talawas chủ nhật

 
Thơ :: 24.12.2006
Như Huy Thơ


Nhu Huy
 Như Huy

Có lẽ độc giả biết đến Như Huy nhiều hơn với tư cách là một nghệ sĩ thị giác, người gần đây liên tục có những bài viết và những bản dịch rất đáng chú ý về nghệ thuật đương đại. Song Như Huy còn là một nhà thơ. Chùm thơ 6 bài dưới đây được rút từ tập ANAN, tập thơ sắp xuất bản của anh.
talawas chủ nhật

Như Huy

Thơ

 


Cá nhân

Anh không phải là một nhà cách tân
Anh không phải là một kẻ đi định nghĩa
Anh không phải là một kẻ nổi loạn
Anh không phải là một thủ lĩnh
Anh không phải là kẻ thiếu hoặc thừa công cụ
Anh không phải là một kẻ đại diện
Anh không phải là một kẻ thích du lịch
Anh không phải là kẻ nỗ lực nói không…

*

Anh-là-một-cá-nhân


Nhà thơ F

Nhà thơ F là một ảo ảnh thuần túy. Chính hắn cũng biết vậy, và đôi khi cảm thấy khó chịu bởi tình trạng ấy. Thế nhưng, mâu thuẫn nằm ở chỗ, dù luôn có cơ hội thoát khỏi thân phận của một ảo ảnh thuần túy để trở thành một hiện thực – nhưng F lại không bao giờ thực hiện điều đó.

Thật vậy, trong trường hợp của F – một trường hợp rất bình thường và không hề là một ngoại lệ theo bất kỳ nghĩa nào của chữ – chỉ cần một thao tác ngắn gọn và dễ – Tới văn phòng tìm gặp tay bí thư chi đoàn của khối phố – và rồi công khai yêu cầu được cấp lại một lý lịch khác, với một cái tên khác – như là Phúc, Fúc ( hay thậm chí là Fuck) chẳng hạn.

Và sau đó, cũng chỉ trong một tuần là nhiều nhất (kết quả của việc ứng dụng hệ thống ISO 9001 và phương thức một cửa vào các hoạt động hành chính của thành phố), cuộc hoán đổi thân phận của F chắc chắn sẽ được hoàn tất bằng một chứng minh thư được cấp mới mang tên Phúc, Fúc (hay thậm chí là Fuck).

Thế nhưng, mọi độc giả (Những người biết rõ về F) đều hiểu – đây chính là việc mà F sẽ không bao giờ làm. Bởi với những phân tích rất chi li của một đầu óc tư duy thường nghiệm cao độ, F chắc chắn sẽ luôn chọn giữ lại cho mình cái thân phận của một ảo ảnh - thân phận sẽ mang lại nhiều quyền lợi thiết thực hơn cho hắn, chứ không đời nào lại chọn chuyển sang thân phận của một hiện thực theo kiểu đời sống của một công dân được bảo chứng bằng hộ khẩu và chứng minh thư – cái đời sống mà–theo F nghĩ – sẽ chỉ đem lại cho hắn những ích lợi ảo mà thôi.

Và thế là cuộc vật lộn của F – trong quá trình du đẩy từ vế bên này qua vế bên kia của một chọn lựa (nếu có), bao giờ cũng sẽ kết thúc với việc F bị quẳng trở lại thân phận cũ của hắn: Một ảo ảnh thuần túy.

Và vì mang thân phận là một ảo ảnh thuần túy – mà bởi định mệnh của mọi ảo ảnh thuần túy là luôn không bao giờ có thể có được một tồn tại tự thân – cho nên, F mãi mãi sẽ chỉ là một biến cố loãng động liên miên được phái sinh trong các cuộc va chạm giữa hiện tượng bên ngoài và biểu tượng của chính hiện tượng ấy, nằm phía trong tâm trí của chủ thể nhận thức – là một tồn tại ở tầm mức cao hơn F, mang theo một quyền lực có thể (và thực sự đã) tạo sinh ra F.

Và cũng chính vì luôn bị chi phối bởi một diễn trình sinh, diệt, tái sinh… mãi mãi, khi cái tồn tại bậc cao hơn – là chủ thể nhận thức – tương tác với ngoại cảnh để tạo xuất ra một ảo ảnh loãng động là bản thân F – cho nên F sẽ không bao giờ có được một môi trường tồn tại đủ độc lập để chủ động phát sinh ý muốn, và sau đó – nếu có thể, thực hiện ý muốn đó.

Nói cách khác, F – về bản chất – là một dạng cơ chế ký sinh – Không-Thể-Tự-Sản-Xuất-Ý-Muốn.


Ván cờ

Tặng GS. CXH

Đó là ván cờ giữa Marcel Duchamp và Ferdinand de Saussure

Bàn cờ khá cũ và quân “Hậu” bị thất lạc đâu đó đã được Saussure thay thế bằng một nắp chai Coca Cola

Cả Duchamp và Saussure đều không lấy thế làm phiền, bởi bất chấp việc quân “Hậu” thất lạc có bị thay thế bằng một nắp chai Coca Cola (hay bằng gì đi chăng nữa) - thì thế tương quan của các quân cờ, bàn cờ và thậm, chí cả ván cờ vẫn không đổi

Cả hai kẻ chơi đều hiểu rằng, nắp chai Coca Cola thay thế, trong ván cờ này, đã chỉ là một quân Hậu “theo quy ước” - một quân “Hậu” có tính biểu tượng (symbolic ) mang theo một mối quan hệ võ đoán tuyệt đối giữa hai vế sở biểu và năng biểu

Và quả đúng thật là trong suốt quá trình chơi ván cờ của đời họ – không một ai, dù là Duchamp (người Pháp) hay Saussure (người Thụy Sĩ) – có khi nào nhầm lẫn và rồi sử dụng nắp chai Coca Cola (ở đây được dùng thay thế chức năng của quân Hậu) theo chức năng của một quân khác (Vua, Xe, Mã, Tốt… vân vân), hoặc có khi nào lỡ lời gọi tên cái nắp ấy trở lại là “nắp Coca Cola”

Nắp chai Coca Cola – từ sau khi bị biến nghĩa và được sử dụng trong mối tương quan của bàn cờ và ván cờ này – không nghi ngờ gì nữa - đã trở nên một quân “Hậu” thuần khiết.

*

Và rồi thậm chí ngay cả việc Saussure, nhân lúc Duchamp lơ đễnh, có lẹ tay đi trước một vài nước cờ, thì chính Duchamp (nếu phát hiện ra được) cũng sẽ chẳng cảm thấy khó chịu, bởi Duchamp thừa hiểu rằng, cho dẫu Saussure có đi trước ông cả ngàn nước cờ đi chăng nữa, thì ngay thời điểm tới lượt đi của ông – thế quân bằng của ván cờ sẽ lập tức được thiết lập lại, cũng như ngay chính tại thời điểm ấy – ván cờ – nhìn từ quan điểm Duchamp và của những người xem (dù đã đứng xem từ đầu hay mới ghé qua) – sẽ được coi như: chỉ vừa mới bắt đầu.


Tất cả những gì trong veo

Tất cả những gì đã qua
Tất cả những gì chưa tới
Tất cả những gì còn lại
Tất cả những gì rơi rụng
Tất cả những gì đã hết
Tất cả những gì đã biết
Tất cả những gì chưa đi
Tất cả những gì còn mới
Tất cả những gì sẽ tới
Tất cả những gì đang lên
Tất cả những gì lành nguyên
Tất cả những gì còn mở
Tất cả những gì đang thở
Tất cả những gì chưa nghe
Tất cả những gì âm u
Tất cả những gì chìm xuống
Tất cả những gì mới chớm
Tất cả những gì đang xa
Tất cả những gì thoáng chốc
Tất cả những gì chuyển động
Tất cả những gì đang qua
Tất cả những gì khép lại
Tất cả những gì còn mãi
Tất cả những gì vạm vỡ
Tất cả những gì mới sinh
Tất cả những gì già cỗi
Tất cả những gì rệu rã
Tất cả những gì trong veo…


Ba bài thể dục của E. Schiele

1. Ngón trỏ bàn tay phải quặp quặt lại vào khóe giữa ngón cái và chính ngón trỏ ấy. Trong khi ngón trỏ bàn tay trái, cùng lúc, lồng vào lỗ nhỏ và mềm do cú quặp giữa ngón trỏ và ngón cái bàn tay phải tạo ra. Lồng tiếp ngón giữa và ngón đeo nhẫn của bàn tay trái vào khe giữa ngón trỏ bàn tay phải và ngón giữa bàn tay phải cũng như vào khe giữa ngón giữa bàn tay phải và ngón đeo nhẫn bàn tay phải. Trong lúc ấy, ngón út bàn tay trái cố gắng quẹo xuống cho tới tận cổ tay chỗ mạch nhâm của bàn tay phải đồng thời ngón út của bàn tay phải tìm cách ngửa ngược ra sau để rồi quặn vẹo đè dí lên lưng ngón đeo nhẫn của chính bàn tay phải.

2. Tự bẻ ngửa bàn tay phải theo hướng chĩa vào cằm, sau đó móc ngoặt ngón đeo nhẫn của bàn tay trái vào ngón đeo nhẫn của bàn tay phải, cùng lúc dùng ngón út và ngón cái của bàn tay trái cấu vào lớp da cùi tay đoạn giữa bàn tay và cẳng tay của bàn tay phải, đồng thời cụp ngoẹo ngón cái của bàn tay phải tìm cách chạm tới tận đốt thứ ba ngón út của chính bàn tay phải. Quặp ngón út của bàn tay phải sao cho đầu ngón út chạm được vào móng của ngón cái bàn tay phải, tiếp đến, chồng ngón đeo nhẫn bàn tay phải lên trên ngón út bàn tay phải. Sau hết, cố gượng kéo ngón trỏ bàn tay phải ấp lên ngón đeo nhẫn bàn tay phải. Trong suốt quá trình nói trên, tìm cách chuyển động thoải mái ngón trỏ và ngón đeo nhẫn của bàn tay trái.

3. Ngửa bàn tay trái ra, ngay sau đó, úp bàn tay phải xuống và gác ngón trỏ của bàn tay phải đang úp xuống ngón trỏ của bàn tay trái đang ngửa. Cùng lúc ấy, dùng hết sức của ngón giữa bàn tay phải quặp chặt lấy ngón giữa bàn tay trái đang ngửa rồi đè mạnh ngón giữa ấy xuống lưng ngón trỏ bàn tay phải. Cũng ngay khi đó, tìm cách sao cho đầu ngón giữa đang úp của bàn tay phải cọ quẹt được vào cạnh trái của đầu ngón trỏ đang úp của bàn tay phải. Tìm cách đưa đầu ngón út của bàn tay trái vào khóe giữa ngón đeo nhẫn và ngón út của bàn tay phải trong khi vẫn để cho ngón cái đang úp của bàn tay phải và ngón đeo nhẫn đang úp của bàn tay phải quắp chặt lấy ngón út đang úp của bàn tay trái. Cuối cùng, lấy đầu ngón cái của bàn tay trái vuốt ve chính đầu ngón đeo nhẫn của bàn tay trái.


Ở-giữa-là-tiếng-vỗ

Anh và chúng không bao giờ hiểu được nhau, anh biết
Và cuộc đấu này không chỉ là cuộc đấu của sự kiên nhẫn, anh biết
Anh biết rồi sẽ tới lúc, trí tuệ sẽ thay thế cho ngôn ngữ
Hình thái sẽ thay thế cho mục đích, anh biết
Nội dung sẽ thay thế, anh biết, cho bề mặt và anh cũng biết
Cuộc thay thế lớn lao nhất chưa xẩy ra, khi đối tượng bị thay thế bởi đối tượng
Rốt cục, anh còn biết, anh và chúng luôn cần nhau, như hai phía của một bàn tay
Ở-giữa-là-tiếng-vỗ

© 2006 talawas


Như Huy (tức Nguyễn Như Huy) sinh năm 1971 ở Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM năm 1997. Với tư cách nghệ sĩ thị giác, Như Huy đã có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong vài ngoài nước. Anh là người đồng sáng lập và biên tập viên của website: www.vnvisualart.com và là tác giả của nhiều bài viết và dịch thuật về các vấn đề của nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại... trên các báo Tia Sáng, Mỹ Thuật, Thể thao & Văn hóa, Lao Động và trên các website: talawas, Tiền Vệ. Ngoài ra, Như Huy còn là một nhạc sĩ.

Quý vị có thể tìm thêm thông tin về Như Huy tại trang web của anh: www.nhuhuy.com

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài