talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 01.07.2007


Võ Văn TrựcCọng rêu dưới đáy ao


Trong hai năm, Võ Văn Trực, vốn được biết đến như một nhà thơ, liên tiếp ra hai cuốn tiểu thuyết tạo ra những xôn xao lớn trong giới văn chương Việt Nam. Sau Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao mà chúng tôi giới thiệu kỳ này tiếp tục “được” hưởng một số phận về xuất bản đầy cam go ngay từ khi mới xuất hiện: bị chính NXB quyết định thu hồi sau khi phát hành được gần 1 tháng.
talawas chủ nhật

 

Võ Văn Trực

Cọng rêu dưới đáy ao


I II III

XV. Bị khám nhà

Dễ chừng anh đã hút đến năm, sáu điếu thuốc lá cuốn, hút hết điếu này cuốn điếu khác. Anh vừa hút vừa mê mẩn nghe hai cán bộ bộ đội nói chuyện với nhau, trong đó có một cậu tên là Thắng. Qua câu chuyện anh biết được hai cậu này ở quê huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Anh thấy trên cổ Thắng có một cái sẹo, nếu đúng cậu ta thuở nhỏ mang biệt danh là “Thắng sẹo” thì hồi kháng chiến chống Pháp anh đã từng đóng quân trong nhà. Anh vờ nói một tiếng vu vơ: “Thắng sẹo”. Thắng quay sang nhìn anh có vẻ tò mò: “Sao bác này lại biết mình là Thắng sẹo?” Anh mạnh dạn hỏi chuyện thì hoàn toàn đúng như anh dự đoán.

“Thế bác là bác Hiền à?”

“Vâng…”

“Bác Hiền thật à? Sao cháu lại được gặp bác ở đây?”

“Làng bác ở gần đây”.

“Làng bác ở gần đây?”

Anh chỉ tay:

“Đấy… làng bác ở dưói chân núi Hai Vai. Hồi đóng quân trong nhà, bác vẫn thường kể cho cháu nghe sự tích ông thần Núi cháu có nhớ không, chính là núi này!”

“Cháu nhớ rồi! Cháu nhớ rồi! Ai xui cho bác cháu mình lại được gặp nhau?”

Cuộc gặp gỡ bất ngờ trong quán nước chè xanh bên đường số Bẩy hôm ấy đã trở thành” sự kiện” trong chuỗi ngày buồn tủi của anh, một “sự kiện” dẫn dắt anh đến một cuộc sống thoải mái hơn nhưng cũng mang anh đến với nỗi bất hạnh lớn.

Cánh đây chừng mười lăm năm, Thắng mới mười một tuổi, đơn vị bộ đội đóng quân tại Hạ Hoàn, anh Hiền ở trong nhà Thắng. Tình quân dân thắm thiết, Thắng suốt ngày quấn quýt với các chú vệ quốc đoàn. Anh Hiền dạy hát, kể chuyện cổ tích cho Thắng nghe… Thế rồi anh Hiền cùng đơn vị ra chiến dịch. Gia đình Thắng không hy vọng có ngày anh trở lại. Thời buổi chinh chiến… Hai bác cháu gặp lại nhau tại quán nước hoàn toàn là một điều bất ngờ. Thắng thường rẽ vào nhà anh chơi, nhiều hôm ăn cơm và ngủ lại. Thắng không ngờ người đại đội trưởng năm ấy, đi giày chân chì, mặc áo bốn túi, mang súng lục, bây giờ lại sống khổ cực như thế này. Mỗi lần vào chơi, Thắng thường biếu anh một món quà có giá trị về vật chất: một cái chăn hoa, một cái màn tuyn, thậm chí cả tiền…

Qua lại nhiều lần, Thắng đem lòng yêu mến cô con gái đầu của anh, tình cảm giữa bác cháu càng bền chặt hơn. Ngoài tình cảm đứa cháu với chú bộ đội năm xưa, còn cộng thêm tình cảm của bố vợ với con rể, Thắng chu cấp cho gia đình anh một số vật dụng cần thiết.

Cuộc sống khốn khó của anh có lẽ dễ chịu hơn một chút, nhưng chỉ cần dễ chịu hơn một chút là anh đã cư xử rộng rãi với mọi người. Như một quán tính của phong cách thời kỳ tại ngũ, gặp bạn bè là anh moi đồng tiền cuối cùng trong túi để đãi nhau, bây giờ cũng vậy. Có một ít cà phê, ai đến anh cũng mời, kể cả những bác nông dân không biết uống cà phê. Có một chai mật ong, anh cũng mang cho người đau dạ dày, cho trẻ em sơ sinh đánh tưa lưỡi, cho phụ sản mất máu. Không có ai để cho thì anh gọi ông bạn láng giềng sang pha mật vào rượu cùng uống cho vui. Có một cân bột sắn dây, anh đổ tất tần tật vào nồi để nấu chè cả nhà cùng ăn, ăn không hết thì ai vào chơi anh cũng mời ăn một bát… Bá bắt được con lươn, mang đến cho anh để nấu ăn bữa tối, anh giữ kỳ được Bá ở lại cùng ăn, nể quá Bá đành nhận lời. Nhưng lúc ngồi vào mâm, anh rót rượu định vui với Bá vài chén, Bá chối đây đẩy: “Tôi có biết uống rượu đâu”. Anh đặt chén xuống, chạy sang gọi chú cu Thọ. Chú nghiện rượu, uống hết cả chai, anh chỉ uống hai lưng chén, nhưng anh cảm thấy vui lắm vì có người cùng “đối tửu” với mình.

Do một thời gian dài đi đây đi đó, giao lưu nhiều với bạn bè, anh lấy cái vui của tình bằng hữu để làm một trong những điểm tựa của đời mình. Khi có tiền anh chi tiêu thoải mái cho đến hết thì thôi. Suốt mấy năm ở nhà, túng thiếu, sự giao lưu đó bị hạn chế, anh cảm thấy bức bối khó chịu như cái cống bị tắc, nay có được ít tiền anh lại buông ra, không có bạn hữu thì có bà con làng xóm. Cách chi tiêu đó hoàn toàn không phù hợp với tính cách của người làng tôi vốn tằn tiện từng đồng xu, từng hạt gạo. Một số cán bộ địa phương vào chơi được anh mời uống cốc cà phê, uống chén rượu, pha mật ong hoặc nhai kẹo mè xửng nhưng ra khỏi ngõ là thì thầm với người khác: “Cái lão Hiền này lấy tiền ở đâu ra mà ăn chơi sang như vậy”.

Cái vòng đi luẩn quẩn của anh đã đến tột cùng luẩn quẩn. Chỉ trong chừng mười năm mà anh trải qua bao nhiêu nghề, làm bao nhiêu công việc khác nhau: cắt tóc, thợ xây, dậy học, viết khẩu hiệu, mở hiệu thuốc, sửa nhà… Có thời kỳ anh huy động toàn tâm toàn lực để trau dồi một nghề thật thành thạo là nghề thợ may, rồi cũng thất bại. Biết làm gì bây giờ? Khi đã đi đến cuối đường hầm của cái vòng luẩn quẩn, đầu óc anh chợt lóe lên tia sáng của lí trí, anh đã tìm được một công việc vừa nhàn nhã vừa thu được ít tiền, vừa có ích cho bà con địa phương. Gương mặt anh tươi tỉnh hẳn lên. Người có thể tin cẩn để anh trao đổi, bàn bạc là Bá.

“Có lần tôi xuống Thịnh Mỹ chơi và dự một đám cưới thấy người ta dùng loa để hò hát, bà con rất thích và đến dự rất đông. Hỏi ra mới biết cái loa và bộ ăm-li là của người bạn thân của tôi. Ông bạn cho biết là bộ ăm-li ấy được dùng trong nhiều trường hợp, đám cưới nào cũng thuê. Đại hội Đảng bộ cũng thuê, đại hội xã viên cũng thuê, đội văn công xã cũng thuê trong các đêm biểu diễn… Tôi định mua một bộ ăm-li bác thấy có được không?”

Bá hưởng ứng ngay lập tức:

“Hay! Hay!”

“Liệu có ai gây khó dễ gì không hả Bá?”

“Chú nói buồn cười, chú làm một công việc có lợi cho cả làng, cả xã mà lại có người gây khó dễ. Với lại cả làng, cả xã này ai chẳng biết chú túng thiếu bây giờ chú sắm được bộ ăm-li người ta mừng cho chú.”

Nghe Bá nói, anh Hiền càng yên tâm. Anh vào tận Vinh để tìm mua cho được một bộ ăm-li mang về. Chưa kịp nghỉ ngơi cơm nước gì anh đã bắc loa, mở ăm-li tiếng loa vang cả xóm. Mọi người kéo nhau đến đầy nhà đầy sân.

“Chú Hiền có cái máy nói nghe rất to”.

“Ông Hiền tài lắm chúng mày ơi! Cái máy của ông mở ra thì khắp xóm nghe được”.

“Bác Hiền biết cắt tóc, biết máy may, bây giờ có cả máy nói chỉ cần ghé mồm vào nói nho nhỏ là cái máy phát ra hàng trăm người cùng nghe”.

Tiếng đồn “ông Hiền có máy nói” loang ra khắp xóm, khắp làng, khắp xã. Chẳng hiểu là có lợi lộc gì không, có thu được đồng tiền, đồng nong nào không nhưng trước hết anh thấy vui. Anh vui với mọi người, mọi người cùng vui với anh, cái niềm vui ấy làm cho cuộc sống của anh bớt nặng nề. Anh mang bộ ăm-li đi thử trong một vài đám cưới. Người đến dự khá đông, chủ yếu là đến để xem “cái máy nói của ông Hiền”. Xúm quanh cái máy nói, ông Giản hát một bài dân ca, ông Định hát mấy câu vọng cổ, ông Việt lên giọng hát dăm câu tuồng trong vở “Thuý Văn Long”, ông Hoe Nghi gân cổ diễn lại vai Triệu Tử Long… Đám cưới kéo dài từ chập tối cho đến quá nửa đêm mọi người đã ra về, ông cu Đính vẫn rán ngồi thêm để thử lại giọng của mình có còn trong như hồi còn trai. Ông Đoàn Hệ vốn là con hát cũ đã bỏ nghề hơn ba chục năm không ngủ yên được, chạy tới ghé vào máy ôn lại mấy làn điệu trong vở chèo “Đặng Xuân”…

Bà con lại càng đến chơi đông đúc ở nhà anh Hiền. Sắp đến Tết, Thắng biếu anh hai tút thuốc lá “Ba số”. Anh chẳng để dành cứ đặt giữa bàn ai đến cũng hút. Người này nói với người kia “Ông Hiền có thuốc lá Ba số từ nước Anh đưa sang ngon nhất thế giới”. Thuốc lá ngon nhất thế giới tội gì mà không đến hút một điếu cho khoái đời! Người này rủ người kia tới nhà ông Hiền để thưởng thức thuốc lá ngon nhất thế giới. Người đã quen hút thuốc lá đã đành, nhưng người chưa hề bao giờ ngậm điếu thuốc lá hoặc điếu thuốc lào cũng phì phèo một điếu ba số. Thậm chí có người cả đời chuyên rít ống điếu cũng xoè diêm châm lửa ngậm ba số. Điếu thuốc đang cháy dở, đặt xuống cầm ống điếu rít một hơi rồi lại ngậm ba số, rồi lại rít thuốc lào, rồi lại ngậm ba số, rồi lại rít thuốc lào, rồi lại ngậm ba số… Trong vòng dăm hôm là hai tút thuốc hết vèo.

Chiều ba mươi tết Thắng về lại biếu bổ sung một tút nữa thế là anh Hiền vẫn có loại “thuốc lá ngon nhất thế giới” để tiếp tiếp khách trong ngày Tết. Bà con làng xóm chẳng tham lam gì điếu thuốc, nhưng tò mò muốn biết “thuốc lá ngon nhất thế giới” nó như thế nào, mùi vị nó ra làm sao, rít vào thì ngây ngất đến mức nào, kéo nhau đến chơi Tết. Anh Hiền pha cà phê mời họ nhấp một chút, rót rượu mời họ nhấp một chút. Tất cả đều nhạt nhẽo. Sự huyên truyền đánh lừa họ, cảm giác đánh lừa họ, họ thấy cái loại “thuốc lá ngon nhất thế giới” quả là tuyệt vời và hút một cách vô tư, mấy đồng chí cán bộ xã cũng đến chơi Tết và rít vài ba điếu cho vui, nhưng ra khỏi ngõ là thì thầm với nhau “cái lão Hiền lấy tiền ở đâu ra mà ăn chơi sang như vậy”. “Cái cậu Thắng hay lui tới nhà ông Hiền là bộ đội không quân thường xuyên đem xăng máy bay về cho ông Hiền để ông Hiền bán lấy tiền tiêu xài. Một lít xăng máy bay trị giá vài triệu đô la”. Tin tung ra thất thiệt, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn…

Đùng đùng một buổi sáng mùa xuân năm 1984 anh Hiền bị khám nhà!

Anh Hiền bị khám nhà!

Anh Hiền bị khám nhà!

Thành phần đội khám nhà bao gồm: trưởng công an huyện, trưởng công an xã, một đại diện đơn vị của Thắng. Chỉ dăm bẩy phút sau là tin đã truyền đi khắp làng Hậu Luật, rồi lan truyền sang các làng Vân Tập, Thanh Lý, Xuân Viên. Một tin thời sự hệ trọng và nóng hổi: anh Hiền trữ xăng máy bay bị khám nhà.

Trữ xăng máy bay là tội nặng lắm, kho xăng máy bay của nhà nước có bộ đội tinh nhuệ đặc biệt bảo vệ suốt ngày suốt đêm, sao ông Hiền lại có. Thế mới biết là tay Hiền ghê gớm. Cái cậu Thắng ấy là bộ đội không quân, có lẽ cậu ta làm nhiệm vụ bảo vệ kho xăng. Nhưng cậu Thắng phải là chỉ huy đơn vị bảo vệ kho xăng thì mới lấy được xăng, chứ chiến sĩ trơn thì làm sao mà lấy được.

Xăng máy bay là hàng quốc cấm, là mặt hàng tuyệt mật quân sự, tay Thắng dám liều mạng đánh cắp, gan thật! Loại xăng mà làm cho máy bay bay được trên trời đắt hơn vàng, nhà nước ta phải đem mấy cân vàng mới đổi được một cân xăng.

Nghe nói quân đội ta tấn công vào Sài Gòn có phát hiện được kho xăng máy bay của Mỹ, một anh giải phóng quân thấy Nguyễn Văn Thiệu đang xoè bật lửa định đốt thì anh hô lên một tiếng rất to, Nguyễn Văn Thiệu nhảy lên máy bay trực thăng chuồn ra nước ngoài như chó cụp đuôi… Phen này thì chắc chắn ông Hiền phải ngồi tù mọt xương. Ông ta bị tù vì cái tội trữ xăng máy bay thì cả làng này không ai nhỏ một giọt nước mắt. Chẳng trách mấy lâu nay ông ta sống xa hoa, khi nào cũng có kẹo mè xửng, cà phê, rượu Tây, lại có tiền mua được bộ ăm-li, lại có cả loại thuốc lá ngon nhất thế giới…

À, nghe nói cái kho xăng của thằng Mỹ ở Sài Gòn nằm sâu trong lòng đất mấy trăm mét chỉ có Bộ chính trị biết. Khi cần lấy xăng thì một đơn vị bộ đội đặc biệt cho vòi thọc sâu xuống rồi hút lên. Cho nên cái đám bộ đội đặc biệt ấy cũng không rõ đích xác cái kho xăng máy bay nằm ở chỗ nào. Đảng mình đưa người đến gác kho xăng là chọn kỹ lắm, xét lý lịch mấy đời, ba bốn cấp duyệt lý lịch, sao lại để lọt được vào cái tay Thắng. Tài giỏi như Liên Xô mà gián điệp Mỹ còn lọt vào được, huống hồ chi là ta…

Đàn bà, đàn ông, cụ già, thanh niên, trẻ con đứng chật cả sân, đứng tràn ra cả ngoài ngõ, tràn ra cả đường làng. Họ xô nhau vào gần để được nhìn tận mắt cái xăng máy bay nó ra làm sao mà lại đưa được máy bay trên bầu trời. Ông trưởng công an xã tuýt còi liên tục, giơ hai tay nói dõng dạc:

“Mời bà con lui ra để cơ quan nhà nước làm việc”!

Khoảng chừng năm phút ông lại tuýt còi một lần, mặt đầy vẻ quan trọng:

“Yêu cầu đồng bào không được đến gần để cơ quan nhà nước làm việc… Yêu cầu đồng bào không được hút thuốc, không được bỏ diêm, bỏ bật lửa trong túi. Mỗi người tự kiểm soát mình, người này kiểm soát người kia. Ai có diêm, có bật lửa thì ném xuống ao, chỉ sơ suất một li một tí là xăng máy bay bốc cháy, không những tiêu tan thành tro cái làng này, mà cả cái xã này, tổng này, huyện này… Yêu cầu đồng bào giữ trật tự để cơ quan nhà nước làm việc.

Bà con lại chen chúc, tự nguyện lui ra một chút, họ vừa trố mắt nhìn”cơ quan nhà nước làm việc” vừa bàn tán:

“Bác Hiền sao lại dại thế. Bác cũng đi làm cán bộ nhà nước, cũng chỉ huy quân đội sao lại dám cả gan trữ hàng quốc cấm trong nhà”.

“Ông ta là phần tử bất mãn, phần tử chống đối cho nên ông ta trữ xăng máy bay là để chống đối chính quyền”.

“Tôi thấy bác Hiền có bướng bỉnh gì đâu, có ngang ngạnh gì đâu, sao bác lại liều mạng thế”.

“Lại khổ lây cả bác gái hiền lành, hiếu thảo…”

“Khổ lây cả con gái”.

“Ông Hiền mà bị tù lần này thì lý lịch chắc chắn năm đời sau chưa rửa được!”

Thương vong linh ông Quyên, ông Đoan ăn ở đức độ, gia đình lại bị cái tai hoạ như thế này!

“Số trời cả! Ông cụ chuyên làm nghề trị bệnh cứu người, đến đời này thì đứt mạch…”

“Tôi nghe nói mộ cố tổng Quyên để sai hướng, ông Đoan đã nhờ thầy địa lý xem hướng, xoay lại ngôi mộ”.

“Nhưng mà khi có phong trào rời mồ mả, tập trung mồ mả, mất tiệt cả mộ cụ kỵ, ông bà…”

“Tập trung mồ mả là tập trung cả cái làng này, sao không có ai bị tai hoạ, mà chỉ có ông Hiền bị khám nhà!”

“Mỗi người bị tai hoạ một kiểu khác nhau. Ông Hối bị tai nạn tàu hoả, ông Lộc bị giải ngũ thì ôm lại cái máy khâu rỉ, nay ốm mai ốm. Ông Huân thì bị cái tai hoạ “Quốc dân Đảng” phải ngồi tù.

“Cả cái làng này thì đói rạc rày. Mấy năm nay con cháu chẳng đứa nào được học đại học…”

“Còn bác Chắt Kế nữa, khổ thân bác…”

Vô hình trung cuộc khám nhà anh Hiền trở thành một cuộc họp tổng kết những vấn đề tâm linh của làng xóm. Cuối cùng người ta toàn bàn nhiều nhất về bác chắt Kế. Thương bác, khổ thân bác, vì nước vì dân vào tù ra đầy, đến khi giành được chính quyền thì bác triệt để duy vật, thực hiện đời sống mới ra lệnh phá hết đình chùa miếu mạo, cho nên gia đình bác bị thần thánh, tổ tiên trừng phạt nặng. Một đoàn con không có ai mở mày mở mặt ra được. Anh con cả thành đạt nhất, làm giám đốc ngân hàng Nghệ An thì bị chết bệnh…

Tiếng xì xào bàn tán trao đổi râm ran khắp trong sân ngoài ngõ, chuyển chủ đề khám nhà sang chủ đề tâm linh. Ông công an huyện huýt một hồi còi dài, chói tai: “Bà con giữ trật tự để cơ quan Nhà nước làm việc”.

Im lặng được một lát thì cô em gái tôi xồng xộc từ ngoài ngõ chạy vào. Cô lấy chồng sang Hà Trang, nghe tin anh Hiền bị khám nhà, ba chân bốn cẳng chạy về. Cách đây một tháng, cô có gửi anh Hiền cất giữ một chỉ vàng, vì nhà cô ở gần đường quốc lộ, sợ bị mất cắp… Cô rẽ đám người, khóc lóc thảm thiết, vô tận nhà để tìm cho được chỉ vàng. Nhưng ông công an ngăn lại, cô ngồi bệt xuống đất, gào thét : “Chỉ vàng ấy là của tôi, không phải của anh Hiền, tôi van các ông Nhà nước cho tôi xin. Gia sản nhà tôi có chỉ vàng là quý nhất. Mất chỉ vàng thì tôi không biết lấy gì mà sống…”.

Chị cả tôi lấy chồng ở Đông Én, tất ta tất tưởi chân nam đá chân chiêu, chạy qua cánh đồng về tới nhà thì mặt tái mét như người mất máu, đầu tóc xoã xượi, áo xộc xệch. Chị xộc vào cửa, quỳ xuống, chắp tay lạy: “Tôi van xin các ông chức trách nhà nước, thằng Hiền có tội tình chi mà các ông khám nhà khám cửa ông bà cha mẹ tôi để lại. Tôi van xin các ông cán bộ cấp trên soi xét cho thấu đáo, cậu Hiền có phản dân phản nước thì các ông bắt, nhưng cậu ấy có phản ai đâu có làm hại ai đâu”.

Ông công an xã giữ chị lại ở cửa, rồi nắm tay chị kéo ra: “Bà không phải lo. Chúng tôi làm việc công minh chính trực theo pháp luật nhà nước”. Hình như ông ta nhìn thấy thân hình tiều tụy của chị, mủi lòng thương, không nỡ quát mắng, không nỡ kéo mạnh tay, lúc đầu gọi là “bà” sau gọi là “chị” xưng “em”: “Em có làm gì quá tay đâu chị. Em chỉ làm theo lệnh của cấp trên”. Chị ngồi bệt ngay ở cửa. Thân hình đã gầy gò, bây giờ càng gầy gò. Hai bàn tay chị ôm mặt vuốt nước mắt. Nhiều người nhìn chị, cũng khóc theo…

Ba người đàn bà xấp xỉ gần bằng tuổi chị vào ngồi cạnh . Chị đưa mắt mệt mỏi nhìn: “Các em ạ…” - “Em là đội viên của chị đây mà” - “Em cũng là đội viên của chị đây mà”… Đây là những bạn gái cùng lứa tuổi, đã từng đi hát phường vải với nhau trong những đêm trăng. Hồi chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền, bác Chắt Kế có tổ chức một trung đội nữ tự vệ do chị Đoan - tên của chị cả tôi - làm trung đội trưởng. Có nhiều đêm, trung đội nữ tự vệ họp ở nhà tôi và ngủ lại ở nhà tôi. Các chị thương nhau, gắn bó với nhau đến bây giờ…

“Ba em dìu chị vào trong nhà…”. Chị định thắp hương lên bàn thờ thì ông công an huyện giật tay chị: “Cấm lửa! Cấm lửa! Cấm lửa !” Chị và ba người bạn kia cùng chắp tay vái, không có hương khói gì cả.

Ba gian nhà này tuy nhỏ hẹp, nhưng nó đã chứng kiến bao nhiêu biến cố lịch sử của cái làng nhỏ hẹp này. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, ba gian nhà luôn luôn được sử dụng như nhà công cộng: trụ sở uỷ ban xã, trụ sở huyện đội, trụ sở của ban chỉ huy các đơn vị vệ quốc đoàn đóng trong làng, nơi hội họp và là nơi ngủ tập trung của tự vệ, nơi mở lớp bình dân học vụ, một thời kỳ dài phải đục tường đục cột để thưng cót làm kho chứa thóc thuế nông nghiệp… Cán bộ huyện, cán bộ tỉnh về làng về xã hoặc qua lại trên đường đi công tác thường nghỉ lại nhà tôi. Mẹ và chị Hiền lo toan chu đáo nơi ăn chốn ngủ. Nhiều hôm chị Đoan phải từ nhà chồng về giúp mẹ nấu nướng. Cán bộ hồi ấy rất xuề xoà, ăn uống dễ dãi: có cơm ăn cơm, có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn, thịt, cá, rau, cà, mắm muối ăn tất. Có hôm chị phải luộc khoai trong nồi to rồi đổ ra rổ, hơi khói bốc lên thơm ngọt, các anh cán bộ ngồi xúm xít quanh rổ khoai, vui lắm. Vừa ăn vừa kể chuyện quân ta thắng lớn ngoài mặt trận…

Các chị vái xong, cùng ngồi trước bàn thờ… Ba gian nhà bây giờ như thế này ư? Các ông chức trách nhà nước lôi ra tanh bành đồ đạc: giường chiếu, chăn màn, quần áo, nồi niêu… Ba gian nhà đã từng cưu mang cách mạng, đùng một cái, trở thành đối tượng nghi ngờ để cách mạng khám xét.

Bà con nhốn nháo ngoài sân, từ nãy đến giờ không chú ý theo dõi mấy ông chức trách nhà nước mà chăm chắm nhìn mấy chị ôm nhau khóc. Chị Đoan bỗng gào lên: “Nhà này là nhà của tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi, cầu xin các ông chức trách đừng lục soát tanh bành nữa”. Ông công an huyện trừng mắt: “Bà giữ trật tự để chúng tôi làm việc”. Ông cầm cái loa ném ra sân kêu xoang xoảng. Bà con lại nhốn nháo hút mắt vào đó:

“Đã thấy xăng máy bay chưa?”

“Cho tôi vào nhìn xăng máy bay một chút”.

“Xăng máy bay có nhiều không?”

“Đã tìm thấy đâu mà nhiều với ít”.

“Có vũ khí quốc cấm không?”

“Làm cóc gì có vũ khí quốc cấm”.

“Thế thì khám làm cái đ. gì!”

“Ôi giời ơi, chuyện người lớn mà như chuyện trẻ con”.

“Ôi giời ơi, chuyện nhà nước mà như chuyện các bà láng giềng đổ vạ cho nhau”.

“Xuỵt… xuỵt… xuỵt… Đừng có bẻm mồm bẻm mép mà mang vạ vào thân, tù mọt gông!”

“Việc nhà nước để các ông chức trách làm, ta tham gia vào làm gì. Việc gì kệ người ta!”

Vòng người đứng lộn xộn, xô nhau, hỏi nhau, cãi nhau, rối rít tít mù. Hàng trăm cặp mắt đăm đắm nhìn theo ông bộ đội và ông công an khuân đồ đạc và lật dở từng thứ. Các ông khám rất kỹ: giũ tung màn, giũ tung chăn, giũ tung quần áo, giũ tung giường chiếu…

“Làm gì có xăng trong vải vóc mà khám kỹ thế?”

“Người ta khám xem có đồ quốc cấm không!”

“Tinh vi lắm các bà ơi, bọn phản động còn đóng xăng máy bay thành từng cục nhỏ để cất giấu vào chỗ kín”.

“Im đi! Im mà theo dõi!”

Tiếng người cứ rì rầm bàn cãi nhau từ trong sân ra ngõ, ra đường làng, rồi từ đường làng vào ngõ, vào sân.

Anh Hiền ngồi im thin thít ở góc nhà, không nói năng, không phản ứng, không tuân theo, không cưỡng lại, như một vật vô tri cùng với những vật vô tri khác: bàn, ghế, giường, tủ… Gần hai tiếng đồng hồ rồi, anh cứ ngồi bất động như vậy. Anh công an xã đi qua, anh hỏi:

“Tôi hút thuốc được không?”

“Nhỡ ra bốc cháy thì sao?”

“Làm gì có xăng mà bốc cháy”.

“Anh cứ khum tay lại mà hút, đừng cho hai ông kia thấy…”

Thời gian khám nhà đã kéo dài đến ba tiếng, rồi bốn tiếng đồng hồ. Anh bộ đội và hai anh công an có vẻ thất vọng: Không tìm thấy xăng máy bay thì bẽ mặt lắm! Anh bộ đội ghé vào tai anh trưởng công an huyện thì thầm một điều gì đó. Trưởng công an huyện lôi ra tám hộp sơn đặt giữa sân, vờ nói một câu bâng quơ, cốt để cho mọi người xung quanh nghe: “Sơn là vật liệu xây dựng, thuộc loại hàng quốc cấm”. Anh bộ đội giơ cao cái loa to: “Loại loa to này cũng thuộc hàng quốc cấm. Ai cho phép tư nhân dùng loại loa to này”.

Anh trưởng công an xã tỏ vẻ khó chịu, nói lẩm bẩm một mình: “Làm ăn như cái con c… Mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa”.

Vở bi hài kịch đã “thắt nút” và bây giờ phải “mở nút”. “Mở nút” cách nào đây? Bà con đến xem kịch, hồi hộp chờ đợi để được nhìn thấy xăng máy bay, nhưng không tìm được xăng máy bay, lại đến lúc hồi hộp chờ đợi ba vị chức trách nhà nước “mở nút” cho chính họ. Họ không cần biểu diễn cho khán giả xem, vì khán giả tự đến chứ họ có mời đâu. Nhưng họ cũng cần phải làm một động tác nào đó để chứng tỏ họ đúng. Ba vị chụm đầu lại, nói cho nhau nghe, nhưng lại cố nói to để bà con nghe:

“Sơn là thuộc mặt hàng nhà nước quản lý”.

“Loa cỡ to cũng vậy, do nhà nước quản lý”.

“Nhà nước quản lý tức là hàng quốc cấm”.

“Hàng quốc cấm mà tư nhân tàng trữ là phạm pháp”.

“Lập biên bản đi!”

Anh bộ đội đọc như đọc chính tả. Trưởng công an huyện ghi như cậu học trò ghi theo lời thầy giáo. Còn trưởng công an xã thì cứ đứng ngẩn tò te. Biên bản lập xong, họ gọi anh Hiền đến ký. Anh chẳng cần đọc kỹ, chẳng cần xem qua, cầm bút ký xoẹt một chữ, như thể một ngôn ngữ động tác chứa đầy tâm trạng bất lực: mình có vạch cái sai của họ thì họ vẫn dùng quyền lực để làm nhục mình!

Anh bộ đội bảo trưởng công an huyện, trưởng công an huyện bảo trưởng công an xã, trưởng công an xã ngồi úp mặt bó lại tám hộp sơn, cái loa cùng một đống chăn màn quần áo lếch thếch vác ra khỏi ngõ và đưa xuống huyện. Bà con nhìn theo, ngơ ngác:

“Có thế thôi à?”

“Xăng máy bay đâu?”

“Làm cóc gì có xăng máy bay”.

“Không có xăng máy bay thì khám làm đ. gì!”

“Tịch thu chăn màn quần áo để làm cái đ. gì!”

“Khổ cái ông Hiền! Cái số khổ là cứ bị tai nạn liên tục!”


*

Trong vòng một tháng sau khi xảy ra vụ tai biến, một số bà con ở quê ra Hà Nội, đến cơ quan tôi, kể lại rất tỉ mỉ về diễn biến của nó. Hầu hết đều tường thuật một cách khách quan sự việc. Người có trình độ văn hoá thì vừa tường thuật vừa phân tích.

Nghe nói có vài người vừa ghen ăn ghét ở vừa có định kiến sâu sắc với anh Hiền, bàn với nhau, bố trí chặt chẽ, dựng lên vở bi hài kịch này. Họ dò hỏi được địa chỉ đơn vị của Thắng, viết một bức thư gửi ra đơn vị tố cáo Thắng đem vũ khí cho anh Hiền bán để ăn tiêu xả láng. Đơn vị cử người về gặp công an huyện, rồi cùng công an xã, tổ chức khám nhà, bất chấp pháp luật!

Thời gian khám kéo dài đến bốn, năm tiếng đồng hồ, không hề tìm thấy một chút xăng máy bay nào, một thứ vũ khí nào. Họ bẽ mặt, đành bó một cục chăn màn quần áo mang xuống trụ sở công an huyện cùng với tám hộp sơn và một cái loa. May mà lúc đó anh Hiền đã mang bộ ăm-li đi chữa, nếu không thì họ cũng cuỗm tất!!!

Anh bộ đội sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ”, nhẹ nhàng trở về đơn vị ở tận tít xa ngoài Bắc. Công an xã cũng đã “hoàn thành nhiệm vụ” làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Phần hậu quả, công an huyện gánh tất! Hậu quả ở đây cũng chẳng có gì nặng nề, vì nếu mình làm sai chẳng có ai trị được mình, chẳng có ai bỏ tù mình. Gia đình ông Hiền kiện? Nếu có kiện thì cũng hơi phiền một chút thôi, chẳng sao! Cái hậu quả phiền toái nhất là đống đồ dùng của ông Hiền mang về trụ sở, xử lý ra sao? Trưởng công an huyện bây giờ mới biết mình dại dột . Dại dột đi khám nhà công dân theo cái lệnh vu vơ của một ông bộ đội ở đâu đâu về. Nhưng dại dột hơn là sau khi khám không tìm thấy xăng máy bay, không tìm thấy vũ khí thì thôi, đằng này mình lại làm theo cái lệnh vu vơ của ông bộ đội là ôm chăn màn quần áo của ông Hiền về trụ sở. Ông bộ đội đã nhẹ cánh xa bay. Ông công an xã thì làm theo lệnh của mình, chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Chỉ còn lại mình! Chỉ còn lại mình! Xử lý cái đống đồ dùng của ông Hiền ra sao bây giờ?
May quá, đứa em gái của anh Hiền lù lù xuống huyện. Không phải nó xuống để kiện cáo gì. Cũng không phải xuống để xin mang đồ đạc về. Nó nhũn nhặn xin công an được mang chăn màn quần áo ra phơi nắng, vì dạo này khí trời ẩm, nếu để trong góc nhà lâu ngày sẽ bị mục. Phơi chừng hai tiếng đồng hồ, nó ngồi góc sân để canh giữ, rồi xếp lại gọn gàng, mang vào góc phòng trụ sở. Công an trưởng hơi có vẻ thất vọng. Cứ tưởng là nó phơi xong sẽ xin mang về nhà thì lấy cớ đó để cho nó mang về, mình còn được chút tiếng là “thương người”. Ai ngờ nó lại sợ sệt, ngoan ngoãn mang vào trụ sở rồi cúi đầu “cháu chào bác” và run rẩy bước ra khỏi cửa.

Người làng gặp tôi, kể chuyện xong, đều khuyên tôi một ý giống nhau. Tôi nên về để giải quyết việc đó cho dứt điểm. Trời rét, bố con anh Hiền không có chăn đắp. Vùng ta nhiều muỗi, không có màn thì khó ngủ lắm. “Tuỳ chú, chú ở Hà Nội gần mặt trời, hiểu rõ luật pháp, hiểu rõ ý đồ Trung ương, chú nên về giải quyết thế nào cho nó xong. Tội nghiệp bố con ông Hiền lắm…”

Tôi nghĩ bụng, đây là chuyện rủi ro của gia đình mình. Thời buổi này còn lắm chuyện oan trái gấp vạn lần. Luật pháp không rõ ràng. Nếu có một ít văn bản luật pháp, thì dân cũng chẳng hiểu luật là gì, mà viên chức của nhà nước, kể cả người làm việc ngay trong ngành luật pháp cũng chẳng hiểu luật pháp nó ra làm sao. Nếu mình bới to ra chuyện này, chắc chắn chẳng đi đến đâu, mà mình thì mất sức, mất của, mất thì giờ.

Bà con làng xóm tìm đến gặp tôi, kể chuyện cho tôi nghe, rồi khuyên bảo tôi. Tôi cảm thấy chán, ê chề. Tôi ngồi im, nghiến chặt hai hàm răng, nuốt nước bọt khan. Vừa giận vừa thương anh. Sao anh sửa nhà sửa cửa, đào giếng làm gì? Sao được đồng tiền nào anh cũng vung ra, mời người này người nọ uống cà phê, hút thuốc lá Ba số để những người đầu óc hẹp hòi họ hiểu nhầm anh, hoặc cố tình hiểu nhầm anh… Nhưng thương anh thì nhiều hơn. Thương anh mà đành bó tay nhìn cuộc đời anh cứ tuột dần tuột dần, rồi còn tuột xuống nữa. Không biết sẽ tuột đến cái vực sâu thăm thẳm nào, anh ơi!

Tôi vốn không muốn xáp mặt với những chuyện lôi thôi, rắc rối, nhất là những chuyện rắc rối đó lại xảy ra trong bối cảnh xã hội hiện thời. Nhưng đây là chuyện của người anh ruột mình, người anh ruột luôn luôn gặp những điều bất hạnh, chẳng lẽ mình vô tình quay mặt?
Tôi về quê. Tôi phải về quê…

*

Tôi xuống ô tô khách ở ngã ba Diễn Châu lúc bốn giờ chiều. Ngã ba cách làng sáu ki lô mét. Theo thói quen, đợi trời tối hẳn tôi mới về làng, vì về lúc còn sáng tôi cảm thấy sợ. Sợ nhìn thấy cảnh quê tiêu điều, đền chùa miếu mạo đã bị tàn phá, cổ thụ đã bị triệt hạ. Nay lại thêm một cái sợ nữa: nhìn thấy cửa nhà tan hoang sau cơn tai biến.

Không theo quốc lộ số Bảy, rẽ con đường chính vào làng, mà tôi tạt ngang cánh đồng lúa, mấp mô qua các bờ ruộng. Bước vào nhà, thấy dáng người anh tiều tuỵ ngồi một mình bên ngọn đèn. Anh nhận ra tôi ngay, nhưng không vồn vã, chỉ hỏi một câu, giọng trầm trầm vừa đủ tôi nghe:

“Xí đã về à… Ăn cơm chưa?”

“Em ăn rồi”.

Anh pha trà. Hai anh em ngồi uống nước. Im lặng một lát, anh nói:

“Vừa rồi xảy ra chuyện buồn cười…”

Rồi anh im lặng. Tôi cũng im lặng. Người tôi buồn buồn tê tê. Cha mất rồi. mẹ mất rồi. Chị và em gái lấy chồng xa. Tôi không ngờ gia cảnh đến nông nỗi này. Xót xa cho thân phận của anh.

“Ngày mai em xuống công an huyện nói họ trả đồ đạc cho anh. Không có chăn màn, đêm rét không ngủ được”.

Tự nhiên trong người tôi có một luồng hơi nôn nao dồn từ bụng lên ngực rồi đọng cứng lại ở cổ. Một tháng nay anh không có chăn đắp. Nỗi cơ hàn đến thế này ư? Ai gây ra thảm cảnh này? Biết hỏi ai bây giờ? Biết kêu ai bây giờ?

“Em ạ, chính những người vào khám nhà mình cũng tự biết họ sai. Dân cũng biết họ sai. Nhưng không ai dám nói ra. Nếu mình có kêu ca, kiện tụng thì họ cũng trơ ra, có khi mình mang thêm vạ vào thân. Khối người còn phải chịu oan gấp vạn mình… Mai em xuống huyện, nói nhẹ nhàng với ông trưởng công an, đừng căng thẳng với ông ta…”

Đầu tôi nặng chìch chịch như một khối sắt đè xuống hai vai, nhồi nặn vào trong đó lẫn lộn giận, thương, bực tức, căm ghét, tự mình cũng chẳng biết giận ai, thương ai, bực tức ai, căm ghét ai.

Tôi cuốc bộ xuống huyện vào một buổi chiều. Đến trụ sở công an thì gặp ngay ông thủ trưởng. Tôi giới thiệu là người nhà của anh Hiền làng Hậu Luật. Đứng ngay ở cửa, ông hỏi một câu lạnh tanh:

“Anh gặp có việc gì?”

“Tôi muốn gặp đồng chí mười phút”.

Ông ngồi xuống ghế và chỉ vào cái ghế đối diện:

“Anh ngồi đây!”

Ông ngồi bên kia bàn. Và bên này là tôi, mặc bộ quần áo xanh cũ kỹ đã bạc màu, chân đi đôi dép cao su. Chắc hẳn ông nhìn tôi với ý nghĩ: anh chàng này làm công nhân ở đâu về! Trên bàn có một bộ ấm chén và hộp chè, nhưng ông ta không pha chè mời khách, mà cứ vòng tay đặt lên bàn, gương mặt khô khan:

“Có việc gì anh trình bày đi!”

Tất cả những cử chỉ bất nhã của ông không hề gợi trong tôi một chút khó chịu. Người tôi đã chai sạn bởi nhiều cuộc tiếp xúc với những nhà chức trách như thế này. Hơn nữa, cuộc tiếp xúc đang diễn ra nhằm mục đích tối cao là “được việc” cho anh Hiền, cho gia đình mình: xin lại đồ đạc mang về!

“Thưa đồng chí, việc khám nhà anh Hiền vừa rồi, tôi e rằng không đúng luật pháp nhà nước”.

Ông đốp lại ngay với lời lẽ nặng nề:

“Chúng tôi không làm điều gì sai pháp luật. Chúng tôi là những người thực hiện pháp luật nhà nước, sao anh lại bảo chúng tôi làm không đúng luật pháp nhà nước. Anh nói năng phải tôn trọng chúng tôi, tôn trọng cơ quan luật pháp của nhà nước chứ!”

Tôi chột dạ, biết mình đã nhỡ lời nói một câu chạm đến lòng tự ái nghề nghiệp của ông ta: “Tôi e rằng không đúng pháp luật nhà nước”. Tôi hạ mình:

“Xin lỗi đồng chí. Tôi nói điều gì hơi quá, đồng chí thứ lỗi cho…”

Tôi từ từ thò tay vào túi ngực, rút thẻ nhà báo, lễ phép đặt trước mặt ông. Ông không cầm nhưng đầu hơi cúi xuống, đôi mắt chăm chú đọc những dòng chữ trên tấm thẻ. Ông làm ra vẻ tự nhiên, nâng ấm chè rót và “ờ” một tiếng làm ra vẻ mình quên pha chè mời khách. Ông đứng dậy đổ bã chè, xóc ấm, pha ấm trà mới, rồi rót ra tách. Ông chỉ rót ra chiếc tách trước mặt tôi, chứ không rót ra cái tách trước mặt ông:

“Mời đồng chí uống nước!”

Tôi để ý, từ khi bắt đầu tiếp xúc, ông gọi tôi bằng “anh”, bây giờ ông chuyển một cách đột ngột,
gọi tôi bằng “đồng chí”. Tôi càng nhũn nhặn hơn, vòng tay đặt trên bàn nói từ tốn:

“Đồng chí làm việc cho Đảng, cho Chính phủ. Tôi cũng làm việc cho Đảng cho chính phủ. Trong quá trình làm việc, đồng chí có những cái đúng có những cái sai. Tôi cũng có những cái đúng cái sai, chẳng có ai hoàn hảo được. Việc khám nhà anh Hiền vừa rồi là sai hoàn toàn. Nếu tôi không thiện chí, tôi sẽ viết bài “Một vụ khám nhà phi pháp” in báo Nhân Dân, đồng thời tôi sang Bộ nội vụ trình bày sự việc này. Chắc chắn đồng chí không ngồi yên được ở đây. Nhưng tôi nghĩ đồng chí với tôi là đồng hương, phải giữ tình nghĩa với nhau, nếu đồng chí bị ngồi tù thì tôi cũng chẳng sung sướng gì. Cho nên tôi gặp để trao đổi với đồng chí…”

“Nói thật với đồng chí là tôi rất bị động trong việc này… Tôi… Tôi…”

“Tôi hiểu rồi. Đồng chí hoàn toàn không chủ động một chút nào trong việc khám xét nhà anh Hiền”.

“Bây giờ tôi trở thành người hứng chịu cái của nợ này. Chăn màn, đồ dùng của ông Hiền cứ chất một đống ở góc cơ quan. Trời lại ẩm, thỉnh thoảng con cháu nó xuống phơi, rồi lại chất vào đó. Chẳng lẽ cứ kéo dài mãi thế này?”

Tôi đỡ lời, mở cho ông một lối thoát, mà tôi cũng được việc:

“Đồng chí cho anh Hiền mang về đống đồ dùng đó cho nó xong”.

Ông trưởng công an gật gật đầu. Tôi đứng dậy chào, bắt tay ông, rồi “cảm ơn”… Tôi bước ra đến cổng trụ sở, ông chạy theo :

“Hay là đồng chí nói với con cháu ngày mai xuống nhận về tất cả các thứ này…”

“Xin cảm ơn đồng chí!”

Ngày mai. Đứa con gái anh Hiền xuống trụ sở công an huyện mang về các thứ đã bị tịch thu. Còn tôi, trở lại cơ quan.

Một tuần sau, có người làng ra Hà Nội, đến toà soạn tờ báo tôi công tác, báo tin cho tôi biết: Công an huyện còn giữ lại một cái loa, họ bảo cái loa này là loại loa to, tư nhân không được dùng, mà chỉ Nhà nước sử dụng trong các cuộc mít tinh và trong các cuộc đại hội long trọng!!!
Kỳ quặc! Kỳ quặc! Tôi tức điên người. Nhưng rồi tôi tự ghìm được… Nghĩ cho đến cùng, chẳng phải công an huyện tham lam muốn chiếm cái loa, mà có thể do họ kém hiểu biết hoặc do sĩ diện. Tôi bình tĩnh cầm bút viết bức thư cho ông trưởng công an huyện với lời lẽ nhã nhặn, đại ý:

Nhà nước ta không hề có một văn bản nào quy định kích thước các loại loa cho tư nhân dùng, Đảng dùng, Chính quyền dùng. Nếu đồng chí có dịp ra Hà Nội, tôi sẽ dẫn đến các hiệu giải khát để đồng chí xem họ dùng những chiếc loa rất to. Nếu không ra được Hà Nội, đồng chí vào Vinh, đến các hiệu giải khát, cũng thấy rõ điều đó. Tốt nhất là đồng chí nên trả lại anh Hiền cái loa cang sớm càng tốt…

Ít lâu sau, tôi nhận được tin mừng, anh Hiền viết bức thư vắn tắt một dòng: “Công an huyện đã trả cái loa”!

Thế là tai qua nạn khỏi!


XVI. Chuỗi ngày đói khổ

Cuộc đời anh như cái tháp cổ lung linh vàng son mơ mộng, bị phủ mờ rêu phong, xói lở, nứt nẻ bởi nghìn cơn bão táp. Đến trận khám nhà do “thằng bán tơ” vu oan, thì cái tháp ấy bị bóc hết da thịt, chỉ còn trở lại bộ khung xương cô độc giữa thời gian mịt mù bụi cát.

Anh sống triền miên trong đói khổ…

Đâu chỉ riêng anh chịu số phận hẩm hiu ấy, mà còn tất cả bạn bè cùng lứa tuổi với anh. Anh Lộc, võ sĩ lừng danh đất Diễn Châu, từng biểu diễn những đường gươm chói loà trước hàng ngàn người trong các cuộc mít tinh sau Cách mạng tháng Tám, rút cục chỉ là anh thợ may quèn nơi xóm nhỏ. Anh vừa cắn răng chịu đựng cơn đau của cơ thể vừa đạp bàn máy để kiếm đồng tiền cho vợ đi chợ chiều…

Anh Hối, tên ghi trong giấy khai sinh sau ngày cướp chính quyền là Võ Sĩ Hối, đã từng làm thư ký đầu tiên của Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, đã từng xông pha nơi chiến trường Bình Trị Thiên, nay chỉ còn nắm xương. Không phải nắm xương “nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực” đượm vẻ kiêu căng yêng hùng, mà là nắm xương tàn rụi ở góc phố thanh bình. Năm 1979, con tàu từ Lào Cai về Hà Nội, lúc sắp vào ga Hàng Cỏ thì đâm phải một con tàu khác. Tàu đổ. Mấy chục người bị thiệt mạng. Anh Hối cũng bị tan xương trong vụ đổ tàu năm ấy.

Còn anh Huân? Anh Võ Quang Huân ấy mà! Xin phiền bạn đọc dở lại chương II của cuốn truyện này. Trong đó, có một đoạn tôi ghi việc anh Huân và anh Hiền bàn bạc nên đặt tên khai sinh của mình thế nào cho phù hợp với thời cuộc: “Thôi, hay nhất là Võ Quang. Quang là Sáng. Dân làng đi theo con đường sáng của Cách mạng. Em cũng đi theo con đường sáng của Cách mạng… Sau một lúc bàn bạc, hai anh lấy tên mình là Võ Quang Huân, Võ Quang Hiền…” Hiện giờ anh Huân sống ra sao? Có một dạo anh đang làm đội trưởng Đội cải cách ruộng đất, bị quy là “đảng viên Quốc dân đảng”, phải ngồi tù hai tháng. Ra tù, anh về nhà sống vất va vất vưởng với tâm trạng của một kẻ chán đời. Mặc chiếc áo rách toạc lưng, đi cày ngoài đồng, sang nhà hàng xóm chơi. Rồi đau ốm, gầy gò. Bị thấp khớp nặng. Chưa đến sáu mươi tuổi đã phải chống chiếc gậy đi lọm khọm như cụ già tám mươi. Không có nghề gì khác ngoài nghề “chính trị” và nghề nông. “Nghề chính trị” thì đã bị thất sủng. Nghề nông thì cần sức khoẻ, mà sức khoẻ cũng đã suy sụp. Sống dựa vào vợ con được chừng nào hay chừng ấy. Con gái đi lấy chồng xa. Chị Huân cắn răng chịu đựng, tần tảo ngày đêm, tằn tiện từng hào. Cảnh nhà sa sút nhanh chóng. Nhiều hôm vét không ra hạt gạo, mang rá sang hàng xóm vay.

Dân làng bảo Lộc, Hối, Huân, Hiền là “bộ tứ trụ” của chính quyền thôn trong buổi đầu cách mạng thành công. Đến nay, cả bộ tứ ấy đều mục ruỗng một cách thảm hại. Ai cũng bảo bốn ông này nghe theo lệnh bác Chắt Kế, đầu tiên phá huỷ đền chùa miếu mạo, chặt phá cổ thụ, cho nên bị thần linh và tổ tiên trừng phạt.

Lớp đàn em bắt chước các anh, tiếp tục phá nốt các nhà thờ họ, và đào mồ mả một cách bừa bãi để tập trung lên nghĩa trang xã. Bùng là bí thư chi đoàn, đã bày ra cái trò chơi thật là quái đản: những ngôi mộ mà gia chủ đi vắng, chưa kịp về, cứ đào lên tất tần tật, bỏ chung hài cốt vào một tấm ni lông, mang lên nghĩa địa chôn chung… Về sau, Bùng đau ốm, chạy bao nhiêu thầy thuốc cũng không khỏi. Có đêm, Bùng nằm mê thấy hàng chục, hàng trăm bóng ma vây quanh, gào thét, đòi trả lại hình hài. ác mộng đến trong giấc ngủ càng ngày càng dày, Bùng bắt đầu trở thành ngớ ngẩn. Có những buổi trưa, đang đùa vui với bạn bè giữa đồng, Bùng mệt quá, nằm ngủ thiu thiu, bỗng hét toáng lên một tiếng, mắt đỏ ngầu, chạy thục mạng, vừa chạy vừa la: “Chúng nó đuổi bắt tao. Chúng mày ơi, cứu tao với, chúng nó bắt tao…” Bạn bè chạy theo nhưng không thể nào đuổi kịp. Bùng chạy rất nhanh, băng qua bờ ruộng mấp mô mà không vấp ngã. Những cơn hoảng loạn như thế ngày càng nhiều, Bùng bị bệnh tâm thần. Từ một thanh niên khoẻ mạnh, vạm vỡ, cơ thể Bùng trở lên tiều tuỵ. Suốt ngày Bùng đi lang thang ngoài đường, thất tha thất thểu ra đồng rồi vào làng, lên nghĩa trang rồi xuống bến đò Oan. Những lúc Bùng đi về phía bến đò Oan, bạn bè đi theo để đề phòng Bùng nhảy xuống sông. Trông thật thảm hại, quần áo xộc xà xộc xệch, dái luôn luôn bỏ ngoài quần…

Ông Cao Xuân Khuê, huyện đội trưởng đầu tiên của Diễn Châu, đã bị bắn trong cải cách ruộng đất .

“Con hùm xám đường số bốn” - tướng Đặng Văn Việt, một hình ảnh tráng sĩ đầy hấp dẫn đối với anh Hiền, học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn và thanh niên trong toàn huyện toàn tỉnh hồi đầu kháng chiến chống Pháp, đã mờ đi rất nhanh. Ông nội của tướng Việt là Đặng Văn Thuỵ, từ một người thợ rèn nghèo khổ, đã dùi mài kinh sử, đậu hoàng giáp năm 1904 cùng một khoa mới Trần Qu?y Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, tạo lập dòng họ quý tộc có học vấn ở Nho Lâm. Trong cải cách ruộng đất, gia đình bị quy là đại địa chủ quan lại, ông Việt bị ra khỏi quân đội, làm cục trưởng cục vật tư. Những năm nghỉ hưu, ông lâm vào tình cảnh túng thiếu, kiếm tiền bằng cách sáng nào cũng đưa bánh rán đến các hàng nước dọc hè phố Hà Nội với chiếc xe đạp cọc cạch, hai bánh xe vấn dày khít dây cao su… Mấy lần ra Hà Nội, anh Hiền cố tìm gặp để được chiêm ngưỡng “con hùm xám” lừng danh ấy, nhưng không thể nào tìm được.

Cả làng Hậu Luật chẳng mấy ai được dư dật, nhiều gia đình ăn bữa trước chạy bữa sau. Nghề phụ không có. Cắm cây mạ xuống đồng như đánh bạc với trời. Thảm cảnh lại diễn ra giống như hồi trước cách mạng tháng Tám. Nhiều người rủ nhau lên Phủ Quỳ làm thuê, đào khoai mài. Nhiều người ở nhà, rỗi rãi chân tay, tụ họp từng đám, đánh đề đánh bạc… Người ta đua nhau đi xem tướng, đi bói toán. Mấy ông thầy bói đã bị cấm tiệt hành nghề, nay lại có đất sống. Ngày nào cũng có người xúm xít quanh thầy bói ở chợ, ở nhà riêng. Ai cũng được thầy phán: hoặc là mất mồ mả tổ tiên, hoặc là mất mồ bà cô, hoặc là mất mộ cụ Tổ năm đời, hoặc là con cháu bội bạc không chịu hương khói thờ cúng… Biết làm sao bây giờ? Mồ mả thì đã chôn chung vào khu tập thể nghĩa trang, lẫn lộn, lung tung, chồng chất lên nhau, làm thế nào mà tìm được? Muốn hương khói thờ cúng thì thờ cúng ở đâu? Đình phá rồi. Đền phá rồi. Chùa phá rồi. Các nhà thờ họ cũng phá rồi. Các công trình tín ngưỡng được các bậc tiền nhân xây dựng qua sáu trăm năm, bị phá sạch, lấy tiền đâu mà xây lại? Kiếm cái ăn hàng ngày đã bạc mắt, nói chi đến việc xây dựng đền đài, nhà thờ. Bội bạc với thần thánh, Tổ tiên, con cháu đành phải chịu vận hạn…

*

Tuy nghèo đói, nhưng không khí cách mạng vẫn hừng hực như từ trước, đến nay vẫn hừng hực. Chiến dịch “Tiếng trống Xô viết” mở ra. Tiếng trống vang dội làng xóm, gợi lại khí thế xung thiên những năm Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Toàn dân lại cuồn cuộn lao vào cuộc đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên. Người ta trưng lên những khẩu hiệu với từ ngữ sắc nhọn đâm vào thần kinh con người:

Trời làm mất bắt đất đền!

Vắt đất ra nước thay trời làm mưa

Dốc ngược dòng sông để nước lên đồng, trói tay thần hạn!

Treo nước lên ngọn cây!

Mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản, đi làm thuỷ lợi!

Những ban mai chưa tỏ mặt người, tiếng trống đã ầm vang, cờ đỏ đã rợp đồng, phô phang khí thế xung thiên. Không ai có thể bình tâm mà ngồi yên được. Bụng đói meo, vẫn phải tất tưởi chạy ra đồng, hoà nhập với tiếng trống với cờ đỏ với quần chúng cách mạng. Đảng đề cao kỷ luật sắt, đảng viên đi trước làng nước theo sau, thanh niên dẫn đầu cán bộ gương mẫu!

Anh Cu Lộc, bí thư chi bộ, chỉ vì một buổi sáng, tiếng trống đã nổi lên, ra chậm dăm bảy phút, bị Đảng uỷ tuyên bố cách chức ngay tại trận!

Đã nghèo khổ cơm gạo thì phải lấy cái giàu có tinh thần để tấn công vào nghèo khổ. Tấn công và tấn công. Bất chấp tất cả. Bất chấp quy luật thiên nhiên. Bất chấp phong tục truyền thống. Bất chấp quy luật tâm lý con người. Triệt để giương cao tinh thần cách mạng, tấn công và tấn công!

Mấy trăm năm nay, xung quanh làng có sáu cái giếng: giếng Đình, giếng Trước, giếng Triều, giếng Đồng, giếng Cây Đa, giếng Xóm Trang. Chi bộ Đảng làng Hậu Luật ra nghị quyết: chỉ để lại giếng Đình, còn năm giếng kia lấp bằng - thực hiện kế hoạch “cải tạo đồng ruộng theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Thế là trống nổi lên, cờ đỏ giương lên, dân làng vác cuốc vác thuổng xông ra chỉ trong vài ngày là lấp xong.

Mặt giếng bình yên hàng mấy thế kỷ, bỗng ầm ầm nổi sóng. Những cọng rêu nằm yên dưới đáy giếng hàng mấy thế kỷ, bỗng lay động, xơ xác, và bị vùi xuống chín tầng đất sâu.

Trong làng có chừng ba chục cái ao, trên mười bảy xứ đồng có gần một trăm cái đìa. Chi bộ Đảng làng Hậu Luật ra quyết nghị: lấp tuốt tuồn tuột. Triệt để xoá bỏ tàn dư manh mún cá thể, tư hữu, “cải tạo đồng ruộng theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.

Sau khi giếng, ao, đìa đã bị lấp, không may gặp kỳ hạn hán, đồng điền khô kiệt nước. Biết lấy nước đâu để uống và tưới hoa màu? Người ta chen nhau đi gánh nước ở giếng Đình. Hạn chế tối đa việc lấy nước tưới hoa màu.

Thì ra bây giờ chi bộ mới nhận ra lời khuyên của mấy cụ đồ nho và mấy cụ lão nông là đúng: không nên lấp giếng và lấp ao, đìa! Có phải thời đại này mới làm thuỷ lợi đâu. Qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã từng làm thuỷ lợi. Trải qua kinh nghiệm canh tác, giữa đồng nước trũng người ta đắp những công đất để phân dòng nước chảy khi có lũ: cồn Hà, cồn Cưa, cồn Dã Cá, cồn Tuôn, cồn Hạc. Tất cả các cồn đã bị phá để “cải tạo đồng ruộng theo hướng sản xuất lớn…”, nước lũ tha hồ tung hoành cuốn trôi lúa má… May mà còn lại cồn Hà, vì cồn này được dùng làm nghĩa địa, nếu không thì cũng bị san phẳng. Giếng đào từ xưa, đã được các cụ dò xem mạch ngầm, dẫu gặp mùa đại hạn nước giếng vẫn còn… Hệ thống ao và đìa cũng để trữ nước và làm nơi ẩn náu cho tôm cá khi mặt đồng đã khô nẻ… Bây giờ hạn hán, không còn nước đìa để tưới lúa, lúa chết khô; và tôm cá cũng chết khô.

Bao nhiêu công trình thuỷ lợi được tích góp từ kinh nghiệm và công sức của tiền nhân bị phá tan hoang để “cải tạo đồng ruộng”. Cái thành tựu mới chưa thấy, chỉ thấy hạn hán và mất mùa. Qua mùa hạn hán đến mùa mưa, chỉ một đêm mưa ròng rã, sáng dậy đã thấy nước ngập trắng băng đồng dưới đồng trên. Làng trở thành hòn đảo. Đói kém. Cơn đói kéo dài như một thứ bệnh mãn tính. Cứ tưởng cách mạng thành công thì không còn đói kém nữa, không còn thiếu cơm gạo nữa. Ai ngờ nạn giáp hạt ngày ba tháng tám quay trở lại quật vào từng gia đình, quật vào từng số phận người nông dân.

Anh Hiền cũng chịu chung cơn đói với bà con làng xóm. Lại cộng thêm cái bệnh đau dạ dày hành hạ. Lắm đêm anh nằm vật vã, cố nghiến chặt hai hàm răng để không bật ra tiếng rên, nhưng không thể chịu được, tiếng rên phải bật ra. Tiếng rên thảm thiết vọng sang các gia đình láng giềng. Bà con không nỡ nằm yên, chạy sang, đỏ đèn, chăm sóc cùng với vợ con anh. Người thì cho uống nước mắm để dành lâu năm. Người thì cho uống mật ong. Người thì cho chút thuốc phiện lấy ở Phủ Quỳ. Có người chạy xuống bệnh viện Diễn Châu báo cho y sĩ Phù, anh Phù đem lên cho mấy lọ ca- vét và mấy lọ viên nghệ…

Bệnh sốt rét từ hồi ở Việt Bắc tái phát. Người anh vàng vọt, gày gò, chân tay khẳng khiu như que củi, hai hàng xương sườn trơ ra, giống như bộ xương trong sách giáo khoa. Chưa đến sáu mươi tuổi mà trông anh như ông cụ tám mươi, râu ria xồm xoàm, da mặt nhăn nheo, mắt hoắm sâu. Sức khoẻ anh suy sụp một cách nghiêm trọng. Thỉnh thoảng chị Hiền nấu cho anh bát cháo lều phều mấy sợi thịt, anh ăn phều phào đến hàng tiếng đồng hồ mới hết.

Đói, sốt rét, đau dạ dày quật anh ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chân tay run. Đi ra đi vào phải chống gậy… Bá, tổ trưởng tổ thông tin, đến chơi, nói đùa: “Trông cho chú chóng phục hồi sức khoẻ để tham gia công tác thông tin. Chú viết khẩu hiệu đẹp nhất làng…”. Anh Hiền nhìn Bá, gượng cười, nụ cười héo hắt nở trên hai làn môi bạc như hai chiếc lá khô. Gò má Bá lăn giọt nước mắt… Dạo này Bá hay lên chơi với anh Hiền. Hai người rủ rỉ trò chuyện với nhau, thỉnh thoảng Bá lại xoa bụng, xoa lưng, xoa chân tay cho anh. Mỗi lần đi làm đồng về, Bá lại mang lên hoặc con cá tràu, hoặc con cá trê, hoặc mấy con lươn. Biết khẩu vị của anh, chị Hiền nấu những món dân dã: dấm cá trê với khế chua, cá tràu kho mặn, cháo lươn… Nhìn anh ăn ngon lành, Bá cảm thấy vui: “Thức ăn có sẵn ngoài đồng, chú ăn hết tôi lại bắt về cho chú ăn”.

Đêm nào Bá cũng ngồi với anh đến khuya. Tuy còn ít tuổi nhưng Bá thuộc chi trên, nên anh Hiền gọi Bá bằng “anh”:

“Anh ngồi với tôi là tôi thấy khoẻ người…”

Hai anh em chẳng biết nói chuyện gì, chỉ nhìn nhau cũng vui lắm rồi. Hễ Bá đứng dậy định ra về thì anh níu tay: “Ngồi thêm với tôi một ít nữa…”. Bà con làng xóm nói đùa: “Ông Bá là thầy thuốc chữa bệnh cho ông Hiền”.

Những lúc vắng Bá, anh thấy trống trải ghê gớm và cơn đau dạ dày lại hành hạ anh nhiều hơn.
Nửa đêm mùa đông, cơn đau nổi lên dữ dội. Sợ phiền luỵ đến người nhà và bà con láng giềng, anh nằm úp sấp lên giường, hai tay ôm chặt lấy chăn, nghiến hàm răng. Nhưng cơn đau càng lâu càng hoành hành, không thể nào chịu được, anh thốt ra một tiếng kêu rồi kèm theo tiếng rên kéo dài. Chị Hiền hốt hoảng chạy ra. Mấy đứa con chạy ra. Bà con hàng xóm chạy sang. Mặt anh tái mét, hai mắt lờ đờ nhìn mọi người. Gian phòng nhốn nháo:

“Ông làm sao thế?”

“Cha ơi!”

“Chú Hiền thủng dạ dày rồi!”

“Chú Hiền thủng dạ dày rồi!”

“Mang lên bệnh viện cấp cứu ngay!”

Mọi người rối rít lấy võng, lấy cáng, bế anh nằm vào võng. Hai chú thanh niên khoẻ mạnh ghé vai khiêng. Năm, sáu người chạy theo. Chị Hiền và hai đứa con cũng chạy theo. Có người ôm theo cái chăn. có người ôm theo bọc quần áo của anh Hiền… Tình làng nghĩa xóm như bát nước đầy, tối lửa tắt đèn có nhau…

May quá, vừa đến bệnh viện thì gặp y sĩ Phù. Chẳng phải bà con họ hàng, chẳng phải láng giềng, anh Phù quê ở tận làng Xuân Sơn cách làng Hậu Luật đến năm cây số. Hai anh quen nhau trong những trận dân quân diễn tập hồi mới cách mạng tháng Tám. Có một lần anh Hiền là “quân bên ta” bắt được anh Phù là “quân bên địch”. Phù nói: “Mi là thằng Hiền ở Hậu Luật chứ gì! Mi có biết ta không?” Anh Hiền cười: “Mi là thằng Phù ở Xuân Sơn”. Phù bỗ bã: “Tao đói bụng lắm. Chạy rạc cẳng từ sáng đến giờ, chưa có miếng gì vào bụng, mi cho quân bên địch ăn một chút gì để có sức mà tiếp tục đánh nhau”. Dạo đó là sau tết Nguyên đán, anh Hiền còn giữ nửa cái bánh tét, bèn đem ra, “quân bên ta” và “quân bên địch” ngồi ăn ngon lành. Anh Phù nhớ mãi kỷ niệm ấy. Những ngày anh Hiền đau ốm, anh Phù thường qua lại chăm sóc và cho thuốc men… Bây giờ gặp nhau đột ngột trong trường hợp anh Hiền bị cấp cứu, Phù trực tiếp đưa vào phòng khám. Tuy bằng cấp của Phù mới chỉ là y sĩ, nhưng đã vào nghề lâu năm, đã mổ mấy ca dạ dày, cho nên chẩn đoán bệnh chính xác: “Anh Hiền không thủng dạ dày”. Mẹ con chị Hiền và bà con đi theo mừng rỡ. Phù giữ anh lại bệnh viện mấy ngày để truyền máu và theo dõi bệnh tình. Biết anh túng thiếu, Phù đưa cho anh hai hộp sữa, ba lọ ca vét, một chai mật ong, tiễn anh ra đến cổng bệnh viện…

Nghe tin anh Hiền ốm, tôi về thăm. Vừa vào đến ngõ thì thấy Bá đi ra. Gặp tôi, Bá xoắn xuýt nắm tay tôi: “Chú Hiền đau nặng lắm. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện về, bệnh có đỡ, nhưng còn gay lắm. Mi về thật đúng lúc…” Tôi nắm tay Bá, chân bước run run… Anh ngồi co ro trên giường, nhìn tôi từ từ bước vào.

“ Em đã về…”

“Anh…”

Không nén được, nước mắt tôi trào ra. Lạnh quá. Cửa nhà lạnh quá. Cha mất rồi. Mẹ mất rồi. Anh là con trai trưởng, cái cột trụ của gia đình. Cái cột trụ đã mục ruỗng, không còn đủ sức để chống đỡ gian nhà đã quá cũ kỹ. Một thời khang trang, một thời ấm cúng, một thời oanh liệt… Tất cả trở thành dĩ vãng. Chỉ còn lại anh ngồi đây, ốm o xo rụi. Tiếng muỗi vo ve. Bên cạnh giường là bát cháo nguội lạnh với vài ba mẩu thuốc lá sâu kèn. Nắng hoàng hôn nhuộm vàng ệch hòn sơn giả trước sân.

Tình cảnh bi đát. Đến gạo còn không đủ ăn, nói gì đến đường, sữa, thịt nạc để bồi dưỡng. Bạn bè qua lại thăm hỏi có đưa cho anh một ít tiền. Anh em thân thuộc lúc thì đưa cho anh lon gạo ngon, lúc thì cân nếp, lúc thì mấy lạng thịt nạc. Nhưng ai cũng nghèo túng, moi đâu ra gạo, thịt để cung cấp mãi cho anh. Nhìn nhau, thương nhau, cũng đành quay mặt…

Tôi nhìn anh mà không dám nhìn lâu.Tôi cảm thấy có lỗi với anh, có lỗi với cha mẹ, có lỗi với gia đình. Tại sao hồi đó tôi không thẳng thắn nói cho anh biết ýý nghĩ “vui thú điền viên” sau chín năm chinh chiến là một ý nghĩ lỗi thời. Để đến bây giờ, nông nỗi này. Đồng lương của tôi phải tằn tiện may ra mới đủ nuôi hai cháu ăn học, làm sao gửi về thường xuyên được. Lực bất tòng tâm, thương anh mà đành phải bó tay. Tôi rút điếu thuốc lá, châm lửa cho anh hút, phải bật đến nhát thứ ba lửa mới xoè ra. Nhìn anh ngậm điếu thuốc đầu lọc một cách sung sướng mà thương anh quá, tôi đưa anh cả bao, rồi rút ví đưa anh năm chục ngàn đồng. Anh quay mặt vào tường khóc như một đứa trẻ. Tôi cũng trào nước mắt…

*

Tình làng nghĩa xóm vẫn ấm áp như xưa, vẫn thương nhau hạt muối cắn đôi. Nhưng do cách quản lý xã hội suốt hàng chục năm nay, không khí thôn mạc luôn luôn căng thẳng, người này nhìn người kia bằng con mắt “cảnh giác”, hoặc tạo ra sự xa cách giả tạo. Một chính sách từ đâu ban ra, không có văn bản, nhưng Đảng uỷ và Uỷ ban xã lại thi hành rất nghiêm chỉnh: gia đình nào không vào hợp tác xã thì con cái không được thi vào đại học!

Cháu Thanh, con anh Hoe Phác, học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp cấp ba, Uỷ ban không cho giấy để thi đại học chỉ vì cha mẹ “làm ăn cá lẻ”. Hai đứa con gái anh Hiền, cháu Thảo và cháu Thu cũng vậy, học xong cấp ba không được thi vào bất kỳ trường nào, dẫu là trường chuyên nghiệp trung cấp. Chạy ngược chạy xuôi xin xỏ mãi các cấp lãnh đạo trả lời rằng: Muốn học nghề để thoát ly, phải kinh qua thời gian rèn luyện ở chiến trường. Thế là cháu Thảo tình nguyện đi Thanh niên xung phong, cháu Thu gia nhập quân Giải phóng.

Hai cháu đi rồi, nhà cửa đã vắng vẻ càng thêm vắng vẻ. ở nhà chỉ còn anh Hiền và chị Hiền. Kinh tế lại quá eo hẹp. Lắm chuyện lôi thôi xảy ra. Vợ chồng ăn riêng, chồng một nồi, vợ một niêu, người nào người nấy tự thổi cơm. Chán chường đến tột cùng chán chường.

Lác đác những năm sau, hai cặp vợ chồng già khác, cũng lục đục, chồng một nồi, vợ một niêu. Đáng chú ý là ba cặp vợ chồng này cùng anh em thúc bá trong một chi họ Võ, ở quây quần với nhau. Bi kịch của một cặp vợ chồng đã gây tai tiếng khắp làng khắp xóm. Nhưng cái bi kịch đó lại loang ra đến hai đến ba, thì người ta giật mình đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao?

Ba bà vợ lén lút mang cơm đùm cơm nắm đi bói ở ba nơi khác nhau. Ba thầy bói đều nói: Tại vì chôn hài cốt của bà cô vào khu mộ của chi họ này, cho nên mới xảy ra chuyện phân li giữa các cặp vợ chồng đã ăn ở hoà thuận với nhau trên năm chục năm trời.

Bà cô đó là ai? Đó là bà Võ Thị Chương lấy chồng về xóm Bến Kiềng, xã Nho Lâm. Sau khi chồng qua đời, bà đem con về Hậu Luật nương tựa nhờ các cậu các mợ. Lúc bà mất, một số cụ già bảo “Nhất giặc Ngô, nhì bà cô bên chồng”. Từ xưa đến nay, con gái đã xuất giá không được chôn chung với khu mộ anh em bên ngoại. Nếu chôn chung thì người dưới âm phủ ở không yên, người trên trần thế cũng gây sự xích mích nhau. Ngưòi ta cho đó là chuyện mê tín dị đoan. Thời đại mới mà còn tin vào những điều xằng bậy, thiên hạ cười thối óc! Các cụ còn khuyên thêm: “Nếu muốn táng chung bà cô vào khu mộ bên ngoại thì phải làm lễ xin phép tổ tiên”. Nhưng người ta vẫn phớt lờ. Chẳng lễ bái gì hết. Làm gì có thần thánh. Còn xương cốt tổ tiên thì đã tan thành đất, còn biết gì nữa mà xin phép!

Chuyện đã nhỡ rồi, biết làm sao bây giờ? Một người đi bói, có thể không tin. Nhưng ba người tìm đến ba thầy bói ở ba nơi khác nhau, không tin sao được. Đành phải chuyển mộ bà Chương đi nơi khác. Đau đớn thay, biết mộ ở đâu mà chuyển! Hồi tập trung mồ mả, chi đoàn thanh niên đào một cái rãnh dài, ghép sít sìn sịt các tiểu liền nhau, rồi đắp đất thành một cái mộ chung dài như bờ ruộng. Cái bờ ấy mỗi năm một dài thêm, không ai có thể nhớ được chính xác mộ bà Chương nằm ở vị trí nào. Anh em trong chi họ Võ chạy ngược chạy xuôi khắp nơi, tìm đến thầy cúng này, thầy bói kia, nhà ngoại cảm nọ, mà vẫn không được.

Ba cặp vợ chồng già ấy cũng tự nỗ lực để hàn gắn tình cảm. Mỗi lần xích lại gần nhau một chút, thì như có sức mạnh vô hình nào đẩy ra. Thử cố gắng cùng ngồi ăn cơm vài bữa, không dám nhìn nhau, cơm nuốt không ngon. Lợi dụng lúc có khách đến nhà, hai vợ chồng gượng gạo cùng tiếp, nhưng chỉ được một lát là vợ hoặc chồng vờ bận việc phải bỏ đi nơi khác.

Tình cảm u uất cứ kéo dài lê thê như mưa dầm mùa đông. Chị Hiền tần tảo hơn muời năm trời một nắng hai sương, nuôi bố mẹ chồng, nuôi em chồng ăn học. Chồng đi xa biền biệt. Tưởng là ngày chồng trở về quê vui thú điền viên, nào ngờ không những không vui mà còn tan nát hơn. Chị im lặng, nhẫn nhục, vừa tham gia Hội đồng nhân dân, vừa chăm con trâu, cấy lúa trồng khoai và ráng hết sức mình để vun đắp gia đình. Chị giận anh, thương anh và thương cho thân phận mình quá hẩm hiu. Chị lên Sơn La trông con cho cậu em. Nhớ nhà quá, thương anh quá, chị lại trở về. Nhìn anh ốm o, gầy guộc, vét trong bồ không còn hột thóc, chị ngồi vào góc bếp, gục mặt xuống đầu gối, nước mắt ướt đầm…

Cảnh chồng một nồi, vợ một niêu vẫn tiếp tục kéo dài. Ngán ngẩm đến tận cùng ngán ngẩm. Lắm lúc người chị tê dại tưởng chừng như mất hết mọi cảm giác. Ra đồng làm việc, chị cố trò chuyện với chị em cho khuây khoả mà không khuây khoả được. Buổi tối rảnh rỗi, chị sang hàng xóm chơi cho vơi nỗi buồn mà không vơi được. Rút cục chị vẫn phải âm thầm trong ngôi nhà của mình, chịu đựng cơn đau dai dẳng như dao cùn cứa vào da thịt.

Khuya. Đi họp về. Chị nằm trằn trọc không ngủ được. Thương số phận mình long đong. Chợt một tình thương khác, một tình thương vị tha lớn lao như dòng thác xối vào cái vực thẳm của tâm hồn chị - dòng thác vừa lạnh buốt vừa nóng ấm: thương chồng! Chị rón rén đi từng bước rất nhẹ ra nhà trên… Trời ơi! Chồng chị nằm đó. Chồng chị nằm còng queo quay mặt vào tường, tiếng thở nghe rõ từng nhịp. Chị quay xuống bếp nấu nồi cháo, xé nhỏ từng sợi thịt nạc trộn lẫn vào, ra vườn hái lá tía tô băm vụn rồi rắc lên bát cháo. Ngập ngừng một lát, chị gọi đứa con gái lớn: “Thảo ơi! Thảo ơi! Con đem bát cháo này cho cha ăn. Cha có hỏi ai nấu, thì nói là con nấu, đừng nói mẹ nấu...” Chị lại nằm thao thức trên giường, lắng nghe từng động tác con gái bưng cháo ra cho cha, rồi lắng nghe tiếng động chồng ngồi dậy bưng bát cháo, múc từng thìa ăn ngon lành…


XVII. Dư âm

“Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì xin làm cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân’’. Anh nghĩ rằng cọng rêu đó còn có ý nghĩa tích cực đối với bản thân, với gia đình và với cộng đồng làng xóm. Cho nên, bên cạnh cọng rêu, anh giữ gìn một cách nâng niu và trân trọng tất cả những kỷ vật của một quãng đời rất đẹp: cuốn sổ ảnh các lãnh tụ cách mạng, cuốn an-bum riêng của anh, chiếc ca Điện Biên Phủ, huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, lý lịch quân nhân…

Khi cái cọng rêu đã bị xô đẩy xơ xác thì các kỷ vật cũng không còn lý do để tồn tại.

Các kỷ vật ấy là dư âm của một bài ca hùng tráng. Thời gian trôi qua, anh muốn giữ lại trong lòng mình dư âm của bài ca ấy. Nhưng trong thực tế dữ dằn, khắc nghiệt, dư âm ấy bị tắt dần tắt dần cho đến lúc tiêu tan hoàn toàn.

Trong buổi bình minh của chế độ mới, anh ra công sưu tầm ảnh các vị lãnh tụ cộng sản trong nước và quốc tế, dán riêng vào một cuốn sổ. Mỗi lần cho ai xem, anh tự giở ra, người đó chỉ được xem bằng mắt, không được sờ tay vào… Anh vẫn cất giữ trong ngăn kéo cuốn sổ đó. Thỉnh thoảng có ai đến chơi, anh bận việc, không thể ngồi trò chuyện được, anh lại đưa cuốn sổ ảnh cho họ xem. Đến người thứ tư, thứ năm, thì anh để hẳn cuốn sổ trên bàn, mọi người xem một cách tự do, thoải mái. Tiến đến một bước nữa: ai thích ảnh nào cứ tự nhiên bóc ra và đem về. ảnh mỗi ngày một thưa dần trong cuốn sổ. Cuối cùng còn tấm ảnh 4x6 Xta-lin đứng trước tấm bản đồ quân sự, tôi vội vàng bóc ra và giữ làm kỷ niệm riêng của tôi. Tấm ảnh ấy, gần bốn mươi năm rồi, tôi vẫn giữ.

Cuốn an-bum riêng của anh có nhiều ảnh anh chụp với bạn bè, đồng đội từ hồi đầu cách mạng cho đến thời cải cách ruộng đất. Có những tấm ảnh anh chụp với gia đình bần cố nông. Có nhiều ảnh của bà con họ hàng, làng xóm và nhiều anh chụp riêng với tôi… Lẫn trong chồng sách cũ có cuốn an-bum đó, tôi lục ra thì thấy nhiều ảnh đã ẩm mốc loang lổ. Tôi lau lại từng tấm ảnh, phơi nắng, rồi gói lại cẩn thận. Nhờ đó, tôi có ảnh chân dung cha mẹ, anh chị em trong gia đình cách đây ba, bốn chục năm. Những ảnh bà con, họ hàng, làng xóm, tôi đem chụp lại, phóng to, rồi biếu lại từng người. Tất cả ảnh của anh hồi chiến tranh và hồi cải cách ruộng đất, tôi đều nhờ thợ ảnh tô sửa lại, chụp lại, ép nhựa, cất vào một cái hộp. Dẫu sao đây cũng là kỷ niệm của một người anh…

Tất cả những giấy tờ linh tinh khác như lý lịch quân nhân, thẻ phục viên, giấy khen, bằng huân chương đều đã mục nát cùng với mớ giấy lộn. Trong đó, tôi tiếc nhất là cuốn nhật ký của anh hồi kháng chiến. Nội dung của nó không có giá trị gì lắm. Nhưng nó là kỷ vật thiêng liêng với những dòng chữ rất đẹp của anh - xen vào giữa những dòng tiếng việt là những câu tiếng Pháp. Gáy sách đã mục hoàn toàn. Còn nguyên từng tờ giấy. Tôi nhẹ nhàng gỡ ra và nâng lên thì tờ nào cũng vụn nát. Người tôi thừ ra, đờ đẫn, xót xa, nhức buốt. Nhìn những vụn giấy tan trên mười đầu ngón tay, tôi rùng mình thương cuộc đời anh cũng đang vụn nát…

Còn chiếc ca “Chiến sĩ Điện Biên Phủ’’? Ngày mới bước chân về nhà vui thú điền viên, anh đã bọc giấy cất vào hòm. Sau đó anh đem ra dùng, bỏ lăn lóc trong bếp. Tôi nhặt lên, lau chùi lại, để vào góc tủ. Ông cậu đến chơi, đem ca ra uống nước, anh cho luôn. Tôi thấy tiếc, mua một cái ca nhôm cầm lên cho cậu để lấy cái ca Điện Biên Phủ về. Nhưng cậu đã đánh mất!

Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ’’ cũng không còn nữa! Sau nhiều biến động của xã hội và gia đình, chiếc huy hiệu quý báu ấy cũng phiêu bạt đi đường nào. Nắng mùa hè oi bức, tôi đánh trần lục lọi khắp mọi ngóc ngách hòm tủ để tìm cho kỳ được. Chẳng lẽ cả quãng đời oanh liệt của anh không giữ lại được cái gì ư? ít ra là cai huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ’’: con cháu nhìn vào biết được một thời kỳ rực rỡ của ông cha, biết được trong gia đình mình, gia tộc mình có một người con đã đóng góp vào chiến công lừng lẫy ấy… Biết tôi đang tìm gì, anh trở mình mệt mỏi, chống tay ngồi dậy, cuộn điếu thuốc lá sâu kèn, uể oải châm lửa: “Lần đầu khám nhà, họ lục lọi tanh bành, chẳng hiểu cái huy hiệu ấy rơi mất đâu…’’

Mất tất cả rồi! Mất tất cả rồi! Gian nhà hẹp bỗng như ruỗng ra và rộng tênh, không còn lưu lại một chút gì ấm áp của một thời đã qua. Tôi lững thững đi ra cổng làng, mong được nhìn lại cây phượng, nơi anh đã theo bác Chắt Kế và bạn bè cắm ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở vùng nam Diễn Châu. Vừa đi tôi vừa nảy ra ý định: bàn với chi bộ huy động thanh niên lấy đất bùn ao đắp quanh gốc cây phượng, rồi xây một vòng gạch xung quanh bồn. Phải giữ lại cây phượng này để làm chứng tích của một cuộc Cách mạng long trời lở đất… Nhưng ra đến nơi không thấy cây phượng đâu cả. Tôi vào chơi nhà cố Lưu ở cạnh đó, cố cho biết: “Cây phượng già quá rồi, nó chết được vài ba tháng thì bác Chắt Kế cũng chết’’. Thế là mất sạch, hết sạch! Trong làng có mười ba cây cổ thụ, có cây đến ba trăm năm, năm trăm năm, người ta đã chặt mười hai cây ngay sau ngày cướp chính quyền. Còn lại một cây phượng, cây phượng chết già…

*

Thấy cảnh gia đình và họ tộc điêu đứng kéo dài, hồi còn sống cha tôi nhờ thầy địa lý xoay lại hướng ngôi mộ của ông nội táng ở Đồng Cống, khi đó chưa tập trung mồ mả. Cha già yếu, không trực tiếp làm việc này. Anh Hiền đứng ra xắng xở lo toan. Chẳng hiểu anh có tin vào việc động mồ động mả hay không, chỉ thấy anh ngoan ngoãn làm theo lời cha. Có thể anh muốn cho cha yên lòng. Có thể anh tin thật, tin là có một thế giới vô hình song song tồn tại với thế giới hữu hình, thế giới vô hình hoặc phù trợ hoặc tác hại thế giới hữu hình. Chiều tối hôm trước, anh mời các bác các chú sang nhà ăn cơm và bàn chuyện ngày mai xoay hướng mộ cho ông nội.

Sáng hôm sau gà gáy canh tư, cả nhà thức dậy. Bà con đến đông đủ. Mọi người thắp đèn đốt đuốc đi ra đồng. Đêm mùa đông sương giá lạnh gai da thịt. Tôi vừa đi theo dòng người vừa thầm khấn: “Ông ơi! Ông sống khôn chết thiêng, ông phù hộ cho con cháu được bình yên. Con cháu có làm điều gì sơ suất, ông xá lỗi…”

Đồng Cống nằm bên cạnh sông Bùng, phả hơi nước lên, sương trắng dày đặc. ánh đuốc sáng nhạt nhoà. Mồ mả nhấp nhô. Đom đóm chập chờn như ma trơi. Gió tạt vào những khóm cây bầu xua động lá lao xao. Tôi có cảm giác như đang đứng giữa thế giới âm phủ.

Cuốc bổ, thuổng đào, ngôi mộ bị san phẳng dần, rồi sâu hõm xuống. Tôi chăm chú theo dõi và bụng cứ khấn thầm: “Ông ơi! Con cháu của ông đang đứng quanh ông đây mà. Mấy năm nay cửa nhà sa sút, không giữ được gia thế như hồi ông còn sống. Cháu xin lỗi ông. Cầu mong ông ban phúc cho gia đình ta được êm ấm…” Anh Sửu Phúc lật nắp tiểu sành, hộp tiểu khô ráo, xương cốt ông hiện ra dưới ánh lửa khi mờ khi ảo. Thế là trong khoảnh khắc, trong gang tấc, thế giới bên này đã gặp thế giới bên kia. Tôi nhìn lại ông, mơ hồ hình dung một người ông gần nửa thế kỷ trước: râu tóc bạc phơ, cắp chiếc ô đi thăm bệnh cho thiên hạ khắp xứ Đông xứ Đoài. Sự hình dung ấy cứ đầy đặn dần như nhà nặn tượng đắp thạch cao để tạo dựng một nhân vật cổ xưa. Anh Hiền quỳ thụp xuống, chắp tay vái chân thành. Chưa bao giờ anh thể hiện cử chỉ tín ngưỡng bộc lộ hết tấm lòng thành kính của mình như thế. Có thể trong tâm linh anh đang dấy lên nỗi day dứt, ân hận về sự tính toán sai lầm của mình trên đường đời. Có thể anh thật lòng cầu xin, van lơn ông nội, van lơn các bậc tiền nhân ban phát cho mình một cuộc sống bình yên như rong rêu dưới đáy ao.

Anh Sửu Phúc, một bậc đàn anh trong họ: “Chú Hiền lui ra để tôi sắp lại hài cốt cho ông…” Đầu ông nghiêng về một bên. Sao mặt ông lại quay về phía Đông Bắc? Có lẽ ông đang chờ đợi cụ Thuỷ tổ Vũ Hồn ở tận Hải Dương một điều gì đó. “Nào, soi đuốc vào đây để mọi người nhìn cho rõ…” Hơn chục bó đuốc chụm vào. Hơn chục cái đầu người chụm vào. Im lặng… Im lặng đến tột cùng im lặng… Im lặng mênh mông… Nghe rõ tiếng lửa cháy lách tách trên từng bó đuốc…

Nghe nhắc đến tên ông Vũ Hồn, người tôi run lên như có một luồng máu từ thượng cổ dội về và len vào từng vi ty huyết quản. Cháu con làng Hậu Luật ai mà chẳng biết sự tích vị thuỷ tổ của mình. Đầu tiên, cụ lập nghiệp ở làng Châm Thượng, tổng Nam Sách tỉnh Hải Dưong từ thế kỷ thứ tám. Đến thế kỷ mười lăm, hậu duệ của cụ là ông Võ Phúc Sơn cùng với con là ông Võ Chính Đạo mang khăn gói vào phía nam và lập nên làng Hậu Luật. Nơi đây, thế đất cường thịnh, phía đông là biển cả, phía tây là núi Hai Vai. Dân cư làm ăn sung túc, đời nào cũng có người đậu đạt. Thế mà, bây giờ… Tôi cảm thấy mình có lỗi lớn với tổ tiên.

Trong giây phút thiêng liêng này, không ai nói với ai một câu. Dường như từng người đang lặng lẽ lắng nghe từng giọt máu, từng lời khuyên của tiền nhân nhỏ xuống hồn mình. Anh Hiền đăm đắm nhìn hai bàn tay anh Sửu Phúc xếp lại từng cái xương của ông nội. Người anh oằn xuống, tôi ngỡ như anh đang sắp sửa nằm nhoài xuống để ôm lấy bộ hài cốt của ông nội. Anh Hoe Thảo, anh Hoe Phác đứng hai bên giơ tay giữ anh lại…

Sau lần xoay hướng mộ ông nội, không những gia đình tôi, mà cả chi họ, các chi họ khác và cả dân làng Hậu Luật đều chờ đợi, chờ đợi một sự thay đổi… Một tháng, rồi sáu tháng, rồi một năm, rồi hai năm, gia đình vẫn nguyên trạng như thế. Làng xóm vẫn nguyên trạng như thế. Từ các cụ già đến thanh niên đều cho rằng chỉ xoay hướng mộ ông nội tôi thôi không ăn thua gì! Làng đã bị tàn phá từ cái gốc. Cái gốc không dựng lại được, mà chỉ sửa một chút cái ngọn thì chẳng động thấu đến thần thánh, tổ tiên.

Anh Hiền vẫn chờ đợi. Mặc dầu sự chờ đợi ấy rất mơ hồ, nhưng ít ra, anh vẫn còn hi vọng. Chút hi vọng le lói đó níu anh vào cuộc sống - dẫu là cuộc sống phẳng lặng và buồn tẻ. Nhưng nào có được sống phẳng lặng và buồn tẻ mà càng ngày càng dữ dội hơn, nghiệt ngã hơn.

Bơi giữa dòng nước xoáy, anh gồng hết sức mình để nhoi lên. Mỗi lần nhoi lên lại bị sóng dìm xuống sâu hơn. Anh lại cố nhoi lên và lại bị sóng dìm xuống sâu hơn nữa… Cứ như thế cho đến lúc toàn thân anh bã bời như tấm giẻ rách. Ngày ngày anh thắp hương cầu khấn một sự phù trợ của sức mạnh Siêu Nhiên. Nhưng Siêu Nhiên không mảy may ban phát cho anh một điềm lành. Anh buông xuôi tất cả! Bàn thờ lạnh nhang khói. Ngày giỗ, ngày tết, anh cũng không thắp hương. Mọi giác quan trên người anh như đã tê dại cả. Anh tồn tại như cái bóng mờ nhạt, không buồn, không vui, không ghét, không thương, không duy tâm, không duy vật…

*

Bệnh sốt rét và dạ dày hoành hành, phá huỷ cơ thể anh một cách tồi tệ. Anh nằm mê lịm trêng giường hàng tháng trời, mỗi ngày nuốt được dăm thìa cháo. Tiếng thở của anh nghe nặng nề như người gánh nặng vượt dốc cao. Anh vẫn còn muốn vượt dốc. Liệu có qua được cái dốc này không? Qua được, nhưng bên kia dốc là thăm thẳm hư vô…

Năm tháng nhọc nhằn đã bóp gương mặt đôn hậu của anh trở thành nhăn nhó, méo mó, dúm dó.

Nhà bên cạnh mở đài, vọng sang những bài hát kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến.

Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi… ra đi ra đi bảo toàn sông núi… ra đi ra đi thà chết chớ lui…

Người anh một thoáng rung lên. Đôi mắt anh mở to, chớp sáng.


XVIII. Lễ tang

Anh mất, người đau đớn nhất là chị Hiền. Chị khóc vật vã. Nỗi bất hạnh của cuộc đời anh đã kéo theo cuộc đời chị cùng bất hạnh. Ròng rã suốt mấy chục năm trời chị ngậm tủi nuốt sầu, trọn đạo làm dâu, trọn nghĩa làm vợ. Tuổi trẻ, chị không biết tình yêu là gì. Vào tuổi ba mươi, khói lửa chiến tranh tắt, chị toan nắm được hạnh phúc, nhưng rồi hạnh phúc lại tuột khỏi bàn tay chị. Chị khổ vì chồng. Không chịu đựng được, chị bỏ nhà lên Sơn La trông cháu. Thương chồng, chị lại trở về. Rồi chị lại ra Hải Phòng ở với con gái, trông cháu ngoại. Đến khi nghe tin chồng ốm nặng, chị lại trở về. Một khát khao bình thường của người phụ nữ là được chăm sóc chồng mà chị cũng không đạt được. Những ngày cuối đời anh, chị mới thực sự được gần gũi chồng, lo lắng thuốc men và cơm cháo cho chồng.

Chị quên tất cả, quên mọi điều bất hạnh xô ập tới gia đình trong mấy chục năm trời, quên những cơn dằn vặt do anh gây ra. Trước mặt chị là chồng, một người chồng lăn lóc trên giường bệnh. Chị phải ân cần nâng niu, an ủi. Chị có quyền được nâng niu, an ủi. Ròng rã mấy tháng trời chị không rời anh. Đêm nào chị cũng thức. Nhiều đêm chị thức trắng. Một tiếng ho, một tiếng thở không bìmh thường, một cái trở mình của anh, đều làm chị giật thót. Ngọn đèn hiu hiu thâu canh. Chị thức cùng ngọn đèn, cùng tiếng muỗi vo ve và tiếng thạch sùng chắt lưỡi như ngày nào chị mới sinh cháu. Chị thương con chừng nào thì chị thương chồng dường ấy. Nát ruột nát gan vì nỗi bất hạnh chồng mang đến chính là tình thương rất đỗi có trách nhiệm với gia đình. Chị không quay lưng, mà chị luôn luôn sẵn sàng đối mặt với mọi rắc rối của chồng con với một nghị lực mạnh mẽ mà thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam…

Chính nhờ thái độ ấy, nghị lực ấy, mà đến phút chót của đời mình, trước khi hắt ra hơi thở cuối cùng, anh gọi chị, anh gọi tên chị, anh gọi “Bà ơi! Bà ơi!” Anh gọi “Bà” là để thay lời cho những đứa cháu - những giọt máu chảy trường tồn trong huyết thống của gia tộc, của dòng họ. Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói thật. Tiếng gọi “Bà ơi! Bà ơi!” là lời nói thật chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm ăn năn, hối hận, chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm chua xót, ngọt ngào, hờn giận, thương yêu của cả một đời của anh đối với chị.

Chị hốt hoảng nắm chặt bàn tay anh. Mười ngón tay anh run rẩy nắm lấy bàn tay chị. Ôi đằng đẵng một quãng đời chồng vợ dài gần năm mươi năm, đến phút này đây, đến phút chót này đây, chị mới được chồng nắm chặt tay mình và chị mới biết được bàn tay chồng ấm lạnh như thế nào.

Gục đầu lên người anh, chị khóc nấc lên, vật vã kêu gào. Mọi ngưòi kéo chị ra nơi khác mà chị cứ tưởng là đang ôm lấy anh, tiếng khóc thét lên như nghìn mũi dao đâm ngang đâm dọc vào cơ thể chị…

*

Đồng đội anh đâu rồi?

Đồng đội anh đâu rồi?

Đồng đội anh đâu rồi? Không có ai ở đây trong giờ phút này để vĩnh biệt anh!

Chặng đường gần mười năm anh sống với đồng đội, với bạn bè chiến đấu là những năm tháng vui nhất, sôi nổi nhất, đẹp đẽ nhất và có ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời sáu mươi lăm năm của anh. Ăn đói, mặc rét, nằm rừng, hồi hộp chờ đợi giờ xuất kích, xông vào đồn giặc. Gặp nhau dọc đường, dù vội mấy cũng dừng lại dăm ba phút, trao cho nhau điếu thuốc lá. Lúc anh giải ngũ về nhà, thiếu thốn, bạn bè qua lại, cho anh bao thuốc, cân chè, cân cà phê hoặc một ít tiền.

Tôi còn nhớ có lần đi bộ với anh vào Vinh. Đến Quán Hành thì trời đã xâm xẩm tối, bỗng gặp người bạn đi ngược chiều trở ra. Hai anh ôm nhau khóc:

“Tao tưởng mày đã hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên”.

“Tao cũng đinh ninh là mày đã vùi xác ở Việt Bắc”.

Tối hôm đó, hai anh ngủ lại quán bên đường. Gọi là quán, nhưng chỉ là túp lều gianh của một gia đình nông dân che tạm để bán nước và bán cơm sau ngày hoà bình lập lại. Đêm nào bà chủ cũng về trong xóm. Hai anh em xin bà cho được ở lại quán một đêm. Bà ái ngại vì chỉ có một cái giường con ọp ẹp, bèn mời hai anh vào nhà nghỉ ngơi. Hai anh từ chối. Thế là bà vội chạy về nhà, mang thêm thức ăn. Rồi hai anh tự nấu nướng, mua rượu, cùng ăn bũa cơm ngon lành trong cái quán lụp xụp… Đêm ngắn ngủi, dường như hai anh thức đến gần sáng, rủ rỉ trò chuyện…

Lúc này, tôi nhớ lắm, nhớ vợ chồng anh Thái ở số nhà 35 Hàng Ngang, Hà Nội, đã tận tình giúp đỡ ròng rã hai tháng trời để anh học may. Tôi cũng nhớ tới vợ chồng anh Chiến ở thị trấn Thái Hoà, miền núi Nghệ An đã vồn vã cưu mang khi anh vừa đặt chân đến vùng kinh tế mới. Giá các anh chị biết anh Hiền mất thì thế nào cũng đến dự lễ tang. Không hiểu trong giấc ngủ, các anh chị có mộng thấy anh Hiền về chào và cảm ơn một lần cuối cùng?...

Còn đông đảo những người bạn khác, những đồng đội khác, xa cách nơi phương trời nào? Chiến tranh thì đoàn tụ. Hoà bình thì phải chia phôi. Chiến tranh thì được sống với cộng đồng biết thương yêu nhau. Hoà bình thì phải sống giữa một tập thể mà ngày ngày ghen ghét nhau, đố kỵ nhau, moi móc nhau. Thật là oái oăm. Tôi khát khao trong giờ phút vĩnh biệt thiêng liêng này, có các anh sum vầy, cúi đầu quanh thi hài anh. Dẫu mọi giác quan của anh đã chết rồi, nhưng linh hồn vẫn phiêu diêu nơi trần thế để nhận lấy chút ấm áp cuối cùng của tình đồng đội.

Bạn bè anh trong làng cùng tham gia kéo cờ ngày khởi nghĩa, đâu cả rồi? Anh Lộc đã chết bệnh. Anh Hối đã chết trong một tai nạn đổ tàu hoả… Còn ai nữa? Còn đây, anh Huân…

“Thằng Hiền chết rồi à?”, đang nằm mệt lịm trên giường, nghe có người báo tin, anh Huân giật mình ngồi dậy.

“Thằng Hiền chết rồi!...”, anh khóc hu hu như một đứa trẻ. Thằng bạn thân thiết cuối cùng đã ra đi. Thằng bạn hoạt động hăng hái một thời đã ra đi, thằng bạn cuối cùng…

Anh chống gậy lập cập bước ra ngõ. Bệnh thấp khớp hành hạ bao nhiêu năm trời, anh chỉ lê bước quẩn quanh trong nhà. Nhưng hôm nay, anh phải đi để “nhìn mặt nó trước khi vĩnh viễn xa nó”. Bóng anh xiêu vẹo trên đường làng. Cố Hoe từ trong sân nhìn ra, sợ anh ngã, vội chạy tới dìu anh. Vừa đi, anh vừa khóc, Cố Hoe cũng rơm rớm nước mắt.

Không ra được nghĩa địa. Gắng gượng lắm anh chỉ đi theo sau quan tài đến đầu ngõ, rồi quỵ xuống ngồi co ro, hai tay ôm chặt đầu. Mấy người tới đỡ anh dậy, anh lắc đầu. Qua cơn chóng mặt, anh vẫn ngồi đó, nhìn theo cỗ quan tài với đôi mắt mỏi mệt và buồn rười rượi… Một thời nhiệt huyết là thế, một thời hào hoa là thế, một thời sum vầy bè bạn là thế, mà nay chỉ mình anh tiễn đưa người bạn chí cốt về bên kia thế giới …

Cuối đông. Mưa dầm. Rét tê tái. Nghĩa địa Cồn Rộng lởm chởm những mộ cũ mộ mới. Cỏ vàng úa. Gió bấc rít lên từng hồi làm động những hố huyệt đen sền sệt mà người ta vừa đào lên để cải táng. Mấy tấm gỗ mục còn đầy âm khí nằm chơ chỏng như cửa nhà người nghèo vứt lại trước lúc di cư.

Bao nhiêu thế hệ tiền nhân đã nằm xuống đây, như một nơi tạm nghỉ của cõi âm, để rồi linh hồn lại theo hài cốt đi đến nghĩa trang vĩnh cửu.

Trước kia, người ta trồng một cây đa trên cồn đất cao ngay giữa nghĩa địa với ý niệm bóng mát che hồn người đã khuất. Rễ bủa ra chằng chịt néo chặt thân gỗ và vòm lá to lớn vào lòng đất. Bà con làng xóm kể cho nhau nghe nhiều chuyện li kì về gốc đa này. Ma họp làng, cãi nhau om sòm. Ma ngồi ăn cơm trưa lúc nghỉ tay gặt lúa. Đêm mùa hè, ma mắc võng trên cành đa để hóng mát. Sự hiện diện của cây đa làm tăng thêm vẻ tôn kính của người sống đối với người chết… Nhưng cây đa này đã bị chặt và bị đào tận gốc ngay từ hồi 1945. Vắng bóng đa, nghĩa địa trống hoang trống huếch. Những chuyện đồn về ma quỷ, thần thánh không còn nữa, trẻ con tha hồ cho trâu bò vào húc đổ mồ mả. Thậm chí, có lần hai thằng bé sinh sự gây gổ, đã nhổ cả mộ chí lên để ném nhau. Sự tàn phá về văn hoá đã dẫn đến sự độc ác của con người ngay từ buổi thiếu thời.

Anh Hiền lại nằm xuống đây, giữa nghĩa địa hoang trống không bóng cây che. Số phận hẩm hiu truy đuổi anh đến cùng, anh chịu chung số phận với bao người thân khác.

Bà con chen chúc đứng xung quanh, tiễn đưa một con người mà nửa cuối cuộc đời là bất hạnh. Ai cũng lo sự bất hạnh sẽ lần lượt đến với mình, vì sự trừng phạt của Thần Thánh, Tổ Tiên. Chuyện đau lòng cũ đã lùi xa gần nửa thế kỷ, đáng nhẽ ra Thần Thánh,Tổ Tiên đã nguôi cơn giận. Nhưng sự tàn phá ngày ấy quá nặng nề, đến nỗi không còn một chút bóng dáng của nền văn hoá mà ông cha đã dày công vun đắp sáu trăm năm qua - từ khi ông tỉ tổ Võ Phúc Sơn và Võ Chính Đạo mang khăn gói từ ngoài bắc vào khai sơn phá thạch, chiêu dân lập ấp. Không còn gì nữa! Không còn đến cả một ngôi mộ cổ. Không còn đến cả một cái bàn thờ để con cháu sum vầy, nhang khói thờ phụng. Chẳng hiểu nỗi đau này còn di căn đến mấy thế hệ nữa?

Trước mặt bà con là một chiếc áo quan đang từ từ hạ xuống. Trong áo quan là một con người đã từng chịu đựng bao nỗi buồn đau quá sức mình, để rồi đến lúc nhắm mắt buông tay thầm nhắn gửi lại những ý nghĩ nhân tình: “Ai rồi cũng phải chết. Mỗi người chỉ được sống trên mảnh đất này một thời gian rất ngắn. Vậy thì lúc sống hãy giành thì giờ để yêu thương nhau, đừng sinh sự hiềm khích nhau”.

Anh Hiền ơi, hàng trăm người cư trú ở cái làng này, chiều nay, cùng chung ý nghĩ với anh. Không phải đến bây giờ mà suốt mấy thế kỷ nay, bà con vẫn nghĩ như thế. Lúc anh đang sống, gặp hoạn nạn, bà con cưu mang đùm bọc anh. Tình làng nghĩa xóm luôn luôn như bát nước đầy. Ngay cả khi gặp cơn tai biến bị khám nhà, người ta vẫn không nghĩ xấu về anh. Nhiều người biết mình bị lừa nhưng ai chẳng ai dám nói ra, vì sợ thế lực.

Nói cho cùng, những người chấp chính phạm sai lầm. Họ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Họ phục thiện nhanh chóng. Đủ mặt tất cả những con người ấy trong buổi vĩnh biệt thê lương này: đồng chí trưởng công an xã tham gia vụ khám nhà, đồng chí bí thư Đảng uỷ và bí thư chi bộ khởi xướng việc thi hành kỷ luật anh, và có cả “thằng bán tơ” đã từng vu oan cho anh. Họ cũng buồn rũ rượi khi tiễn biệt người đồng hương đồng tộc. Họ cũng cầm nắm đất ném xuống huyệt, cũng cắm nén hương lên mộ, để chứng tỏ họ không ghét bỏ gì anh, họ là người cùng huyết thống với anh.

Tôi đặt lên ngôi mộ tấm ảnh của anh - không phải tấm ảnh gày gò của ông lão sáu mươi, mà là tấm ảnh người thanh niên cường tráng những năm tháng hào hùng ở Việt Bắc: mặc áo trấn thủ, đội mũ lưới đính quân hiệu. Hàng trăm cặp mắt chăm chắm nhìn vào tấm ảnh, chợt thức dậy trong tiền thức của họ những kỷ niệm về anh và về làng xóm thuở Cách mạng sơ khai. Nhiều người cúi đầu lau nước mắt. Thằng Bá vừa cắm nén hương vừa buột miệng thốt ra câu đồng dao:

Nhông nhông ngựa ông đã về…

Yên Hoà, đông xuân 1996 - 1997
Sửa lại tại Hậu Luật - Yên Hoà, thu 2006.

Nguồn: Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hoá & Truyền thông Võ Thị, 2007


I II III

Tác giả Võ Văn Trực (1936) là tác giả của nhiều tập thơ: Ngày hội của rạng đông (1978), Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phù sa (1983), Hương trong vườn bão (1995)..., từng nhận được nhiều giải thưởng, và các tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy, Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao (2007).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài