vùng vẫy đã quắp móng thì đố ai mà chạy thoát!"

Bác ra về, chân hơi liêu xiêu. Nhà bác ở xa, tận dưới Ngõ Chùa, lối vào chùa Láng. Bác dựng một túp nhà lá ven đường nhựa, nơi chị Tạo con dâu bác bày một chiếc chõng bán đồ khô cho những ai trong làng ngại đi chợ xa.

Ngày xưa chắc hẳn bác Thông cũng là người hào hoa. Cái còn lại của thời vàng son trong bác là lòng tự trọng. Bác ít lên nhà Hoàng, chỉ lên khi đã hết đường xoay sở. Còn anh Tạo thì chẳng khi nào. Anh sợ mang tiếng nhờ vả, quị lụy.

Anh Tạo cũng đã viết văn. Bút danh của anh mang tên chữ của làng Láng: Vũ An Lãng. Anh nghiện hút như phần đông người làm nghệ thuật thời ấy. Hình như họ tin rằng cảm hứng khơi nguồn cho nghệ thuật và mạch nguồn chính là thuốc phiện. Nó đưa người nghệ sĩ đi mây về gió, tự do ra vào xứ sở của mơ mộng, của cảm hứng.

Một năm nào đó Hoàng không nhớ rõ, anh đã tự tử vì thiếu thuốc, thiếu ăn và bế tắc. Anh để lại một cuốn sách: Những bộ áo cà sa đẫm máu. Một tên sách mang đầy bí ẩn. Anh viết gì trong đó: truyện tình, truyện trinh thám hay một kì tình võ hiệp?

Ngày còn ở Hà Nội, Hoàng đã tìm trong các thư viện nhưng không đâu thấy. Vào Sài Gòn cũng không thấy. Nghe nói Thư viện quốc gia Paris lưu trữ nhiều sách Việt Nam ở mọi niên đại, Hoàng cũng đã tới tìm nhưng vẫn không thấy. Chừng như cuốn sách đã tiêu tan cùng với người sinh ra nó.

Còn hai câu ca dao mà bác Thông đọc cho Hoàng nghe, thật là thế nào? Bác qua đời đã lâu chẳng còn ai để hỏi nhưng khi đã thực sự là đàn ông, Hoàng dễ dàng đoán ra ngay. Thanh hay tục, tùy người đoán định: nó chỉ nói rõ và làm đẹp cái sức thu hút mãnh liệt của người đàn bà.

Một buổi trên hè đường Paris, một mùi thơm thoảng đến với Hoàng. Mùi bánh kẹo ngòn ngọt lẫn với mùi hoa nhè nhẹ, một pha trộn giữa trần tục và huyền ảo. Kí ức Hoàng chợt thức tỉnh: mùi hoa móng rồng, mùi quen thuộc buổi còn thơ. Từ đó Hoàng nhận ra không thiếu gì phụ nữ Paris dùng loại nước hoa có mùi thơm quyến rũ này. Một mùi thơm rất hợp với bản chất mời gọi của đàn bà.

Vì đâu đã có hai câu ca dao ấy để bác Thông đọc cho Hoàng nghe? Có lẽ ở thời của bác, nhiều ca nữ chốn Thần Kinh [1] đã từng ra đất Hà Thành. Những bậc tài danh ấy, với tiếng hát và nhan sắc toàn vẹn, hình hài thơm nức, đã làm nghiêng ngửa không ít các chàng phong lưu công tử đất kinh kì. Đến thời mình, Hoàng không thấy ai nói tới các Nàng ca nữ ấy nữa nhưng câu ca dao thì vẫn còn đó:

Nàng trong xứ Huế nàng ra
... nàng thơm ngát như hoa móng rồng

*

Hàng hiên phía tây cũng là nơi Hoàng thường ngồi buổi sớm mùa hè, chờ cho tan cơn ngái ngủ để lại bắt đầu một ngày chạy nhẩy. Qua những kẽ lá của giàn hoa móng rồng, một khoảng đường nhựa lác đác người đi lại hiện ra trước mắt Hoàng.

Đầu tiên là những người tưới vườn. Họ làm việc tự bao giờ, khi mặt trời chưa mọc. Lúc Hoàng thức giấc đến ngồi bên hiên thì đã thấy họ thoăn thoắt xuống vục nước dưới dòng Tô Lịch, gánh đôi thùng gắn vòi sen lên tưới tràn trề những "lạnh" rau xanh ven đường nhựa.

Rồi đến những cô hàng rau làng Láng. Các cô vừa trò chuyện ríu rít vừa bước vội cho kịp tầu điện đi vào thành phố. Họ gánh những gánh rau xanh mướt, đung đưa trên vai, rất đầy nhưng có lẽ cũng rất nhẹ vì phần lớn là rau gia vị: rau thơm rau mùi, thì là cải cúc, kinh giới tía tô, lá chua me... trong đó rau thơm, người Hà Nội gọi bằng húng Láng, là thứ mà ngoài đất Láng, nơi nào trồng cũng biến thành rau bạc hà.
Sau họ là ông phó cạo Hai Mạ. Ông là người đi sớm nhất trong số người lao động từ các làng dưới đi lên. Hoàng không biết rõ ông là người đâu, dưới Cót hay dưới Trung Kính.

Ông Hai Mạ có một "hiệu" hớt tóc trên Cầu Giấy, ngay sau cầu, trông xuống dòng Tô Lịch. Gọi là "hiệu" cho sang, thật ra chỉ là một lều chợ, có mái che, nhưng bốn phía trống trơn không có vách. Bàn để gương và ghế ngồi cho khách ông gửi trong xóm, sớm ông mang ra, chiều lại mang vào.

Ngày Hoàng còn nhỏ, người ta gọi cắt tóc là húi đầu. Thoạt tiên Hoàng húi trọc, "cho mát" như mẹ Hoàng nói, rồi sau húi kiểu "móng lừa". Trong nhiều năm Hoàng là khách quen của ông Hai, chỉ đi hiệu khác tận ngoài Hà Nội, khi Hoàng đã lớn, bắt đầu để tóc rẽ và nhận ra ông Hai chỉ là một bác phó cạo nhà quê, cắt chẳng đẹp chút nào.

Hoàng thích cắt ở "hiệu" ông chỉ vì ông rất chiều khách. Mỗi tháng một lần đi cắt tóc, mẹ Hoàng cho năm hoặc sáu xu thì ông chỉ lấy ba. Hình như ông biết được mẹ đã cho Hoàng bao nhiêu:

"Đầu cậu dễ húi, tôi lấy ba xu, còn mấy xu để cậu ăn quà."

Hoàng không ăn quà mặc dù bánh tôm, thịt bò khô, cà cuống luộc... bán ở cửa trường Sinh Từ nơi Hoàng học, rất hấp dẫn. Tiền đó Hoàng để mua một số kì tình võ hiệp xuất bản trong tuần, hoặc góp lại để mua một con chim cảnh của ông lái chim Cả Bõm. Từ lâu Hoàng mơ ước có được con khướu hai má điểm hai đám lông trắng của ông.

Tiếp theo ông Hai Mạ thường là cậu bé Doãn Nho [2] , một cậu học trò cùng lứa tuổi với Hoàng. Cậu là người dưới Cót. Đều đặn hàng ngày, tay sách hộp vĩ cầm, cậu đi sớm lên bến tàu điện ra Hà Nội: cậu học âm nhạc ngoài ấy.

Sau cậu bé Doãn Nho, Hoàng sốt ruột chờ đợi một người. Người ấy luôn luôn ăn mặc chỉnh tề: âu phục bằng đũi chuội trắng, mũ trắng, đôi giày bata cũng màu trắng.

Đó là thầy giáo Phú.

Thầy giáo Phú cũng là người dưới Cót, còn rất trẻ, cha mẹ học trò nhiều người gọi ông là cậu giáo Phú. Ông dạy trường Quan Hoa, một trường tư của ông giáo Mai mở đến lớp ba, trong lối vào xóm Quan Hoa, bên lề Cầu Giấy. Mấy năm trước, Hoàng cũng học hè ở trường này.

Hoàng không còn nhớ vì sao mà Hoàng lại ghét thầy giáo Phú đến thế. Có lẽ do Hoàng đã bị ông phạt oan nhân một vụ nghịch ngợm gì đó của đám học trò ở trường.

Khi thầy giáo Phú sắp đi qua thì Hoàng hết cả ngái ngủ và cuộc ngắm nhìn buổi sáng cũng chấm dứt. Hoàng ra tận đầu ngõ, đánh vần thật to:

"Pê hát u phu sắc c... ứt. Pê hát u phu sắc..."

Rồi Hoàng bỏ chạy.

Anh, chị mắng Hoàng:

"Sao em lại thế? Ông Phú tuy chỉ dạy hè nhưng cũng đã từng là thầy giáo của em. Đối với thầy như thế là rất mất dạy. Ông ấy mà vào mách cậu mợ thì em chết."

Ít khi anh chị của Hoàng nói với Hoàng những lời nghiêm khắc như thế. Thầy giáo Phú cũng chẳng bao giờ vào mách cha mẹ Hoàng. Ông thong thả đi qua cổng ngõ Song An, thản nhiên như chẳng có điều gì xảy ra. Đôi khi bất chợt gặp ông trên Cầu Giấy, mặt đối mặt, Hoàng sờ sợ vì không còn ở gần nhà để có chỗ lẩn trốn nhưng ông cũng chẳng nói gì.

Hoàng ân hận đến tận lúc trưởng thành. Sau ngày tiếp thu Hà Nội, Hoàng có ý định vào thăm và xin lỗi ông về chuyện nghịch ngợm ngày nhỏ. Hỏi tin mới biết ông cũng đi bộ đội như Hoàng và ông đã hi sinh ngoài kháng chiến.

Những ngày phiên chợ Bưởi, Hoàng ngồi dưới giàn móng rồng rất lâu, chờ ông lái chim Cả Bõm đi qua. Ông cũng người dưới Cót. Ông gánh một gánh lồng chim đủ loại: họa mi, khướu bạc má, gi đá, gi sừng, chào mào, vành khuyên, sáo đen, sáo sậu, vàng anh... Có khi ông bán cả cò ngà, không phải thứ cò để vặt lông nấu xáo mà thứ cò người ta nuôi thả trong nhà cho bắt ruồi.

Hoàng lẽo đẽo theo ông đến tận đầu dốc Cầu Giấy, lối lên chợ Bưởi. Hết đi bên phải gánh chim, Hoàng lại chạy sang nhìn dãy lồng bên trái.

Lũ chim rất dạn, chẳng thèm chú ý đến Hoàng, con thì mổ hạt, con thì nhẩy tí tách, có con vươn cổ hót véo von. Chỉ lũ cò ngà là lặng lẽ. Con nào cũng co cổ lại vì cái lồng quá thấp so với chiều cao của chúng. Ngoài trời rộng, chúng chập chờn bay lượn, mở rộng đôi cánh trắng nhưng trong lồng chúng đứng ủ rũ, buồn thiu.

Một lần ông Cả Bõm hỏi:

"Cậu thích con nào, mua mở hàng, tôi bán rẻ cho."

"Mấy hào con khướu bạc má hả ông?"

"Cả lồng, người khác thì phải năm hào, nhưng tôi lấy cậu ba hào thôi."

Hoàng biết ông Cả Bõm nói thật vì chỉ riêng con khướu bạc má như của ông, ngoài chợ Đồng Xuân đã bán năm hào. Ông bán rẻ hơn do ông làm lấy được lồng vào những ngày nghỉ vì không có phiên chợ.

"Ba hào thì cháu chẳng đủ tiền."

"Có bao nhiêu đưa tôi cũng được, còn thiếu tôi cho chịu."

"Cháu chẳng mua chịu, để ông đòi mợ cháu thì cháu chết."

"Cậu mua thì đời nào tôi lại dám đòi bà. Tôi chỉ đòi cậu thôi. Mà tôi không đòi đâu, lúc nào có thì cậu trả.
Hoàng trả cho ông hai hào, còn một hào thì phải mấy tuần sau Hoàng mới trả hết."

Ông Cả Bõm giảng giải:

"Khướu mái chỉ biết gù mỗi một điệu khư... ư... ư... khư... ư...ư... Nhưng con bạc má của tôi là khướu đực, nó hót đủ giọng. Nó học được mọi tiếng chim, rồi cậu xem. Cậu chịu khó cho nó ăn gạo trộn trứng cho quen, lỡ sổng ra nó sẽ lại bay về. Nó không bao giờ xa cậu đâu."

Hoàng treo lồng chim dưới giàn móng rồng, đêm nào trời lạnh mới đem vào nhà.

Con khướu bạc má mua của ông Cả Bõm là con chim tuyệt diệu. Tháng ba vào hè, khi chim từ quy và chim gọi vịt từ trên rừng về dưới lũy tre làng, con khướu theo chúng hót "Quy... Quy... Quy..." và gọi những tiếng thăm thẳm "Vịt! Vịt! Vịt!". Mùa vải chín, khi nghe tiếng chim tu hú rộn ràng bay về từ những vườn vải đỏ tực, nó bắt chước kêu vang "Tu hú! Tu hú!". Và khi chim vàng anh tìm về Chùa Thưa ăn ruối chín, con khướu lại hót những tiếng vừa thánh thót vừa bâng khuâng của bọn vàng anh.

Anh An, một người anh đằng ngoại cùng học trường huyện với Hoàng, yêu thích và gần gũi thiên nhiên, đã đứng rất lâu bên lồng khướu. Ngày ấy các rặng cây rợp bóng mát ven đường Láng còn đầy ắp tiếng chim, anh thường lắng nghe và bắt chước, nhờ đó có biệt tài phiên âm tiếng hót của chúng sang tiếng nói loài người.

"Lắng nghe xem, bọn vàng anh dạy con khướu hót "Cô nàng... cô nàng đánh võng!" Nhắm mắt lại nghe mới rõ."

Làm theo anh, Hoàng đứng trước lồng khướu, mắt nhắm nghiền. Từ xa xăm chợt như vọng đến tai Hoàng tiếng con "vàng ảnh vàng anh" trong cái phần đầu đáng yêu (không phải cái phần sau đáng sợ) của truyện Tấm Cám: "Cô nàng... cô nàng đánh võng..."

Một buổi Hoàng vô ý không cài kĩ cửa lồng, con khướu bạc má đã bay đi. Ông Cả Bõm đi chợ qua, Hoàng lẽo đẽo đi theo ông, than thở:

"Con bạc má của cháu bay đi mất rồi, ông Cả ơi!"

"Nó bay mất rồi à? Tiếc quá! Sao cậu không nghe tôi, cho nó ăn gạo trộn trứng cho nó quen."

"Có mà. Suốt từ ngày nó về, cháu chẳng cho nó ăn gì ngoài gạo trộn trứng."

"Thế thì lo gì. Trong rừng lấy đâu ra gạo trộn trứng cho nó ăn, mai mốt nó lại về với cậu. Cậu chịu khó đợi vài ngày, nếu nó vẫn không về thì hôm nào tôi biếu cậu con khác."

Vài ngày sau, con khướu bạc má trở về. Nó gọi về theo một con khướu mái, má không có hai đốm bạc như má nó, lông màu gỗ mun. Nó chui vào lồng, trong lúc con khướu mái không dám vào, bám trên một ngọn lá móng rồng, thò mỏ qua nan lồng mổ gạo trộn trứng trong cóng sứ.

Từ đó cửa lồng không bao giờ cài. Đôi khướu muốn về lúc nào thì về, muốn bay đi lúc nào thì bay, cóng sứ trong lồng bao giờ cũng đầy gạo trộn trứng. Thỉnh thoảng ngoài giàn móng rồng lại vang lên tiếng hót của con bạc má bắt chước tiếng tu hú hoặc chim vàng anh: "Cô nàng... cô nàng đánh võng... đánh võng!".

Ngày hòa bình, trong chuyến về phép đầu tiên, Hoàng đã xuống làng Cót thăm ông Cả Bõm. Nhà ông ở trong ngõ, gần chợ Cót. Qua một mảnh sân gạch nhỏ, Hoàng bước lên hàng hiên. Một dãy lồng rất đẹp treo trên xà ngang, nan lồng gài những mảnh gương lấp lánh cho chim soi nhưng chiếc nào cũng trống rỗng.

Ông Cả Bõm đã già, mắt kèm nhèm, hai má đã hõm. Ông nghỉ chợ từ lâu.

"Cậu Hoàng đấy phải không, ông thều thào hỏi. Quý hoá quá! Cám ơn cậu đã cất công xuống nhà tôi. Cái ngày cậu mua con khướu bạc má dễ đã hơn mười năm rồi nhỉ?"

"Hơn mười năm rồi, ông Cả ạ."

"Dạo này cậu còn nuôi con chim nào không?"

"Không ạ, cháu đang ở bộ đội."

"Có sao đâu! Thiếu gì người lớn mà vẫn nuôi chim. Khi nào ở bộ đội về lại nuôi tiếp."

"Chắc chẳng bao giờ nữa, ông Cả ạ."

Sẽ chẳng bao giờ Hoàng nuôi chim nữa. Ngày nào ở bộ đội về, đã lớn tuổi, phải đi học rồi tìm việc, lấy vợ, sinh con và nuôi con... Mọi cái đều phải làm từ đầu, còn đâu tâm trí và thời giờ nhàn rỗi để nuôi chim. Đời qua nhanh quá, hôm nay con người đã không có dịp làm lại việc hôm trước, nói gì đến việc ngày bé, việc trôi qua đã mười năm!

*

Chiến khu Việt Bắc thăm thẳm một màu xanh, trùng trùng điệp điệp núi rừng. Các cơ quan và các gia đình tản cư dưới xuôi lên, muốn được yên ổn lâu dài, thường sơ tán vào những vùng xa xôi hẻo lánh. Những vùng đất dữ, những ổ sốt rét, mà tên gọi được gắn liên với nước độc ma thiêng.

Ngày tản cư lên Tuyên Quang, gia đình Hoàng đã ở nhiều vùng như thế. "Nước làng Là, ma Hoàng Pháp", "Nước Bình Ca, ma Đèo Khế"...

Còn bây giờ là Hào Gia. "Nước Hào Gia, ma Cường Thịnh". Đó là một vùng heo hút của tỉnh Yên Bái, nơi đóng cơ quan của vợ chồng chị Đạt, người chị thứ hai của Hoàng.

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, mọi anh chị trong gia đình Hoàng đều công tác ở Yên Bái. Người anh lớn đã chuyển từ đoàn Thanh niên xung phong về cơ quan Tuyên huấn tỉnh ủy, ngày đó còn gọi là Ban Nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Vợ anh, chị Nhật, phụ trách y tế của Tỉnh hội Phụ nữ. Chị hai công tác văn phòng tại ty Thông tin mà anh Liu, chồng chị, là trưởng ty.

Ngày ấy, hoạt động của ngành bưu điện còn thất thường. Những tin tức hiếm hoi thường được trao đổi qua lời nhắn. Biết người đi ngược đường với mình sẽ qua nơi gia đình mình tản cư, thế là có thể gửi gắm vài lời: "Xin tìm nhà mẹ tôi tản cư ở đó và nói giúp tôi vẫn mạnh khỏe bình yên"...

Trong gian khó, người ta thương mến nhau biết bao. Những lời nhắn tưởng như bâng quơ ấy nhiều khi đã đến nơi, dù người nhắn hộ là người không quen, chỉ gặp nhau giây lát trong lúc ngừng chân bên quán nước trên đường hành quân, công tác.

Vì chưa đến tuổi thành niên, đang chờ ngày thoát li, Hoàng là người chạy tin của gia đình, thay chân Bưu điện. Lâu lâu không được tin tức cha Hoàng, mẹ bảo:

"Mợ sốt ruột quá, chẳng biết bây giờ cậu ở tận đâu. Con thu xếp đi thăm cậu một chuyến giúp mợ, xem cậu có được mạnh khỏe không?"

Thế là ba lô lên vai, mang theo chút quà mẹ gửi, Hoàng đi bộ sáu bảy ngày, sang tận Thái Nguyên Bắc Cạn, hỏi thăm tới cơ quan của cha Hoàng, vài tháng sau mới trở về.

Khi muốn biết tin các anh chị Hoàng, mẹ bảo :

"Con thu xếp vài tuần sang bên ấy xem các anh chị công tác ra sao?"

Lại ba lô lên vai, Hoàng sang Yên Bái và ở lại với các anh chị bên ấy mấy tháng.

Hoàng lên cơn sốt rét đầu tiên ở Hào Gia. Chị hai cũng sốt. Mỗi ngày mỗi cơn, rét đến rung chiếu rung giường.

Sốt rét làm Hoàng trở nên uể oải và lười biếng. Hoàng sợ tắm giặt. Những ngày nắng ấm, Hoàng ra ngoài đồi sưởi nắng. Ngồi khuất bên những gốc sim, Hoàng cởi áo ra để coi có những con gì bò buồn buồn trong ấy. Hoàng cũng có rận, chẳng khác gì người Quốc dân quân của tướng Lư Hán ngày nào vào trú nhờ trong Song An.

Chẳng biết chị hai có trông thấy Hoàng ngồi ngoài đồi tìm rận không nhưng chị đã kiếm củi đun một nồi nước sôi cho Hoàng trụng chăn màn quần áo. Chị lẳng lặng làm, không nói một lời.

Cuối cùng chính Hoàng đã thú nhận :

"Em có rận đấy chị Đạt ạ. Nó đốt ngứa lắm."

"Trụng nước sôi vài lần là hết ngay đấy mà. Em chịu khó đun nước nóng mà tắm. Mang nồi xuống suối, nhặt củi rồi chụm bếp mà đun."

"Cậu mới khổ! Chị biết không, ngày em lên Bắc Cạn..."

Cái ngày lên Bắc Cạn, tìm mãi mới đến được cơ quan, Hoàng thấy mặt cha Hoàng đầy những vết mẩn đỏ. Người phàn nàn:

"Nhà nào vùng này cũng lắm rệp, đi đến đâu cũng không thoát, mấy tháng nay nó đốt cậu không ngủ được."

Cơ quan sơ tán trong những nhà sàn, người ở trên, trâu nhốt dưới. Nhiều đêm hổ về rình ngay ở bụi nứa đầu nhà, vì thế người ta không dám nhốt trâu ở ngoài, sợ hổ bắt mất trâu. Vài tuần lại di chuyển một lần. Hoàng lấy tăm khều những kẽ nứa trên sàn. Không thấy rệp, chỉ thấy mùi phân và nước đái trâu xông lên nhức mũi.

Cuối cùng Hoàng phát hiện ra rất nhiều rệp trong đường khâu của chiếc cặp da đựng quần áo, đêm đêm cha Hoàng vẫn gối đầu. Rệp không phải trong nhà người ta mà đi đâu cha Hoàng cũng mang sẵn một đàn rệp đi theo...

Chị hai hỏi:

"Thế em có đun nước sôi trụng các thứ cho cậu không?"

"Không đun được nước sôi, em đem tất cả dìm xuống suối rồi lấy đá đè lên."

"Cậu mắt kém, có nhìn thấy gì đâu. Khổ, chẳng có ai đi cùng để săn sóc cậu."

Ngày ấy đã có lần Hoàng đề nghị chị hai xin cho Hoàng đi theo đoàn Tuyên truyền xung phong của ty đang hoạt động trong vùng Nghĩa Lộ. Hoàng thấy trong đoàn có vài ba thiếu niên trạc tuổi mình. Chị hai khuyên:

"Các chú ấy còn ít tuổi quá, anh đang gọi về, gửi các chú ấy đi học. Em cũng vậy, phải đi học. Chị không khuyến khích em đi công tác lúc này. Vài ba năm nữa, khi em đến tuổi, đi công tác cũng chưa muộn."

Rời Hào Gia về Tuyên Quang không bao lâu, địch đánh tới, gia đình Hoàng chạy về Ấm Hạ. Mọi thứ đã gây dựng được đều phải bỏ lại: vườn rau, nương sắn, ruộng khoai. Tất cả phải làm lại từ đầu.

Mẹ Hoàng đã rút được kinh nghiệm. Đời tản cư vô định trôi dạt tùy theo mặt trận, không thể gắn bó với đất đai là thứ không thể mang theo.

"Thôi đừng vỡ đất như mọi khi nữa con ạ. Ruộng vườn chẳng thể khiêng đi. Mợ thấy ngoài chợ Ấm Thượng người ta bán nhiều thuốc lào từ dưới khu Ba đưa lên, con thử mang một ít sang bán bên Tuyên xem sao."

Hoàng ngập ngừng :

"Mợ ạ, việc gì nặng nhọc mợ bảo con cũng làm, nhưng đi buôn thì con... ngượng lắm."

"Sao lại thế, hả con? Buôn bán thật thà không lừa gạt ai thì việc gì mà xấu hổ. Trọng nghề bàn giấy, khinh ghét nghề buôn là một sai lầm từ lâu đời. Đó cũng là một công việc đáng quý như những công việc khác."

Mẹ đặt tay lên vai Hoàng:

"Con lớn lắm rồi. Mợ biết con muốn đi công tác. Bao giờ con đến tuổi, mợ không giữ. Còn ở nhà với mợ ngày nào thì chịu khó giúp mợ nuôi các em."

Ý định của mẹ liền được thực hiện. Cùng với những anh chị em đằng ngoại tản cư với gia đình Hoàng: chị Diễm, cô Bách, anh Bào, ngày ấy đã là thương binh giải ngũ, bốn người gánh bốn gánh thuốc lào theo đường rừng qua Cát Lâm, chợ Hiên sang bán bên Tuyên. Chuyến đầu bao nhiêu là bẽn lẽn, ngượng ngùng nhưng sau miết rồi dần dần Hoàng cũng quen.

Từ ngày ấy sinh hoạt khá hẳn lên và gia đình luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình thế. Khi giặc đánh đến gần, gia đình trở về khu Ba. Cuộc di chuyển lần này thật nhẹ nhàng, chẳng có gì phải bỏ lại: xuôi đò sông Hồng về Sơn Tây rồi chuyển sang đò sông Đáy.

Tới đây, đến lượt các em Hoàng đỡ đần mẹ cho Hoàng đi học. Hoàng học thêm được hai năm. Khi toàn quốc tổng động viên chuẩn bị tổng phản công, Hoàng nhập ngũ. Như phần đông học sinh năm ấy, Hoàng được cử đi học một trường quân sự. Chưa bao giờ các trường quân sự tuyển sinh nhiều như thế. Lục quân, Thủy quân và Không quân, trường nào cũng nhận tới cả ngàn.

Sau khi tốt nghiệp khoa Thông tin quân sự trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Hoàng được điều động vào mặt trận Bình Trị Thiên rồi sang mặt trận Trung Lào.

Từ ngày nhập ngũ Hoàng không được tin tức gì của gia đình và của vợ chồng chị hai. Một buổi trong thành phố Thàkhẹt miền Trung Lào vừa giải phóng, một người đến điện đài tìm Hoàng. Anh là lính của một sư đoàn chủ lực sang phối hợp tác chiến với trung đoàn quân Tình nguyện.

"Chào anh. Có phải anh có ba người em đang học tại trưòng trung học Tân Trào Tuyên Quang? Một em trai, hai em gái."

Hoàng ngạc nhiên nhìn người lính lạ từ Việt Nam xa xôi mới sang, chưa hề một lần gặp mặt:

"Chào anh. Nhưng sao anh biết?"

"Tôi không biết, chưa gặp các em anh bao giờ, nhưng Huệ bạn tôi biết. Huệ quen anh, Huệ nhắn tin cho anh."

"A Huệ! Huệ pháo phải không?"

"Phải. Huệ pháo."

Huệ học cùng khóa Lục quân với tôi bên Trung Quốc nhưng khác lớp, một đứa pháo binh, một đứa thông tin. Huệ quen gia đình tôi.

Biết tôi sang bên này, Huệ bảo tôi: "Sang Trung Lào gặp ai làm điện đài thì người đó là anh."

Người lính sư đoàn chủ lực đã cho Hoàng biết tin tức gia đình. Lại những tin tức mang đi bởi bạn của một người bạn, những tin tức cầu may. Ngành điện đài gọi đó là những tin tức "phát mù", [3] phát đi cho một đối tượng không bắt được liên lạc trong một phiên việc đầy nhiễu loạn, nhưng chúng đã đến đúng địa chỉ.

Như một cơn mơ dữ dội. Việt Nam đang cải cách ruộng đất. Chồng chị hai, lúc đó không còn ở Hào Gia mà đã được thuyên chuyển làm chủ tịch ủy ban huyện Hạ Hòa, bị quy là địa chủ cường hào gian ác. Cả anh và chị hai đều bị đình chỉ công tác. Anh chị đem các cháu trở về Tuyên Quang. Ngày ngày anh dậy sớm, đeo kính đi cày.

Người lính từ Việt Nam sang, thì thầm:

"Huệ dặn tôi đừng quên nói người anh rể của anh cận thị, lúc nào cũng phải đeo kính."

Chi tiết ấy cốt để làm tin. Nhưng sao lại có thể như vậy? Làm sao mà người anh rể hiền lành của Hoàng, lúc nào cũng tận tụy với công tác, tử tế với mọi người, bỗng nhiên biến thành địa chủ cường hào gian ác? Hai từ "gian ác" ám ảnh Hoàng. Chính trị thay đổi nhanh quá, đột ngột quá, biết gửi gắm niềm tin của ta nơi nào?

Hoàng lo lắng. Khóa học của Hoàng là nơi đầu tiên thử nghiệm phương pháp tư tưởng Trung Quốc trước khi đưa vào Việt Nam. Ngày ấy Vân Nam đang "cải cách thổ địa". Không khí khủng bố bao trùm khắp nơi.

Người ta tổ chức cho nông dân những đại hội tố khổ rồi thành lập tòa án để xử bắn tại chỗ những người bị quy kết là địa chủ cường hào gian ác. Lấy chuẩn mực gì để quyết định? Rất giản đơn: kẻ nào bị nông dân căm thù, kẻ đó có nợ phải trả.

Thời trung cổ được tái hiện, không khác gì trong tuồng "Bao Công xử án": viên chánh án áo vải đọc một án lệnh do đội cải cách viết sẵn rồi rút một lệnh bài ném xuống đất. Dân quân xô đến, gí súng vào đầu nạn nhân, bóp cò.

Trong khi nạn nhân ngã vật xuống, còn đang co giật thì một nạn nhân khác được dẫn vào trường đấu. Lát sau, một lệnh bài nữa lại được ném ra trong tiếng hò hét của đám đông cuồng nộ.

Xác nạn nhân được phơi trên hiện trường để thị uy. Vân Nam có loài chó rừng mà tiếng địa phương gọi là "xà cứu". Đêm xuống, bọn "xà cứu" sẽ đến thu dọn sạch sẽ đấu trường.

Tất cả những điều ấy đã được rập khuôn đem vào Việt Nam. Từ năm 53 đến năm 55 của thế kỉ trước, một không khí khiếp sợ bao trùm đất nước.

Từ chiến trường xa, Hoàng không có cách gì để chia sẻ nỗi bất hạnh và an ủi vợ chồng chị hai. Trước biến động xã hội, mọi con người bình thường đều bất lực.

Dù sao những cái quý nhất của mỗi người là đời sống và tình yêu thì anh chị hai vẫn giữ được nguyên vẹn. Không dễ gì mà có được hai nền tảng ấy.

Quyền lực đâu có tồn tại vĩnh viễn. Đối diện với nó, người thua thiệt có một vũ khí, đó là lòng kiên nhẫn.
Ngày ấy, dù không nhắn nhủ được gì với anh chị hai, Hoàng vẫn tin chắc những biến động của thời cuộc sẽ qua đi, nhiều cơ may mới sẽ đến và với lòng kiên nhẫn, anh chị sẽ tìm lại được những gì đã mất.

 
Chương 4

Người thượng sĩ văn thư đã ra khỏi văn phòng Cục trưởng. Trong phòng chỉ còn lại mình ông. Lúc ấy, Hoàng và người bạn mới xin vào.

Xưng hô với ông thế nào bây giờ? Ông đại tá đã giữ nhiều trọng trách trong quân đội. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ngày cách mệnh mới thành công và giờ đây, là Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc.

Ông là thủ trưởng của Hoàng, đồng thời là thầy học khi Hoàng học bậc tiểu học và huynh trưởng khi Hoàng tham gia phong trào Hướng đạo. Ngoài ra ông còn là bạn của cha Hoàng, hai người cùng học một khóa trường Bưởi, tuy rồi mỗi người một nghề: ông đi dạy học còn cha Hoàng thì làm thư kí kế toán ở sở Tài chính Đông Dương.

Hoàng đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ, chào theo lễ tiết quân sự. Rồi buông tay xuống, Hoàng ngập ngừng:

- Thưa bác, con là...

Hoàng gọi ông là bác, như ngày nào theo cha Hoàng đến thăm ông. Ông đại tá nhận ra ngay người học trò cũ. Ông chỉ vào mấy khúc gỗ cưa ngắn dùng làm ghế ngồi, đặt trước bàn làm việc của ông:

"Ngồi xuống đây!"

Người bạn Hoàng vội đứng nghiêm, đưa tay lên chào trước khi ngồi.

"Thưa bác, anh Giáp bạn con."

Ông đại tá gật đầu chào lại rồi vui vẻ:

"Ngồi cả xuống đây. Nào, trước hết cho tôi biết: hai bác hiện giờ đang ở đâu, làm gì? Bị kẹt lại trong Hà Nội hay tản cư ra ngoài này?"

"Cha con đi theo Bộ Tài chính trên Bắc Cạn. Mẹ con và ba đứa em nhỏ tản cư bên Tuyên Quang."

"Hai bác có mạnh khỏe không? Bác gái làm gì?"

"Cám ơn bác, cả nhà con đều mạnh khỏe. Mẹ con mở một cái quán nhỏ gần thị xã Tuyên Quang, trên cây số 2 đường lên Hà Giang."

"Cuộc sống có ổn định không?"

"Thưa bác cũng tàm tạm đủ, như những gia đình tản cư khác."

"Từ xưa bác gái đã tháo vát lắm. Nhưng vừa chạy giặc, vừa nuôi một bầy con nhỏ, đâu có dễ dàng. Ngày nào có dịp đi qua, tôi sẽ ghé thăm bác. Còn bây giờ, có chuyện gì vậy?"

"Thưa bác, lớp Cán sự trung cấp Vô tuyến điện chúng con đang theo học đã giải tán."

"Tôi biết. Lãnh đạo Cục đã bàn nhiều về chuyện này. Đồng chí chính ủy mới về không muốn duy trì lớp trung cấp."

Ngày ấy, quân đội tổ chức theo khuôn mẫu Hồng quân Liên Xô và Giải phóng quân Trung Quốc, quyền chỉ huy thực sự không nằm trong tay các chỉ huy trưởng mà nằm trong tay các chính ủy. Họ nắm mọi quyền hành trong tổ chức đảng và nắm quyền quyết định cuối cùng trong mọi công việc xây dựng, huấn luyện và tác chiến của đơn vị.

Ông đại tá chính ủy mới về muốn xây dựng Cục Thông tin liên lạc theo mô hình trong óc ông. Sao lại mở một lớp trung cấp cho mấy anh học trò mới rời ghế nhà trường?

Cái tên đã mang lại rủi ro cho lớp học. Cán sự trung cấp! Đã cán sự, lại còn trung cấp! Hai chữ "trung cấp" ám ảnh ông. Chỉ cái tên cũng đã gây đầu óc địa vị, gây sự suy bì của cán bộ trong Cục, ông nghĩ vậy.

Ông đại tá chính ủy lầm cán bộ trung cấp trong chuyên môn, trong kĩ thuật với cán bộ trung cấp trong quân sự. Cán bộ trung cấp trong quân sự bắt đầu từ cấp tiểu đoàn, chỉ huy năm, sáu trăm quân. Còn cán bộ trung cấp trong kỹ thuật chỉ là anh tổ trưởng hoặc trưởng kíp, giỏi lắm thì điều khiển mươi người thợ.

Chẳng hiểu sao ông chính ủy mới về lầm lẫn ngay cả trong những điều rất đơn giản này! Nhưng ông không nghe ý kiến bất cứ ai. Thực hiện quyền tối hậu quyết định, ông cho lệnh giải tán lớp học.

Trực tiếp gặp Đại tá Cục trưởng, Hoàng muốn xin ông một sự chú ý. Hoàng và Giáp đều là học viên trường Thủy quân, được cử sang học lớp chuyên môn bên Cục Thông tin. Đi mà vẫn hướng về trường, đầu họ luôn vương vấn những biển xa, những bến cảng, những chuyến "hải hành" chưa bao giờ thực hiện. Giờ đây lớp học đã bị giải tán, nguyện vọng được trở lại trường cũ, chắc ông đại tá sẽ vui lòng giúp Hoàng và bạn Hoàng.

"Thưa bác, lớp giải tán, chúng con muốn xin..."

"Được, ta sẽ bàn. Nhưng anh ra sao rồi? Tôi nhớ ngày xưa anh nghịch lắm."

Năm ấy, ông đại tá còn là thầy giáo Thúy. Ông dạy lớp nhất, lớp cuối cùng của bậc tiểu học 6 năm ở trường Sinh Từ, trường cấp 1 Lý Thường Kiệt ngày nay. Ông đi chiếc xe đạp "cuốc", xe dành cho các tay đua, nhưng tay lái đã lắp ngược, phía dưới lật lên trên. Ông bảo như thế được ngồi thẳng lưng, không phải cúi. Với dáng ngồi cao lênh khênh ấy, lũ học trò nhỏ luôn nhìn thấy ông từ xa, vượt trên dòng người xuôi ngược giữa đường phố.

Ông mang một vẻ bề ngoài rất nghiêm khắc nhưng lòng rộng rãi, độ lượng. Không bao giờ ông làm nhục hoặc đánh đập học trò như nhiều thầy khác ở trường: bắt quỳ trước bảng đen, mặt hướng về phía lớp học rồi cho các bạn nhao nhao chế riễu, bắt chụm các đầu ngón tay và vụt mạnh bằng thước kẻ, bắt đứng úp mặt vào tường rồi quất cái thước kẻ bảng to tướng vào mông. Hình phạt nặng nề nhất ở lớp của ông là đứng xó tường, bị bỏ quên chẳng ai nhắc tới, trong khi bạn bè vẫn vui vẻ học tập.

Vừa là nhà giáo, vừa là huynh trưởng Hướng đạo, ông luôn nghiêng về xây dựng nhân cách và khuyến khích tính ham học hơn là trừng phạt.

Ngày còn học ông, Hoàng là một đứa trẻ khỏe mạnh, cao lớn hơn hẳn các bạn cùng lớp và rất hiếu động. Năng lượng dồi dào tích lũy trong người Hoàng lúc nào cũng cần được xả ra ngoài. Tay chân Hoàng luôn luôn ngứa ngáy, muốn chạy nhảy, muốn vùng vẫy. Không đám đánh nhau nào thiếu mặt Hoàng. Không một trò nghịch ngợm ranh mãnh nào không có Hoàng trong bọn đầu têu.

Ông giáo đã nhiều lần phạt Hoàng đứng xó tường, bỏ mặc Hoàng cả buổi trong đó, nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Cuối cùng, ông khuyên:

"Thầy cũng đến chịu mày, mày nghịch quá, con ạ! Con làm cha mẹ con rất phiền lòng. Cha con đã nhiều đến lần phàn nàn với thầy. Về xin với cha mẹ cho vào "Sói con", rồi lớn lên vài tuổi nữa, vào Hướng đạo, trở thành một Tráng sinh cường tráng, yêu đời. Sức lực thừa trong con sẽ không bị bỏ phí mà được dùng cho những việc có ích."

Theo lời khuyên của ông, cha mẹ Hoàng đã cho Hoàng vào một bầy "Sói con" mang tên Hai Bà Trưng: "Bầy Hai Bà". Từ ngày ấy, Hoàng được đi cắm trại ngoài trời với bè bạn cùng lứa tuổi. Leo núi. Tắm biển. Bơi lội. Thăm các danh lam thắng cảnh và học những bài học lịch sử ngay trên thực địa. Đốt lửa trại. Ca hát. Đóng những vở kịch một thời rất được lứa thanh thiếu niên ưa chuộng: Ải Chi Lăng, Trần Nguyên Hãn, Hội nghị Diên Hồng... Học yêu thương. Học làm việc thiện. Học cứu giúp những người hoạn nạn. Học cách tìm dấu vết, cách nhận đường, cách liên lạc bằng tín hiệu. Học nấu ăn. Học nói trước đám đông. Học cách ứng xử để chuẩn bị vào đời. Năng lượng thừa trong Hoàng đã có chỗ dùng.

Mỗi chiều thứ bảy, ở lớp có buổi "Đọc sách giải trí". Giờ đó, mọi học sinh đều mong mỏi, chờ đợi từ những buổi học giữa tuần. Ở nhiều lớp, các thầy cho đọc những truyện Tàu như Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Tây du, 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, vừa giải trí cho học sinh mà cũng vừa giải trí cho chính mình.

Ở lớp ông thì khác. Để gợi cho học sinh lòng yêu nước, một hành động nguy hiểm dưới thời thuộc địa ngặt nghèo mà không phải ai cũng dám làm, ông cho đọc Lê Lai cứu chúa, Con voi già của vua Hàm Nghi, Cao Thắng tướng quân, rồi Cậu bé làng Ủng, Hoài Văn Hầu,. [4] Có khi là truyện tiếng Pháp: Le maquy et l’étudiant, La vengeance du serpent. [5]

Nếu là truyện tiếng Pháp, ông đọc thong thả và giảng nghĩa, bình luận. Truyện tiếng Việt, ông cho học trò đọc luân phiên. Mỗi lần đến lượt Hoàng là cả một sự kiện. Hoàng xin mang sách về nhà, đọc trước cho trơn chu.

Trước ngày Hoàng lên học lớp nhất, cha Hoàng ít khi cho anh chị em Hoàng đọc truyện tiếng Việt, sợ các con ham mê, xao lãng học hành. Cha Hoàng chỉ chăm chú dạy thêm tiếng Pháp: học thuộc lòng những bài văn mẫu để làm giàu vốn từ vựng, chia động từ, phân tích từ và phân tích câu, đọc sách, viết chính tả, làm luận.

Sau khi kiểm tra những cuốn truyện Hoàng mang về, cách nhìn nhận với sách tiếng Việt của cha Hoàng đã rộng rãi hơn. Hoàng được phép đọc những sách có ích, trừ sách cha Hoàng xếp vào loại "nhảm nhí": truyện trinh thám, kiếm hiệp, ngày nay gọi là truyện chưởng.

Nhiều khi, Hoàng đi quá xa cái giới hạn đã được cha Hoàng vạch ra. Hoàng đọc mê mải tất cả những gì rơi vào tay: từ sách Hồng dành riêng cho học sinh, sách của hội Truyền bá quốc ngữ, của Tự lực văn đoàn đến Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san... Hoàng đọc cả truyện trinh thám và những "kỳ tình võ hiệp" mà cha Hoàng nghiêm cấm, thuê ở các hiệu sách, đã được đóng thành từng tập mỏng, đọc không những ở nhà mà ở cả lớp học: một mắt Hoàng ngó lên bảng, mắt kia liếc xuống cuốn truyện mở rộng, giấu dưới ngăn bàn.

Những truyện này phải giấu kĩ. Chỗ giấu an toàn nhất lại là chỗ phơi bày nhất: Hoàng thường để những tập sách mỏng rất dễ lẫn với sách giáo khoa ấy trong cặp mà cặp vẫn không bị phồng to. Có lẽ khi đóng những truyện "kỳ tình võ hiệp" dày cộp thành nhiều tập mỏng, ngoài mục đích để cho thuê được nhiều lần, thu nhiều tiền, các tiệm sách còn làm cho sách của họ dễ được học sinh giấu kỹ và dễ chuyền tay.

Trong nhiều năm, cha Hoàng không phát hiện ra điều đó: ông luôn luôn tin tưởng ở các con nên không bao giờ kiểm tra cặp của anh chị em Hoàng. Họ cũng không bao giờ lục cặp của nhau, đó là một lãnh vực riêng, được coi là không thể xâm phạm, không ai động chạm tới.

"Nào, nói cho tôi nghe, anh ra sao rồi? Tôi không nhớ rõ anh học trường Sinh Từ năm nào? Năm 43 hay 44?"

"Thưa bác năm 43. Sau ngày học bác, con thi vào trường Bưởi. Ngày Cách mạng thành công, trường đã đổi tên thành trường Chu Văn An. Ra ngoài kháng chiến, con học tiếp vài năm ở trường Bích Tràng bên Hưng Yên rồi nhập ngũ vào trường Thủy quân. Nhà trường cử con và anh Giáp đi học Thông tin để về xây dựng ngành Thông tin Thủy quân cho binh chủng. Xin bác cho chúng con trở về trường cũ."

"Ngày đi học, có khả năng về các môn gì?"

"Sau khi thi Trung học phổ thông, chúng con đều học chuyên khoa Toán Lý."

"Tốt lắm. Các ngành kỹ thuật của quân đội đều cần kiến thức về khoa học tự nhiên. Vẫn còn muốn tiếp tục theo học ngành Thông tin chứ? Tôi sẽ thu xếp."

Ông đại tá nói tiếp:

"Trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, quân đội cần đào tạo gấp cán bộ cho các binh chủng kỹ thuật. Nhu cầu rất lớn. Vì thế mới động viên học sinh tất cả các trường văn hóa nhập ngũ. Có văn hóa và lòng yêu nước, anh em sẽ mau chóng nắm được kỹ thuật mới."

Ông lục tìm trong tập hồ sơ, lấy ra một công văn:

"Tôi vừa đọc công văn tuyển sinh của trường Lục quân. Năm nay, trường mở khoa Thông tin đầu tiên, đào tạo sĩ quan Thông tin chính quy. Cục sẽ cử một số anh em đi học khóa này, trong đó có cả những người lựa chọn ở lớp Trung cấp vừa giải tán. Thế nào? Đồng ý không?"

"Vâng."

Hoàng và Giáp đành trả lời. Ông đại tá gọi văn thư làm giấy giới thiệu họ với nhà trường.

"Ngày mai các anh tới văn thư lấy giấy. Mai sẽ không gặp lại tôi, chiều nay tôi đi "xê zét" (CZ: chiến dịch) rồi. Các anh sẽ sang học bên Trung Quốc, trường Lục quân đã chuyển sang đó học tập cho yên, tránh máy bay địch đánh phá. Ban chiêu sinh của trường đặt ở làng Mè, gần thị xã Hà Giang. Đi qua nhà, cho tôi gửi lời thăm bác và gia đình. Còn ở trong ngành, sẽ còn nhiều dịp gặp lại. Nếu không thì đến ngày bình yên, về Hà Nội ghé thăm tôi. Còn nhớ nhà tôi không?

"Thưa bác, con nhớ ạ. Nhà ta ở làng Đại Yên."

"Phải. Làng Đại Yên, gần Ngọc Hà. Nếu quên ngõ, anh hỏi thăm nhà ông giáo Thúy. Thôi, lên đường mạnh khỏe."

Hoàng và Giáp đứng dậy, đưa tay lên vành mũ.

*

Các em Hoàng, một em trai, hai em gái, reo vang, từ trên sườn đồi chạy băng băng xuống đón khi nhìn thấy Hoàng và Giáp từ xa.

"Anh về! Anh về!"

"Mợ ơi! Anh về!"

"Anh về với cả bạn anh!"

Các em bám lấy hai anh, đòi hai anh bỏ ba lô xuống cho các em đeo, nhưng không nổi vì ba lô nặng mà em nào cũng gầy gò, bé nhỏ quá.

"Anh Giáp, bạn anh. Bọn anh có quà cho các em trong ba lô đây này. Nhưng sao hôm nay mợ không dọn hàng. Anh đi qua, thấy cửa liếp đóng kín."

"Mợ ốm. Mấy hôm nay, ngày nào mợ cũng lên cơn sốt."

Từ trong nhà, mẹ Hoàng đã bước ra. Sốt rét làm mẹ gầy và xanh như tàu lá. Tội nghiệp mẹ! Nếu không vì kháng chiến thì một người thành thị như mẹ đâu phải trôi dạt, chìm nổi và ốm đau thế này!

Sau ngày trung đoàn Thủ đô rút lên Việt Bắc, cũng như trăm ngàn gia đình khác, gia đình Hoàng tản cư tới những nơi rất xa Hà Nội. Thoạt đầu là Tuyên Quang. Rồi về xuôi rồi lại lên ngược, chạy vòng quanh cứ như đèn cù. Và bây giờ là Tuyên Quang lần thứ hai.

Lần này có lẽ mẹ và các em Hoàng sẽ ở lại đây lâu. Bà thông gia sinh trưởng ở vùng này, đã nhường cho mẹ nửa căn nhà bà đang ở, lại cho một ít đất để mẹ trồng sắn và làm vườn. Một mảnh vườn y như ở làng Láng khi xưa, với những luống rau mồng tơi, cải làn, cải cúc, những luống cà chua, hành hẹ, thơm mùi. Mép vườn, mẹ Hoàng trồng một giàn bầu, mấy giàn đậu đũa. Bầu và đậu đũa chi chít quả non. Mẹ còn ngả một chum tương, phía trên úp một chiếc nón che mưa nắng, đặt ở góc sân. Lũ em thì nuôi một đàn gà, với những chú gà trụi, đùi đỏ tía và nần nẫn thịt.

Mẹ Hoàng mở một quán nước nhỏ bên đường Tuyên Quang - Hà Giang. Một cái chõng tre, hai chiếc ghế dài đóng bằng chạc cây rừng. Một thanh ngang treo lung liêng dăm chiếc bánh chưng, vài nải chuối. Chiếc chõng tre bầy lơ thơ mấy bát uống nước, vài quả đu đủ, vài quả dứa, một rá sắn và một rá khoai luộc.

Mẹ ngượng ngùng khi phải ăn lời, dù chỉ là chút ít, của những người đi công tác, của bộ đội, dân công. Họ giống chồng con mình, vì nước mà vất vả, thiếu thốn. Cũng là bất đắc dĩ, nếu không thì lấy gì nuôi lũ trẻ!

"Kìa con đã về. Chào anh. Mấy bữa nay mợ thấy nóng ruột, mợ đoán anh chị hay con sẽ về qua."

"Chào bác ạ. Bác sốt nhiều không ạ? Cháu có thuốc, để cháu lấy bác uống."

"Khổ! Mợ sốt lâu chưa? Con cũng có thuốc sốt đây. Mợ có ăn uống được gì không?"

"Ba bốn cơn liền rồi. Mỗi ngày một cơn, rét quá, nhưng hôm nay mợ đã đỡ."

Về qua chợ Thái Nguyên, Hoàng đã mua quà cho mẹ và các em. Chợ họp đêm để tránh máy bay, dưới ánh đèn dầu leo lét nhưng đầy hàng hoá, vải vóc và thuốc men, mang ra từ vùng tạm chiếm. Hoàng muốn mua nhiều thứ nhưng sinh hoạt phí của lính chẳng đáng là bao, dù đã̀ hết sức dành dụm: mỗi tháng ba cân gạo, tính thành tiền. Quà cho mẹ là tấm khăn dệt, để mẹ quàng những ngày trời lạnh. Còn bọn nhỏ, mỗi đứa một chiếc áo ấm thì chẳng đủ tiền, Hoàng đành chọn mua ba cuốn sổ tay, ba cây bút máy.

"Khôi con trai, em lấy cây bút to này. Còn Dung và Kim Anh, con gái, anh mua cho hai cây bút nhỏ."

"Xinh ghê! Hai cô em gái reo lên. Thể nào chúng em cũng xin mợ cho đi học lại."

"Các em giúp mợ được những gì rồi?"

Ba em tranh nhau nói :

"Chúng em cùng đi rừng kiếm củi, kiếm ống dang, lá dong. Về nhà, em chẻ lạt, rửa lá."

"Em vo gạo, đãi đậu."

"Còn em gói bánh. Mỗi ngày mợ bán được ba, bốn chục chiếc. Gói rồi chúng em cùng luộc. Luộc xong vớt để nguội, mai mợ mang bánh ra ngoài hàng."

Hai đứa nhỏ khoe :

"Ngày nào chị Dung cũng gói thêm cho chúng em mỗi đứa một cái, nhỏ như bánh chưng cua ngày Tết. Chúng em cũng thích ăn bánh chưng."

Nghe các em nói, Hoàng thấy nao nao. Vẫn như ngày xưa, đứa lớn hết lòng săn sóc đứa nhỏ, tình nghĩa gia đình không vì hoàn cảnh khó khăn mà giảm sút.

"Các em ngoan, mẹ Hoàng nói tiếp. Không có chúng nó, một mình mợ chẳng xoay xở nổi."

Hoàng và Giáp được ở nhà một tuần. Nhà vắng con trai, không có ai làm những việc nặng nhọc. Hoàng và Giáp vỡ thêm một mảnh đất đồi, trồng thêm cho mẹ vài trăm gốc sắn và mấy luống khoai.

"Đừng mở rộng, các con ạ. Chẳng biết có được yên ổn mà ở đây lâu dài không. Lúc nó đánh đến lại dắt nhau chạy đi nơi khác như những lần trước, chẳng có ai ăn thì phí quá."

Địch đã một lần đánh lên tận đây, vào năm 47. Máy bay của chúng yểm trợ cho chiến thuyền chạy trên sông Lô, bắn rào rào xuống những làng ven sông. Ngày ấy Hoàng chưa nhập ngũ. Mẹ Hoàng sốt những cơn sốt đầu tiên. Gia đình chạy vào lán bí mật trên Gò Cao, một quả đồi cây cối và dây leo rậm rịt, người trong vùng không mấy ai lui tới. Mẹ đang cơn sốt, không đi nổi. Hoàng cõng mẹ trên lưng. Người mẹ nóng hầm hập nhưng mẹ vẫn run cầm cập vì rét. Những đứa em lẽo đẽo theo sau, chân không giẫm trên gai góc của đất rừng, mỗi đứa khoác một chiếc bị cói, bên trong nhét vội mấy manh quần áo.

Sau trận ấy, gia đình trở về khu Ba. Mẹ sắm sửa một gánh hàng tấm, cùng với em gái lớn của Hoàng, đi bán các chợ vùng Kim Bảng, Hà Nam. Ngày ngày, đứa em gái út bé bỏng lẽo đẽo đi đưa cơm... Được vài năm, mặt trận lan rộng, chẳng còn nơi nào yên ổn, gia đình Hoàng đành lại gồng gánh dắt díu nhau chạy lên Việt Bắc.

"Tình hình khác rồi, nó không đánh được lên đây nữa đâu. Chắc mợ và các em sẽ ở đây đến tận ngày về. Bao giờ dỡ khoai, mợ bảo các em trồng lại mấy luống mới."

Những ngày có Hoàng và Giáp, cả nhà đều vui. Mẹ Hoàng đã dứt cơn sốt. Nhưng mẹ vẫn chưa dọn hàng, muốn ở nhà đến tận ngày Hoàng ra đi. Bọn trẻ dành mọi thời giờ làm những bữa ăn ngon, đãi hai anh. Các em tưởng lính ăn khổ lắm. Có biết đâu, dù thiếu thốn thì bữa ăn của lính cũng còn hơn của những gia đình tản cư. Mỗi ngày, chút canh chia cho từng người vào ống tre cũng nổi lềnh bềnh vài miếng mỡ. Hai tuần một lần, quản lí lại cho đơn vị ăn tươi, một chầu chè sắn hoặc chè khoai nấu mật.

Đứa em trai vào câu cá ao Ngọng, một ao lớn ở khuất trong rừng, nằm giữa những bờ lau rậm rạp. Hàng năm đến mùa lũ, nước sông Lô dâng ngập rừng, đưa cá ngoài sông tràn vào ao. Khi nước rút, ao Ngọng đầy cá. Thuần một loài cá quả. Mỗi lần đi câu, đứa em trai mang theo một chiếc xô lớn, trở về với vài con cá quả to như bắp tay, nặng cả cân. Chúng quẫy lộn làm nước bắn tung tóe.

Ngày Hoàng và Giáp ra đi, mẹ Hoàng gói cho mỗi đứa một bọc cơm nắm, một gói thịt gà rang mặn và mấy khúc cá kho. Mẹ còn cho Hoàng một ít tiền và một chiếc nhẫn vàng. Ngày xa xưa ấy, chiếc nhẫn vàng đối với những gia đình tản cư cũng như với lính là cả một tài sản.

"Con đem bán đi mà mua một chiếc đồng hồ như của anh Giáp, mẹ nhìn chiếc đồng hồ Giáp đeo trên tay và nói với vẻ mến phục. Vừa để xem giờ, vừa để phòng thân, lỡ khi ốm đau thì lại bán đi."

Mẹ chú ý thấy Giáp có chiếc đồng hồ mà Hoàng không có. Chiếc đồng hồ ấy, mẹ Giáp mua cho ngày nhập ngũ, Giáp chỉ đeo vào dịp trang trọng. Sau đó lại lau cẩn thận và gói kĩ trong chiếc khăn tay, cất vào tận đáy ba lô, giữ làm vật phòng thân. Dạo ấy, gần như người lính nào cũng có chút "của cải" như vậy, do gia đình dành dụm mua cho.

Ngày mới tản cư khỏi Song An, mẹ Hoàng mang theo cả một gói vàng. Vì không có kinh nghiệm, đáng lẽ nên chia nhỏ cho mỗi người giữ một phần phòng khi lạc nhau, mẹ đã khâu kĩ gói vàng trong lần lót chiếc áo "ba đờ xuy" của cha Hoàng. Khi vỡ mặt trận phía Tây-Nam Hà Nội, xe cơ giới Pháp tràn đến Xuân Mai, chiếc áo đã bị mất ở ngã tư Gốt trên đường số 6 đi Hòa Bình. Cha mẹ Hoàng phải gửi người đưa bà nội Hoàng, lúc đó đã tám mươi tuổi, trở về làng Láng rồi cả gia đình tay không lếch thếch kéo nhau lên Việt Bắc.

"Mợ ơi, con nhớ là nhà mình đã mất hết vàng từ ngày ở Gốt rồi cơ mà?"

"Vàng này, mợ vừa nhận được. Mấy bà bạn nợ mợ từ ngày xưa trong Hà Nội, mới gửi ra."

"Làm sao các bà biết nhà ta tản cư lên đây mà gửi nhỉ?"

"Con ơi, khi đã muốn trả thì thiếu gì cách. Các bà về hỏi trong làng rồi gửi người làng mang ra cho mợ.
Nhìn chiếc nhẫn lấp lánh, Hoàng thầm cảm ơn những người bạn buôn bán thủy chung của mẹ. Trong hoàn cảnh khó khăn này, sự sòng phẳng đó khác gì một ân nghĩa."

Nhưng chẳng biết mẹ còn mấy chiếc như thế phòng xa cho những ngày đầy bất trắc? Đời lính sống nay chết mai, ai mà biết trước, nếu Hoàng chết với chiếc nhẫn nằm nguyên vẹn dưới đáy ba lô thì phí biết chừng nào.

"Con không cầm đâu, mợ ạ. Con ốm, đã có quân y. Mợ bán đi thêm tiền cho các em đi học. Chúng nó ham làm, nhưng làm thì dễ, học mới khó. Kháng chiến cũng sắp thành công, phải đi học mới có tương lai lâu dài."

"Con ở xa, chẳng ai trông nom săn sóc, cầm lấy cho mợ yên tâm. Đứa nào có phần đứa ấy. Thế nào mợ cũng thu xếp cho các em đi học. "

Hoàng không cầm tiền, cũng không cầm chiếc nhẫn mẹ cho. Chẳng bao giờ Hoàng nghĩ mình phải giữ một chút của cải phòng thân như anh em khác. Dạo ấy Hoàng cứ trơ trơ như một khối đá, da thịt lúc nào cũng nhẵn lì và đen trũi, không biết mệt nhọc, ốm đau là gì. Điều mong mỏi duy nhất của Hoàng là các em Hoàng được đi học.

"Các em phải xin mợ đi học. Buổi đầu thay đổi hẳn nền nếp sinh hoạt sẽ rất khó khăn, nhưng rồi quen dần, đừng ngại. Ngày nào bình yên, về Hà Nội học tiếp."

"Thế nào chúng em cũng đi học, anh cứ yên tâm."

Giữa khóa, tận bên Trung Quốc xa xôi, Hoàng nhận được thư nhà. Thư do các em Hoàng gửi tay một học sinh Tân Trào đi học Lục quân.

Mấy tháng sau ngày Hoàng đi, trường trung học kháng chiến Tân Trào của tỉnh Tuyên Quang đã khai giảng. Trường dựng trong những khu rừng gần nhà, trên cây số 5 đường quốc lộ lên Hà Giang. Các em Hoàng được đi học. Mẹ Hoàng vẫn mở ngôi hàng nhỏ, lũ em phụ giúp mẹ những lúc rảnh rỗi. Sắn mà Hoàng và Giáp trồng đã tốt sum suê. Nương khoai vừa dỡ, thay vào đó, lũ em đã trồng một nương khoai mới .

Các em Hoàng viết: "Luộc rổ khoai vừa dỡ, cả nhà thương nhớ hai anh".

© 2007 talawas


Nguồn: Mái nhà xưa là Phần 1 của tiểu thuyết Mây trôi, gồm 3 phần, của Vũ Hùng. Viết xong tại Paris, mùa thu 2001. Lần đầu giới thiệu trên talawas.


I II

[1]Người Huế gọi xứ Huế, nơi các vương triều nhà Nguyễn chọn làm đế đô, là chốn Thần Kinh
[2]Nhạc sĩ Doãn Nho, em ruột nhà văn Doãn Quốc Sỹ
[3]Blind Sending, một phương thức liên lạc trong điều kiện khó khăn: khi quá nhiễu loạn, người ta cứ phát liều bức điện lên trời, may ra thì đối phương nhận được.
[4]Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản
[5]Ma quỉ và học trò, Rắn báo thù, truyện về nỗi oan của Nguyễn Trãi

Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông là học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Ông nhập ngũ năm 1950 khi đang học năm thứ hai chuyên khoa toán (lớp 11 chuyên toán bây giờ). Sau khi tốt nghiệp khoa Thông tin trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông công tác 30 năm trong quân đội, lần lượt qua các cương vị: đài trưở̀ng vô tuyến điện, kĩ sư trạm trưởng một trạm nguồn điện của Binh chủng Thông tin, phóng viên khoa học kĩ thuật của báo Quân đội nhân dân. Ông từng là biên tập viên cho Nhà xuất bản ngoại văn Hà Nội và Nhà xuất bản Văn Học. Từ 1989, Vũ Hùng định cư tại Pháp.

Tác phẩm Vũ Hùng đã viết khoảng 30 đầu sách về văn học thiếu niên ở Việt Nam. Hai tập truyện Sao SaoSống giữa bầy voi của ông đã được trao giải Văn học thiếu niên của Việt Nam các năm 1982 và 1988. Ông cũng là dịch giả của nhiều tập truyện dành cho thiếu niên.

Độc giả có thể tham khảo tiểu sử và tác phẩm của Vũ Hùng tại trang web cá nhân: vu-hung.com.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài