Đào HiếuLạc đường
Đào Hiếu |
“Năm sáu mươi tuổi tôi khởi sự viết tự truyện này. Sáu mươi là tuổi ‘nhĩ thuận’ nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ kinh, Bát chánh Đạo, luyện Tứ Niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút. Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. Nói dối trên nền nhạc Richard Clayderman. Quanh năm suốt tháng cứ Clayderman. Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi với Dã Nhân và chú mọi nhỏ.”
Đó là những lời ở chương cuối, mang tên Một đời không bến bờ, trong cuốn tự truyện mang tên Lạc đường của một người từng tích cực góp phần trong những chặng đường quan trọng của dân tộc Việt Nam gần nửa thế kỉ qua: phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, Việt Nam sau chiến tranh, Việt Nam đổi mới và sau đổi mới, ở vị trí của một nhà báo và nhà văn làm việc lâu năm tại hai cơ quan truyền thông hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh – báo Tuổi Trẻ và Nxb Trẻ. talawas chủ nhật kì này hân hạnh giới thiệu tác phẩm vừa hoàn thành này của nhà văn Đào Hiếu.
talawas chủ nhật
Đào Hiếu
Lạc đường
(Tự truyện)
Mục lục
- Bayle và anh Việt cộng chịu chơi
- Huế, những cây vả và sương mù
- Những ánh lửa đốt đồng
- Trận đánh không được báo trước
- Vụ Huỳnh Tấn Mẫm
- Từ nhà tù đến trại tập trung
- Con nhện và Sisyphe
- Đại đội 22 trinh sát
- Mẹ tôi
- Trí thức nằm vùng
- Cô “Múa Đẹp” của Kôngpông Thom
- Tiếng leng keng của tàu điện
- Chút quà tặng của mùa Đông
- Chú mọi nhỏ của Dã Nhân
- Thế giới đang bốc mùi
- Những cộng tác viên của tôi
- Những chiếc lá rơi vào bụi hồng
- Lời thú tội của một sát thủ
- Đến Mỹ một lần rồi chết
- Chia tay
- Những con chó rơm của Khổng Tử
- Linh hồn của chuyến công tác
- Con cá voi trong ly nước
- Cuộc hội ngộ ở Saint Petersburg
- Cha tôi
- Nhìn đâu cũng thấy núi
- Sát thủ, gái điếm và đĩ đực
- Bỉ quân tử hề!
- Con chim sẻ cuối cùng ở Hàng Châu
- Một đời không bến bờ
1 - 5
6 - 10
11 - 15
16 - 21
22 - 30
16. Những cộng tác viên của tôi
Có một dạo tôi làm trưởng ban Văn-Xã của báo Tuổi Trẻ. Đó là nơi tôi đã đăng những sáng tác đầu tiên của hầu hết những nhà văn, nhà thơ quen thuộc ngày nay như Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Lê Thị Kim, Bùi Chí Vinh… và cả những tác phẩm của các cây bút miền Bắc như Trúc Chi, Bùi Việt Phong, Lệ Bình, Hoàng Đình Quan…
Có người cho đến giờ vẫn là bạn thân của tôi, có những mối quan hệ mờ nhạt dần sau “vụ Nổi loạn.”
Có kẻ sợ liên luỵ. Có người quay mặt đi. Tôi thương hại họ, vì họ cứ tưởng xử sự như vậy là họ được lợi, thực sự họ đang sống và viết như những thằng bồi bút hạng bét với mớ chữ nghĩa vụn vặt, mớ kiến thức lem nhem và với tầm nhìn của một con ếch ngồi đáy giếng.
Dẫu sao tôi cũng cám ơn báo Tuổi Trẻ trong những ngày đầu giải phóng đã “tạo điều kiện” cho tôi lặn lội vào các nông trường, xông pha vào những nơi rừng sâu nước độc cùng với các bạn thanh niên xung phong TPHCM và đi cùng với Mặt trận 479 sang tận Campuchia trong chiến dịch truy quét bọn Pol Pot.
Tôi đã trải qua những đêm đốt lửa bên dòng kinh, đã thao thức với bầy sóc bay tuyệt đẹp những đêm trăng huyền thoại trong rừng Đắc Nông, đã hát trên lưng đàn voi băng qua các buôn làng heo hút… đó là những vốn sống quý báu mà tôi vẫn thường dùng trong các tác phẩm của mình.
Tôi đã sống nhiều chế độ, nhiều cảnh đời, đã sống hết những gì mình có thể sống được, đã làm Việt cộng, làm “lính nguỵ”, đã lặn lội nơi rừng sâu nước độc, bưng biền, đồng khô cỏ cháy, đã lang thang trên mọi nẻo hành tinh… tôi cần gì những bon chen vụn vặt bần tiện của cái xứ xở mà bồi bút nhiều như sâu bọ.
Nhìn lại quá khứ, thấm thía câu nói của Phạm Lãi khi từ bỏ Câu Tiễn đi ở ẩn:
"Khi người ta chung một mối lo thì người ta thương nhau. Khi người ta chung một mối lợi thì người ta hại nhau."
Sau giải phóng, những “mối lợi” ấy nhiều quá nên người ta hại nhau là chuyện thường. Người hại tôi nhiều nhất là ông nhà văn Vô Hạnh mà tôi đã nói trong chương “Trí thức nằm vùng” ở phần đầu sách này. Về sau ông làm lành với tôi, một lần gặp tôi ở Nhà xuất bản Văn Nghệ, ông chạy đến tay bắt mặt mừng. Tôi tha thứ cho ông. Nhưng tôi nản quá. Cảm giác sau cái bắt tay là sự chán chường, nó giống như mình vừa gặp một điều nhảm nhí, vớ vẩn. Nó giống như tro tàn. Mối quan hệ giữa người và người mà đến như thế thì tội nghiệp cho phẩm giá con người quá.
*
Cũng may tôi đã gặp Kim Lê. Cô sớm nổi tiếng với những bài thơ tình xuất thần, nhất là những bài cô viết về cỏ, về chim sẻ…
Tôi mang ơn cô rất nhiều về những gì mà cô đã dành cho tôi trong những ngày đầu giải phóng. Lúc ấy cả nước không có gạo ăn. Mọi người đều phải ăn bo bo hoặc bột mì. Những chiều cuối tuần Kim Lê thường rủ tôi đi thăm nội. Bà sống một mình trong cái nhà nhỏ ngoại ô thành phố. Bà thường dọn sẵn bữa chiều đợi chúng tôi bên ngọn đèn dầu. Ba người quây quần quanh mâm cơm. Tôi mở nắp vung và ngạc nhiên khi nhìn thấy cơm trắng trong nồi. Đã hơn một năm rồi tôi không nhìn thấy cơm. Và gần như trong đầu tôi đã mất ý niệm về hạt cơm. Nhưng bây giờ, nó chợt hiện ra như trong cổ tích. Nó đẹp như một vòng nguyệt quế trắng tinh và thơm ngát. Tôi cầm chén cơm mà những ngón tay run lên vì tôi đang phải kìm chế sự thèm khát.
"Em không phải ăn bột mì?"
"Gia đình em buôn bán nên vẫn thường có gạo."
Một con thằn lằn nhỏ từ trong kẹt cửa bò ra, mon men đến gần bàn chân nhăn nheo của nội. Bà cụ nói:
"Những lúc các con không về, nội chơi với con thằn lằn này. Tôi nghiệp, nó chỉ xin một hạt cơm thôi.
Buổi tối Kim Lê ngủ lại với bà. Tôi đạp xe lóc cóc trở về. Hôm sau Kim Lê hẹn tôi ở Viện Khoa học nơi cô làm việc. Lê từ trong thang máy bước ra, ôm chiếc cặp da trước ngực."
"Nhắm mắt! Đưa tay ra!"
Tôi làm theo. Và Lê đặt trên tay tôi hai gói giấy khá nặng.
"Gì vậy?” Tôi hỏi.
Lê cười khúc khích và bỏ chạy. Mất hút trong thang máy. Đó là hai gói quà quý giá nhất thời đó. Gói lớn là gạo, gói nhỏ là đường. Đường! Bạn biết không? Thiếu nó bạn sẽ hóa điên. Vì tôi đã một lần hóa điên như thế. Cơn thèm mọc ra trăm cái mỏ. Mổ trong não. Rỉa lá gan. Tay chân rã rời. Choáng váng. Trong nhà này, cái gì có thể có đường? Không kẹo, không sữa, không trái cây. Thử tìm một chút mật trong hoa?
Tôi chạy ra ban công, ở đó có mấy cái hoa dâm bụt. Mở tung cái hoa ra. Mút cái nhuỵ. Đắng nghét. Lũ ong đã nhanh chân hơn mình rồi. Suy nghĩ xem còn cái gì nữa? Đúng rồi. Thuốc tây! Có thể mình vẫn còn những viên thuốc bọc đường. Lục tung ngăn tủ. May quá, còn được 5 viên thuốc gì màu đỏ. Bỏ vô miệng. Ngậm. Đắng nghét. Nhổ ra không kịp.
Có những buổi chiều sau giờ làm việc, chúng tôi ngồi bên bờ sông Sài Gòn. Lê đọc những bài thơ mới làm cho tôi nghe. Đó là những tác phẩm xuất thần, tác phẩm để đời của Lê, là những bông hoa đẹp trong văn học Việt Nam.
Chim sẻ như lá cây
Rụng mà không rớt
Bầu trời trước nhà tôi bé đủ nhìn
Cớ gì mà chim kêu rối rít
Cho lòng tôi cũng rối như chim
(trích “Hoà âm chim sẻ")
Khi mái tóc tôi lần đầu biết bay
Mọi loài cỏ đều biến thành con gái
Trong mối tình tôi lần đầu vụng dại
Có hương vị cỏ gừng
Lần đầu xoe đôi mắt
Gặp cỏ gà rưng rưng
(trích “Tôi và cỏ”)
Tiếc cho Lê đã bỏ con đường hồn nhiên của mình để dẫn thơ vào một lối khác. Những tập thơ sau này của cô không làm tôi rung động.
Lúc chia tay, tôi ôm Lê dưới một vòm hoa giấy đỏ rực. Lê rúc vào người tôi. Và kêu lên. Em sẽ nhớ anh lắm.
Bây giờ thì những chuyện ấy đã xa vời.
Chúng mình đều đã già rồi phải không Lê?
17. Những chiếc lá rơi vào bụi hồng
Những chiếc lá đâm chồi không ai hay
Già cỗi giữa thinh không
Và chết trong những ngọn gió
Tác phẩm của tôi như những chiếc lá rụng
Rơi vào bụi hồng
Những chiếc lá rụng không ai nhặt
Tự gom lại giữa vòng xoáy
Có người bật lên que diêm
Nhóm thành ngọn lửa
Ngọn lửa nhỏ không dùng để làm gì
Vẫn có thể đốt lên điếu thuốc
Giữa cuộc đời mênh mông
Ngọn lửa nhỏ ấy đang cháy trong ngôi nhà xinh xắn yên tĩnh tại thành phố Lake Forest bang California Hoa Kỳ.
Một vùng thiên nhiên trầm mặc. Sáng sớm thường se lạnh. Tôi đi bộ dọc theo bờ suối. Một bên là rừng, một bên là con đường nhỏ dành cho tôi và những con thỏ nhỏ xíu. Những con thỏ còn ngái ngủ, bước ra khỏi bụi gai. Đàn sáo đen đi tìm những bông cỏ dại. Một chai huýt-ki uống dang dở bỏ lại bên chiếc cầu gỗ.
Các phương tiện truyền thông của Mỹ nói đây là mùa Hè mát nhất tại Mỹ trong vòng mười năm qua. Dường như thiên nhiên đang ủng hộ tôi, ban tặng tôi những buổi sáng tuyệt đẹp. Mới tuần trước, mưa tầm tã ở Wichita. Ngày 5 tháng 7 tôi đến phi trường Dallas mưa vẫn đuổi theo. Và sương mù dày đặc. Nhưng khi đến Cali thì gặp nắng. Mà trời vẫn lạnh. Buổi sáng xanh. Bình yên. Ngọn gió vẫn thanh thản. Và con thỏ rừng vẫn đứng lặng thinh bên những bụi gai.
Có lẽ khi người Mỹ chưa đến vùng đất này thì loài thỏ rừng đã xây tổ ấm trong những bụi gai, và chúng vẫn ra đứng bên bờ suối mỗi buổi sáng. Chúng vẫn chậm chạp và lặng lẽ. Chúng làm cho buổi sáng ngưng đọng lại, cho ký ức tôi ngưng đọng lại.
Hôm qua tôi đi San José tìm Phượng theo địa chỉ mà cô đã cho tôi cách đây mười năm. Nhưng đó chỉ là một trạm sửa chữa của hãng Hitachi. Phượng đã thất lạc. Phượng chỉ còn là hình bóng quá khứ. Một chiếc váy sặc sỡ hoa trên nền đỏ chói. Trong gió biển lồng lộng, chiếc váy tung lên như cánh diều. Phượng bước trong một vũ điệu man dại. Tóc bay như cánh chim. Môi đỏ chót. Chúng tôi ngồi trong một cái quán cua biển cạnh mé nước. Phượng gọi thật nhiều món ăn.
"Hôm nay em đãi anh."
"Vì sao?"
"Vì là sinh nhật của em."
Tôi không biết điều đó. Bữa tiệc sinh nhật chỉ có hai người. Một cú điện thoại rủ đi Vũng Tàu. Một chuyến xe đò vội vàng. Đến khách sạn Phượng thay đồ. Và chọn cái váy sặc sỡ. Em mỏng lét, nhưng người ta nói ngực em là ngực sừng trâu. Vì đầu vú nghểnh lên như sừng trâu. Tôi thấy đẹp. Phượng lộng lẫy. Và hoang dã như một cô gái người Hawaii.
Buổi chiều đầu tuần êm ả trong quán cua vắng người. Ăn và mút ngón tay.
"Sao em cười hoài vậy?"
"Em sắp xa anh rồi."
"Đi đâu?"
"Đi vượt biên."
Đó là một buổi chiều của năm 1978. Lúc ấy Phượng là phóng viên báo Sài Gòn giải phóng. Và chúng tôi mới quen nhau 3 tháng. Phượng ở khu tập thể Bạch Kim đường Chữ Thập Đỏ. Một sáng chủ nhật nào đó tôi đến chơi và Phượng cũng mặc cái váy sặc sỡ này. Cô ngồi trên chiếc ghế bành rộng và tôi ngồi bệt trên sàn gạch, ngay dưới chân cô. Phượng xoa đầu tôi như đứa trẻ. Tôi nhắm mắt và cắn cái gấu quần của cô như một con chó con. Rồi Phượng cúi xuống, ngực chạm trên tóc tôi. Phượng đã ôm tôi như một người mẹ. Và mọi thứ diễn ra tự nhiên, dịu dàng, nhẹ, chậm và âu yếm.
Buổi chiều trong quán cua tôi mới biết Phượng đang ở với cha và một người mẹ kế. Phượng không thích cảnh ấy và ra đi.
"Em bỏ anh sao?"
"Vì anh đã có gia đình rồi."
Buổi tối chúng tôi ngồi trên kè đá. Chỉ có những vì sao. Ngoài ra là đen kịt. Biển cũng đen. Cả những ngọn sóng cũng chỉ ánh lên một chút lân tinh mờ ảo. Tôi nói:
"Biển thật đáng sợ."
"Nhưng em vẫn phải đi. Người ta thường chọn những đêm tối đen như vậy để ra đi."
Tôi thương Phượng xót cả lòng. Nước mắt chảy trong bóng tối. Nhưng Phượng thì cười. Đàn ông gì mà yếu đuối vậy.
"Thôi, mình về khách sạn."
Nhưng chúng tôi không ngủ. Phượng bảo tôi đệm đàn cho cô hát. Trên đời này không có người nào hát hay như Phượng. Đó là chất giọng của Bạch Yến. Khi còn là sinh viên tôi đã suýt ngất xỉu khi lần đầu tiên nghe Bạch Yến hát bài "Đêm đông" trên đài BBC. Tiếng hát ấy có năng lực đánh thức tất cả sao trên trời và làm bừng sáng địa ngục.
Phượng đứng bên cửa sổ nhìn ra biển.
Tiếng hát bất tận. Không cần MC. Nối tiếp nhau, thanh thoát, lạnh giá và lộng lẫy. Tiếng hát đã truyền cảm hứng cho cây đàn. Chúng tôi biểu diễn quên thời gian, quên cả chính mình. Cho đến khi nghe có vài tiếng lao xao bên ngoài.
Tôi mở cửa phòng và nhìn thấy một đám đông.
"Anh chị cứ tiếp tục đi."
"Chúng tôi đang nghe."
"Chúng tôi đã đứng đây cả tiếng đồng hồ."
Phượng ra chào các fans hâm mộ và nói cám ơn.
Sáng hôm sau tôi đòi ở lại tiễn Phượng lên tàu nhưng không được. Vì người ta muốn bảo mật tuyệt đối.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Phượng.
Trong tác phẩm Người tình cũ (nxb Văn Nghệ ấn hành năm 1988) tôi có viết một chương về giọng hát của Phượng:
Trích một đoạn ngắn:
“Khách ngồi quanh các gốc cây, trên ghế đá, trên cỏ. Thức ăn nhẹ, Buche de Noel, rượu nho, cà phê, rượu mạnh.
Tiếng dương cầm và vĩ cầm sánh đôi nhau đùa giỡn trong khu vườn đầy ánh sáng. Ca sĩ Thuý Vân hát liên tiếp ba bài Giáng sinh. Những người kế tiếp đều là ca sĩ nhà nghề. Những bản tình ca xen kẽ với nhạc Giáng sinh cứ nối nhau không dứt.
Gần hai giờ sáng, những tách cà phê đã cạn và rượu chỉ còn sánh một chút dưới đáy ly, hai người nhạc sĩ không đàn nữa. Cây piano đã đóng nắp lại, cây violon cũng được cất trong hộp, bạn bè ngủ gà ngủ gật.
Chủ nhà kêu lên:
"Trời ơi sao lại ngủ, đêm nay phải thức! Phải hát!
Hai chàng nhạc sĩ thu mình trong chiếc ghế mây. Họ uống cà phê đậm và lơ đãng nhìn ngắm bầu trời.
Giờ này mọi người đều muốn quay về thế giới riêng của mình. Chính Phượng cũng muốn như thế. Chủ nhà khẩn khoản:
"Nhưng Phượng phải hát một bài mới được.
Phượng bỏ dép ra, hai bàn chân trần giẫm lên cỏ uớt. Tôi ngồi cạnh đôi dép da, vừa hút thuốc lá vừa quan sát nó.
Bỗng nhiên chung quanh im lặng lạ thường. Trong cái im lặng ấy Phượng hát. Giống như đóa hoa tình cờ nở giữa rong rêu, giống như con chim lạ ở đâu bay về đậu trên mái đình cổ kính và hót.
Phượng hát bài “Ngậm ngùi”. Sao đêm Giáng sinh mà em hát bài “Ngậm ngùi”? Tiếng hát lạnh chạy suốt qua những lồng ngực, qua những đôi mắt ngái ngủ. Hai chàng nhạc sĩ rụng rời khi tiếng hát lạnh buốt ấy dạt đến. Chúa đã sai người con gái này xuống để hát thánh ca, sao các người ngồi im đó? Hai nhạc sĩ mặc khải được giọng nói của thiên thần từ trên trời và hiểu rằng mình sẽ bị ném vào hoả ngục nếu không chạy đến cây đàn của mình.
Và họ chạy đến như kẻ tôi tớ của Chúa. Phượng hát trong nền nhạc lộng lẫy và dân thành Bêlem bồng bế nhau tới trước hang đá. Tôi biến thành con lừa nhỏ nằm hiền lành bên đôi xăng đan và gặm nó giữa hai hàm răng rất to của mình.
Những cô ca sĩ chuyên nghiệp ngạc nhiên trước giọng hát của Phượng, sợ hãi đứng nép vào gốc cây, những cô gái xinh đẹp rực rỡ kia nhạt nhoà hết son phấn và biến thành cô thôn nữ hiền lành tay cầm lễ vật đi theo sau ngựa của ba vua, băng qua sa mạc mênh mông và đến đây. Nhưng Phượng thì vẫn giản dị, đứng hát như cô gái Digan bên đống lửa."
*
Nhưng Người tình cũ không phải là một chuyện tình. Đó là tác phẩm viết về phong trào sinh viên các đô thị miền Nam trước 1975.
Năm 1988 sau khi cuốn sách ra mắt độc giả, Ban Tuyên huấn Thành uỷ kết luận: Cuốn sách đã có một cái nhìn đen tối về cách mạng. Cơ quan này cũng kết luận về tác phẩm Kẻ tử đạo cuối cùng của tôi bằng một câu gọn lỏn: một cuốn sách chống cộng.
Năm 1990 Nhà xuất bản Văn Học in cuốn Hoa dại lang thang. Cuốn sách viết về sự cấu kết của những ông chủ doanh nghiệp giàu có và giới cầm quyền cộng sản để khuynh đảo thị trường và trục lợi. Trong bối cảnh đó nhân vật chính nổi lên. Đó là một thằng Hề. Hề vốn là một trí thức trẻ đi theo kháng chiến. Sau giải phóng hắn làm bí thư xã. Nhưng hắn chán ghét cái công việc đó và bỏ đi làm hề trong một gánh xiếc.
Nhân vật thứ hai là Phượng, một cô gái trẻ, con nhà giàu. Phượng sống dữ dội, phóng túng.
Tình yêu đã dẫn thằng Hề và Phượng lang bạt khắp nơi, chọc phá và chế giễu bọn quan lại mới.
*
Về tác phẩm Vua Mèo (Nxb Trẻ 1989), Giáo sư Hoàng Thiệu Khang lại nhìn ở một góc độ triết học và thẩm mỹ khác:
“Cái bản nhiên tuyệt mỹ hiển nhiên chưa là hiện thực; nó chỉ mới là cái hướng, cái khát vọng, nên đó cũng sẽ là cái nửa thật, nửa hư. Ta hiểu vì sao Ðào Hiếu đã dựng lên một hiện thực trực tiếp của tác phẩm hư-hư-thực-thực.
Lọ Lem sống hồn nhiên như cỏ cây, như mây, như gió, như sóng biển, muốn dữ dội thì dữ dội, muốn hiền hoà thì hiền hoà, khi vui thì cười, khi buồn thì khóc... Bằng cái thẩm mỹ tự nhiên ấy. Lọ Lem “sống” trong đời thật.
Vua Mèo đi xa hơn, ông đã vượt qua những cản ngăn để về với cái chất bản nhiên người. Vua Mèo không biết đến lòng hận thù.
Vậy là, với Vua Mèo, cô đơn là một phương thức để thấu thị cuộc đời, chứ không là bản chất của cái bản nhiên... Hai con người bản nhiên ấy chưa được cuộc đời hôm nay dung nạp hết, ta hiểu vì sao họ sẽ về với nhau nơi hòn đảo xa hơn...”
18. Lời thú tội của một sát thủ
Khi còn là sinh viên, tôi đã có dịp tiếp xúc với những tài liệu về nền công nghiệp chế tạo vũ khí của Mỹ, nhưng gần bốn mươi năm sau, khi xem cuốn phim Fahrenheit 9.11 của Michael Moore tôi mới thực sự nhìn thấy hiểm hoạ ghê gớm từ một nền công nghiệp như vậy.
Nền công nghiệp ấy đã từ lâu quyết định chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ. Đó là một chính sách đạo tặc, ngạo mạn và man rợ. Đường lối đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ mang nhãn hiệu của bọn linh cẩu, bọn báo đốm, sư tử và chó sói.
Chính sách ấy bốc mùi tanh máu cả hành tinh, làm ngầu bọt đỏ những dòng sông, bê bết óc tuỷ người trên những bức tường đổ, vung vãi thi thể, tứ chi, ruột gan phèo phổi trên đường phố đổ nát, thiêu cháy trẻ thơ trong những làng mạc.
Chính sách ấy làm tanh tưởi những ngọn gió, biến những đồng ruộng thành tro than, làm bốc cháy sa mạc.
Đó là chưa kể những chiến lược lừa đảo kinh tế quy mô toàn cầu được nguỵ trang dưới danh nghĩa rất cao đẹp như: viện trợ, đầu tư, phát triển… Có lẽ chúng ta đã quen với những cái tên “đáng kính” như: Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…
Trong cuốn Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (Confessions of an Economic Hit Man của John Perkins, bản dịch tiếng Việt - Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin 2006) chúng ta đọc được ở ngay trong “Lời tựa”:
Những sát thủ kinh tế là những chuyên gia được trả lương hậu hĩnh để đi lừa các nước trên thế giới lấy hàng nghìn tỉ đô la.
Họ đổ tiền từ Ngân hàng Thế giới, từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, và từ các tổ chức “viện trợ” khác… vào két sắt của các tập đoàn khổng lồ và vào túi của những người đang nắm quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên của hành tinh này.
Công cụ của họ là các báo cáo tài chính nguỵ tạo, những cuộc bầu cử gian lận, các khoản hối lộ, tống tiền, tình dục và giết người.
Họ cũng diễn cái trò cũ của chủ nghĩa đế quốc song đã biến đổi theo những chiều hướng mới, đáng ghê sợ hơn trong thời đại toàn cầu hóa.
Tôi biết những điều này vì tôi đã từng là một EHM (Economic Hit Man – Sát Thủ Kinh tế.)
Thực tế này một lần nữa lại được John Perkins chứng minh trong tác phẩm của mình bằng bi kịch của nước Ecuador như sau:
Từ năm 1968 đất nước nhỏ bé này đã dần trở thành nạn nhân điển hình của chế độ tập đoàn trị. Những người cùng thời với tôi và những người đang theo bước chúng tôi, thật sự đã đẩy nó đến bờ vực phá sản. Chúng tôi cho đất nước này vay hàng tỉ đô la để nó có thể thuê các công ty của chúng tôi dựng nên những công trình phục vụ tầng lớp giàu nhất đất nước này. Kết quả là trong vòng ba thập niên, tỉ lệ nghèo đói chính thức tăng từ 50% lên 70%, thất nghiệp tăng từ 15% đến 70%, công nợ tăng từ 240 triệu USD lên 16 tỉ USD và ngân sách dành cho những người nghèo nhất giảm từ 20% xuống còn 6%. Ngày nay Ecuador phải dành gần 50% tổng ngân sách quốc gia để trả nợ. (trích Chương 34, trang 285-286)
Mỉa mai thay, cái “tầng lớp giàu nhất đất nước” ấy chẳng những đã không bị coi là kẻ đồng loã với ngoại bang mà còn được ghi công như những anh hùng vì đã xây dựng nên những công trình to tát, những khu đô thị mới, những khu công nghiệp…
Về các khu công nghiệp, John Perkins đã viết: “Chúng đến… với một mục đích rõ ràng là bóc lột những người dân khốn khổ, những người mà con cái họ bị suy dinh dưỡng trầm trọng, thậm chí đang chết đói, những người đang sống trong những khu nhà ổ chuột và đã mất hết hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngày nay, bọn chúng không cần phải vào rừng rậm châu Phi để tìm nô lệ mà chỉ cần thuê cái đám dân nghèo đói kia, về làm việc cho các nhà máy sản xuất áo khoác, quần jean, giày thể thao, phụ tùng ô-tô, linh kiện máy tính và hàng ngàn những thứ khác. Thậm chí chúng chẳng cần làm chủ nhà máy, thay vào đó, chúng thuê một doanh nhân bản địa để làm những công việc bẩn thỉu cho chúng.” (Trích trang 253-254)
Những “công việc bẩn thỉu” ấy chính là sự vắt kiệt sức lao động của công nhân với đồng lương rẻ mạt trong các khu chế xuất hiện nay trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở trang 24 John Perkins lại viết:
Claudine và tôi ngồi trên ghế sofa cạnh cửa sổ ngắm tuyết rơi trên phố Beacon. Cô ta nói: “Phần lớn công việc của anh là khuyến khích lãnh đạo các nước trên thế giới tham gia vào một mạng lưới vô cùng rộng lớn nhằm phục vụ cho lợi ích thương mại của nước Mỹ. Kết cục là các nhà lãnh đạo này sẽ bị sa lầy vào một mớ nợ nần. Gánh nặng nợ này bảo đảm rằng họ sẽ phải trung thành với nước Mỹ. Chúng ta có thể bòn rút của họ bất cứ khi nào chúng ta muốn, để thoả mãn những nhu cầu kinh tế, chính trị hoặc quân sự của chúng ta.”
Nếu có nhà lãnh đạo nào không bị mua chuộc để đưa đất nước mình sa lầy vào mạng lưới nợ nần của các sát thủ kinh tế, như Tổng thống Roldós của Ecuador, Tổng thống Torrijos của Panama thì lập tức họ bị CIA ám sát. Hai vị Tổng thống này bị giết cách nhau chỉ hơn 2 tháng. Máy bay trực thăng của Tổng thống Roldós bị nổ tung ngày 24 tháng 5 năm 1981. Ngày 31 tháng 7 cùng năm ấy đến lượt máy bay của Tổng thống Panama bị đặt bom. Không một ai sống sót.
Tác giả John Perkins thú nhận: Chúng tôi đã không thể mua chuộc được Roldós và Torrijos, chính vì thế mà một loại sát thủ khác - những tên giết người chuyên nghiệp của CIA, những kẻ luôn đi sau chúng tôi - đã vào cuộc.
Sau vụ thảm sát, John Perkins viết: “Trong mười năm qua, tôi là con cháu của những tên buôn nô lệ đã từng lũ lượt kéo vào rừng sâu châu Phi lùa đàn ông, đàn bà ra những con tàu đang chờ sẵn. Chỉ khác là theo một phương thức hiện đại hơn, tinh vi hơn – bởi tôi chưa từng phải trông thấy xác chết, ngửi thấy mùi thịt thối rữa hay nghe những tiếng kêu ai oán. Nhưng những gì tôi đã làm thì độc ác chẳng kém. Và vì cá nhân tôi không phải trực tiếp dính líu đến những xác chết, mùi thịt người và những tiếng kêu bi thương, nên suy cho cùng, tôi lại chính là kẻ tội đồ xấu xa nhất.” (Trích trang 210)
Cái chết của hai vị Tổng thống kia đã làm lộ ra hai vấn đề lớn:
Thứ nhất: thế lực của các tập đoàn kinh tế, các tổ chức tài chánh quốc tế mạnh đến nỗi chúng có thể giết bất cứ nhà lãnh đạo nào không vâng lời chúng.
Thứ hai: chúng không ưa những chính quyền trong sạch vì thực tế chúng là bọn ruồi nhặng, chúng chỉ có thể sinh sôi nảy nở trong những môi trường bẩn thỉu, tham nhũng, chúng chỉ có thể tung hoành ngang dọc khi có sự đồng loã của các lãnh đạo bản xứ chịu ngửa tay nhận tiền của chúng.
Ở Việt Nam, khi vụ PMU 18 đổ bể, người ta đọc thấy trên các phương tiện truyền thông: nào là quốc hội Nhật Bản nhóm họp để xem xét việc sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam, nào là Ngân hàng Thế giới sẽ điều tra về vụ PMU 18… trên thực tế đó chỉ là những động tác giả!
Chính bọn họ đang tiếp tay cho tham nhũng trên toàn thế giới!
Trong bối cảnh “toàn cầu hóa” hiện nay, thân phận của các nước nghèo chẳng khác nào một cô gái điếm: vì nghèo, vì không có trình độ nên muốn tồn tại chỉ còn cách bán đi cái “vốn tự có” của mình. Đó là dầu thô, là cao su và những tài nguyên thiên nhiên khác. Chua chát thay nhân dân chỉ được hưởng một phần nhỏ lợi tức do “vốn tự có” mang lại. Phần lợi lớn đều chảy váo túi những mụ tú bà là các tập đoàn kinh tế Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… và những tên ma cô dắt mối là chính quyền bản xứ.
*
Vậy mà, tôi đã nhiều lần đến nước Mỹ, đã nhìn thấy nó xinh đẹp, lộng lẫy, giàu sang và nhân hậu!
Một con cá voi bị thương, người Mỹ bỏ ra cả triệu đôla đem về chữa trị rồi trả nó về với biển cả. Một con nai mồ côi được đem về nuôi cho lớn khôn rồi thả về rừng.
Nhưng cũng chính người Mỹ đã ném liên tiếp hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, giết ngay tức khắc hơn 200.000 người. Số thường dân bị bom đạn Mỹ giết chết trong chiến tranh Việt Nam và Iraq cũng không kể xiết.
Họ xây dựng nhiều thành phố mới đẹp như thiên đường ở Boston, California, Seatle… nhưng họ cũng cày nát Baghdad để chiếm những mỏ dầu, đốt cháy Kabul để làm chủ các đường ống dẫn khí đốt và ném bom trải thảm Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Họ treo giải thưởng 50 triệu đôla cho cái đầu của Bin Laden, tống vào ngục những phần tử Al Qaeda, tử hình những kẻ khủng bố, treo cổ Sadam Hussein… nhưng họ lại cộng tác làm ăn hàng trăm tỷ đôla với gia đình Bin Laden. Và huấn luyện, cung cấp tiền bạc vũ khí cho đám khủng bố của trùm Basayev ở Chechnya.
Vậy thì sự thật về nước Mỹ là gì?
19. Đến Mỹ một lần rồi chết
Hãy thử mở đầu bằng Las Vegas.
Đó là một thành phố trên sa mạc Nevada khô cằn. Băng qua đó như băng qua một vùng đất của sao Hoả. Không có núi xanh vì sa mạc chết. Chỉ có những ngọn núi màu tím, màu vàng, màu cà phê hay màu đen ánh bạc của quặng thép.
Những ngọn núi nổi chập chờn trong mưa. Mưa sa mạc đến rồi đi, rồi lại đến. Đột ngột, gào thét và dịu dàng. Những cơn mưa làm cho sa mạc bớt nóng. Nhiệt độ bên ngoài đã tụt từ 120 xuống đến 75 độ F (khoảng 20 độ C). Sa mạc trải dài hai bên con đường nhựa đỏ, ngun ngút một màu vàng xám lỗ chỗ những bụi gai sắc nhọn, khô cháy.
Nếu không có sa mạc này thì Las Vegas không là gì cả. Những sòng bài mênh mông kia thực chất chỉ là thế giới rỗng tuếch, nhỏ hẹp, dành cho đám người tầm thường.
DisneyLand cũng vậy, đó chỉ là khu giải trí dành cho trẻ con.
Cái đáng thán phục ở Mỹ chính là những sân bay lớn như Los Angeles, Dallas, Kennedy… chúng như những vương quốc rộng lớn với nhịp sống vô tận.
Hệ thống đường bộ của họ làm chúng ta bàng hoàng sợ hãi. Xa lộ ở tiểu bang California thênh thang, năm tầng bảy lớp, đường xẻ núi mà đi, lên đồi xuống dốc, băng qua sa mạc, vượt thung lũng. Đường trùng điệp, không biết đâu mà cùng, freeway thẳng tắp, ngút ngàn, bất tận…
Bắc nước Mỹ xanh và lạnh. Trung nước Mỹ vàng lúa mì mùa hạ và trắng xóa tuyết mùa Đông. Nam nước Mỹ, nhất là Nam Cali – nơi có Sài Gòn Nhỏ – thì nóng, cằn, sỏi đá, sa mạc… nhưng Bắc Cali – nơi có Thung lũng Hoa Vàng, có cây cầu treo nổi tiếng Golden Gate thì mát dịu, cây cối xanh tốt hơn.
Phố Tàu ở San Francisco đồ sộ, sạch sẽ, tự tin và kiêu hãnh bên cạnh một San Francisco của người Mỹ chính cống. Trong khi đó phố Tàu ở thành phố New York thì cũ kỹ, lộn xộn và ngập rác vào lúc nửa đêm.
Ở New York City cây cối không tranh nổi với bê tông cốt sắt. Từ hơn 200 năm nay, cao ốc uy hiếp cây cỏ, chen lấn thô bạo những cánh rừng, những công viên, chúng huênh hoang trên những đại lộ, tranh ánh sáng với từng tán lá dưới thấp, đẩy cây cối vào các khe hở của chúng, vào kẽ nách của chúng.
Nhìn từ nóc toà nhà nổi tiếng Empire State Buiding ta mới kinh hoàng bởi khối lượng nhà chọc trời thiên hình vạn trạng của New York. Nó hoàn toàn xứng đáng là thành phố lớn nhất thế giới.
Nhưng New York nhìn từ những ngóc ngách của phố phường thì quả là một sự quá tải của mọi thứ. Bên cạnh những toà nhà cao ngất, lộng lẫy, hiện đại là những building nám khói, lở loét, cửa kính vỡ nát, hoang tàn. Bên cạnh những đại lộ thẳng tắp sạch sẽ với những cầu vượt hiện đại là những chiếc cầu sắt vô danh cũ nát đen nhẻm như đống sắt phế thải. Bên cạnh những siêu thị rực rỡ, những nhà hàng khách sạn sáng choang là những dãy phố đầy rác bẩn của China Town, của khu Harlem.
Tôi nghĩ là người Mỹ dư tiền để xây dựng một thành phố New York hoàn chỉnh hơn, toàn bích hơn, nhưng dường như chính quyền đã bất lực trước một thành phố quá rộng lớn, quá bề bộn, quá đa dạng. Họ kiểm soát không nổi, họ bỏ mặc những nơi quá sức quản lý của họ. Một người bạn từng sống lâu năm tại New York bảo tôi: “Cảnh sát rất ngại đến khu vực của các nhà hàng Ý. Họ sợ đối đầu với đám Mafia ở đó.” Còn ở Phố Tàu thì sao? Dường như họ chỉ có mặt trên đường phố để điều khiển giao thông. Phần lớn cảnh sát giao thông ở China Town đều là phụ nữ da đen.
Tất nhiên thành phố New York vẫn có những công viên rất đẹp và rất nhiều bóng cây, nhưng nếu ra khỏi thành phố, từ những freeway nhìn ngoái lại, ta chợt kinh hoàng nhận ra New York không phải là một thành phố của hành tinh này nữa. Nó như những dãy núi đá nối tiếp nhau chập chùng, trơ trụi, không một bóng người, không cây cối, không tiếng động. Đó chỉ là một dãy đá tảng khổng lồ, lô nhô, tìm thấy trên một hành tinh xa lạ, lạnh giá và hoàn toàn chết lặng dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. Đó là một thành phố đã chết, đã hoang phế từ một ngàn năm rồi. Không ai ngờ là nó đang sống. Sống dữ dội. Sống hối hả. Sống rực rỡ. Sống hết những gì nhân loại có thể sống. New York có đủ những gì nhân loại có thể có. Và có cả những cái nhân loại chưa từng có.
Đó là thành phố New York nhìn từ mắt của một nhà văn da vàng lạc hậu như tôi, hoàn toàn phiến diện, hoàn toàn thiếu sót. Bởi vì trong một buổi sáng sớm từ tiểu bang Connecticut đến New York city, anh bạn tôi đã qua lố một cái exit trên freeway và lập tức chúng tôi bị lạc vào khu ngoại ô New York. Đó là một thế giới hoàn toàn khác. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Chúng tôi lạc trong rừng. Nhưng đó là khu dân cư, với những ngôi biệt thự xinh xắn nằm rải rác trên những đồi cỏ xanh bóng cây, rực rỡ hoa, ngân nga sự tĩnh lặng sang cả của thiên đường. Đó là khu vực của người da trắng. Một New York khác, ẩn dật, trầm mặc và riêng tư. Vậy thì sẽ còn bao nhiêu New York khác nữa? Bao nhiêu thế giới khác nữa?
*
Tuyết có cõi riêng của nó. Đó là một thế giới im lặng. Thế giới của niệm. Của thiền định. Tuyết hiện hữu phi thời gian. Một thế giới không có đường chân trời. Tuyết vô ngôn và vĩnh cửu. Tuyết là một nhan sắc bát ngát, óng ả. Lộng lẫy trong u tịch. Và bừng sáng trong giá lạnh.
Lúc tôi gặp tuyết, thời gian đã ngừng lại. Mặt trời không có mặt ở đó. Mặt trời đã chìm khuất vào thế giới bên kia. Và tuyết toả sáng. Một màu trắng đơn độc.
Đó là một buổi trưa mùa Đông năm 2004 tại vùng núi Denver bang Colorado. Tôi từ miền Trung nước Mỹ đến đây.
Hành trình kéo dài 10 tiếng đồng hồ. Và tuyết đang chờ tôi ở đó với những con đường đèo đóng băng trơn trợt đến độ bánh xe phải niền thêm xích sắt cho khỏi tuột dốc. Những dòng nước đang chảy từ trên núi đá xuống cũng bất chợt rùng mình hóa thân thành những bức tường băng treo lơ lửng trên vách núi.
Tất cả các thác nước đều ngừng lại, hóa đá. Khi không có chuyển động, chúng ta không có ý niệm về thời gian nữa. Giống hệt trong cổ tích. Tất cả đều đóng băng, trong suốt, trắng mênh mông và rực rỡ trong một thứ ánh sáng tinh khiết của thiên đường.
Có lẽ đây là cái thế giới mà Lý Bạch gọi là “biệt hữu thiên địa phi nhân gian”. Không nhìn thấy đất, không nhìn thấy trời. Mọi vật đang ở ngoài trần thế, ở ngoài thời gian. Núi cũng chìm khuất trong tuyết, những ngọn thông cũng chìm khuất trong tuyết.
Chỉ lấm chấm những sắc xanh, vàng, đỏ rực của quần áo những người trượt tuyết đang phóng từ trên đỉnh núi xuống, lả lướt, chấp chới như những khóm hoa nhỏ di động trong một nền trắng bát ngát.
Tuyết đưa mặt đất vào huyền thoại. Đàn dê núi chập chờn trên vách đá. Bông tuyết mù mịt. Ngọn gió trắng hư ảo, phiêu hốt qua thung lũng, Đàn dê núi đến bên chân người. Có thể thọc bàn tay lạnh cóng vào lông ngực chúng để sưởi. Chúng quỳ xuống thành bầy và trẻ thơ ngủ giữa những dãy vú căng sữa nóng hổi. Những con thỏ rừng cũng không sợ người. Chúng đào hang dưới gốc thông để ngủ đông. Có thể vuốt ve những mảng lông mịn lẫn trong cỏ khô. Trời liền với đất. Người liền với vật. Hơi ấm liền với giá rét. Mọi vật đều vô ngôn, lặng thinh. Sự sống giấu bên dưới sự tịch mịch, sự nồng nàn giấu bên dưới băng giá.
Tuyết ở Denver gợi nhớ cái thế giới thanh bình mà Trang Tử đã vẽ ra trong chương Mã Đề của Nam Hoa kinh:
“Trong núi không có đường mòn, trên sông không có thuyền, không cần bắc cầu. Vạn vật sống cùng nhau, không xâm phạm nhau. Hết thảy đều vô dục như nhau. Cầm thú thành đàn, thảo mộc sum suê. Cho nên có thể cột một sợi dây nhỏ dắt cầm thú đi chơi, có thể leo lên cây nhìn vào tận ổ con quạ, con chim khách. Vật không sợ người thì làm sao người có thể sợ người được? Người và người sẽ sống bên nhau, cùng vui như hoa bên cạnh hoa, lá bên cạnh lá, cỏ bên cạnh cỏ.“
Ô hô! Tuyết đã làm ta quên rằng ta đang sống trên trần gian. Đang sống trong một thế giới bốc mùi.
Tuyết hiện thực hóa giấc mơ của tôi, giấc mơ về một thế giới tinh khiết, không có tội ác, không có chiến tranh, không có đàn áp, chà đạp và bóc lột. Tuyết là một hiện tại vĩnh cửu. Thế giới của tuyết chỉ có sự trong sạch và ánh sáng.
Thế giới của tuyết không có ruồi.
Tôi hạnh phúc vô biên thấy mình đang sống trong một thế giới hoàn hảo và trong sạch như thế dù tôi biết rằng có thể nó chỉ tồn tại vài tháng, có khi vài tuần hay vài ngày. Hoặc chỉ sau một cơn mưa là cả cái thiên đường ấy tan rã, để lộ ra phố xá, con người, xe cộ và rác rưởi.
Để lộ ra bầy ruồi truyền kiếp.
Vì thế tôi ôm lấy tuyết, vùi trong tuyết, chạy điên dại trong tuyết.
Một tuần sau, tôi lại đi tìm tuyết nơi những đỉnh núi trắng xóa sừng sững phía trên Hẻm Núi Lớn của bang Arizona huyền thoại. Tuyết phủ hai bên vực sâu của Grand Canyon thăm thẳm, hun hút gió.
Tuyết là niềm an ủi, là chỗ để con người chạy trốn cái thế giới bốc mùi, chạy trốn chiến tranh, xác chết và ruồi nhặng.
Tuyết là thánh đường cuối cùng của nhân loại. Khi tất cả những thánh đường trên mặt đất tràn ngập sự đối trá, khi tất cả những thánh đường trên mặt đất tràn ngập ruồi, thì tuyết sẽ ngân lên hồi chuông cứu rỗi, sẽ lan toả trên mặt đất giá lạnh và sẽ thắp ngọn nến nhỏ của đức tin như ngôi sao duy nhất còn sót lại trên bầu trời đen.
Những con dê núi, những con thỏ sẽ thắp lửa và mang cỏ khô đến cái hang đá nhỏ của Dã Nhân. Và cậu bé da đen người Congo sẽ ngự trong máng cỏ đó như bằng chứng về tội ác của nhân loại mà cậu ta sẽ phải cứu chuộc.
20. Chia tay
Có những cuộc chia tay không buồn không vui. Những cuộc chia tay mệt mỏi.
Đó là cuộc chia tay với báo Tuổi Trẻ, với nữ nghệ sĩ Hột Xoàn và với những “đồng chí” trong Phong trào Sinh viên thời chống Mỹ. Chia tay không vì bất đồng, không vì ghét bỏ thù hận, không vì tiền tài địa vị.
Chia tay vì quá hiểu nhau.
Tôi biết nói sao về một tờ báo thuộc vào loại lớn nhất nhì trong nước, khi mà có những nhà lãnh đạo khen là trung thực, có những nhà văn cây đa cây đề cỡ như NN ca ngợi là “đứng về phía nhân dân”? Nhà văn ấy không hề biết rằng trước năm 1975 ở Sài Gòn có 36 tờ nhật báo nhưng chỉ có duy nhất một tờ báo của nhà nước. Đó là tờ Tiền Tuyến. Tờ báo đó không ai đọc và chỉ phát không cho lính.
Ngày nay chúng ta chỉ toàn báo nhà nước, sao nhà văn lại nói lời ngây ngô đến vậy?
Tôi làm việc ở báo Tuổi Trẻ dưới triều của nhiều ông tổng biên tập. Có người là bạn tôi, rất thân thiết như anh 7C, anh 3K anh 6Q. Đó là những anh lãnh đạo biết khiêm nhường vì biết sức của mình.
Vũ Lành không biết mình là ai nên phong cách của anh có khác. Trong những buổi họp anh hay bắt chước Lenin, chắp tay sau đít đi đi lại lại, thỉnh thoảng lại đưa ngón tay trỏ ra chỉ vào khoảng không, điệu bộ cũng không khác Lenin là mấy.
Có lần nhìn tôi dắt chiếc xe đạp từ ngoài cổng vào cơ quan, anh ta hỏi:
"Ông dắt xe trông dễ dàng quá. Sao tôi dắt thấy lướng vướng. Không thăng bằng."
Tôi đưa xe cho anh ta dắt thử. Rồi tôi nhận xét:
"Ông nên đứng bên trái của chiếc xe thì ông sẽ dắt đi dễ dàng."
Anh ta bèn đổi bên và ngạc nhiên thấy mình đã có thể dắt xe đi một cách thoải mái. Rồi cứ thế, anh ta dắt chiếc xe đạp của tôi vào thẳng trong nhà xe.
Tôi đứng im, nhìn ngắm niềm vui hồn nhiên của anh ta và tự nhủ:
"Nếu muốn làm một nhà lãnh đạo như Lenin thì ít ra bạn cũng phải biết cách dắt một chiếc xe đạp chứ."
*
Hồi đó phi công Phạm Tuân, được Liên Xô chọn làm phi hành gia cùng với Viktor Gorbatko được phóng vào không gian trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23 tháng 7 năm 1980. Tôi có mặt trong đoàn nhà báo ra phi trường đón anh khi anh từ Liên Xô trở về sau chuyến bay. Nhà báo lúc đó thì nhiều nhưng chắc chỉ có mình tôi biết chi tiết này: Lúc Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm (người cùng được đào tạo với Phạm Tuân tại Liên Xô, sau này đã tử nạn máy bay) đi diễu qua đám đông thì có một nhân viên mật vụ nào đó đến giữ tay Bùi Thanh Liêm lại và nói: “Xin đồng chí đừng đi cùng với đồng chí Phạm Tuân.” Bùi Thanh Liêm ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy? Lâu nay chúng tôi vẫn đi cùng nhau mà. Kể cả bên Liên Xô.” Nhưng rồi Liêm vẫn phải tách khỏi Phạm Tuân vì anh hiểu ra rằng mình không phải là “anh hùng”.
Vụ can thiệp thô bạo đó làm tôi sốc. Tôi không muốn viết bài nữa. Tuy nhiên tôi cũng đưa một cái tin ngắn về cuộc họp báo sau đó. Trong bài viết tôi gọi Phạm Tuân là “người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ”.
Vũ Lành giãy nảy lên:
"Sao lại là người Việt Nam đầu tiên? Phải viết là người châu Á đầu tiên chứ!"
Tôi nói:
"Người châu Á đầu tiên thì cũng đúng. Nhưng tôi nghĩ mình nên khiêm tốn một chút. Vì phi thuyền là do người ta chế ra. Điều hành chuyến bay là do các nhà khoa học của người ta, trạm không gian Salyut 6 cũng do người ta lắp đặt trên quỹ đạo. Nói chung mình chỉ là người ‘quá giang’ lên trời. Thế thì mình cũng không nên khoa trương quá đáng. Trung Quốc, Ấn Độ, nhất là Nhật Bản… họ cười cho!"
Vài tuần sau Ba Hưng, một sếp hạng ba của toà soạn bảo tôi:
"Trên Quân khu 7 có bốn gương điển hình tiên tiến, ông đi viết đi. Hay đấy!"
Tôi hỏi:
"Sao hay?"
"Bốn anh bộ đội này đến ngày phục viên nhưng làm đơn tình nguyện ở lại phục vụ trong quân ngũ."
Tôi đi gặp bốn anh bộ đội trẻ. Họ nói:
"Anh ơi! Đừng viết."
"Tại sao?"
"Tụi em không muốn giải ngũ vì về nhà không biết làm gì. Sợ thất nghiệp, trở thành gánh nặng cho gia đình. Có vậy thôi. Anh viết bài, bạn em nó chửi em chết."
Tôi đem chuyện đó thuật lại, và từ chối viết bài. Ba Hưng nói:
"Tôi đề nghị đồng chí làm nhiệm vụ."
Bình thường tôi và anh ta vẫn xưng hô mày tao với nhau nhưng khi trở mặt thì người ta thường gọi nhau là “đồng chí”. Tôi mệt mỏi. Và tôi ngủ.
Ba ngày sau cũng đếch có chữ nào!
Ba Hưng điên lên:
"Tôi ra lệnh…"
Anh ta chưa nói hết câu thì ba cú đấm liên tiếp từ bàn tay rất yểu điệu của tôi, bàn tay xưa nay chỉ biết chơi đàn… đã bay thẳng vô mặt anh ta. Ba Hưng thét lên:
"Các đồng chí ơi! Nó đánh lãnh đạo! Nó đánh lãnh đạo!"
Tôi cũng không ngờ lúc đó tôi lại dữ đến như vậy. Nhiều người trong toà soạn bu lại coi như coi đá gà. Tôi bỏ ra ngoài.
Đột nhiên Vũ Lành ở đâu chạy về. Anh ta la lớn:
"Tại sao các đồng chí lại đứng khoanh tay nhìn? Tại sao lại cười? Tại sao không có ai kêu công an đến còng tay anh ta lại?"
Vũ Lành không thể ngờ rằng ngay hôm sau, trong buổi họp kiểm điểm tôi, chị Trần Thị Xuyến đã phát biểu:
"Tôi nghĩ anh Đào Hiếu đánh anh Ba Hưng là phải. Bởi vì nếu không đánh tại cơ quan thì ra ngoài đời anh Ba cũng bị người ta đánh."
Ngày nay, sau gần 30 mươi năm, báo Tuổi Trẻ đã lớn mạnh hơn nhiều, đội ngũ phóng viên trẻ hơn, năng động hơn nhưng báo vẫn là báo của Đảng. Họ chỉ được viết theo chỉ đạo của cấp trên. Hàng ngày họ vẫn chống tiêu cực, chống tham nhũng… nhưng cũng là “chống” theo ý của Đảng. Độc giả bình thường vẫn nghĩ là họ rất “dũng cảm”, “dám nói sự thật”… và những nhà văn cây đa cây đề cỡ như NN thì vẫn tiếp tục khen tờ báo là “đứng về phía quần chúng”… nhưng những người có chút suy nghĩ độc lập thì ai cũng biết rằng chuyện chống tham nhũng chống tiêu cực trên báo Đảng chỉ là chuyện màu mè, chỉ là những tiểu xảo “che mắt thế gian” vì thực tế chuyện tham nhũng là chuyện của cả một guồng máy.
Khi có những vụ tham nhũng lớn cỡ như PMU18 hoặc Đề án 112 thì các quan lớn thường chỉ thị một cách nghiêm khắc là: “Hãy xử đúng người, đúng tội, không được bỏ sót…” nhưng thực tế họ cùng một “băng” với nhau, bao che cho nhau, xử án qua quýt, lòng vòng… rốt cuộc là chìm xuồng hoặc năm bảy năm tù để rồi vài năm sau, nhân Lễ Quốc khánh lại cho về vì “cải tạo tốt”. Đó là những màn trình diễn quen thuộc, rẻ tiền.
Vì thế những bài báo mà người ta vẫn khen là “dũng cảm” là “đứng về phía nhân dân” thực chất chỉ là những tiểu phẩm hài trơ tráo.
Tội nghiệp biết bao cho những nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết vừa rời ghế trường đại học đã phải đi làm bồi bút.
Và họ sẽ làm bồi bút như vậy suốt đời.
*
Cuộc chia tay với nữ nghệ sĩ Hột Xoàn, lặng lẽ hơn, ít kịch tính hơn nhưng lại làm tôi thất vọng.
Ngày nọ chị đến tìm tôi, nhờ tôi viết hồi ký.
Về sau này, khi nghe tôi kể chuyện viết thuê cho Hột Xoàn, Sơn Nam nói anh cũng từng viết thuê như vậy. Rồi nhấp nháy con mắt lem nhem, anh nói: Chơi không được. Có lẽ chỉ mình tôi hiểu được câu nói đó của Sơn Nam.
Lúc đó một anh công chức quèn như tôi lương phạn ít ỏi, được một bà nhà giàu thuê viết hồi ký thì mừng lắm. Mỗi tuần tôi đến nhà chị hai lần. Chị thường làm việc với tôi ở cái phòng khách rộng rãi sang trọng với bộ ghế bành đồ sộ và cây đàn piano lộng lẫy.
Chị kể và tôi ghi chép. Tôi hỏi và chị trả lời. Đôi khi cao hứng chị mời tôi lên phòng riêng vừa trò chuyện vừa ăn bún bò.
Chúng tôi làm việc với nhau suốt mấy tháng trời, không quản mưa nắng, sớm chiều. Chị đi diễn còn tôi đi làm nên thì giờ cả hai cùng eo hẹp. Rảnh thì phone đến. Bất kể giờ giấc.
Có lần tôi đến, ngồi đợi ở phòng khách khá lâu, uống hết ly đá chanh mà vẫn chưa thấy Hột Xoàn xuất hiện. Buồn tình tôi ngồi lại cây piano. Tôi chơi bản Lac De Côme. Đó là một tác phẩm nổi tiếng của Galas soạn trên cung LA giáng trưởng, với giai điệu thánh thót, diễn tả cảnh thơ mộng khi bơi thuyền trên hồ. Lập tức Hột Xoàn xuất hiện ngay đầu cầu thang. Nhưng chị đứng im và lắng nghe. Đến khi hết bản nhạc thì chị bước chậm rãi xuống, y hệt như trong một vở diễn.
"Thật bất ngờ! Ông mua cây đàn tôi bán cho. Ở nhà có ai đàn đâu."
"Tôi thấy trong các vở kịch chị vẫn chơi piano mà."
"Chỉ gõ đại khái mấy nốt. Ông mua tôi bán cho."
"Tiền đâu mà mua. Con nhà nghèo."
"Nghèo sao biết chơi piano?"
"Khi mới tiếp quản Sài Gòn tôi sống trong các ngôi biệt thự sang trọng. Nhà nào cũng có piano. Tôi cũng chỉ học lóm được mấy bài.”
Rồi chị lại kể. Tôi lại ghi chép.
Sau đó tôi phải viết trong nhiều tháng trời mới xong cuốn hồi ký. Tổng cộng thời gian phỏng vấn và thời gian chấp bút, sửa chữa, phải hơn một năm trời.
Cuối cùng chị cầm một xấp bạc cũ rích đưa cho tôi. Tôi không nhớ cụ thể số tiền là bao nhiêu vì thời đó đổi tiền liên tục, nhưng cảm giác khi cầm số tiền thù lao là đau xót. Vì nó chỉ đáng chừng một tháng lương công chức quèn. Lại là mớ bạc cũ, chắc hẳn là tiền lẻ còn thừa sau những đêm diễn.
Tôi nói:
"Tôi làm việc với chị không có hợp đồng. Bản thảo này là do tôi phỏng vấn chị để viết. Nó giống như một bài báo. Vì thế bản quyền thuộc về tôi mặc dù chị đang giữ bản thảo."
*
Mười mấy năm sau, một anh bạn của tôi là Lê Non, chủ biên một loạt sách chuyên đề, báo với tôi là ông Vô Hạnh có xách cái bản thảo Hồi ký Hột Xoàn đến toà soạn nhờ đăng và nói là hồi ký đó do ông viết.
Chị Hột Xoàn có thể không cho ông Vô Hạnh biết là Đào Hiếu đã viết hồi ký đó, nhưng có điều chắc chắn là ông Vô Hạnh biết mình không phải là tác giả. Làm sao mà một nhà văn có tiếng như ông lại đi làm cái việc đáng hổ thẹn như vậy?
*
Cuộc chia tay thứ ba là cuộc chia tay với những con ruồi.
Dã Nhân hỏi:
"Ngươi không phải là ruồi, sao ngươi có thể chia tay với ruồi?"
Đáp:
"Trước đây chúng không phải là ruồi, chúng là bạn tôi. Về sau, vì ăn tạp, chúng bị đột biến gen và hóa thành ruồi."
Thực ra tiền thân của ruồi là một loại sinh vật màu trắng, nhỏ như cọng tăm, không có lông lá, không có tay chân. Dân gian gọi nó là con giòi. Vì giòi không phải làm việc nên không cần tay chân. Chúng chỉ biết ăn nên chỉ cần một cái miệng là đủ. Chúng bò trườn, chúng câm lặng vì “im lặng là vàng”. Chúng lúc nhúc trong đống vàng ấy.
Đầu tiên là một con ruồi cái. Cái mặt nó bự, mắt là một thứ lăng kính nhiều mặt. Tay chân nó đầy lông, bụng nó phình ra như cái trống. Hồi còn là sinh viên tướng tá nó đã ngầu như vậy. Bộ ngực đồ sộ như hai trái bí đao. Khi ở tù nó được tụi cai ngục đặt cho cái hỗn danh là “Con ma vú dài khám Chí Hoà”.
Tôi không ở tù chung với nó nên không biết trong tù nó có “ngon lành” không (muốn biết cứ giở những tờ khẩu cung còn lưu trong Tổng Nha thì rõ!) nhưng ngoài đời nó thường ăn nói đốp chát, đanh đá. Chồng của Ma Vú Dài thì tôi biết vì tôi ở tù chung với anh ta. Anh ta thuộc loại “ngon lành”. Nhưng đó là chuyện trong tù, còn chuyện “kinh tế thị trường” thì lại khác. Chẳng biết hai vợ chồng đớp hít vơ vét cỡ nào mà phải bỏ nhiệm sở trốn. Chạy đi cầu cứu hết ông lãnh đạo nọ đến ông kia. Một bữa, Ma Vú Dài tình cờ gặp tôi. Nó nói:
"Mình có cái đồn điền cà phê mấy chục mẫu. Ông mua mình bán cho."
Tôi chỉ ngón tay vào giữa hai đùi của mình và nói:
"Làm nhà văn, chỉ có mỗi cây bút bi này, tiền đâu mà mua?"
Không biết sau đó nó bán đồn điền cho ai. Nhưng đồn điền cà phê có là cái quái gì với nó. Nó làm sếp tàu biển. Mỗi lần tàu há mồm là nuốt cả xe hơi, biệt thự. Dù nó có bỏ nhiệm sở mà trốn thì cũng đã gởi cả núi tiền ở các ngân hàng Thuỵ Sĩ rồi!
Thứ hai là một con ruồi đực. Nó cũng từng vô rừng “kháng chiến” đâu bốn năm năm gì đó. Thường mang một cây M16 rỉ sét vì nó không biết tháo ráp để chùi súng. Và dĩ nhiên là chưa hề bắn viên đạn nào.
Năm 1974 tôi gặp nó trong chiến khu Long Khánh. Nó nói:
"Ông sắp về thành phải không? Cho tôi gởi cái thư về nhà."
Nhà của nó ở tận ngoài Đà Nẵng, cách Sài Gòn một ngàn cây số. Vì bạn, tôi đi Đà Nẵng (thư mật, không thể gởi qua bưu điện). Tôi không quen đường sá ở đó nên nhờ Hổ chở xe máy. Qua đường ray xe lửa, xe của Hổ bị sụp lỗ, đẩy nguyên bàn chân phải của tôi vô bánh xe. Máu túa ra đầm đìa. Đưa được một cái thư, lãnh một cái sẹo. Nhưng vì đồng chí mình, một cái sẹo nào có sá gì!
Chỉ tiếc là máu đã đổ cho một thằng ăn cắp.
Sau giải phóng nó làm phó giám đốc một công ty xuất nhập khẩu Quận Một TPHCM. Chuyện nó đớp hít thế nào bố tôi cũng không biết. Chỉ biết mấy năm sau nó bị còng tay, tống vô tù vì tội tham nhũng. Tham nhũng bao nhiêu tiền, bố tôi cũng không biết chỉ biết rằng mấy tháng sau, nhân dịp Quốc khánh nó thuộc diện “cải tạo tốt” nên cho về.
Nó ra Bắc chơi, ngao du sơn thuỷ. Thấy cái nhà sàn đẹp, bằng gỗ quý, tận đâu trên Lạng Sơn, Cao Bằng gì đó nó mua nguyên cái. Thuê người tháo ra từng mảnh nhỏ, đóng gói cẩn thận, lại thuê nguyên một toa tàu chở về Sài Gòn không thiếu một cái chốt.
Nó mua một miếng đất rộng, dựng ngôi nhà sàn ấy lên như món đồ cổ. Nhưng cái nhà sàn đó cũng chỉ là món đồ chơi vậy thôi. Chỉ là cái móng chân của nó. Tài sản mà nó vơ vét khi còn làm quan nó giấu ở đâu? Tẩu tán cho ai? Rửa tiền bằng cách nào? Không ai biết được. Chỉ biết…
Thứ ba cũng là một con ruồi đực. Con ruồi này nó thơm lắm vì nó “ăn” toàn nước hoa của hãng Thanh Hương do cái thằng chó chết có tên là Nguyễn Văn Mười Hai làm chủ. Thằng Mười Hai này “rặn” ra một hãng nước hoa, quảng cáo rùm beng là làm ăn phát đạt ghê gớm. Nó cấu kết với thằng bạn tôi lúc đó đang làm Giám đốc Sở Tư pháp. Nó huy động vốn. Trả lãi mười phần trăm, rồi mười bốn phần trăm một tháng. Thiên hạ rủ nhau đem tiền gởi cho nó để lấy lời. Nó thuê hàng trăm nhân viên để đếm tiền và bỏ tiền vào tủ mỗi ngày. Nó lấy tiền của người này trả lãi cho người kia, tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Giám đốc Sở Tư pháp đã bao che cho nó như thế nào chẳng ai hay, ăn chia với thằng Mười Hai như thế nào chẳng ai biết, chỉ biết ngày nọ nó bị tống vào tù. Nhưng đó cũng chỉ là cái trò che mắt thế gian mà thôi. Lại ngày Quốc khánh. Lại cải tạo tốt. Lại ra tù. Lại mua nhà. Nhưng thằng này không mua nhà sàn mà mua biệt thự. Hiện nay nó có ba cái biệt thự ở Đà Lạt.
Chúng nó cấu kết với nhau để cướp tiền của nhân dân lao động (trong đó có bà xã tôi, mất tiêu 5 triệu đồng dành dụm trong bao nhiêu năm trời!) nhưng cho đến giờ chúng nó vẫn phè phỡn nhờ số tiền cướp được ấy!
Con ruồi thứ tư là một thằng chủ tịch huyện, nó cũng gốc sinh viên, từng ở chiến khu. Thằng này thì biết tháo ráp, chùi súng. Và hình như cũng đã từng bắn một viên đạn do cướp cò. Thời gian làm chủ tịch huyện nó cũng ăn tạp nhiều quá, phải ngồi tù.
Con ruồi thứ năm là một tổng giám đốc, bỏ trốn ra nước ngoài ngày…
Con ruồi thứ một ngàn là phó chủ tịch quận phụ trách nhà đất, bỏ trốn ngày…
Nhưng những thằng phải đi trốn, những thằng phải ở tù cũng chỉ là những thằng ăn cắp vặt (có nghĩa là vài chục tỉ, vài trăm tỉ). Chính những thằng không đi trốn, không đi tù mà đi xe hơi, đi máy bay riêng mới là những “đại ca” thứ dữ. Tiền chúng nó cướp được không phải là chục tỉ, trăm tỉ mà là ngàn tỉ, chục ngàn tỉ… có như thế chúng nó mới bỏ ra vài triệu đô la để cá độ bóng đá, có như thế chúng nó mới gởi con sang Mỹ ăn chơi đàng điếm.
Năm 2004, nhân một chuyến tham quan Beverly Hill, khu nhà ở sang trọng của các ngôi sao điện ảnh Hollywood, tôi được người hướng dẫn du lịch chỉ cho xem một ngôi biệt thự đồ sộ gần đó và nói rằng đó là nhà của một sinh viên Việt Nam, con của một ông chủ tịch… xã!
Và đâu chỉ thằng chủ tịch xã đó biến thành ruồi. Bạn bè tôi, có thằng nào làm quan mà không trở thành tư sản đỏ, không biến thành ruồi?
Nghĩ thương cho Dã Nhân, chỉ đủ tiền uống xị đế, vậy mà cũng triết lý, cũng dạy tôi nhiều thứ:
“Sự áp bức bất công đã tràn lan như cát trên sa mạc, như rừng trùng điệp, như sóng trên biển cả. Ai thay đổi được, ai chống lại được? Áp bức và bất công đã được toàn cầu hóa. Ngươi là cái gì mà đòi thay đổi. Nếu thay đổi được thì đã không có Bin Laden không có chủ nghĩa khủng bố.”
Cho nên nhân loại đang sống trong tuyệt vọng.
Có người biết điều đó, nhưng cũng có người không biết điều đó. Họ đã quen với áp bức, bất công. Họ đã quen với tham nhũng. Họ coi chuyện giai cấp cầm quyền ăn chặn tiền của họ là chuyện bình thường.
LOÀI NGƯỜI XƯA NAY ĐÃ QUEN SỐNG CHUNG VỚI TRỘM CƯỚP cũng giống như dân đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã quen sống chung với lũ.
Tới kỳ, nước lại dâng lên, sập nhà, mất mùa, chết người, chết gia súc… nhưng bỏ đi đâu bây giờ? Biết làm gì bây giờ? Vì đó là THIÊN TAI, không thể sửa đổi được quy luật của trời đất. Đành phải sống chung với lũ. Đành phải sống chung với trộm cướp…
21. Những con chó rơm của Khổng Tử
Khách đi xe hơi đến. Xe và tài xế ở lại dưới chân núi. Một mình khách theo đường mòn đi lên. Cây, đá đều lẫn trong sương. Trời cũng chìm khuất trong mây, Mây thấp, la đà dưới thung lũng.
Dã Nhân nói:
"Ta không muốn tiếp nó."
"Vậy thì thầy lánh mặt đi."
Khách là bạn cũ của tôi và Dã Nhân. Trước đây hắn cũng ở trong phong trào sinh viên chống Mỹ. Tốt nghiệp đại học. Ở rừng về. Đảng viên. Tuy hắn chỉ giữ một chức quan nhỏ nhưng nhờ quen biết lớn hắn nhảy vào kinh doanh địa ốc trở thành một trong những đại gia của thành phố.
Thủ đoạn kinh doanh của hắn có thể tóm tắt như sau: “Thông qua các quan lớn, hắn biết được các khu quy hoạch của thành phố. Hắn tiếp xúc với các quan trong địa phương có đất quy hoạch, cùng họ lên phương án đền bù giải toả. Hắn họp dân lại, treo cái bản đồ quy hoạch tổ bố trên bảng để dằn mặt dân, sau đó hắn ra một cái giá rẻ mạt cho mỗi mét vuông, bắt dân phải bán đất.
Trước đây tại một khu quy hoạch ở Nam Sài Gòn, người nông dân bị buộc phải bán cho hắn mười chín ngàn đồng một mét vuông đất ruộng. Về sau này, nông dân biểu tình phản đối cướp đất, hắn đi con đường mềm dẻo hơn. Hắn cho họp dân để “hiệp thương” tức là hai bên thương lượng giá. Nhưng hắn lại đưa ra một cái khung giá do nhà nước quy định. Ở thời điểm năm 2000 cái giá ấy là 300 ngàn một mét vuông. Dân không chịu thì hắn và các quan chức địa phương bèn ra lệnh: “Ai không chịu nhận tiền đền bù thì số tiền ấy cũng sẽ được gởi vào ngân hàng. Còn kế hoạch giải toả vẫn tiến hành theo đúng tiến độ.” Ngay ngày hôm sau, trên mục rao vặt của các báo xuất hiện những mẩu tin rao bán đất. Các chủ đất đọc báo, thấy đất của mình được hắn ta rao bán với giá bảy triệu đồng một mét vuông (!)
Tiếp theo là cuộc hành quân quy mô lớn gồm công an, cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, xe cứu thương, đại diện cơ quan nhà đất địa phương, đại diện ban giải toả đền bù, đại diện dự án tái định cư… cùng một đoàn xe ũi, xe xúc, cần cẩu… rầm rộ kéo đến tiếp quản đất và san lấp mặt bằng. Xe cứu thương hụ còi, “sẵn sàng làm nhiệm vụ” nếu có xô xát đổ máu.
Đó là cảnh tượng tôi đã từng chứng kiến.
Tôi không rõ khi người ta xây dựng khu Phú Mỹ Hưng thì người ta có phải hành quân kiểu đó không, và giá tiền đền bù giải toả mà người nông dân nhận được có phải là 19 ngàn đồng một mét vuông như lời đồn đại không, nhưng điều tôi biết chắc là hiện nay những người nông dân ấy - với số tiền đền bù rẻ mạt - vẫn phải ở nhà tranh vách đất hay chui rúc trong các xóm lao động, còn Phú Mỹ Hưng văn minh hiện đại là nơi dành cho người Hàn Quốc, Nhật Bổn, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hong Kong… và một số cán bộ cao cấp, một số những nhà giàu ở Quận Một Quận Ba hay khách phương Bắc đến để rửa tiền.
Và bạn nghĩ gì khi người ta mua đất của nông dân với giá 19 ngàn một mét vuông và hiện nay họ bán lại với giá 60 triệu?
Lợi nhuận ấy chỉ thua các ông trùm buôn bán vũ khí Hoa Kỳ chứ không thua ai. So với hắn, tụi buôn ma tuý chỉ là lũ tép riu.
Vậy mà hôm nay hắn đến đây.
"Thầy có nhà không?"
"Đi rồi."
"Chắc thầy đang hành thiền?"
"Thầy tôi không phải là một thiền sư. Ông giống một đạo sĩ hơn. Ông thường uống rượu và say xỉn."
"Có thể cho tôi gặp sư phụ được không?"
"Không biết thầy đi đâu."
Khách ngó quanh quất. Rôi chợt đứng dậy, xăm xăm đi ra phía sau núi. Tôi đuổi theo thì hắn đã mất hút trong sương mù dày đặc.
"Sư phụ! Sư phụ!” Hắn gọi vang cả rừng núi.
Hắn vừa gào vừa men theo con đường mòn dẫn đến hang đá. Đột nhiên hắn im bặt khi nghe tiếng nước đổ rào rào trên những tán lá ngay phía trên đầu.
Vừa ló mặt ra, hắn thấy ngay chú mọi nhỏ đang vểnh cu đái cầu vồng xuống đầu hắn. Vừa lúc có tiếng ngâm nga của Dã Nhân:
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.
Bốn câu thơ làm hắn sững người. Vừa lúc Dã Nhân hiện ra trên một tảng đá lớn.
"Chào thầy. Bài tứ tuyệt của thầy hay quá."
"Không phải của ta. Đó là thơ Giả Đảo. Nhưng ông đến đây làm gì?"
"Sắp tới rằm tháng Bảy. Tôi muốn làm lễ xá tội vong nhân."
"…"
"Trước hết là cho các đồng chí của mình trước đây trong phong trào sinh viên đã hy sinh trong kháng chiến như Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Hồ Hảo Hớn, Trần Bội Cơ, Nguyễn Ngọc Phương…"
"…."
"Sau đó là tới các gia đình có công với cách mạng."
Dã Nhân hỏi:
"Ông nghĩ rằng những người đó cần phải được xá tội sao?"
"Thưa thầy… ngày Vu Lan cũng là ngày xá tội vong nhân cho những linh hồn…"
"Những người chết không có tội gì cả. Những người sống mới có tội. Thế sao không dùng tế lễ để xá tội cho những người sống?"
"Ý của thầy là sao?" Hắn hỏi.
"Ngày xưa Khổng Tử đem lễ nghĩa ra dạy đời nhưng thực chất chỉ là lời nói suông, thực chất xã hội rối loạn. Các nước chư hầu đều nhân danh nhân nghĩa mà đem quân đánh nhau gây bao nhiêu tang tóc cho muôn dân, con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, gia đình tan nát, xã hội tiêu điều, sinh linh đồ thán. Trong triều thì bọn quan lại tìm cách hãm hại nhau vì danh lợi, ngoài thảo dã thì trộm cướp nổi lên, dân chúng đói khát, không có cái ăn cái mặc. Vậy mà Khổng Tử và các môn đồ của ông ta vẫn cứ đi hết nước này đến nước khác để giảng nhân nghĩa lễ trí tín, há chẳng phải là làm cái bình phong để tiếp tay cho bọn quan lại, vua chúa đàn áp, bóc lột nhân dân sao? Há chẳng phải là giả dối, lừa mị sao? Vậy thì Khổng Tử, Mặc Tử đã làm được gì cho thiên hạ? Hỡi ơi! Sao bọn họ không thấy xấu hổ, không biết nhục nhỉ!"
"Nhưng thưa thầy đó là chuyện của thời xưa."
"Thời nay nào có khác gì. Bọn trộm cướp chuyên nghiệp, trộm cướp có hệ thống, lại chính là bọn kêu gọi tình người, tình đồng chí. Tù nhân đầy trong các nhà giam, hàng triệu con gái nông thôn lên thành phố làm gái điếm, trẻ bụi đời, dân nghiện ngập, thanh niên thất nghiệp đầy dẫy trong các xóm lao động tối tăm, những dân tộc thiểu số sống lầm than như súc vật… thì không ai lo, lại hô hào bảo vệ bản sắc dân tộc, bảo vệ truyền thống, bảo vệ cái khăn đóng áo dài, cái nón quai thao… có phải là lừa bịp không?"
"Nhưng tôi chỉ muốn tổ chức một lễ cầu siêu…"
Dã Nhân đáp:
"Để ta kể cho ông nghe chuyện Khổng Tử cùng học trò là Nhan Hồi tới nước Vệ, gặp thái sư nước Lỗ tên là Kim. Nhan Hồi hỏi Kim:
‘Ông nghĩ sao về thầy tôi?’
‘Thầy ông sẽ bị khốn cùng mất thôi!’
‘Sao vậy?’
‘Khi cúng tế người ta thường dùng một con chó rơm bọc gấm rất đẹp. Người ta đặt con chó rơm ấy lên bệ rất là trang trọng, rất là đẹp. Nhưng khi đã cúng xong rồi thì con chó rơm bị vứt đi, lăn lóc dưới đất. Người ta đi qua đi lại giẫm đạp lên. Giày xéo lên. Có người cắt cỏ nọ nhặt con chó rơm đó đem về chụm lửa. Nay thầy của ông cũng đi lượm những con chó rơm mà tiên vương đã dùng để cúng tế từ nhiều đời trước, rồi ông ta họp đệ tử lại, ngắm nghía, săm soi ra chiều đắc ý. Vì vậy mà bị nước Vệ cấm không cho vào, rồi bị vây ở biên giới nước Trần, không có gì ăn, nhịn đói suýt chết.’"
Hắn lại hỏi:
"Ý thầy muốn nói…?"
"Rằng chuyện lễ lạt, chuyện tưởng niệm, chuyện bản sắc dân tộc, chuyện truyền thống Việt Nam, chuyện trung với nước hiếu với dân… chẳng qua chỉ để che mắt thế gian. Thực chất chỉ là những con chó rơm được bọc áo gấm cho đẹp đẽ để cúng tế trong giây lát mà thôi, dùng xong thì vứt lăn lóc dưới đất như rác rưởi."
"Thầy coi thường lễ nghĩa đến như vậy sao?"
"Đó là những điều ta học được từ Trang Tử."
"Nhưng ở các nhà trường người ta vẫn dạy: ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ đấy thôi.
"Cái lễ trong nhà trường là cái lễ với thầy cô, với cha mẹ. Cái lễ ấy trong sáng, dễ thương. Còn cái lễ ngoài xã hội là cái lễ giả tạo của bọn nguỵ quân tử dùng để che mắt thế gian. Trang Tử coi lễ là mớ giẻ rách. Ông viết như thế này trong chương Trí Bắc du của Nam Hoa kinh: “Mất Đức rồi mới có Nhân, mất Nhân rồi mới có Nghĩa, mất Nghĩa rồi mới có Lễ.”
"Câu đó phải hiểu như thế nào?"
"Ông hãy tự soi lại mình thì sẽ hiểu câu đó. Có phải khi ông đã làm những chuyện thất đức tày trời rồi ông mới nghĩ tới làm việc nghĩa. Nhưng có làm được đâu, vì thực chất ông không dám trả lại tiền cho những người bị các ông cướp ruộng đất. Chính vì thế mà các ông mới nghĩ tới lễ. Vậy thì thứ lễ ấy có khác gì miếng giẻ rách đâu!"
Khách nghe đến đây thì sợ quá, co giò chạy xuống núi. Chú mọi nhỏ đứng trên tảng đá, vỗ tay cười. Tiếng cười như mảnh thuỷ tinh bắn vãi theo. Khách cuống cuồng sảy chân lao ra khỏi vách núi, ngã xuống vực. Tôi hốt hoảng định kêu lên nhưng Dã Nhân đã cười lớn mà rằng:
"Ngươi hãy nhìn xem!"
Lạ thay, người khách khẽ rùng mình, hóa thành một con ruồi to như con diều hâu, tà tà bay xuống thung lũng.
1 - 5
6 - 10
11 - 15
16 - 21
22 - 30
Tác giả Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định, 1968 vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 1970 là binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà, sau 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.
Tác phẩm: Truyện dài và tiểu thuyết: Giữa cơn lốc, nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1978; Một chuyến đi xa, nxb Măng Non 1984, nxb Trẻ 1994; Qua sông, nxb Văn Nghệ 1986; Vùng biển mất tích, nxb Đồng Nai 1987; Vượt biển, nxb Trẻ 1988, 1995; Vua Mèo, nxb Trẻ 1989; Người tình cũ, nxb Văn Nghệ 1989; Kẻ tử đạo cuối cùng, nxb Trẻ 1989; Thung lũng ảo vọng, nxb Trẻ 1989; Hoa dại lang thang, nxb Văn Học 1990; Trong vòng tay người khác, nxb Tác Phẩm Mới 1990; Kỷ niệm đàn bà, nxb Văn Nghệ 1990; Nổi loạn, nxb Hội Nhà Văn 1993. Thơ: Đường phố và thềm nhà, nxb Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, nxb Văn Nghệ 1982; Những bông hồng muộn, nxb Trẻ 1999; Tình địch, nxb Trẻ 2003.
Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/