talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 7:
Căn hộ có ma



Nếu như vào sáng hôm sau có ai đó nói với Stepan Likhodeev một câu như sau: “Stepan! Anh sẽ bị bắn chết nếu không trở dậy ngay lập tức!” thì chắc Stepan sẽ trả lời bằng một giọng uể oải, khó khăn lắm mới nghe được: “Các người cứ bắn đi, muốn làm gì với tôi thì cứ làm, nhưng tôi không dậy đâu”.

Ðừng nói gì đến chuyện trở dậy, mà ông ta còn cảm thấy rằng không thể nào mở mắt ra được nữa, vì rằng chỉ cần ông ta làm điều đó, chớp sẽ lập tức lóa lên và phá tung đầu ông ta ra thành từng mảnh vụn. Trong cái đầu đó nghe có tiếng chuông nặng nề khua liên hồi, giữa con ngươi và hai mí mắt khép kín lượn lờ những quầng nâu với đường viền màu lửa xanh lè, và thêm vào đấy lại còn buồn nôn, mà cảm giác buồn nôn đó gắn liền với những âm thanh nào đấy của một chiếc máy hát cứ vang lên dai dẳng. Stepan cố hết sức để nhớ lại những gì đã xảy ra, nhưng chỉ nhớ được có một điều „hình như hôm qua (nhưng không hiểu ở đâu) ông ta đứng, tay cầm tấm khăn ăn cố tìm cách hôn một người đàn bà nào đó, đồng thời hứa với chị ta là ngày hôm sau, đúng giữa trưa, sẽ đến nhà chị ta. Người đàn bà từ chối, nói: “Không, không, em sẽ không có nhà đâu!”, còn Stepan vẫn kiên trì giữ vững ý kiến của mình: “Nhưng anh cứ đến!”

Nhưng người đàn bà đó là ai, và bây giờ là mấy giờ rồi, và ngày hôm nay là ngày mấy, tháng mấy - Stepan tuyệt đối không biết gì, và, còn tồi tệ hơn, ông ta không thể hiểu là bây giờ mình đang ở đâu? Ông ta cố gắng giải đáp cho mình dù chỉ là điều cuối cùng này, và hé mở cặp mi dính chặt lại với nhau của con mắt bên trái. Một cái gì đó phản chiếu đùng đục trong làn ánh sáng lờ mờ. Rốt cuộc Stepan đã nhận ra đấy là chiếc gương đứng và hiểu rằng ông ta đang nằm ngửa trên giường, tức là trên cái giường của bà góa chủ hiệu kim hoàn cũ ở trong phòng ngủ nhà mình. Vừa lúc đó, trong đầu ông ta nghe có một cái gì đấy nhói lên, làm Stepan vội nhắm chặt mắt lại và bật ra tiếng rên.

Chúng tôi xin giải thích: trước mặt chúng ta là Stepan Likhodeev, giám đốc nhà hát Tạp Kỹ, buổi sáng tỉnh dậy tại nhà riêng của mình, ngay trong chính căn hộ mà ông ta thuê chung với nhà văn quá cố Berlioz ở một ngôi nhà lớn sáu tầng đứng thành hình chữ u trên phố Sadovaia.

Cần phải nói rằng căn hộ này - mang biển số 50 - đã từ lâu nổi tiếng nếu không phải là xấu thì ít ra cũng là kỳ quặc. Hai năm trước đây, chủ căn hộ này là bà vợ góa của chủ hiệu kim hoàn de Phugir. Anna Phrantsevna de Phugir, một người đàn bà năm mươi tuổi đáng kính và rất tháo vát, có ba trong số năm gian buồng đem cho thuê, một người thuê nhà hình như có họ là Belomut, và người khác thì không có họ.

Và thế rồi hai năm trước đây trong căn hộ bắt đầu những sự cố kỳ lạ không giải thích được: người trong căn hộ này bắt đầu biến mất không để lại dấu vết gì.

Vào một ngày chủ nhật nọ, một ông công an đến căn hộ, gọi người thuê nhà thứ hai (anh ta không còn họ nữa) ra phòng ngoài và nói rằng công an mời anh ta đến đồn để ký một giấy tờ gì đấy. Người ở trọ ra lệnh cho Anphisa, bà làm công trung thành và lâu năm của Anna Phrantsevna, là nếu có ai gọi điện đến thì trả lời rằng anh ta sẽ quay về sau mười phút, rồi ra khỏi nhà cùng ông công an lịch sự tay đi găng trắng. Nhưng rồi chẳng thấy anh ta trở về không chỉ sau mười phút, mà nói chung không bao giờ trở về nữa. Ðiều lạ lùng nhất là cùng với anh ta hình như cả ông công an cũng biến mất.

Là một người sùng đạo, hay nói trắng ra, là rất mê tín, Anphisa đã tuyên bố thẳng thừng với Anna Phrantsevna vô cùng bối rối, rằng đấy chính là phép phù thủy, và bà ta biết rất rõ ai đã bắt mất cả người thuê nhà lẫn anh công an, chỉ có điều vì sắp tối rồi nên không nói ra mà thôi.

Còn phép phù thủy, như ta đã biết, một khi đã bắt đầu rồi thì không gì có thể buộc nó dừng lại được. Người thuê nhà thứ hai biến mất vào ngày thứ hai; còn thứ tư thì Belomut hệt như độn thổ không để lại một dấu vết nào, tuy nhiên, lần này trong những tình huống hoàn toàn khác. Buổi sáng hôm đó có một chiếc xe như thường lệ đến đón anh ta đi làm; nhưng rồi không hề thấy nó chở ai về cả, và chính chiếc xe cũng không thấy trở về.

Nỗi kinh hoàng và đau khổ của chị vợ Belomut là không thể tả nổi. Nhưng than ôi, điều đó kéo dài không lâu. Ngay trong đêm hôm đó, khi cùng với Anphisa trở về từ nhà nghỉ (không hiểu Anna Phrantsevna vội vàng đến đó để làm gì), bà chủ nhà không còn gặp nữ công dân Belomut ở trong căn hộ nữa. Nhưng chưa hết: cửa của hai gian buồng mà vợ chồng Belomut thuê đã bị đóng dấu niêm phong.

Lại thêm hai ngày nữa lần lữa trôi qua. Sang ngày thứ ba Anna Phrantsevna - trong suốt mấy đêm đó bà ta liên tục bị mất ngủ - lại vội vàng đi đến nhà nghỉ... Liệu có cần phải nói là lần này thì bà ta không trở về nữa chăng?!

Anphisa còn lại một mình, than khóc chán chê rồi đi nằm vào lúc hai giờ đêm. Việc gì xảy ra tiếp với bà ta không biết, nhưng những người ở các căn hộ khác kể rằng hình như trong căn hộ số 50 suốt đêm hôm đó nghe vang lên những tiếng gõ gì đó và hình như ánh đèn trong cửa sồ vẫn sáng cho đến tận ngày hôm sau. Sáng ra mới biết là Anphisa không còn ở đây nữa!

Những người sống trong ngôi nhà rất lâu còn kể đủ thứ chuyện kỳ quặc hoang đường về những người bị biến mất và về căn hộ ma quái, đại loại dường như cái bà Anphisa mộ đạo người gầy đét này thường mang trên bộ ngực héo hon của mình hai mươi lăm viên kim cương lớn của Anna Phrantsevna đựng trong chiếc túi bằng da thuộc. Hoặc dường như trong gian lều để củi ở khu nhà nghỉ (nơi Anna Phrantsevna thường vội vội vàng vàng đi tới) bỗng phát hiện được những kho báu nhiều vô kể dưới dạng những viên kim cương như đã nói ở trên cùng với những đồng tiền vàng đúc dưới thời Nga hoàng... Và rất nhiều những chuyện tương tự như vậy. Nhưng cái gì không được biết rõ thì cái đó chúng tôi xin không dám bảo đảm.

Nhưng dù cho chuyện gì xảy ra đi nữa, thì căn hộ cũng chỉ để trống và bị niêm phong vẻn vẹn mỗi một tuần lễ, sau đó có ngay những người khác đến ở: ông Berlioz giờ đây đã quá cố cùng phu nhân, với chính cái ông Stepan mà ta vừa nói đến ở trên, cũng cùng phu nhân. Hoàn toàn rất hợp tự nhiên thôi, họ chỉ vừa mới đến ở trong cái căn hộ khốn nạn đó là bắt đầu xảy ra có quỷ ma mới biết những chuyện gì với họ. Quả thật vậy, trong vòng một tháng cả hai bà vợ đều biến mất, nhưng lần này thì còn để lại ít nhiều dấu vết. Về vợ của Berlioz, người ta kể lại rằng dường như có ai đó trông thấy chị ta ở Kharkov với một tay đạo diễn ba lê nào đó; còn vợ của Stepan thì dường như lại xuất hiện ở phố Bogiedomka, theo lời thiên hạ bàn tán thì giám đốc nhà hát Tạp Kỹ nhờ vào vô số những mối quen biết của mình đã khôn khéo chạy được cho chị ta một căn phòng ở đó nhưng với điều kiện là chị ta không bao giờ được ló mặt đến phố Sadovaia nữa...

Tóm lại, Stepan bật lên một tiếng rên. Ông ta muốn gọi chị làm công Grunha mang đến một viên piramiđon, nhưng rồi lại tự mình cũng luận ra rằng đó chỉ là một điều ngu ngốc... Tất nhiên Grunha chẳng lấy đâu ra được piramiđon. Ông ta tìm cách gọi Berlioz đến giúp, hai lần rên lên khe khẽ: “Mikhail... Mikhail...”, nhưng như quý vị cũng hiểu đấy, không có ai lên tiếng trả lời cả. Trong căn hộ ngự trị một sự im lặng tuyệt đối.

Sau khi khẽ ngọ nguậy ngón chân, Stepan hiểu rằng mình đang đi tất; rồi ông ta đưa bàn tay run rẩy sờ dọc theo đùi để tìm hiểu xem mình có mặc quần ngoài hay không, nhưng việc này thì ông ta không thể nào xác định nổi.

Cuối cùng, khi đã thấy rằng mình đang ở trong trạng thái đơn độc bị bỏ rơi, không có ai giúp đỡ, ông ta bèn quyết định tự mình nhấc người dậy, dù cho có phải vận dụng đến những nỗ lực ghê gớm nào.

Stepan hé mở cặp mi dính chặt vào nhau và trông thấy trong chiếc gương đứng phản chiếu hình một người với mớ tóc bờm xờm chĩa về mọi phía, bộ mặt phủ đầy râu đen và cặp mắt sưng húp híp, trên người mặc chiếc áo sơmi cáu bẩn cổ hồ cứng, thắt cà vạt, quần xà lỏn, đi tất.

Stepan nhìn thấy mình trong gương với dáng vẻ như vậy và bên cạnh giường là một người bận đồ đen đội mũ bê rê đen.

Stepan ngồi dậy trên mép giường và trố hết cặp mắt đỏ ngầu máu lên nhìn người lạ.

Người lạ mặt nọ phá tan sự im lặng, bằng một giọng trầm nặng với ngữ điệu của người nước ngoài phát ra những lời như sau:

„Xin chào anh Stepan Bogdanovich dễ mến nhất trần đời!»

Sau một phút im lặng, cố dồn thu hết mọi sức lực, Stepan hỏi:

„Anh cần gì?» và tự mình sửng sốt không nhận ra giọng nói của chính mình. Tiếng “anh” được ông ta nói bằng giọng trẻ cao vút, tiếng “cần” bằng giọng nam trầm, còn tiếng “gì” nói chung không nghe ra gì cả.

Người lạ mặt mỉm cười thân thiện, rút từ trong túi ra chiếc đồng hồ lớn mạ vàng với hình tam giác bằng kim cương trên vỏ nắp, cho kêu mười một tiếng chuông và nói:

„Mười một giờ! Ðã tròn một tiếng tôi ngồi đợi anh thức dậy, vì anh hẹn tôi đến đây vào đúng mười giờ. Và tôi đã đến đây!»

Stepan sờ soạng chiếc quần dài vắt trên ghế cạnh giường, thì thào:

„Xin lỗi... „ rồi mặc xong quần, hỏi: „Xin anh cho biết quý danh.»

Ông ta nói một cách vất vả. Cứ mỗi lời lại như có ai đó đâm một mũi kim vào óc đau nhói.

„Sao, anh lại quên mất cả họ tên của tôi rồi ư?„ vừa nói, người lạ mặt vừa mỉm cười.

„Xin lỗi...„ Stepan nói bằng giọng khàn khàn, cảm thấy cơn say lại mang đến cho ông ta một triệu chứng mới: mặt sàn nhà cạnh giường như trôi đi đâu đó và ông ta ngay trong giây phút này sẽ lao đầu thẳng xuống địa ngục.

„Anh Stepan Bogdanovich thân mến“, người khách nói và mỉm cười với vẻ hiểu biết hết mọi việc, «không có piramiđon nào giúp được anh đâu. Anh hãy nên làm theo cái nguyên tắc cổ xưa và thông thái: lấy độc trị độc. Cái duy nhất có thể giúp anh trở lại với cuộc đời, đó là hai li vodka với vài miếng nhắm nóng sốt.»

Stepan là một con người khôn ngoan, và dù cho có ốm đau đến mấy, ông ta cũng hiểu được rằng: một khi đã bị người khác bắt gặp trong cái bộ dạng như thế này, thì tốt nhất là phải thú nhận tất cả.

„Thành thật mà nói“, ông ta lên tiếng, cử động lưỡi một cách khó khăn, «hôm qua tôi có ít nhiều...»

„Ðừng nói thêm nữa!„ người khách đáp lời và dịch sang một bên cùng với chiếc ghế bành.

Stepan trố mắt nhìn: trên mặt bàn con một chiếc khay nhỏ đã được bày biện sẵn, trên khay đựng bánh mì trắng cắt lát, bát trứng cá đen, đĩa nấm thông ngâm dấm, một món gì đó trong chảo, và cuối cùng là chiếc bình của người chủ hiệu kim hoàn cũ đựng đầy vodka. Cái làm cho Stepan đặc biệt kinh ngạc là bình rượu còn lấm tấm hơi nước đọng lại vì lạnh. Thực ra, điều đó cũng dễ hiểu thôi: nó được đặt trong một chậu con chất đầy nước đá. Tóm lại, mọi thứ bày biện thật khéo, thật ngon lành.

Người lạ mặt không để cho sự ngạc nhiên của Stepan phát triển lên đến mức bệnh hoạn, ông ta khéo léo rót ra nửa li nhỏ vodka.

„Thế còn anh?„ Stepan thốt lên the thé.

„Sẵn lòng!”

Bằng bàn tay run rẩy, Stepan đưa chiếc li lên miệng; còn người lạ mặt nuốt một hơi đánh ực phần đựng trong li của mình. Vừa nhai món trứng cá, Stepan vừa nặn ra được mấy lời:

„Thế anh cũng nhắm đi chứ... nhắm đi chứ?”

„Xin đa tạ, tôi không bao giờ nhắm cả“, người lạ mặt đáp và lại rót rượu ra hai li, rồi mở vung chiếc chảo, để lộ ra những miếng xúc xích dầm nước xốt cà chua.

Và thế rồi cái màn xanh đáng nguyền rủa trước mắt đã tan biến đi, lưỡi bắt đầu hoạt động được phát ra thành lời, và cái chính là Stepan dần dần nhớ lại được một số việc. Ðúng là sự việc đã xảy ra hôm qua ở vùng Skhodnhia tại nhà nghỉ của Khustov, một tác giả của các vở ca kịch ngắn. Cái anh chàng Khustov đã chở Stepan đến đấy bằng taxi. Thậm chí ông ta còn nhớ là họ đã thuê chiếc taxi đó ở khách sạn Met’ropol, cùng bọn còn có một tay diễn viên nửa mùa nào đấy... với chiếc máy hát đặt trong vali. Ðúng, đúng, đúng, sự việc đã xảy ra ở nhà nghỉ. Stepan còn nhớ bầy chó đã sủa rộ lên vì cái máy hát đó như thế nào. Chỉ có điều Stepan không nhớ ra được người đàn bà mà ông ta muốn hôn là ai..., hình như chị ta làm ở đài phát thanh... mà cũng có thể không phải...

Ngày hôm qua như vậy là cũng đã dần dần được sáng tỏ, nhưng bây giờ cái làm Stepan quan tâm hơn nhiều là chuyện của ngày hôm nay, cụ thể là sự xuất hiện của người lạ mặt trong phòng ngủ của ông ta, mà lại còn với cả rượu vodka và thức nhắm nữa. Giá biết được điều đó thì tốt!

„Thế nào, tôi hy vọng là bây giờ anh đã nhớ ra họ tên tôi rồi chứ?”

Nhưng Stepan chỉ mỉm cười ngượng nghịu và khoát tay tỏ vẻ bất lực.

„Thế đấy! Tôi cảm thấy là sau vodka anh lại còn uống cả poócvây nữa. Xin lỗi, nhưng chẳng lẽ lại có thể như thế được sao!”

„Tôi muốn đề nghị anh giữ kín điều đó giữa hai chúng ta với nhau“, Stepan lắp bắp nói.

„Ồ tất nhiên, tất nhiên! Nhưng còn lão Khustov thì hiển nhiên là tôi không dám bảo đảm đâu.”

„Chẳng lẽ là anh cũng biết Khustov à?”

„Hôm qua trong phòng làm việc của anh, tôi có thoáng thấy cái thằng cha đó, nhưng chỉ cần một cái nhìn giây lát qua bộ mặt của hắn là cũng đủ để hiểu rằng đấy là một thằng đểu giả, hay gây hiềm khích, cơ hội và nịnh hót.”

“Tuyệt đối đúng!” - Stepan nghĩ thầm, ngạc nhiên trước lời nhận xét ngắn gọn mà chính xác như vậy về Khustov của người lạ mặt.

Dần dần, từng mẩu của ngày hôm qua được chắp nối lại, nhưng nỗi lo lắng vẫn chưa chịu rời bỏ giám đốc nhà hát Tạp Kỹ. Nguyên do là trong cái ngày hôm qua ấy hẵng còn há hoác một lỗ hổng đen cực kỳ lớn. Cụ thể là, ai muốn nói thế nào thì nói, Stepan chưa hề bao giờ trông thấy cái tay lạ mặt đội mũ bêrê này ở trong phòng làm việc của mình.

„Tôi là giáo sư hắc ảo thuật Voland [1] „, người khách nói một cách trịnh trọng khi thấy Stepan lộ vẻ lúng túng, rồi ông ta kể lại tất cả theo trình tự.

Hôm qua ông ta mới từ nước ngoài tới Moskva và không chậm trễ đến gặp Stepan ngay để đề nghị được biểu diễn ở nhà hát Tạp Kỹ. Stepan đã gọi điện về ủy ban biểu diễn tỉnh Moskva giải quyết xong vấn đề đó (Stepan tái mặt và hấp háy cặp mắt), đã ký với giáo sư Voland một hợp đồng biểu diễn bảy buổi (Stepan há miệng), đã thỏa thuận là mười giờ sáng hôm nay Voland sẽ đến nhà để cụ thể hóa thêm một số chi tiết... Và đây! Voland đã có mặt!

Khi đến đây, ông ta đã gặp chị giúp việc Grunha, chị ta nói rằng mình cũng vừa mới đến xong, rằng chị ta sáng đến làm, tối về, chứ không ở lại đây, rằng Berlioz không có ở nhà, còn nếu như khách muốn gặp Stepan Bogdanovich thì cứ việc tự mình đi thẳng vào phòng ngủ. Stepan Bogdanovich ngủ say đến nỗi chị ta không dám vào đánh thức dậy. Trông thấy tình trạng sức khỏe của Stepan Bogdanovich, giáo sư nghệ sĩ liền sai Grunha đi đến hiệu thực phẩm gần nhất mua vodka và thức nhắm, đến hiệu thuốc mua đá và...

„Tôi xin được hoàn lại số tiền cho anh“, Stepan rên rỉ như người chết rồi bắt đầu lục tìm ví tiền.

„Ồ, vặt vãnh thôi mà!„nhà ảo thuật thốt lên và không chịu nghe nói gì thêm nữa.

Như vậy là về vodka và thức nhắm mọi chuyện đã rõ, tuy thế trông ông giám đốc vẫn thật tội nghiệp - ông ta hoàn toàn không nhớ tí gì về bản hợp đồng và dù có bị vật chết tươi đi chăng nữa, Stepan vẫn không nhớ là hôm qua đã gặp cái tay Voland này ở đâu. Vâng, có Khustov, nhưng Voland thì không.

„Xin anh cho xem qua bản hợp đồng“, Stepan khẽ đề nghị.

„Ồ, xin mời, xin mời...”

Stepan liếc nhìn vào tờ giấy và sững lặng người. Tất cả đều đúng. Thứ nhất, là chữ ký ngoằn ngoèo của chính tay Stepan! Bên cạnh là chữ ký nghiêng nghiêng của phó giám đốc phụ trách tài chính Rimski đồng ý giải quyết cho nghệ sĩ Voland tạm ứng mười nghìn rúp trong khoản ba mươi lăm nghìn thanh toán cho bảy buổi biểu diễn. Chưa hết: ngay ở dưới còn có chữ ký chứng thực của Voland là đã nhận đủ số mười nghìn rúp tạm ứng đó!

“Cái gì thế này?” - Stepan khốn khổ nghĩ, và đầu óc ông ta quay cuồng. Phải chăng đã bắt đầu những hiện tượng mất trí nhớ đáng sợ?! Nhưng, lẽ dĩ nhiên, sau khi bản hợp đồng đã được đưa ra trình, nếu còn tỏ ra ngạc nhiên thì sẽ là rất không lịch sự. Stepan xin phép khách vắng mặt một phút và cứ đi nguyên tất như thế chạy ra phòng ngoài đến chỗ để điện thoại. Trên đường, ông ta gọi về phía bếp:

„Grunha”

Nhưng không có ai thưa. Liếc nhìn sang phòng của Berlioz ở sát liền phòng ngoài, Stepan, như người ta vẫn nói, đứng sững lại như trời trồng. Trên nắm đấm cửa ông giám đốc trông thấy một mảng dấu xi cực lớn đính vào sợi dây. “Xin chào!„ có một người nào đó hét lên trong đầu Stepan. „Lại còn như thế nữa đấy!” Và những ý nghĩ của Stepan bắt đầu bay trên đường ray kép, nhưng như thường vẫn vậy mỗi khi có tai nạn, cùng về một hướng và có ma quỷ mới biết là đi đâu. Thật khó mà có thể truyền đạt được cái mớ hỗn độn ở trong đầu Stepan. Trong đó vừa có cái tay quỷ quái đội mũ bêrê này với bình vodka lạnh buốt và bản hợp đồng khó tin là có thật kia, rồi ở đây lại còn con dấu niêm phong trên cánh cửa! Tức là nếu nói với bất kỳ một ai quý vị muốn, rằng Berlioz đã làm một điều gì đó bậy bạ, thì người ta sẽ không tin, ôi, ôi, nhất định sẽ không tin! Nhưng kia, tấm dấu gắn xi lù lù ra đó! Thế đấy...

Liền ngay đó trong đầu Stepan ngọ nguậy những ý nghĩ tủn mủn khó chịu về một bài báo mà vừa cách đây không lâu ông ta đút cho Mikhail Aleksandrovich Berlioz đăng trong tờ tạp chí. Bài báo kia, nói nhỏ giữa chúng ta với nhau, rất ngớ ngẩn. Và vô tích sự, mà tiền thì cũng chẳng đáng bao nhiêu...

Tiếp liền sau ý nghĩ về bài báo, Stepan nhớ đến một câu chuyện đáng ngờ nào đó đã diễn ra, nếu không lầm, vào buổi chiều ngày hai mươi bốn tháng Tư ngay ở đây, trong phòng ăn này, khi Stepan cùng dùng bữa tối với Mikhail Aleksandrovich. Tức là tất nhiên, cái câu chuyện đó không thể gọi là đáng ngờ trong ý nghĩa đầy đủ của từ này (chẳng bao giờ Stepan dám làm như vậy), nhưng lần đó họ nói về một đề tài gì đó không cần thiết. Hoàn toàn có thể, thưa các công dân, hoàn toàn có thể không ba hoa về những đề tài đó. Trước khi xuất hiện dấu niêm phong này thì câu chuyện kia có thể được coi là vặt vãnh, nhưng bây giờ, sau khi có tấm dấu gắn xi kia...

“Ôi Berlioz, Berlioz!„ trong đầu Stepan như sôi lên. „Ðiều này thật không thể nào tưởng được!”

Nhưng không có thì giờ để đau khổ lâu, và Stepan vội quay số điện thoại, gọi đến phòng làm việc của Rimski, phó giám đốc tài chính nhà hát Tạp Kỹ. Hoàn cảnh của Stepan khá tế nhị: thứ nhất, tay khách nước ngoài có thể tự ái vì Stepan còn kiểm tra ông ta sau khi bản hợp đồng đã được xuất trình; sau nữa, nói như thế nào đây với phó giám đốc tài chính cũng là một việc cực kỳ khó.

Thực vậy, không thể hỏi thẳng là: anh hãy nói tôi nghe, hôm qua tôi có ký hợp đồng ba mươi lăm nghìn rúp với một giáo sư hắc ảo thuật không nhỉ? - Không thể nào hỏi như thế được!

„Vâng, tôi đây!„ trong ống nghe vang lên giọng nói gay gắt khó nghe của Rimski.

„Chào anh Grigori Danilovich“, Stepan nói khẽ, “Likhodeev đây. Có một việc là... hừm, hừm... ở nhà tôi đang có... nghệ sĩ Voland... Tôi... tôi muốn hỏi... về buổi biểu diễn tối nay sẽ ra sao?...”

„À, cái tay hắc ảo thuật ấy à?„ Rimski đáp lại trong ống nghe, “bây giờ sẽ có ngay áp phích.”

„Thế à?„ Stepan thốt lên bằng một giọng yếu ớt. „Vậy thôi nhé...”

„Còn anh bao giờ đến?„ Rimski hỏi.

„Sau nửa tiếng nữa“, Stepan đáp và treo ống nghe lên, đưa hai tay ôm lấy mái đầu như bốc lửa. Ôi, sao lại có cái chuyện tồi tệ như thế này nhỉ? Trí nhớ nó bị sao thế, hở các ông, các bà?..

Nhưng đứng nán lại lâu hơn ở phòng ngoài là không tiện, và Stepan vạch ngay ra một kế hoạch: bằng mọi cách giấu kín sự đãng trí khác thường của mình, và việc đầu tiên lúc này là khéo léo hỏi dò tay khách nước ngoài kia xem tối nay ông ta dự định biểu diễn những gì ở cái nhà hát Tạp Kỹ được giao phó cho Stepan này?

Liền đó, Stepan quay người rời khỏi máy điện thoại và ông ta chợt trông thấy rất rõ trong tấm gương lớn đặt ở phòng ngoài mà đã từ lâu Grunha lười biếng không chịu lau, một bóng người kỳ quái dài ngoẵng như cây sào, đeo kính cặp mũi. (Ôi, giá như có Ivan Nikolaievich ở đây! Anh sẽ nhận ra hắn ta ngay tức thì!). Cái bóng kỳ quái đó thoáng qua rồi biến mất. Stepan kinh dị nhìn sâu hơn vào phòng ngoài và lại giật mình lần thứ hai, bởi vì trong gương có một con mèo đen cực to chạy ngang qua rồi cũng biến mất.

Tim Stepan như ngừng đập, ông ta lảo đảo.

“Cái gì thế này?„ Stepan nghĩ. „Chẳng lẽ mình đã mất trí rồi ư? Những cái bóng kia ở đâu ra?” - ông ta lại nhìn sâu vào gian phòng ngoài và hốt hoảng gọi:

„Grunha! Con mèo nào chạy ở đây thế này? Nó ở đâu ra? Lại còn ai đi với nó nữa?”

„Anh đừng bận tâm, Stepan Bogdanovich“, có tiếng đáp lại, nhưng đó không phải tiếng của Grunha, mà là của người khách từ trong phòng ngủ. „Mèo của tôi đấy. Anh đừng lo. Còn Grunha không có ở nhà đâu, tôi đã gửi chị ta về quê ở Voronez rồi vì chị ta than thở là đã lâu anh không cho chị ta nghỉ phép.”

Những lời đó bất ngờ và vô nghĩa đến nỗi Stepan cho rằng mình nghe nhầm. Bụng đầy kinh hãi, ông ta chạy vội về buồng ngủ và sững người lại nơi ngưỡng của. Tóc ông giám đốc dựng đứng lên, trên trán rịn ra những giọt mồ hôi lấm tấm.

Bây giờ ở trong buồng ngủ không phải chỉ có một ông khách, mà những ba. Trong chiếc ghế bành thứ hai chính là kẻ mà Stepan vừa thoáng thấy bóng ở phòng ngoài. Bây giờ mặt hắn ta trông rất rõ: ria vểnh như lông gà, một mắt kính ánh lên lấp lánh, còn mắt bên kia thì không có mắt kính.

Nhưng trong buồng ngủ còn có những cái kỳ quái hơn: trên chiếc ghế đẩu thấp của người chủ hiệu kim hoàn cũ là một kẻ thứ ba ngồi trong tư thế hết sức suồng sã - đó chính là con mèo đen có kích thước đáng sợ với li vodka cầm trong một chân trước, còn chân kia dùng dĩa đã chọc lên được một cây nấm ướp dấm!

Làn ánh sáng, vốn đã yếu ớt trong buồng ngủ, bắt đầu mờ hẳn đi trước mắt Stepan. “Thì ra khi người ta mất trí là như thế đấy!” - ông ta nghĩ thầm và vội níu lấy thanh dầm cửa.

„Stepan Bogdanovich quý mến, tôi thấy hình như anh hơi ngạc nhiên?„ Voland cất tiếng hỏi Stepan lúc đó đang va răng vào nhau lập cập. „Mà thực ra chẳng có gì để ngạc nhiên cả. Ðây là đoàn phụ tá của tôi.”

Vừa lúc đó con mèo uống cạn li vodka, và cánh tay của Stepan từ từ trượt theo thanh dầm cửa xuống dưới.

„Và đoàn phụ tá này cần phải có chỗ“, Voland nói tiếp, “vì vậy một trong số chúng ta đây là thừa trong căn hộ này. Và theo tôi, người thừa đó là anh!”

„Chính bọn chúng, bọn chúng!„ tay mặc áo kẻ ô dài ngoẵng be be lên như giọng dê đực, dùng đại từ số nhiều để nói về Stepan. „Nói chung, trong thời gian gần đây bọn chúng làm nhiều chuyện bẩn thỉu chó má lắm. Rượu chè be bét, lợi dụng quyền thế địa vị của mình để quan hệ bất chính với đàn bà, không làm một cái gì hết, mà thực ra cũng không thể làm được việc gì, vì rằng không hiểu gì về công việc chúng được giao. Chỉ giỏi bịp cấp trên!”

„Và chạy nhởn nhơ phí xe nhà nước!„ con mèo cũng chen vào kể tội, miệng vẫn nhá nấm.

Và lúc đó, khi Stepan đã xoài gục hẳn xuống sàn, cánh tay yếu ớt trượt theo thanh dầm cửa, liền xảy ra hiện tượng kỳ lạ thứ tư - và cũng là cuối cùng - trong căn hộ.

Từ trong tấm gương của chiếc tủ đứng bước ra một người nhỏ thó nhưng cặp vai rộng đến mức phi thường, đầu đội mũ nồi cứng, một chiếc răng nanh thòi ra ở miệng làm cho bộ mặt vốn đã xấu xí càng kinh tởm. Thêm vào đó, tóc người này lại đỏ như lửa.

„Tôi“, kẻ mới xuất hiện tham gia vào câu chuyện, “nói chung, không hiểu làm sao hắn ta lại rơi vào cái ghế giám đốc?„ Tay tóc đỏ nói bằng giọng mũi mỗi lúc một khó nghe hơn. „Hắn là giám đốc cũng như tôi là đại giáo chủ ấy!”

„Cậu không giống đại giáo chủ đâu, Azazello [2] ạ„ con mèo vừa đặt khoanh xúc xích vào chiếc đĩa của mình, vừa nhận xét.

„Thì tớ cũng nói thế“, tay tóc đỏ lè nhè bằng giọng mũi, rồi hướng về phía Voland, nói tiếp một cách kính cẩn: „Xin ngài cho phép tống khứ hắn đi khỏi Moskva?”

„Gừ...„ con mèo bỗng xù lông dựng ngược, gào lên một tiếng.

Lập tức buồng ngủ quay cuồng xung quanh Stepan, ông ta đập đầu vào thành dầm cửa; và ngất đi, ông ta còn kịp nghĩ: “Ta chết rồi...”.

Nhưng ông ta không chết. Hé mắt nhìn, Stepan thấy mình đang ngồi trên một cái gì đó bằng đá. Xung quanh có tiếng ì ầm. Khi mở hẳn mắt ra, ông giám đốc thấy rằng đó là biển đang sôi động, thậm chí những con sóng còn lăn đến ngay dưới chân ông ta, và rằng, nói tóm lại, ông ta đang ngồi ngay ngoài mép đập chắn sóng, dưới chân ông ta mặt biển xanh lấp loáng nắng, còn phía sau lưng là một thành phố xinh đẹp trải rộng trên những sườn núi.

Không biết phải hành động như thế nào trong những trường hợp tương tự, Stepan gượng đứng dậy trên đôi chân run lẩy bẩy và đi dọc theo con đập chắn sóng vào bờ.

Trên đập, một người nào đó đứng hút thuốc và nhổ nước bọt xuống biển. Anh ta nhìn Stepan bằng cặp mắt đờ dại và thôi không nhổ nữa. Lúc đó ông giám đốc nhà hát liền trình diễn một tiết mục như sau: ông ta quỳ xuống trước mặt người hút thuốc lá không quen biết và cất tiếng:

„Tôi xin anh làm ơn nói cho biết, đây là thành phố nào ạ?”

„Vớ vẩn!„ người hút thuốc đáp một cách vô cảm.

„Tôi không say đâu“, Stepan khàn khàn nói. „Tôi ốm, có một chuyện gì đó xảy ra với tôi, tôi ốm... Tôi đang ở đâu thế này? Ðây là thành phố nào?...”

„Hừm, đây là Ialta...»

Stepan khẽ thở hắt ra, ngã nghiêng người xuống đất, đầu đập vào tảng đá được nắng sưởi nóng của con đập chắn sóng.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Voland: xem thêm chú thích trang 32.
[2]Azazello: tiếng Italia, gốc từ chữ Azazzel của Châu Âu, nghĩa là Dê Thần, đồng hành của chúa quỷ Satan.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài