talawas chủ nhật

 


Thơ :: 09.09.2007
Nguyễn Hữu Hồng Minh Vỉa từ
Nguyen Huu Hong Minh
Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguyễn Hữu Hồng Minh viết Vỉa từ trong thời gian hai năm (2002-2004). Thoạt tiên anh muốn in ở Nhà xuất bản Thuận Hoá, nơi ra mắt tập thơ Chất trụ (2002), tập thơ đã gây tranh luận sôi nổi và khiến anh trở thành một trong những tác giả đáng chú ý của trào lưu thơ Trẻ những năm này. Nhưng Vỉa từ đã không được cấp giấy phép (có lẽ không phải vì nó nhạy cảm, mà vì những lý do khác [1] ). Minh nói với tôi, từ đó đến nay, vì nhiều lý do, anh đã chán ngán đến mức không một lần muốn xem lại tập thơ này. Quả thực, bản giới thiệu trên talawas hôm nay giống hệt với bản Minh gửi tôi cách đây ba năm. [2]
Đinh Bá Anh

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Vỉa từ



“Như thế, dưới mỗi chữ trong thơ hiện đại tồn tại một vỉa địa chất sinh tồn mang tất cả các nội dung của Từ, chứ không chỉ một nội dung có tính chọn lọc như trong văn thơ cổ điển.”

Roland Barthes
(Độ không của lối viết)

Từ bùng nổ thành thế giới!


Tựa

Thơ thường được xét trên phương diện Bài nhưng trong thực tế đôi khi thơ chỉ có ở đơn vị Câu, đơn vị Chữ. Thậm chí chỉ một Chữ. Bài thơ tồn tại đôi lúc chỉ do một câu thơ neo giữ. Và để có được câu thơ đó, nhà thơ suốt đời phải nương náu thường trực trong tầng số Từ chỉ để rình phục một giây phút ngôn từ lóe sáng.

Chữ của nhà thơ khác với chữ thông thường bởi nó là chữ Nghiệp. Sống với chữ lâu tâm hồn nhà thơ chất dày những lớp chữ, áo chữ. Những tầng ngổn ngang, im lìm, chuyển định giữa tiềm thức và vô thức chưa khai dụng đó chính là Quặng Chữ. Thao tác quán tưởng 24 chữ cái như chỉ một Vỉa ở trong Quặng. Một đời nhà thơ thường ít sử dụng hết toàn bộ năng lượng của mình. Ngoài những phần đã tận lực khai thác còn lại là nhiều Vỉa bí ẩn. Nếu những Vỉa đó tiếp tục được phát lộ sẽ bổ sung vào khối toàn bích của nhà thơ những ánh sáng lạ!

Ở trong Vỉa, Từ vẫn có chu kì sinh nở. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa ý thức và vô thức. Từ khêu gợi Từ, Từ kêu gọi Từ trong bóng tối tiềm thức của sáng tạo. Ngay cả lúc nhà thơ đang hướng sự quan tâm của mình vào một đối tượng khác thì Vỉa Từ vẫn sinh sôi nảy nở trong những nhánh liên kết, quan hệ mới. Từ và Ý đan cài vào nhau theo một phương trình kép mà giải được nó hoàn chỉnh là những phức điệu, là vấn đề của mỗi cá thể. Nói cách khác, mỗi nhà thơ có một cách giải riêng. Bài thơ, câu thơ ra đời không còn chủ định từ trước của tác giả mà chính là sự bùng nổ bất ngờ từ khối năng lượng tích tụ mà nhà thơ sẵn có.

Sáng tạo thơ từ trong tiềm thức loại trừ mọi công thức và tính định hướng có sẵn. Thơ thực thụ là sự va đập dữ dội của những Vỉa Từ sâu kín và các cuộc tranh chấp hỗn loạn của các ngoại đề nội đề vấn đề. Bởi thế làm thơ hay đọc thơ thường có kênh, theo kênh. Lạc kênh có nghĩa là không cùng tần phát sóng, không giải mã được kí hiệu. Một trường thơ không thể cùng lúc phủ sóng đến hết mọi đối tượng bạn đọc mà thường là chỉ một đối tượng bạn đọc. Đôi lúc nan giải hơn, chỉ còn một người đọc. Thời đại đã bị bỏ quên. Người ấy chính là tác giả.

Vỉa Từ là một bài thơ dài phân mảnh được viết qua nhiều đoạn đời khác nhau với nhiều quan điểm thơ luôn phát triển bổ sung cho nhau. Và những Vỉa ấy ít nhiều đều có liên quan đến vai trò và sứ mệnh của người sáng tạo. Vì thế, cũng sẽ có rất nhiều câu từ những Vỉa-biệt-lập mà tôi đưa vào như những Vỉa-thể-nghiệm. Đó là Thơ-đứt-đoạn hay Thơ Quặng. Vì nhiều lí do tôi không có ý định sẽ cải tổ chúng lại thành một khối thống nhất. Bởi tôi quan niệm, nhà thơ là kẻ tuẫn-nạn-chữ. Phải luôn có mặt trên những tầng, vỉa mới để tìm ra Tân-thế-giới-Chữ. Nhưng một đời khai quật, ngoài những Vỉa đã lộ thiên, trên hành trình đích thực của mỗi nhà thơ, Từ mãi mãi vẫn còn là điều bí ẩn.

Khi những trạng thái sống câm lặng đã tự phát sáng. Như ánh chớp, Chữ tự tìm về lộ trình riêng của nó. Để lộ những vỉa, tầng ngổn ngang chưa khai phá, phơi phóng hoang lộng tràn đầy tâm hồn. Không phản nghệ thuật, bài thơ luôn luôn và bao giờ cũng phải là sự khởi đầu.

Đà Nẵng, tháng 7. 2003


*

Tôi tìm thấy Vỉa Từ nhưng chưa đúc ra Từ. Nó như bụi vàng, khoáng vàng chưa luyện.

Thơ đích thực, ngôn từ ở gần nhưng nghĩa ở rất xa.

Từ khoắng thành Vỉa.

Một Vỉa Từ 24 ánh kim (24 chữ cái).

Vỉa Từ xanh ánh tâm hồn

Trong Hõm Ngoặc, Vỉa Từ lên tiếng.

Dưới Vỉa Từ là xác trần gian.

Một Vỉa Từ đôi khi chỉ đúc được một Từ hay chỉ một Từ Mẻ.

Những Vỉa Đời buồn chôn chặt một Vỉa Từ buồn.

Với Vỉa Từ hãy từ từ...

Đời sống trong Vỉa đem đến một số hiệu quả cho Từ.

Làm việc triệt để với một Từ thường phải khó khăn hơn làm việc với nhiều Từ.

Đào xới trong lòng vô biên những Vỉa Từ của riêng tôi.

Vỉa Từ chứ không phải Từ Vỉa. Từ Vỉa là từ chưa hoàn thiện.

Vỉa Từ : - Thơ đứt đoạn, đốt trí nhớ. Hồi ức là âm bản.

Tôi không quá lí trí. Việc dò tìm Vỉa Từ là một việc đánh mất lí trí.

Một nhà thơ chỉ có khả năng sử dụng một bến Từ.

Có Vỉa Từ. Thơ nằm trong Vỉa.

Tâm hồn càng dị dạng, càng lưu náu những Vỉa thơ lạ lùng.

Chữ là đỉnh chóp tâm hồn.

Nhiều lúc phát rồ tôi thấy chữ thường ngu xuẩn. Không bao giờ nó diễn đạt nổi tôi.

Muốn sáng tạo được ngôn từ trước tiên phải học cách giải phóng ngôn từ.

Xin lỗi, nếu thơ thuần tuý chỉ là ngôn từ thì tôi đã là một ngoại từ.

Sự thật của một nhà thơ không phải chế tác Từ mà phản bội Từ.

Từ già. Từ quá đát. Từ hết hạn sử dụng. Từ hết size. Từ hết sí-quách.

Thơ tôi không cấu trúc. Cấu trúc tôi sẽ được giải quyết trong giai đoạn hậu-cấu trúc.

Mỗi bài thơ là một tiểu luận về sự Sống đang chết và cái Chết đang sống.

Chữ không chết. Cả khi bị đốt cháy thành tro nó vẫn còn mang một kí hiệu nào đó.

Nhiều kẻ nghèo nàn đến nỗi không có đủ ngôn từ để diễn đạt về sự nghèo nàn của chính mình.

Với giấc mơ, ngôn ngữ chỉ là kí hiệu có tính chất tương đối.

Thơ cần những ẩn dụ. Những ẩn dụ hướng đến trong thơ tôi luôn là những khoảng-trống-siêu-hình.

Trong tâm hồn tăm tối chữ để lại những vệt trắng vô vị.

Những câu thơ như chìa khoá mở một mê cung nào đấy của chữ.

Tường trắng. Chữ đen. Tâm hồn và kí hiệu.

Chữ trên giấy như hồn vía trên xác phàm.

Tôi luôn nghĩ về những đôi cánh của Chữ. Nó cho tôi ý niệm vượt khỏi trang giấy thực tại.

Tôi chỉ là con cá trong cái lưới ngôn từ.

Tôi muốn chết trong chữ tôi.

Có bao la nghĩa để ôm trọn một từ.

Thơ-cụ-thể cũng không thể lột tả hết được bản-thể mà cũng chỉ là hữu-thể.

Thi ca, với những thể nghiệm của tôi ư? Những tiếng nói mới phơi mở trong một hình thức mới. Đó là thuyết-tác-ngôn trong phá-cách-luận.

Nhân chứng cuối cùng của thơ là những cái chết của ngôn ngữ.

Thơ ba mệnh đề: - Cảm nội tại, cháy sâu xa, tắt ngôn ngữ.

Những dấu câu ( > < !, / `? ~) không làm sáng rõ thêm câu thơ tôi. Nó chỉ ngăn cản, kìm nén cơn cảm xúc quá mãnh liệt của tôi.

Thơ hình khối câm nói được. Chữ là đá siêu hình.

Khi không tìm thấy thơ tôi đã bỏ ngôn từ lại.

Thơ có nghĩa đã chiến thắng mọi lực cản. Kể cả lực cản ngôn ngữ.

Chữ đọc lên các khái niệm. Thế thì lưỡi của chữ đâu? Anh chỉ cho tôi xem?

Nghệ-giả-chữ là kẻ có thừa trách nhiệm với bản thân mình nhưng lại vô trách nhiệm với Thi ca.

Có người bảo: - “Hãy gõ vào Chữ, Thơ ở đó!”. Tôi lại muốn rằng: - “Hãy đốt cháy Chữ, cái còn lại, chính là Thơ đó!”...

Cấu trúc là sự giải thoát cho Thi ca khi ngôn từ bất lực.

Dù đã quá hiện đại, với Thơ, chúng ta vẫn phải sử dụng ngôn ngữ như một bản năng.

Ngôn ngữ mang tính chất khủng bố các nhà thơ nên nó thường đe doạ các nhà phê bình.

Ẩn dụ là những thông điệp bị hàn kín. Bởi lẽ nó không chịu dành cho tất cả độc giả mà chỉ thực sự chỉ dành cho một độc giả. Mà đôi khi độc giả đó chính là tác giả.

Cản trở lớn nhất của tôi là tôi luôn bị ngôn từ cản trở.

Những hậu-đề bắt đầu từ những tiền-đề.

Hạt của thơ luôn gây nổ, bởi nó là dạng cấu-trúc-phát-tán.

Khi ngôn ngữ tắt, nó vẫn còn in dấu vào bóng tối.

Ngôn từ của những nhà thơ thể nghiệm chỉ ra đi. Không tìm đường về.

Tôi không tuyên ngôn trong thơ. Tôi chỉ tuyên từ trong thơ.

Bí ẩn như một cấu trúc và cũng nhàm chán như một cấu trúc.

Thơ đích thực là thơ-đặc-tuyển của văn-học-tưởng-tượng.

Không, tôi hoàn toàn không muốn triệt phá các qui tắc của ngôn ngữ. Nhưng rõ ràng tôi thấy nó là rào cản của Đấng Sáng Thế Ngôn Ngữ Mới.

Vâng, đọc thơ tôi xin đọc luôn cả nguyên-lý-loại-trừ.

Một bài thơ hay là bài thơ che giấu được cấu trúc, ngôn ngữ, ý nghĩa, nhạc điệu. Còn một bài thơ tồi thì làm lộ ra tất cả.

Cấu trúc luôn được xây dựng trên nền tảng phản ý chí.

Màu sắc vi tế của chỉ một Từ mang lại ấn tượng cảm xúc dữ dội cho cả một bài Thơ.

Chữ chỉ là vỏ của ngôn ngữ.

Tôi không kìm chế. Tôi đã để chữ trượt trên xa lộ mông lung.

Tôi, trục chữ bị xoáy mòn.

Gạch bỏ rồi lại gạch bỏ. Để gặp toàn gạch bỏ.

A, tôi đã nghiền mình thành bột chữ.

Tôi xoay vần trên các mẫu tự. Phơi trắng bụng.

Ngôn ngữ. Một cái tháp nghiêng của lòng tôi.

Ngữ pháp của nhà thơ là ngữ pháp của quỉ. Anh điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống hoặc phải từ bỏ chính nó.

Sự-trương-nở của một bài thơ làm động đậy tâm hồn.

Tại sao tôi phải xài lại các qui tắc của các anh? Tôi có bất qui tắc của tôi.

Chữ có lối rẽ tối tăm như lối rẽ ma quỉ.

Thôi thì Viết. Như chứng kiến được rồi đây sự vắng mặt của mình cũng sẽ nhạt nhẽo và vô nghĩa như thế này.

Luật chơi máu: - Một cuộc đời đổi một Từ. Nhưng phần lớn các cuộc đời đã vứt. Không đáng để đổi chỉ một Từ.

Những bài thơ kinh dị, chữ về từ âm phủ.

Tôi hợp lí trong những bài thơ bất hợp lí.

Nội lực là một màu đen tuyền chuyển động rối loạn. Tiềm lực là những náu hình chực chờ. Nghị lực là một trận chiến ảo.

Với một nhà thơ đôi khi bỏ quên một thành phố như bỏ quên một âm tiết.

Tôi có một Thành-phố -Từ và một Nghĩa-địa-Từ. Tôi thường đi lạc từ nghĩa địa vào thành phố.

Chữ có mắt. Nó đang quan sát nhà thơ ở phía nào đó.

Vâng! Tôi đã tìm ra Từ định dạng cho bài thơ tuyệt mật của tôi. Nhưng chữ ngủ quá sâu, tôi chưa đánh thức nó được.

Thi-pháp-âm-bồi trong thơ hoàn toàn không xuất phát từ ngẫu nhiên. Nó là sự phát triển độc địa của những tiếng kêu theo cấp độ trực giác mất lí trí.

Tôi chưa bao giờ là một Từ-chính-thống. Tôi là một Hoang Từ.

Bài thơ được cứu sống bởi chỉ một từ.

Từ là quặng. Bài thơ là sự đào luyện từ quặng đó.

Nhiều lúc phát rồ tôi thấy chữ thường ngu xuẩn. Không bao giờ diễn đạt nổi tôi.

Muốn sáng tạo được ngôn từ trước tiên phải học cách giải phóng ngôn từ.

Bài thơ là một xác chết. Trên sóng não tôi một chiếc rễ cảm giác bị đứt.

Đôi khi tôi cảm giác Từ tan trong hồn như nước đá lạnh buốt nhưng không thể nào nắm bắt nổi.

Chữ là hạt giống nhưng chính chữ còn là thuốc độc. Quyền năng và kì bí đều ở trong tay kẻ luyện chúng.

Cấu trúc thơ thực sự là một đám khói toả ra từ điếu thuốc gắn trên môi nhà thơ.

Thơ họng súng vô hình ngắm vào điểm nào chưa biết nhưng chắc chắn đạn nã ra là ngôn ngữ.

Độc giả tìm những bài thơ cho tâm hồn mình còn tác giả đơn thuần tìm cách giải phóng tâm hồn mình.

Kìm hãm một bài thơ là kìm hãm một ngòi máu muốn phụt loạn.

Vì tôi tương đối nên những gì tôi viết ra hướng về tuyệt đối.

Một cái không biết. Một cái âm ỉ. Thơ.

Tôi không cố tình giải thích những giấc mơ. Bởi đó là những mảnh đời trong vô thức tôi đã được tìm lại.

Những đường cong của cuộc đời tôi làm gấp khúc thơ tôi.

Thơ chỉ là một trò chơi. Vâng, nhưng là trò-chơi-tù-ngục.

Tâm hồn với bài thơ như ngọn đèn trên biển cả.

Đời! Đéo đời! Đời đéo đời, đời ơi!

Trong thực trạng khốn cùng câu thơ là cứu cánh cuối cùng.

Tại sao những bóng ma chỉ thích tìm kiếm trên tro tàn ? Bởi nó muốn xác định lại lịch sử niên đại của chúng.

Tôi kinh tởm mình. Một tư thế. Ngồi yên ổn. Đít mòn vẹt bê tông, cốt thép.

Càng viết càng thấy sự sống mong manh. Bởi những gì anh chưa kịp nghĩ đã bị cắt đứt.

Vỡ vụn niềm tin trên tay tôi.

Tôi chết. Tôi đã đánh mất chữ trên sa mạc giấy. Tôi sống. Tôi tìm giấy trong sa mạc chữ.

Đời tôi làm được gì đâu. Đời chết rục. Đời buồn. Đời không-khai-thác.

Lỗ đít toả hương.

Cuộc sống ư ? Hắn ngồi một tư thế trên bồn cầu và cả hai mòn theo năm tháng.

Bài thơ thất bại là bài thơ không tìm thấy những dải sáng phụt lóe tâm hồn mà chỉ cảm thấy sự hỗn loạn, tối tăm của những sợi máu.

Chờ chết cho chôn? Chờ chôn cho chết? Chờ chi? Cho chi? Chi cho? Chết, chôn! Chôn chết? Chôn chôn chôn! Chờ chi chết.

Minh 8M: - Mong Manh, Mỏi Mòn, Ma Mị, Mơ Mộng.

Người ta không tôn thờ thơ, chỉ tôn thờ sự bí mật của nó.

Cuộc sống buồn, thơ là dây cháy chậm.

Tầm cỡ anh thuộc về hy vọng của anh.

Chúng ta tự kẻ lên nhiều vòng tương lai rồi chính những vòng ấy càng làm rối mù tương lai ta.

Tôi sợ hãi những bóng ma hay bóng ma sợ hãi tôi? Hay đã giật mình từ hai phía?

Thơ chỉ là cái chết thẳm sâu, chữ chỉ là vong hồn vướng lại.

Chúng ta tìm kiếm những ý nghĩa trong sự vô nghĩa. Hay chính sự vô nghĩa trường tồn trong ý nghĩa?

Trên trán hắn là khẩu súng lục luôn chực nổ vào mọi cuộc hội thảo.

Thơ là biểu tượng của cái chết.

Nhiều lúc tôi ho, ho vỡ máu. Không thấy thơ đâu cả.

Anh sống bằng những phác thảo, anh yên lòng với những phác thảo và anh kết thúc bằng những phác thảo.

Cuộc đời hắn quá nghèo nàn, hắn đem tâm hồn ra trưng dụng.

Hắn tồn tại bên ngoài cuộc đời hắn. Mặc bánh thời gian nghiền nát từng phiến ngày tháng.

Sự sợ hãi làm cho con người độc ác. Yếm thế xây dựng niềm tin. Suy đồi làm nên Thi sĩ.

Nếu anh không tự xoay cuộc sống sẽ bất động.

Những tinh thể, thiên thạch của vũ trụ luôn tìm kiếm một thứ gì đó ở trong tôi.

Tôi là phần mảnh của ánh sáng, gió, cát và bụi. Mỗi ngày tôi rã dần từng thứ.

Sự kêu gọi của những tập hợp, những kết cấu sẽ dẫn đến sự phân rã của những tập hợp, những kết cấu.

Tôi bỏ qua những ngày tháng thay vì tôi vươn dài qua những ngày tháng.

Hạt bụi có số phận ư ? Tại sao không ai hỏi số phận hạt bụi là gì?

Đôi lúc sửa soạn viết như chuẩn bị một bữa tiệc đao phủ.

Viết. Vụn. Vỡ. Vô Vị.

Tư duy không mòn. Tư duy lõm.

Trong một thể chế đầy tai nạn, sống đã mang mầm sống tai hoạ.

Có lúc tâm hồn nhàu nát như giấy chùi.

Những suy nghĩ nhỏ giọt lọc qua tâm hồn làm lộ hết sự dã man, tối tăm nhất của một thời đại.

Khi tôi đang viết những dòng này lại là những dòng không ngày tháng.

Cuộc mệt mỏi, cạn kiệt đọng lại ở đâu đó trong thân xác. Như xác trà dưới đáy một tách trà.

Sự thật tôi không bao giờ đứng yên, luôn bị treo lơ lửng ở một trạng thái nào đó.

Những dòng này là thơ ư? Không! Tôi chỉ thở. Làm sao sống nếu không thở?

Tôi gìn giữ, canh gác sự bình ổn cuộc sống nặng nhọc khủng khiếp như canh gác, gìn giữ một địa ngục.

Nhiều kẻ ngại sự thay đổi đến cả khi chết vẫn chỉ muốn được nằm yên một chỗ.

Có kẻ suốt đời muốn giấu kín mình. Có kẻ cả đời chỉ tìm cơ hội trưng bày mình.

Mỗi người trong chúng ta là một viện bảo tàng. Cất giữ những thứ đáng ra là vứt bỏ và lãng quên mà không biết.

Sự chuẩn mực là thuốc độc của tinh thần sáng tạo.

Nhiều nhân vật đã rút khỏi tác phẩm để lại những hoang đài chữ trống.

Đi vào bóng tối sẽ chỉ gặp bóng tối.

Trong dòng thời gian bất định, tôi trôi vô định. Thơ chỉ còn là những dự định.

Phần lớn chúng ta đâu chạm được vào phần trí não của cuộc đời. Chúng ta chỉ chạm vào lỗ đít của cuộc đời.

Đôi khi ta đã bỏ lại địa ngục đằng sau những lời nói.

Đã từ lâu tôi vẫn ảo tưởng rằng mình đã bớt ảo tưởng về những ảo tưởng.

Tôi khai thác một đoạn đời và tôi hoảng sợ. Một đoạn đời không thể tìm thấy trong những đoạn đời. Tôi tầm thường. Tôi chỉ chấp nhận được những gì có thể.

Thơ càng viết càng mù lối.

Bất động bản thể tìm đến chuyển động.

Chết ư? Lành quá! Sống dễ sợ hơn!

Muốn chết cũng phải biết Luật. Luật chết.

Bản thể của những câu thơ là không có bản thể.

Trạng thái duy nhất của tôi đã được xác định: Mòn. Trạng thái duy nhất để nổi loạn của tôi: Chống mòn.

Thơ là muối của tâm hồn.

Tôi không hiểu luật chơi. Tôi phá luật. Vì thế thơ tôi không luật.

Những giác quan ngủ sâu với vẻ mặt lạnh lùng nộ khí của gươm đao.

Tôi trôi qua những đoạn đời hay những đoạn đời trôi qua tôi?

Dưới đáy tháng ngày là hình bóng bỏ quên.

Một nhà văn đích thực gạch bỏ những đoạn đời thừa của y dễ dàng hơn là gạch xoá những trang viết mửa máu của y.

Trong tâm hồn nhà thơ có nhiều oan hồn nhập vào.

Tôi đang sống ư? Không, rõ ràng tôi thấy mình đang chết. Nhưng chính vì tôi ý thức rõ ràng cái chết từng ngày nên tôi đang tìm cách sống.

Chết là bản thể của ý niệm tồn tại.

Tôi cố gắng vẫn không hiểu tại sao mình có thể vượt qua được những cố gắng đó.

Những đoạn đời quá dã man ăn sâu và làm sụp lở bờ bến những đoạn đời thực tại. Thế là xong một cuộc đời.

Nhiều đêm tôi sực tỉnh bởi có một đôi mắt khải vọng trong bóng tối đang nhìn tôi.

Khi anh nói: - “Tôi sẽ kết thúc trong mọi lúc!” vẫn có nghĩa là anh vẫn chưa thể kết thúc được trong lúc này.

Những đoạn đời bệnh hoạn thường được ma quỉ trợ giúp.

Tôi là Tổng thống trong chính phủ thơ ca.

Tôi thường ít bất ngờ với những gì tôi đã viết bởi tôi không tin chính tôi đã viết ra.

Bao giờ với thơ tôi cũng tự phản và nổi loạn.

Tôi tồn tại được bởi chưa bao giờ tôi thiết tha với sự sống. Không rõ khi tôi thiết tha với sự sống cuộc đời còn chật chội như thế nào?

Viết bắt đầu từ gạch bỏ đến gạch bỏ.

Bí mật của nghệ thuật thơ kì diệu ở chỗ các nhà thơ luôn thay đổi sự bí mật này bằng một bí mật khác và tất cả đều cất giấu trong ngôn ngữ.

Thơ hay không thể xác định. Chỉ biết nó vượt ra ngoài anh. Ngoài ngưỡng anh chưa biết.

Ngôn từ không nói. Bởi nói là nói chứ không phải là ngôn từ.

Những ý rời không vô nghĩa. Bởi lẽ những mảnh vụn của thơ sẽ làm tiền đề cho một bài thơ.

Một cuộc đời chắp lại từ những ngày rời. Một bài thơ có thể liên kết lại từ những ý rời.

Ở một nghĩa nào đó Thơ-thực-sự không có chỗ tồn tại.

Để không chết con người chỉ nên sống một thì trong ảo tưởng.

Chúng ta muốn mài cuộc đời mình bằng phấn màu lên tấm bìa thời gian vốn trong suốt.

Nhà thơ: - Quãng lặng nói chuyện với Hố thẳm.

Làm việc triệt để với một Từ thường khó khăn hơn phải làm việc với nhiều Từ.

Một bài thơ viết nháp trên cuộc đời giấy nháp.

Một hôm tôi nhận thấy cuộc sống mình, trang viết không còn điều kì lạ. Đó là sự kì lạ lớn nhất. Tôi không thể tồn tại nếu tôi không kì lạ. Từ đây, tôi sống và viết tất thảy chỉ để tìm điều kì lạ.

Bản thể tôi là sự mơ hồ lớn nhất bao bọc sự mơ hồ chung quanh.

Những gì tôi viết là vô ích ư? Thừa! Tôi đã là vô ích rồi!

Không có bài thơ. Chỉ có hạt thơ. Vùng thơ là sóng từ hạt ấy.

Đền từ hoang lạnh. Tôi lạc xa không thể trở về.

Con đường thường đợi bàn chân nhưng những bàn chân thường từ chối con đường.

Khi tôi chết những câu thơ ấp ủ vẫn còn lặng thinh dưới mồ. Chẳng còn ai đọc nó.

Nghệ thuật thường hướng tới tương lai nhưng cũng có những quan điểm nghệ thuật không phải cho tương lai mà bóp chết tương lai.

Thơ nhiều khi chỉ là những ghi chép lạnh về mặt tinh thần.

Khó khăn của sự Viết là ý tưởng khởi động trong suốt nhưng lại thất lạc đen tối ở đâu đó trên đường về.

Ngày tháng chưng cất trong thơ như rượu ủ hương nồng nàn.

Thơ không thể đánh mất mình trong hình thức. Thơ chỉ ẩn náu trong hình thức. Nhưng chỉ trong một hình thức phù hợp thơ mới chuyển động.

Dưới huyệt mộ nhà thơ, những dự định vẫn còn nở hoa giữa lòng cái chết.

Tàn một đời luyện chữ. Hồn thơ vẫn lang thang đâu đó.

Con người là một kết cấu tha hoá của hy vọng.

Viết thực sự là càng viết càng nghi ngờ điều mình viết.

Cảm xúc thường có màu sắc.

Tôi ở bên ngoài, tôi nhìn bên ngoài. Nghệ thuật tôi đặt ra vượt ra ngoài những giá trị đặt ra trước đó.

Không lí giải nổi sự bất lực câm lặng. Chai sần. Những sóng từ tự đứt đoạn trong lòng nó.

Với thơ, tôi bắt đầu bằng 1 nghĩa. Rốt cuộc tôi không có nghĩa. Tôi tuyệt nghĩa.

Tôi chắc chắn rằng trường nghĩa ở trong thơ là một vùng Tối - Sáng.

Với ngày tháng trôi nổi này, chết ư? Một cảm giác quá quen.

Từ chết. Từ lặng. Từ có vảy. Từ gợi bóng.

Đôi khi chỉ cần một từ đã chôn chặt cả một thời đại hay phục sinh cả một thời đại.

Không ai đi tìm nghĩa trong thơ. Chỉ đi tìm sắc màu hình ảnh trong thơ.

Nghĩa đơn lập trong chiều đa tuyến đã mang chứa một nghĩa khác.

Tôi nhàm chán với chính mình. Tôi đánh hơi cái chết như một hương vị lạ.

Khi chữ chết để lại một bài thơ nằm sõng sượt.

Khi chữ chết nó vẫn còn để lại cái đuôi của mình.

Tôi đã biết được cảm giác nỗi đau không chịu đựng nổi. Tôi hy vọng sẽ viết được những bài thơ quá cỡ không thể chịu đựng nổi.

Hơi thở có rễ. Nó trồng chúng ta vào cuộc sống.

Tôi nghi ngờ những lí thuyết. Tại sao lúc nào tôi cũng cảm thấy sự hiện diện nó không cần thiết và mình luôn ở bên ngoài nó?

Thơ bên ngoài những định lý. Bên ngoài. Bên ngoài và bên ngoài.

Vệt tháng ngày như nét vẽ trong cây cọ màu sắc Thượng đế. Sự dở dang vĩnh cửu.

Tôi nói về hiện hữu bằng một con mắt chột.

Chúng ta là những con thiêu thân lao về phía ngôn từ. Để lại xác chết dưới ngọn phù dung.

Đi. Đi xa. Đi xa hơn. Đi xa hơn nữa.

Một cái không ngày tháng. Một cái đứt đoạn. Một cái phản bội. Một cái nghi ngờ thực tại. Thơ.

Mỗi ngày mới đến lại mở những của sổ mới trong tâm hồn tôi.

Tôi ở lâu trên biển và đã lắng nghe sự sôi động dữ dội của biển cả. Những sinh tử thôi miên. Như tiếng tâm hồn tôi. Những suy tưởng lạ chờ làm rõ mặt.

Có những tâm hồn không bao giờ biết hát. Chỉ biết gào rú. Và gào rú chính là tiếng hát.

Chính xác như giấc mộng. Vâng! Ai dám bảo rằng giấc mộng không chính xác?

Nghệ thuật đích thực, Thép chưa đủ. Cần có Muối trong Thép.

Ai cho rằng tôi vô vọng đào những chiếc rễ thơ. Tôi đang tìm nguồn mạch của chiếc rễ sự sống.

Nhà thơ đứng yên trong cái xoay vần của ngôn từ.

Thật kì lạ. Tôi quay quắt trong mỗi khoảnh khắc sống nhưng tại sao tôi vẫn bất toàn trong một trạng thái sống.

Từ đã chết trong Từ để khẳng định Từ.

Người làm nghệ thuật, cuối cùng chính những cái ngã rẽ mới quan trọng.

Phải chăng tôi càng viết lại càng bày cuộc nghèo nàn của chính mình?

Nhiều khi Thi tứ quá nặng. Tôi không thể mang nổi.

Cuộc đời trụi trần. Tôi buồn nỗi-buồn-trọc-lóc.

Tôi chủ trương nghệ thuật không ý thức. Nghệ thuật man dại.

Những cánh cửa nghệ thuật thường không đóng. Nhưng ít kẻ tìm ra nó.

Tôi yêu thứ nghệ thuật non tơ, thứ nghệ thuật mới mở mắt. Nó làm sửng sốt những ông già.

Với kẻ say rượu dưới bầu trời là một hầm rượu. Với nhà thơ dưới bầu trời là một cuộc-đời-viết-nháp.

Tâm hồn chết. Lá cờ trắng vẫn bay.

Nghệ thuật là cuộc đảo chánh các thế hệ.

Từ mòn, trong giấc ngủ tôi thấy, nó vẫn mang những đôi cánh màu sắc bay nhảy hoang lộng.

Từ bùng nổ thành thế giới.

Giao hưởng của Từ là tấm thảm âm thanh.

Khi tôi chết sóng-từ-tôi vẫn được truy cập ở đâu đó.

Tâm hồn tôi như miếng giấy thấm, bao ngày tháng, bao nỗi buồn hút hết lên đó. Câu thơ tôi như cánh buồm, chở tâm hồn ra đại dương vô tận.

Cuộc đời hắn như một tấm giấy nhàu nên bản thể hắn chứa đựng toàn những điều tối tăm, nhàu nhò, gãy đổ.

Tôi càng chôn chặt. Từ càng mở rộng.

Thơ làm nên trường phái trong khi chính trường phái giết thơ.

Nghệ thuật thơ chính là tôi mở một cánh cửa trong một cánh cửa của một cánh cửa.

Đi trong tuyên ngôn tôi đã lạc ngôn.

Từ mắc kẹt trong những tường hồn lạnh.

Trong ngày tháng tôi vẫn lẩn khuất ở đâu đó của một cuộc đời bị bỏ quên. Cuộc đời chưa sống qua. Mỏi mòn. Phô dụng.

Những hình thức mới chỉ phát tán trong cơn điên.

Tôi xây tháp đời bằng những viên gạch nát.

Nghi ngờ là một công thức để sáng tạo.

Thơ là thuốc độc của quỉ.

Anh dám cam đoan mình đã thực sự hiểu toàn vẹn một bài thơ không? Khi mẫu số nó được giải trên những hằng số ảo?

Có những bài thơ kì bí đến mức khi đã kết thúc nhà thơ vẫn còn bị lăng nhục.

Nhà thơ có tiểu sử. Chữ có tiểu sử. Tiểu sử của chữ nằm ở phần ghi-chú-rời của nhà thơ.

Thơ của tôi hoang mang. Nó là quá trình của đột biến chậm.

Qui ước duy nhất của thơ là thơ không bao giờ có qui ước.

Khó hiểu duy nhất của tôi là tôi rất dễ hiểu. Vậy mà không ai chịu hiểu điều ấy.

Tôi thuộc về bản chất của hoài nghi.

Thơ dò tìm đường sóng não chạy trên ý nghĩ. Những vệt sáng phát lộ với biểu đồ ngôn ngữ.

Nghĩa, Hình ảnh, Ngôn ngữ chỉ là những mảnh vỡ của thơ. Thơ khoảnh khắc phụt sáng từ biên giới tối tâm thức.

Thơ sự đứt đoạn và chết lặng trong đời sống không ngừng cuồng nộ trôi chảy.

Thơ thật sự là ngôn ngữ như bị đứt rời, dã man, thống đoạt còn để lại cuống rễ trong tâm hồn.

Tâm thế viết có thể mới nhưng tư thế viết mãi mãi cũ.

Mãi mãi tôi chưa bao giờ làm định nghĩa thơ bởi suốt đời tôi chỉ nguyện đi tìm định nghĩa thơ.

Khi anh đã tìm được định nghĩa thế nào là thơ thì lúc ấy thơ đã chết.

Nghệ thuật là cuộc đảo chánh các thế hệ.

Anh nghĩ lại xem, có phải Sóng được ép thành Từ nguồn từ nhịp run rẩy của con tim?

Tôi từ chối thơ có ích. Với mọi người và bản thân tôi. Thơ chỉ làm cái tên tôi nặng thêm.

Thơ: - Một bí mật vùi kín trong tâm hồn lên men.

Thơ tìm kiếm nội lực trên những dạng thức lạ.

Thơ biến hoá theo trạng thái phân tâm.

Những từ quá nghèo nàn không phải bởi tâm hồn nghèo nàn mà anh đã ngưng đọng quá lâu trong một trạng huống nghèo nàn.

Khi bài thơ thực sự thở thì trong tâm hồn cảm xúc chạy.

Trước nghệ thuật bao giờ người nghệ sĩ cũng tuyên bố đang tìm kiếm. Anh tìm kiếm gì trong khoảng rỗng?

Càng bí mật nhà thơ càng lặng lẽ.

Tôi cảm giác nhiều âm từ vừa đọc lên đã thấy mòn trên bề mặt.

Để Từ được phục sinh hãy bắt đầu trở lại trên những rãnh khô cạn.

Sự nhẫn nhục làm tê liệt giác quan một số từ.

Phải dùng rất nhiều từ để biểu đạt 1 từ. Phải giết rất nhiều từ để toàn vẹn tự do cho 1 từ. Chỉ 1 từ thay đổi được tinh thần các từ.

Chính những gì tôi quan tâm đã dựng lên một rào cản chia cách tôi.

Khi sống với từ quá lâu tôi trờ thành một Cây Từ. Quả là những Cành-chiết-ghép mà chính cả tôi cũng không hình dung nổi.

Những ghi chép phần mảnh là sự tìm kiếm không mệt mỏi cho một cấu trúc hoàn chỉnh.

Trong ý nghĩa thất bại tôi dò tìm những nẻo đường Thơ-hậu-hiện-đại.

Những câu thơ thường bình thường và tầm thường. Ít dị thường.

Là kẻ sáng tạo y tin chứ! Kiếp trước y là Thượng đế.

Những-nghịch-điệu-cố-ý lại là cuộc tiếp diễn tất nhiên của quá trình Thơ-không-cố-ý.

Tôi khao khát làm thơ như khao khát được chết.

Bản chất nghệ thuật đi ra ngoài những qui ước đã trở thành văn bản.

Tôi cho rằng tất cả những văn bản đã kí thoả hiệp với cái chết.

Tôi trả giá cho sự vô nghĩa, bởi tận cùng tôi cũng chỉ là sự vô nghĩa.

Những cái-cười-nghiêm-chỉnh thường có mặt ở những bài thơ ít nghiêm trọng.

Cuộc đời quá dài. Tâm hồn quá nghèo. Câu thơ cho vay nặng lãi.

Không ai biết tôi đang viết những Giao-hưởng-thơ trong Tổ-khúc-tôi.

Nhiều bài thơ kết thúc nhạt nhẽo như những đường viền hoa văn quanh mộ chí.

Những giác quan chết mơ lưỡi cày phù thuỷ.

Tôi làm thơ ư? Không, thơ làm tôi.

Trong hợp lưu, hồn tôi vẫn thất lạc đâu đó.

Điếu thuốc trên môi hắn: - Hàn một mồi lửa vào hư vô. Khói xanh là linh hồn người chết trở về.

Tôi an ủi tôi. Nghệ thuật cá nhân. Không hy vọng.

Nghĩa là gì? Bây giờ tôi cũng còn đặt những câu hỏi đi tìm Nghĩa.

Bài thơ có nhân chứng như cuộc đời có năm tháng. Không thấy trước mặt. Không thấy sau lưng. Vô hình mà vẫn có.

Trong tôi có những đoạn đời rời, vô nhiễm từ. Không hiểu hết.

Đôi lúc để nhớ lại một bài thơ chỉ cần hình dung màu sắc của nó.

Quyết liệt hơn? Cực đoan hơn? Không, tôi muốn tôi là chính mình. Không quyết liệt hơn, không cực đoan hơn.

Tôi là một nhánh rẽ lạc loài.

Có những thời gian ngày nào tôi cũng viết rồi cũng sẽ có thời gian ngày nào tôi cũng chết (!?)

Hắn mai táng những câu thơ chung quanh nghĩa địa ngày tháng của mình.

Đừng đòi hỏi quá nhiều ở tôi. Tôi có đòi hỏi ai đâu? Thơ thế vì tôi thế!

Tôi không tin vào những giá trị ngay cả những giá trị thật tình cờ tôi làm ra. Bởi tôi vô giá trị.

Khi thơ tìm thấy đường, nẻo về thì chính tôi đã cùng đường, lạc lối về.

Anh hãy làm thơ hay! Tại sao không nói rằng tôi phải làm thơ hay?

Sức tưởng tượng của nhà thơ: - Trên nghĩa trang đi lại toàn người sống và nằm im trong thành phố toàn người chết.

Viết như một sự bỏ quên. Đọc lại phụt loá trí nhớ.

Bóng chữ in. Đời vô vọng.

Tôi tàn những mùa văn học.

Bài thơ dựng đứng những giác quan sống.

Cuộc đời quá ngắn. Ngắn đến nỗi không tin nổi.

Khi cảm xúc bùng nổ chữ chỉ còn là những mảnh vụn.

Ngày tháng nhạt đến độ những câu thơ phai dần màu sắc.

Nhiều khi chữ uống rượu. Nó va đập nồng nàn đến không ngờ.

Thơ không cần chính xác. Nó cần chính diện.

Im lặng là một nghệ thuật vĩ đại.

Càng viết tôi càng khó khăn khi phải chống đỡ với ngôn từ. Nó xâm nhập tôi như những vi khuẩn lạ. Đôi khi chính tôi cũng khó lí giải nổi.

Thơ không có hình thức thật sự. Khi anh phẫn nộ với những hình thức là anh đang phẫn nộ với những gì anh tự tưởng tượng ra.

Thật sự là thường xuyên có những câu thơ đã bốc cháy trong trí nhớ hắn, và khi muốn viết, hắn chỉ còn mường tượng một ngọn khói.

Bí ẩn của ngọn khói xanh là không rõ đã có hay không một ngọn khói xanh?

Vô số đoạn đời của tôi quá lạ lùng bởi tôi không nghĩ mình đã sống. Một con quỉ nào đó sống!

Thơ là tù. Bài thơ lớn như cái nhà tù lớn cả đời vây hãm nhà thơ không thể thoát ra được.

Tôi đối thoại trong độc thoại.

Tôi, một linh hồn cô độc. Một trái từ cô đặc.

Khi tôi không còn tiếp nhận được ở đâu nữa, hãy trả tôi cho chữ tôi.

Sáng tạo, viết như một sự phản bội. Đó là lí do còn lại để đồng hành.

Thật nghịch lí, khi chúng tôi chối bỏ, các anh phẫn nộ. Khi chúng tôi thừa nhận các anh thì không còn chỗ để cho chúng tôi được thừa nhận.

Những nhà thơ lớn, với họ quan trọng là Nghệ thuật-ngủ. Nó chỉ mở mắt khi thời đại mình đang đến.

Có những bài thơ vượt ra ngoài thời đại. Nó nằm trong những trang sách như vẫn bị nhốt trong một cái nhà tù.

Tôi ở ngoài biên từ tôi.

Tôi luôn chống nghệ-thuật-Lầy.

Nhà thơ thức chỉ để tìm những câu thơ đang ngủ.

Nhiều khi tôi không tìm nghĩa. Tôi ngắm nghía ngôn từ từ xa. Có những tồn tại đã mất nghĩa.

Công việc của chúng tôi, nói dã man, khai tử các anh (Thơ Mới) là thành công.

Thơ: - Những ghi chép thực lực trong ngôn từ vỡ vụn.

Linh hồn Da, bản chất Thép. Khắc Đá xanh. Chìm trong Vùng Từ tối.

Đối với tôi chấm dứt sự viết như chấm dứt sự sống!

Tôi nhiễm-sắc-thể-thơ.

Ngôn từ có chân. Tự nó đi ra khỏi bản thảo.

Ở thời đại mình tôi đã chứng kiến khi những bài thơ được thở có nhà thơ đã tắt thở.

Thời gian là Ngôn từ.

Có người sáng tạo có kẻ tối tạo.

Anh tin rằng một giọt nước mới sẽ hoà tan trong ly cũ? Không, tôi cho rằng nó sẽ làm tràn ly cũ.

Cứ phá vỡ và vượt ra ngoài, dù đổ vỡ thế nào anh cũng sẽ tìm được một hình thức thật sự.

Ngày thở. Đêm thở. Thơ thở cả đêm lẫn ngày.

Đôi khi ngôn từ như kim loại mà nhà thơ đã hàn chảy vào tâm hồn người đọc.

Chữ giải phóng, cởi trói tâm hồn vượt khỏi mọi rào cản nô lệ. Kể cả rào cản, nô lệ chữ.

Nhiều cuộc đời bọc trong thuốc nổ của từ Chết.

Tôi quái dị như cái sống. Tôi phức tạp như cái chết.

Phức tạp thì có thể cộng thêm sự phức tạp nhưng giản dị thì không thể cộng thêm sự giản dị.

Nhiều thời đại bỏ quên trong túi áo nhà thơ.

Nói thật, tôi đào sâu Vỉa Từ để chuẩn bị chôn mình. Nhà thơ càng bới, thời gian càng lấp.

Ngôn ngữ phá sản cuộc đời, phá sản ngôn ngữ.

Những lập luận thường tự kết thúc bằng những hệ luận.

Nhà thơ, hoang đường ở chỗ, y tự xé rách cuộc đời mình rồi tự bồi bằng giấy.

Tôi không nhớ gì những con đường cũ. Vô kí ức. Tôi cũng không thấy gì rõ ràng ở những con đường mới. Vô tương lai.Tôi chỉ biết hành trình. Vô sứ mệnh.

Ngay cả máu tôi cũng tìm những nhánh rẽ trong bóng tối.

Tôi làm nghệ thuật bởi vì tôi chưa có kinh nghiệm sống. Chỉ có kinh nghiệm chết.

Tập sự một bài thơ như tập sự cả cuộc đời.

Sự giản dị của tôi là hiện thân phức tạp ở anh. Giản dị cũng phải có đẳng cấp.

Đôi khi tôi cảm thấy mình đang ở giữa đường hầm ngôn từ. Muốn phá vỡ tìm ánh sáng nhưng đã bất lực.

Vỏ chữ nhưng ruột từ.

Vì giằng xé nên cuộc đời đứt đoạn.

Nhà thơ có kẻ tìm tiếng nói tâm hồn nhưng cũng có kẻ sơn phết tâm hồn.

Trên mặt giấy trắng tiếng nói vô hình vẫn chạy.

Thay đổi quan niệm nghệ thuật thơ ngoài ý chí nỗ lực của nhà thơ còn là những yêu cầu triệt để của thời đại.

Có nhà thơ mỗi bài thơ là nước đường. Có nhà thơ mỗi câu thơ là dòng máu chảy.

Thơ không hẳn định mệnh. Thơ là sứ mệnh.

Có nhà thơ mất ngủ suốt một đời mình cũng chỉ để ru ngủ một thời đại.

Nghệ thuật luôn khởi đầu như một cuộc đời vừa khởi đầu.

Cuộc đời tôi giải bằng phương trình: - 24 chữ cái x 365 ngày x 60 năm = Dzia-rô (0).

Tôi nghe trên mỗi trang giấy trắng hơi thở khụt khịt của thần chết. Chữ trên tay tôi phóng xuống những lưỡi rìu.

Giết một Thần Chết chỉ để làm sống lại một Thần Chết.

Làm nghệ thuật : Tôi đã chia cuộc đời mình qua những động từ nan giải.

Tôi không muốn nói về bản thể nếu như mọi giới hạn đều được xem như bản thể. Bản thể của tôi chính là nổi loạn để chống phá mọi bản thể.

Tôi không chống ai. Tôi chống chính tôi.

Đôi lúc tôi ngạc nhiên. Chỉ để viết một câu giản đơn tôi đã phải sống bao nhiêu đoạn đời. Và tôi đã đốt cháy nhiều đoạn đời rốt cuộc cũng chỉ để viết được một câu giản đơn thế kia ư?

Tôi ích kỉ, tôi không mong thế kỉ này sẽ ghi nhận thơ tôi. Tôi tri kỉ cùng những thế kỉ tới.

Có một nghịch lí, những nhà thơ chết trẻ thường viết những câu thơ quá già nua. Thơ như sống hớt những phần đời của họ.

Nhà thơ giữa thế kỉ 21, anh cứ mặc sức tưởng tượng khi thời đại hình như không còn tưởng tượng nổi sự có mặt của anh.

Nghĩ cho cùng Thi ca chỉ là những bông hoa tưởng tượng.

Thơ là con cá phải chăng hình thức là cái lưới? Những con cá đã chết khi mắc kẹt vào tấm lưới.

Biên giới tăm tối của đêm chỉ kết thúc khi cột-số-suy-nghĩ phụt sáng.

Cuộc đời hắn trơ ra như một từ không nghĩa.

Tôi có quan điểm. Đó là những điểm quang phát sáng.

Ý tưởng như những chiếc hộp. Tôi kéo chiếc hộp này ra lại thấy nó đang hữu hình trong một chiếc hộp khác.

Tâm hồn vật vã. Ngôn từ say rượu.

Thơ tôi quá lý trí bởi đời tôi quá cảm xúc.

Nhà văn, y tìm ra Từ hay y hàn kín cuộc đời mình trong Từ?

Từ càng bí hiểm sinh mệnh nó càng kì dị.

Giữa ngôn từ đích thực và nhà thơ là những vực thẳm.

Sáng nay tôi chết nghẹn tâm hồn với chỉ một câu thơ. Cái chết không ai nhìn thấy.

Tôi nhìn thấy rõ câu thơ phụt hiện trong bóng đêm và tàng hình trong ánh sáng.

Chữ vẫn nói vang vọng đâu đó dù tôi chưa nắm bắt.

Ý thức làm Nghệ thuật là chuẩn bị phản bội Nghệ thuật.

Vượt qua mọi giới hạn để rồi lại sẽ chết trong một giới hạn.

Nếu như tôi chỉ là một trò chơi của Thượng đế thì trong Nghệ thuật tôi muốn tước bỏ vai trò của ông ta.

Một cá nhân hy vọng trong một cá thể cô đơn.

Nghệ thuật thơ Đương đại chưa chắc đã là Nghệ thuật Thơ hiện đại.

Thơ vượt ngưỡng là thơ của Tinh thần tâm thần.

Đừng xem thường Thơ-đúc-chữ. Mỗi cái vỏ của ngôn từ vẫn có thể múc lên một ý tưởng nào đấy.

Hai trạng thái diễn ra trong một tâm thức: (1) Lạc thơ được đời; (2) Lạc đời được thơ!

Tôi nghiền nát chữ để tìm thơ. Vẫn chưa thấy nó đâu!

Thơ mi-mi (Thơ tôi tôi) chứ không phải Thơ mi-ni (Thơ ngắn - Chống Trần Dần)

Với một nhà thơ, tương lai đang rất gần và thực tại đã chết.

Biểu diễn chữ Tôi: - Người dang hai tay (T) kêu (Ôi)!

Tâm hồn quá trầy sướt. Từ vừa viết ra đã cũ.

Thơ: - Ý thức trong tiềm thức chống công thức để lập thức.

Chữ xám lọc qua máu đỏ.

Thơ văng miểng tóe lòe loe. Nhà thơ chết nghóe!

Bản chất nghệ thuật đấu tranh với hoen rỉ đang ăn mòn đời sống.

Viết như rượu chưng cất. Đọc lại toả hương.

Vâng! Tôi đầu hàng cuộc sống nhưng không đầu hàng thơ. Mỗi ngày công khai giác đấu.

Đoạn tuyệt một quan điểm thơ khó khăn như một nhà tu phá giới. Chay trường chuyển qua thịt chó.

Đời tôi Slow. Thơ tôi Rock.

Tôi viết cho thời gian xé.

Thơ chống công thức như con người chống thói quen.

Chữ đơn tuyến. Thơ đa tuyến.

Nhiều bài thơ đột tử trong nghệ thuật.

Có số phận nhà thơ. Không có số phận thơ.

Tôi không thích từ lao động nghệ thuật. Nó cho thấy mướt mồ hôi. Không thấy máu. Tôi thích dùng khai tử nghệ thuật.

Công thức số phận anh : - Bài thơ hay dẫn đường báo trước một rình rập tai hoạ.

Thần chết khoái trá những bài thơ hay. Thơ càng hay y càng quay tít lưỡi hái.

Có những cuộc đời nằm ở bên ngoài những cuộc đời chúng ta đang nhìn thấy. Chúng ta tìm kiếm nó. Đó là nghệ thuật.

Tôi ít nói về sự hiện hữu bởi bản thân tôi chưa bao giờ hiện hữu. Tôi nghi ngờ chúng từng ngày. Ai đó nói, biết hiện hữu là hết nghi ngờ?

Để tìm đường đôi khi chúng ta phải giết chết những con đường.

Tôi không cố tình phá vỡ hình thức thơ. Nhịp mạnh trong thơ tôi đã phá vỡ nó.

Tôi gãy nát hát avantgarde.

Càng sống càng thấy xa dần những mục đích sống. Những mục đích sống không phải như chúng ta đã sống.

Tôi lạc tôi. Thời gian lạc thời gian. Tác phẩm lạc tác phẩm.

Sau những gì bỏ phế đã viết tôi lại hy vọng vào những gì sẽ dự định viết. Tôi sống bằng dự định hơn cái toàn định.

Những dự tưởng của tôi với thơ gần như không thể chấp nhận nổi. Vũ trụ là toa-lét, mặt trời là que diêm, mặt trăng là mẩu thuốc.

Đôi khi tôi nghĩ nghệ thuật chính là công khai những gì không thể nhưng chính thời gian đã trả lời là cái có thể.

Là nhà thơ, máu của tôi là chữ. Tiềm lực tôi là tiềm lực chữ.

Tôi tiêu rồi! Tôi không chủ định chọn thi pháp cố định mà chỉ toàn những đặt định, ý định.

Những phong cách đã thành hình chỉ là những phong cách đã chết. Những người muốn tiếp tục sùng bái xác chết thì đào bới lại chính nó.

Những câu thơ nhỏ như một thứ hạt giống siêu việt mọc thành cây trong tâm hồn siêu hình.

Với thơ, có sự nổi loạn nhìn thấy từ bên ngoài nhưng cũng có khi sự nổi loạn nhìn thấy từ bên trong. Cũng như máu trong đêm tối vẫn là máu đỏ.

Những phong cách độc lập không tìm thấy dấu vết thời đại. Bởi vậy họ độc lập tồn tại trong bất cứ thời đại nào đang đến.

Đi lạc. Để tìm phong cách mới cho Thơ.

Chữ mới không phải được nuôi dưỡng bằng tâm hồn mà bằng máu. Nhiều từ thi sĩ móc ra còn ròng ròng những sợi máu.

Đừng nói về sự nghèo nàn phong cách ở trong thơ. Chính vì thế chúng ta mới có lí do để cải tạo chúng.

Cuộc viễn hành biết là tuyệt lộ tại sao nhà thơ vẫn đi? Họ bị hấp dẫn bởi chữ Tuyệt ấy.

Chôn Thơ Mới? Không, công việc chúng tôi sẽ làm là tiếp tục sẽ chôn cả những người đã định chôn Thơ Mới.

Phong cách bị tước đoạt bởi phong cách chứ không bổ sung phong cách. Nó cũng giống như một thời đại đã nuốt trửng một thời đại khác.

Rốt cuộc Thơ nghiêng về suy tư hơn là trí tuệ.

Đi mãi thành đường. Viết mãi thành luật. Đường trở thành mòn. Luật trở thành cản trở Nghệ thuật.

Biên giới của văn xuôi ở gần. Biên giới của thơ ở xa. Càng xa thơ càng hiện tại.

Những đặt định luôn tìm kiếm những phủ định để có chỗ cho đặt định mới.

Tôi đang nghĩ là cần phải đúc những mẫu tự mới để làm việc với chính mình. Những mẫu tự đang có không chứa nỗi địa chấn hồn tôi.

Khi đã bàn về những phong cách, văn cách, nhân cách… Thơ phải đặc cách.

Sự thật thì tôi luôn đọc thấy trong tác phẩm của những thi sĩ lớn vẫn có một điều gì bất ổn. Đó là dấu vết của thời đại mà y đã chối bỏ hay mặc nhiên thời đại đó đã chối bỏ y.

Phải giải thể thơ tập thể. Đi tìm thơ cá thể.

Khi những tác phẩm của y khạc đạn vào bạn đọc thì y đang khụt khịt đâu đó dưới mồ.

Thường thì kết thúc một bài thơ như ga cuối. Nhưng là ga chở nhà thơ vào vô tận.

Trên những trang giấy trắng sao tôi lại viết những dòng đen?

Thơ hoà giải có dùng chung một từ với nước giải hay đi giải. (!)

Dù đã ở trên đỉnh chữ, nhà thơ vẫn xoay.

Bản chất của thơ cuối cùng vẫn là tìm cái có ích trong cái vô mục đích.

Rốt cuộc chúng ta mãi mãi vẫn là quá khứ của tương lai.

Bản chất của con người là sự sa đoạ. Nghệ thuật là cách trang trí sự sa đoạ ấy.

Tôi biết rồi tôi sẽ tiêu tùng vì sự vô độ của chính mình. Nhưng tôi không sao kìm giữ được sự ám ảnh mê hoặc tính dục và thơ ca.

Bản thể hay bẩn thể? Hay cả hai.

Đôi khi sự rối loạn của từ ngữ là tinh thần của một bài thơ lạ.

Bài thơ thực sự là bài thơ khi nhà thơ thở bài thơ cùng thở. Khi nhà thơ hết thở bài thơ vẫn còn thở.

Trên những giác đồ lạ cái Tôi thực sự đã hiện hữu.

Phong cách làm triệt tiêu những phong cách đó mới thực sự là phong cách.

Thế giới đều có chỗ đứng cho mọi hợp lý và vô lý. Nhưng lại phân vân với cái có lý.

Nhà thơ nghịch lý ở chỗ: - Một cái tôi hữu hạn lại muốn làm chứng cho một cõi vô hạn.

Vâng! Tôi đồng ý mỗi bài thơ đều có nhịp. Nhưng tôi coi trọng nhịp loạn. Nhịp phá vỡ qui tắc thông thường.

Với Nghệ thuật (Thơ), tư duy một vấn đề chính là phản bội lại một vấn đề.

Thơ chính là: Cây giác quan, rễ tư tưởng và trái cảm xúc.

Mỗi nhánh rẽ của máu lại dội ngược lên tâm hồn từng vệt sáng. Câu thơ bùng nổ dưới nhánh rẽ ấy, ánh sáng ấy.

Chiêm nghiệm về thời cuộc để thấy rằng, mỗi thời cuộc ra đi, cuối cùng tôi vẫn ở lại.

Khi các thi sĩ tiên phong đã nằm xuống, thơ vẫn ở giữa ngã ba đường.

Thơ như cái la-bàn cân bằng và định vị những vùng bưng thức của cảm giác.

Thời gian là ngân phiếu của thi sĩ chi tiêu qua mỗi bài thơ.

Thơ mở 3 cửa ngõ: - Giác động, giác quan, giác cảm.

Chiều sâu của bài thơ ít mang đến vẻ đẹp cho nhà thơ mà chính là vẻ đẹp của nhân loại.

Đôi khi mất kiểm soát trong nghệ thuật lại chính là khuynh hướng mới của nghệ thuật.

Tôi đồng hành cùng nghệ thuật chứ không đồng hành cùng thời đại.

Nghệ thuật suy tàn là bắt rễ từ nghệ thuật suy đồi.

Nhiều quan điểm về thơ. Thơ tôi mất quan điểm.

Thơ là lớp cảm xúc gỡ bong ra khỏi tâm hồn lạnh giá và chai lì.

Tôi là con cá bơi lạc sóng.

Tôi biết. Tôi viết. Và tôi tiếc.

Tôi cảm ơn sứ mệnh đã lấy đi tất cả nhưng vẫn còn cho tôi một cơ may để tôi viết tác phẩm này.

Những bài hát trong hơi thở là những bài hát man rợ. Nó bắt rễ đâu đó trong một bài thơ.

Có những miền yên tĩnh nhưng lửa cháy khôn nguôi. Tôi mãi ngồi trong quầng sáng của ráng chiều đã tắt.

Thơ tôi như đời tôi. Dập dềnh khát vọng.

Thơ đích thực, nghệ thuật không hy vọng.

Phong cách triệt tiêu những phong cách để tồn tại phong cách.

Thơ tôi bị đứt rễ ở hiện tại chảy máu vào tương lai.

Rồi một ngày anh sẽ thấy đời sống không là gì. Thơ không là gì! Nhưng chính sự không là gì truy bức anh phải tìm kiếm một cái gì!

Với một nhà thơ bài thơ không phải là tập viết mà là tập tìm kiếm dò xét những vùng cảm năng mới lạ.

Cảm thấy quan trọng hơn là nhìn thấy. Nó biểu lộ khả năng vượt qua cái có thể.

Đôi khi tôi lạc quan Nghệ thuật là hy vọng. Nhưng thuần bản chất, tôi biết đã cắt đứt mọi đường hy vọng.

Đời sống bằng sáp, tôi hát lzáp dzáp trong nhạc Ráp. Tôi viết như khạc vào giấy nháp.

Cố gắng lên thơ ơi! Chỉ một bước nữa là cùng đường.

Nổi loạn như một sự tất yếu chứ không phải yếu!

Tâm hồn tôi hay một biển đời đầy phong tố gào thét trong im lặng.

Nhân loại nhìn và thấy tôi cháy. Không ai biết tôi chết.

Thơ lồi trong thời gian lõm.

Số phận của câu thơ hoàn toàn khác với số phận chủ nhân nó. Biệt lập cho đến chết.

Tôi yêu sự vô vọng với những lạc bờ của nó.

Tôi cố gắng viết như nối sợi dây thả vào xa xanh khát vọng.

Bởi đời sống quá mòn trách sao tôi không mòn. Tôi nuôi cái mới như nuôi một mầm bệnh.

Mỗi thế hệ có một cặp mắt riêng để nhìn thẳng vào tương lai.

Tôi cứu chữa tôi bằng thơ.

Thơ dị kì trong sự âu lo không định kì.

Tôi nghĩ đến những vùng xa bởi vì tôi không bao giờ đến được những vùng gần.

Với tôi, đời sống không hé lộ những phẩm chất mà chỉ tiết lộ về bản chất.

Tôi, một cây đời không lá.

Cuộc đời buồn đến nỗi nhiều khi tháng ngày là dây xích treo cổ.

Chúng ta đi lạc trong những con đường lạ để đem về những gương mặt lạ.

Có những gương mặt hủ lậu đến độ ngay cả cái chết cũng không thể xoá đi được nét dị hợm của nó.

Tôi càng chăm chút cho mình kĩ càng cái chết càng chăm chút cho tôi càng kĩ.

Ngay cả cái chết tuy tuổi tác đã mốc meo già nua nhưng vẫn còn mang một gương mặt thơ dại.

Bởi nhiều kẻ đã khóc cười nhàu nát giữa cuộc đời nên khi chết đi y mong được trang điểm thật kĩ để tìm kiếm nụ cười dưới nhà mồ.

Đời nhiều độc tố. Mỗi câu thơ là một liều an thần.

Nhà thơ là kẻ điên tự phỉnh dụ mình bằng ngôn từ đẹp.

Thời đại ma cô. Thơ ma cáo. Linh hồn ma quỉ.

Vâng! Nhiều bài thơ đến với tôi vọt trào như quỉ nhập tràng.

Khi linh hồn đã chết bài thơ vẫn còn khóc than trên giấy.

Tôi là chiếc vỏ diêm quẹt dần trên ngày tháng. Bài thơ là lớp tro.

Nhiều bài thơ đến cùng một lúc hé lộ nhiều phía tâm hồn. Cho y thấy sự phản bội mâu thuẫn của nhiều vấn đề.

Nhiều năm tháng đã đi qua tôi không thể quên giây phút ấy:- Tôi viết những dòng đầu tiên trong bài thơ định mệnh.

Có những Chữ đen rỉ ra từ Linh hồn trắng.

Sau khi lấy bài thơ, tâm hồn tôi vẫn còn loang lổ những vết chạm.

Mất rất nhiều thời gian tôi mới học được nghệ thuật Sống một mình để Thơ tồn tại.

Kì lạ, không hiểu sao bài thơ xanh tươi trong một tâm hồn hoang hoá.

Thỉnh thoảng tôi vẫn tự phát ra những tiếng nổ để biết mình còn sống (!)

Tương lai những câu thơ là tương lai trên lá sóng.

Đời sống ô nhiễm, bài hát rỉ độc.

Những đoạn đời bất hoàn chỉnh trong cuộc đời hoàn chỉnh.

Ném ra những câu thơ như ném ra những sinh lực bị bóp cổ.

Tôi đâu viết gì! Tôi khạc ra những gì!

Thời đại bệnh nặng. Tôi phải đục những câu thơ như khoét vào tuỷ sống bị ung thư của thời đại.

Tôi mỏng hơn tờ giấy. Nhiều khi tờ giấy nặng hơn tôi.

Bài hát chiếc đồng hồ mỗi ngày dzích-dzắc, dzích-dzắc. Chẳng bao lâu đời tắt.

Khi không còn tìm kiếm được niềm vui, chúng ta không chỉ có nỗi buồn mà còn là quỉ sứ!

Sứ mệnh của những con quỉ khi kết thúc thường gây sốc vì kinh ngạc. Với tôi sứ mệnh đó chính là Thơ.

Mọi thứ rồi sẽ ra đi. Chỉ còn thơ ở lại.

Nhà thơ mơ tìm được bụi vàng trong bão cát.

Rốt cuộc anh ngã gục trên đống ngôn từ gãy nát.

Anh tìm ra Từ từ anh. Anh chết gục từ từ...

Đời là mục lục nhưng thơ là phụ lục.

Đi trên Sóng để tôi được Sống.

Được thơ và mất tất cả hay có tất cả để mất thơ? Hai chọn một.

Tôi không chọn được tôi. Quyền để chọn tôi là Thượng đế!

Chữ ăn mòn chữ.

Bài thơ là một phiên bản không kí hiệu.

Chữ của nhà thơ tài năng có mùi. Hoặc là hoa hồng hoặc là tử khí.

Tôi đâu có làm thơ. Tôi đang phăng những cái chết vào bản thảo.

Với nhà thơ, những biên thuỳ tương lai chính là giấc mơ thuộc địa.

Nếu bài thơ là một cuộc chuyển động thì tôi đang đón đầu những vệt sáng chạy trong máu.

Máu bản thể. Thi sĩ hữu thể. Và bài thơ vô thể.

Cuộc sống đôi khi quay trở lại là một sự cùng đường.

Tập thể là nấm mồ chôn của phong cách.

Bản chất của tự do là phải giết chết ngay chính tự do.

Thơ là thêm dấu hỏi (?) vào đề thành chữ Thở.

Tôi phát hiện ra một Từ chính là một âm vực vang không giới hạn.

Một đời loay hoay trong lòng chữ vẫn không tìm được lối thoát.

Zíc-zắc! Zíc-zắc! Đời tắc nên tôi lắc!

Thơ quá lí trí sẽ dẫn đến rối trí.

Tôi lúc nào cũng ở trong trạng thái đang dẫn một câu thơ ra pháp trường.

Vì mất trọng lượng nên tôi phải dùng neo trọng lực.

Thời gian ủng hộ cho cái chết lên tiếng.

Yên ổn trong sự đảo lộn. Thế nào rồi đầu hắn cũng phải thò lên.

Tôi muốn khởi hành. Nhưng những câu thơ lúc nào cũng đòi đi. Vì thế tôi ở lại!

Tôi là hạt bụi trong ngày tháng bụi.

Tôi đang gạch bỏ? Không! Tôi đang tháo từng khớp xương thơ.

Thơ trên mọi ngả đường. Tôi ở một ngả đường.

Sống mà biết rõ ràng là mình không sống, là chưa sống. Thế là thơ. Thế là nổi loạn.

Thời gian nghiền tôi. Tôi nghiền nát ngôn ngữ. Thơ nghiền nát thời gian.

Lúc đầu tôi im lặng. Nhưng sau đó tôi jm jặng. Nỗi buồn tìm đồng minh. Nỗi buồn móc ngoặc.

W: - Chữ M ngược, tên tôi. Trở ngược lại mình là đầu hàng thời đại (W,M).

Càng bày tỏ lại càng chứng tỏ.

Chữ luôn ở trong bóng tối. Nhà thơ lấy ra ngoài ánh sáng.

Thơ là giá đỡ của thời gian.

Đời bất động bởi quá nhiều tiếng động.

Thơ là dây neo cuối cùng giữ tôi với đời sống!

Tôi không thắng được nỗi âm u trong lòng tôi.

Thơ chỉ thực sự bắt đầu khi hình thức đã chết.

Luôn có những trở lực vô hình khi chữ hiện trên giấy. Như sự bất hoà giải, phải xung đột thường xuyên giữa hai màu Đen (mực) và Trắng (giấy).

Nhiều khi tôi viết dễ dàng không tin nổi. Nhưng cũng nhiều khi tôi viết khốn nạn không thể ngờ nổi.

Đừng tin rằng anh đã tự do. Hãy tin rằng anh vẫn còn nô lệ. Và viết bằng tất cả cơn phẫn nộ của nô lệ đòi giải phóng để được tự do.

Bài thơ nhảy slow trên giấy kẻ ô.

Buồn có thể tiêu vong khi càng buồn. Buồn đụng trần. Không thể buồn hơn nữa.

Trái tim càng hát càng tan nát.

Có những từ vừa chạy vừa nhỏ máu trên giấy.

Giấy trắng chở chữ nặng.

Đời tôi bày một món hàng chữ trên mâm thời đại.

Trớ trêu thay bản thể của sáng tạo lại là khách thể của nghệ sĩ.

Thơ mất nét trong tâm hồn chớp trắng.

Tôi tin vào nghệ thuật mới. Những giá trị chưa được thẩm định.

Từ là hoa của máu.

Thơ lắng đọng trong đời náo động.

Tôi là một phiên bản của quá khứ nhưng thơ tôi chính là phiên bản của tương lai.

Vì biết sẽ bỏ mạng nên viết bạt mạng.

Nhà thơ đi thụt lùi. Bởi càng đi càng là chính mình.

Tôi không diễn giải. Chỉ diễn dịch.

Ngôn ngữ là nhà tù. Nhưng nhà thơ là tên cai ngục.

Tôi không lãng mạn với thơ mà tôi đang thí mạng với thơ.

Làm thơ là từ bỏ cuộc đời yên ổn để tự đi vào địa ngục.

Tôi biết tất cả những gì tôi viết là vô giá trị. Chỉ có một giá trị duy nhất, nếu gạch bỏ tất cả thì sẽ trơ lại một cái lõi thơ.

Nhà thơ là kẻ bất khả kháng trong hai cuộc lưu đày: - Trần thế và ngôn từ.

Thơ nặng như số phận.

Thơ rẽ ở đâu nhà thơ lẹm hồn ở đó.

Cách mạng thơ là cách mệnh số phận.

Tôi thích con số 3: - Đời ngã ba-thơ, Thơ ngã ba-đường.

Thi sĩ ư? Mai táng cuộc đời trong thơ, khâu liệm hồn trên giấy trắng.

Đôi lúc tôi cảm thấy thời gian giật từng mảnh sống của tôi. Còn tôi giật ngôn từ trong tay nó.

Thơ Trẻ hay Thơ Chẽ? (chẽ nhánh, chẽ thời đại).

Thi sĩ : - Dấn thân hay yên thân? Thơ bay lượn hay bao quanh chỉ hai từ đó.

Có những tập thơ là nấm mồ chôn sớm một đời nhà thơ.

Cảm giác này là có thật: - Đôi khi đang viết câu thơ bỗng nhiên bốc hơi ngay trong trí nhớ. Nhà thơ lại sa lầy.

Từ là kíp nổ. Điện dẫn nhiệt từ tâm hồn xuống giấy trắng.

Tôi yêu thơ như yêu cái chết. Càng đắm đuối càng mù loà.

Nhà thơ chết một lần nhưng lại phải cải táng nhiều lần (Tái bản sách).

Tập thơ hoàn hảo nhất của cuộc đời tôi không phải chưa viết mà là đã chết.

Sau mỗi dòng thơ tôi biết mình còn sống. Sau một tập thơ tôi biết mình đã chết.

Đừng hiểu tôi. Đừng hiểu thơ tôi. Hãy tìm hiểu sự bí nhiệm của chữ.

Ngay cả nhà thơ cũng mất đề kháng với chữ. Chữ bí ẩn với chính họ.

Thơ như một tôn giáo. Không! Hơn cả tôn giáo vì nó chưa hề có giáo chủ.

Hỗn loạn là bản chất của tồn tại. Thơ xếp đặt và thống trị sự hỗn loạn đó!

Mỗi câu thơ gây nên tiếng nổ trong máu và tim là trung tâm địa chấn.

Bài thơ chỉ viết một lần nhưng đã chết trong tâm hồn nhà thơ nhiều lần.

Nhà thơ nhìn ngắm tác phẩm kì dị như đang nhìn ngắn cái chết của mình.

Tôi chia cả cuộc đời mình chỉ trong một động từ: - Viết.

Đời tôi chỉ vừa vặn trong 1 câu. Nhưng để tìm ra nó, tôi phải viết muôn vàn câu.

Đột tử vì Chữ.

Nhà thơ đôi khi chỉ tìm một viên kim cương (ngôn từ, chữ) mà cả thành trì (cuộc đời) phải đập nát.

Chữ bị nghiền nát. Thời gian gãy nát. Đời tan nát.

Tôi không chỉ làm thơ. Tôi là một xưởng-chế-tác-thơ.

Hậu-cấu-trúc bước đầu là đột phá cấu trúc và sau đó là không cấu trúc.

Tôi không lí giải cuộc đời. Tôi chỉ tìm hiểu cuộc đời.

Là nhà thơ tôi thực sự tin rằng ngả rẽ của thơ chưa bao giờ là ngả rẽ của lí luận.

Càng viết càng tối tăm hơn chứ không phải sáng rõ hơn.

Thời đại không còn những nền lí luận lớn, chỉ còn thoi thóp những tiểu luận nhỏ.

Nhiều khi trí nhớ tung hoả mù vào quá khứ và tung thuốc nổ vào tương lai.

Quá khứ như một vấn nạn. Tương lai như một tai nạn. Khi thực tại đầy những hoạn nạn.

Nếu khát vọng là biển cả, trang giấy chính là con thuyền chở bài thơ là cánh buồm.

Bài thơ rối loạn như tóc của Thượng đế.

Mỗi bài thơ của nhà thơ như thả một mỏ neo trên dòng sông chữ.

Một bài thơ mất ý hướng trong dự định của nhà thơ thường thành công.

Bóng tối của câu thơ lại là ánh sáng của tâm hồn.

Bài thơ và nhà thơ vừa là bạn vừa là kẻ thù.

Quan điểm của tôi làm một bài thơ như giải một phương trình không cấu trúc.

Trong Hõm Ngoặc tâm hồn có bài thơ chờ sẵn.

Có những bài thơ không đối thoại được với bạn đọc, nó chỉ độc thoại với tác giả.

Càng săn đuổi riết róng càng cảm giác bài thơ không thực sự thuộc về mình.

Dưới đáy vực của chiều sâu suy tưởng bài thơ là cái thang dây để nhà thơ vượt thoát.

Đánh mất mình ở thực tại là điều cần thiết để nhà thơ có thể tìm lại mình ở một chiều kích khác.

Bóng thường lớn hơn Hình và tối tăm hơn Hình.

Bi kịch của nhà thơ là săn lùng ngôn từ rồi lại dẫn đến phá sản ngôn từ.

Bài thơ là hoa của tâm hồn nhưng đôi khi cũng là rác của tâm hồn.

Tôi tin vào thế giới trong ngoặc kép (“ ”).

Gắng để viết đồng nghĩa với gắng để chết.

Nhà thơ cuộc tìm kiếm trên những con số Không (0).

Tâm hồn của nhà thơ là bảo tàng của chữ.

Cả đời tôi tán dẹt trong một tính từ: - Tìm!

Một hình thức mới lại báo hiệu một cái chết mới.

Những tiếng nói có rễ cắm sâu vào tâm hồn kẻ này và còn toả lan sang tâm hồn những kẻ khác.

Tôi viết một câu thơ là tôi cầm tù một thời đoạn tháng ngày vào chữ.

Nhà thơ thường bị thương bởi viết như nã đạn vào chính mình.

Viết như giải cứu Từ ra khỏi chiến binh bóng tối.

Thơ tôi không liên ngành mà chính là ngoại ngành.

Đổi mới phong cách như cách điệu một ngọn gió (Chơi chữ hai từ Phong - Cách).

Hãy cảnh giác. Nếu không khéo, phong cách sẽ như đường ray con tàu dẫn nhà thơ đến ga nhàm chán.

Trước mặt anh bao giờ cũng có Trang viết, Sự sống và Cái chết. Điều nào chớp mắt cũng có thể xảy ra.

Chữ tìm hình trên mặt giấy.

Sự thật sáng tạo giữa đời sống đổ nát này, tôi lấy chất liệu từ những phế liệu.

Cuộc đời. Những cái toàn định cuối cùng lại trở thành những cái dự định.

Nhiều câu trong một câu. Một câu cho nhiều đoạn đời.

Những câu thơ chính là vảy từ lượn sóng trong suy nghĩ.

Viết, đơn giản hoá sự kinh khủng của vấn nạn thực tại.

Ngày tháng treo anh lên trong sự vô nghĩa.

Anh đã mất rất nhiều thời gian và công sức cho câu thơ nó vẫn trơ mặt ra. Nó ngại tiết lộ với anh một điều gì đó.

Tôi thường yêu một cách khó hiểu những điều dễ hiểu...

Đừng lí giải cái chết vẫn tự đến đâu cần lí giải.

Thơ: - Một lá chắn như hàng rào của máu, làm vỡ tim tôi.

Thơ ló dạng tương lai. Thơ còn ló dạng cái chết.

Nhiều kẻ ở ngoài vùng-biên-từ. Bản thân anh không thể vượt qua một số từ nào đó.

Nhiều thi sĩ, thơ như là tù binh và y dữ dằn như một tên cai ngục.

Cầm một thời đại trong tay không chắc chắn bằng cầm một bài thơ. Thời đại vỡ tan. Câu thơ còn lại.

Khi những ngôn từ đã biến mất trong vô cảm giác kí ức, hắn vẫn ảo tưởng Ngôn từ bỏ lại.

Tôi muốn giấu kín nhiều vấn đề chỉ ở trong một chữ.

Thiếu phương pháp luận trong phê bình như vượt sóng gió trên biển nhưng không định hướng.

Càng nghèo nàn về Tư tưởng thì càng độc ác trong Tâm hồn.

Khi một thi sĩ đích thực đã chọn thơ giữa cuộc đời thì không khác gì con tàu với mỏ neo buông giữa thềm lục địa vắng.

Những kẻ mang sứ mệnh đi tìm đường không bao giờ được đi trở lại trên chính con đường đã tìm ra của mình.

Gạch xoá bao giờ cũng cho tôi cảm giác yên ổn hơn là để lại.

Tôi vô nghĩ trong ngày tháng này, may ra thơ của tôi có một chút ý nghĩa trong ngày tháng này.

Không phải ai cũng nhận thấy như chính anh đã nhìn thấy. Bởi nhận thấy không phải là nhìn thấy.

Nhà thơ là kẻ khai tử chữ “tập thể” trong từ điển cá nhân.

Đôi khi tôi bất lực cầm trên tay những cái vỏ chữ.

Vâng! Có thể là hoàn toàn không có số phận nhưng chắc chắn là mỗi cuộc đời được xoay trên cái trục của chính nó.

Tương lai sống được nhiều hơn so với thực tại.

Trong lí luận đôi khi càng ở gần vấn đề lại không nắm bắt được vấn đề. Khi tách xa khỏi vấn đề lại nắm bắt được trọn vẹn vấn đề.

Cái bên trong tôi, cái bên ngoài tôi đều là cái rỗng không vậy!

Nhiều khi nhìn nghiêng tôi thấy mình chảy như một dòng thác.

Tôi chưa thấy thời đại nào là thời đại huy hoàng cho các thi sĩ đích thực. Còn các thời đại đích thực khủng bố các thi sĩ thì quá nhiều.

Vâng, tôi tàn lụi đi trong thời đại này để mở ra một thời đại mới từ thơ tôi.

Càng tư duy càng nghèo nàn nếu không có vấn đề gì thật đáng để tư duy.

Có những kẻ suốt đời đẽo gọt chạm trổ phía bên ngoài Từ. Nhưng cũng có kẻ lại dùng cuộc đời mình chỉ để bắn vỡ các ngôn từ ấy.

Bình ổn ư? Làm sao bình ổn nổi. Gió ba chiều. Thơ tứ giác.

Đôi khi tôi thấy viết cho cuộc đời thì thật là dễ. Viết cho mình mới khó hơn nhiều.

Đừng tìm kiếm. Tôi đang trên đường.

Nhiều lúc tôi mệt mỏi đến độ, tôi cảm thấy thân thể mình như đang tan ra từng mảnh. Chỉ có chữ là không tan. Nó nối tôi lại trong một trạng thái mới, dạng chất mới.

Càng Thơ càng Cô đơn. Càng Cô đơn càng Thơ. Bao biện không giải thích nổi.

Có những từ gắn chặt với cuộc đời anh không cách gì gỡ ra nổi. Cô đơn là từ ấy.

Có những bài thơ thực tình là tôi ném chữ như ném những mẩu đá trên giấy trắng.

Nhiều từ đắc địa như bị giam trong lò-luyện-ngục-tối. Khi thi sĩ tình cờ khai phóng nó, nó đã trả thù một cách kinh hoàng.

Vâng, tôi viết cho thời gian. Cứ việc mà đào thải.

Tôi ư? Một bọc thuốc nổ bên trong. Một vỏ sần sùi phía ngoài. Một que cháy trên môi.

Tay phải chơi với tay phải. Tay trái chơi với tay trái. Thân thể chơi với cả hai tay.

Đứng ở phía sau ngôn từ ta mới thấy rõ được hết bản chất ngôn từ.

Trong im lặng bông hoa có thể hoá đá.

Một đời đi tìm thơ. Một khoảnh khắc thơ tìm người.

Tôi đọc được một bản tiểu sử dài dằng dặc, một cuộc đời đầy gian lao, một hành trình khốc liệt để đi tìm thơ của y. Nhưng có một sự thật, tôi chưa bao giờ được đọc thơ y.

Một sự mệt nhọc tràn ra ngoài thân xác. Thơ hắn là bộ rễ hoang vu.

Đôi khi tôi giật mình vì sự nổi tiếng. Nhà thơ lại là những kẻ ham mê nổi tiếng lạ kì. Nhưng đâu còn thơ. Hắn đã bỏ thơ để chạy theo là sự nổi tiếng.

Bắt đầu thơ là bắt đầu cái chết thực sự.

Nếu được xem xét như một đối tượng, ngôn ngữ có tính trung thực và man trá như một con người.

Ngôn ngữ dễ cai trị? Đừng hòng! Đôi khi anh lầm lẫn giữa màu sắc của nó mà không biết.

Cuộc chiến giữa nhiều tiếng nói là cuộc chiến chỉ xảy ra trong một vùng im lặng.

Tôi cảm giác tôi đang đánh mất nhiều cảm giác trong cảm giác.

Thơ: - Là cuộc giấu kín mình trong những vùng biên lạ.

Thơ tự nguyện không lí giải. Đó là cách trả lời của nó.

Trong sự tĩnh lặng, anh đã tư duy. Nhưng trong tư duy không bao giờ tĩnh lặng.

Khi chia những bài thơ ở thì tương lai, tôi đang giết chết tôi trong hiện tại.

Đôi khi sự trì kéo của ngôn từ làm y không thể cất nổi đôi cánh. Y càng muốn bay, ngôn từ càng ghì chặt y lại.

Cuối cùng, y ngỡ được trò chuyện với câu thơ thì hoá ra đang trò chuyện với một hố thẳm.

Ngay cả ngôn từ bỏ lại cũng cần phải tiếp tục xoá bỏ các ngôn từ.

Để hoàn thành một bài thơ tôi thấy có kẻ đã mạ đồng lên ngôn từ. Chữ sáng loáng.

Từ có ma. Tất nhiên. Không thì ai đã trò chuyện với nhà thơ suốt đêm?

Chữ có một đời sống kì bí của nó. Khi không chế ngự được nhà thơ trở nên điên loạn.

Từ gây ra kíp nổ trong những bài thơ.

Nhiều nhà thơ lấy số phận biểu quyết cho thơ mình. Nhưng trớ trêu thay đó là một số-phận-thơ-không-có-thơ.

Thơ vẫn là bằng chứng tách bạch, độc lập. Cho dù nhà thơ muốn cộng cả cái chết của mình vào đó.

Chữ là mỏ neo giữ tên tuổi nhà thơ trên dòng phù lãng.

Bởi vì tâm hồn hắn đã dựng lên một cánh buồm nên cuộc đời hắn chỉ còn mơ quay cuồng giữa ngầm sâu biển cả. Đến khi nằm chìm trong lòng biển cả câu thơ vẫn còn là nheo cờ vẫy gọi tương lai.

Có những câu thơ là rào chắn ngăn chặn độc giả. Bởi đó là bảo vệ cuối của nhà thơ cho cuộc sống mình.

Viết là chết. Không viết là tử thương.

Hồn ngát xanh viết xong câu thơ hồn già úa.

Tôi viết lung tung các từ rồi nhặt lại một vài từ-độc-sáng. Trong tay tôi vẫn cầm ánh sáng của nó.

Không có những suy nghiệm nghiêm túc về Nghệ thuật thì sẽ không bao giờ tìm ra nguyên nhân cái chết của nghệ thuật.

Anh kinh sợ một bài thơ như kinh sợ bóng tối của máu anh.

Một bài thơ xuất nhập như một luồng điện. Đó là cách lí giải tại sao nó chớp sáng đối với người này mà lại mù loà đối với người khác.

Anh cảm giác trống rỗng với một câu thơ là do anh chỉ sờ soạng bên ngoài nó. Cứ thử nhảy vào bên trong anh sẽ biết.

Sự loạn luân của Nghệ thuật truyền thống sẽ đẻ ra những đứa con Hậu-hiện-đại trong tương lai.

Sự bất lực của lí luận đôi khi là hướng tìm đến của một bài thơ.

Viết bằng cảm giác thì cũng chỉ có thể giải phẫu bằng giác cảm.

Những bài thơ càng vi tế thì lại càng sần sùi.

Đôi lúc vô lí luận mà tôi cảm thấy có lí của lí luận.

Con người của nhà thơ được đo bằng tổng lực các giác quan và tổng quan các giác cảm.

Cũng có lúc nhà thơ lại cảm thấy sợ hãi bởi số phận chính mình. Số phận Chữ.

Tầm cao của mỗi nhà thơ chính là tầm cao của mỗi thời đại.

Số phận của chữ ư? Kì dị và ẩn hình.

Đôi lúc tương lai đã chết ở trong tay những kẻ luôn tuyên bố là sẽ tìm kiếm ở tương lai.

Đôi khi anh đọc lại bài thơ của mình trên giấy anh biết nó đã chết. Công bố, nhiều lúc là đưa thơ lên đoạn đầu đài.

Một bài thơ đích thực càng cắt nghĩa càng mới mẻ. Bởi nó không có gương mặt đích thực.

Siêu hình là đáy biển sâu ngôn từ.

Siêu hình ở đâu? Trong chính tôi. Khi tôi vắng mặt, tôi vẫn dõi về…

Định nghĩa thi sĩ: - Một cá thể tuyệt vọng.

Từ là sự thay thế vẻ đẹp ngoại biên của tâm hồn.

Tôi yêu thích cuộc kiếm tìm trong giấc ngủ. Nó cho ta thấy không gian và thời gian là hai cánh lưới kéo về những ngôn từ lạ. Cái chết chỉ là một từ bí mật nhất.

Thi sĩ là một cực nam châm lớn. Hút lên những ngôn từ.

Một trong những công việc của cuộc sống là thay đổi những định nghĩa.

Không ai đi lí luận với những con bò. Chúng ta chỉ làm thịt nó.

Trên nắp sọ của hắn từ khi chơi trò tư duy thường nảy lên những cục u.

Hắn nhặt từng ý tưởng như lượm từng hạt cát. Có điều để làm gì thì hắn không biết. Những hạt cát thì để làm gì nhỉ? Nó chỉ là những hạt cát thôi.

Mật ngôn chảy máu trong ngôn từ.

Đồng ý bài thơ là chính tôi nhưng tôi không thể hay hơn bài thơ.

À, mà sao lại không nhỉ? Nhà thơ, hắn đang cố tình tự sát bằng ngôn từ.

Lặp lại chính mình đôi khi là một cách nhấn mạnh lần thứ hai.

Theo tôi, thi sĩ mới chính là kẻ nghèo nàn, trống rỗng cạn kiệt tâm hồn. Bởi tất cả những gì giàu có hắn đã trút bỏ hết vào thơ.

Nghệ thuật thơ cần thiết phải thay đổi mọi hình thức nhưng phải giữ lại yếu tính của nó.

Hình thức như những chiếc vỏ đựng yếu tính.

Tôi cảm giác nhiều nhà thơ đã cắt bỏ đôi cánh của thơ mình bằng một hình thức thể luật gò bó. Như xác ướp hoàng kim trong lăng mộ.

Tạo âm là làm cho chữ âm vang. Nhưng cũng chính tạo âm làm chữ loãng, khí lực bài thơ yếu.

Lí luận, tất nhiên chúng ta chỉ bàn cãi phía bên ngoài. Còn ở bên trong nội bộ của bài thơ tự nó có cách giải quyết lấy.

Kết cục là anh chỉ tạo được một sắc màu trong thế giới Từ-trung-tính.

Với cuộc nội chiến thơ: - Không chỉ là cuộc nội chiến của tư duy mà còn chính là cuộc nội chiến của cảm giác.

Trong khi anh phô bày sự hiểu biết của anh về bài thơ, tôi chỉ thấy chữ cười.

Lí luận và xác minh một bài thơ bằng hai phạm trù Đúng và Sai là tự treo cổ nó bằng sợi dây cảm giác.

Tất cả Cuộc sống = + (cả) Cái chết.

Nhiều cái rễ của ngày tháng tôi đã bị đứt ở trong thơ.

Điều kì diệu của thi ca ư? Có những bài thơ được viết ra trong sự khủng hoảng của nhà thơ nhưng lại đem đến sự bình yên cho độc giả.

Lí luận đích thực là lí luận thanh sạch lương tâm.

Những bài thơ giống nhau hoàn toàn về bề mặt câu chữ nhưng lại khác nhau bởi dáng vẻ tâm hồn.

Tôi cô đơn như một hiện hữu.

Chữ và nhà thơ, hai vai trò, hai số phận.

Nhà thơ vô hiệu hoá tương lai bằng chữ của mình.

Ngôn từ: Tôi chưa kịp nói, định nghĩa đã biến mất. Vì thế tôi tiếp tục viết để tìm kiếm lại định nghĩa.

Những tiếng nói sâu xa, những ẩn dụ biến hoá, những sắc màu bùng cháy, những khiêu gợi kì bí… Đại để những gì không thuộc về thực tại, luôn bỏ đi. Ngôn từ gần giống như vậy!

Tất cả những chữ có được trong tay anh chỉ là chữ chết.

Trải qua những phần đời anh hiểu thế nào là cuộc đời. Khi ngẫm về những phần đời anh đã mất hết cuộc đời.

Tôi bỏ lại chính tôi ở sau lưng. Ngôn từ vẫn ở phía trước.

Hiệu lực càng thẳm sâu, chữ càng giản dị.

Một nhà thơ chỉ có khả năng chế tác ra một loại từ nằm trong vùng từ trường của họ.

Ngôn từ, với nhà thơ, là một bí mật tối thượng.

Kết cục thời gian bỏ tôi. Thời gian bỏ lại ngôn từ bỏ lại.

Nhà thơ ít tin vào sức mạnh của chính mình nhưng lại tuyệt đối tin vào sức mạnh của câu thơ.

Trong giông bão có chớp lóe giữa vũ trụ tối tăm. Trong linh hồn có chớp lóe vô thức. Thơ là cuộc tìm kiếm chớp lóe vô thức đó.

Tôi không tin vào thế giới hiện hữu như tôi đang hiện hữu. Nó có cái gì đó mỏng manh, phù phiếm, bị đe doạ và cắt đứt rất dễ dàng.

Tôi luôn tìm những cái tôi khác nấp trong tôi. Nhưng đôi khi tôi đã lặp lại một cái tôi ở trong tôi.

Tìm mình ở một biên thuỳ tương lai. Nhưng khi đến được biên thuỳ đó hắn đã chết.

Càng viết càng lún sâu vào thất bại không gỡ nổi.

Ngôn từ càng nói càng bí mật.

Cuối cùng khi những bài thơ đã bỏ đi, chỉ còn lại thi sĩ ngồi với hàng đống ngôn từ dị tật của hắn.

Nhà thơ chỉ nên có lí trí khi nói và đánh mất lí trí khi viết.

Dù trong thân phận là một hành trình khép thì con người vẫn luôn luôn là một cấu trúc mở.

Trong máu có thuốc độc.

Sự thật là cái mà mỗi lần ta có được thì lại càng thấy nghèo nàn.

Nhà thơ là một bọc thuốc nổ nhưng ít hiểm nguy cho mọi người bằng nguy hiểm cho chính y.

Tôi không thần thánh hoá những gì tôi viết. Tôi chỉ cố gắng thoát lên trong lúc ngôn từ bỏ lại.

Xong một bài thơ là xoá sổ một cột số để tiến lên trong sự tưởng tượng.

Sau tất cả những gì xảy ra trên một bài thơ, động tác cuối cùng y làm là càng giữ chặt cái đầu của mình.

Khi ngôn từ nổi cơn điên đẩy nhà thơ vào mê trận.

Khởi đầu là tìm kiếm ngôn từ sau đó là chạy trốn ngôn từ.

Tất cả những ghi chép này chỉ là những mảnh vụn của một bài thơ đang hoàn thành.

Khi ngôn từ không có tự do thì chính nhà thơ đã đánh mất tự do.

Có những chiếc rễ cây không tưởng để nuôi nấng những câu thơ không tưởng.

Càng mù loà (Chữ) càng phải tìm đường (Sáng tạo).

Không phải tôi viết mà tôi đang tháo rời tâm hồn tôi.

Những kẻ càng nhiều tự do trong nội tại thì càng ít tự do ngoài thực tại.

Không, tôi không hoàn toàn mong muốn nhiều tự do. Tôi chỉ cần đủ tự do cho những câu thơ thoát ra. Khốn thay! Khối kẻ lại sợ hãi điều đó!

Làm thơ đồng nghĩa làm một cái chết thứ hai cho mình.

Thơ chính là con mắt thật của thời đại mà những kẻ nắm quyền lực đương thời sợ hãi muốn che khuất đi.

Có nhiều ngôn từ sần sùi nằm ẩm mốc trong đầu y. Nhưng y không dám lấy ra. Y sợ sự độc địa của nó.

Có những lúc y cạn kiệt sức lực như đào bới chạm một vỉa tầng rỗng. Chữ nghĩa bốc hơi. Y là một xác chết đổ xuống trên giấy.

Tại sao không kia chứ? Tâm hồn y cằn khô nứt nẻ khi chính Thơ đã xới lật lấy đi hết các vỉa quặng Từ.

Bàn đến Ngôn từ với Nhà thơ như lửa dí vào thuốc nổ.

Thật thú vị! Y đang nhét những câu thơ qua những kẽ hở của thời gian.

Một bài thơ thành công là bài thơ mà ngôn từ và cấu trúc đến một cách mất tự chủ.

Tôi nghĩ, thơ là một cách tự vấn để luôn giữ lương tri thanh sạch nhất.

Có thể tất cả những gì tôi viết ra đã từng lặp lại ở một nơi nào đó. Một trò chơi chán ngán mà!

Tôi cảm giác mình không thể đơn giản hơn khi đã bằng mọi cách đơn giản hơn.

Kì diệu đời sống! Kì dị đời sống!

Toạ độ ngắm của thơ là cái vô hình chứ không phải cái có mặt.

Rút tỉa mình. Phô cái Tôi trụi trần.

Chữ không chỉ tìm đường cho tương lai. Chữ còn công phá lịch sử.

Nhà thơ, trước kết cục của đời mình đã xây lên những Tử-địa-chữ.

Những bài thơ là những hạt lệ khóc trên gương mặt Nhân loại.

Viết thì nhanh. Sống để viết được thì lâu.

Ngôn từ theo thời gian cũng như rượu ủ trong hầm tối. Giá trị thuộc về những tay-luyện-ngục.

Trước khi còn những chữ bỏ lại, tôi đã phải viết toàn những chữ bỏ đi.

Nhiều kẻ làm thơ nhưng chưa phân biệt được chảy máu trong nghệ thuật với chảy nước trong nghệ thuật.

Khi anh phát hiện ra anh không nắm giữ một vai trò nào quan trọng, với anh, một nhà thơ, điều ấy lại càng quan trọng.

Nếu Nghệ thuật thi ca chỉ nằm gọn trong hai từ Gạch và Xoá thì Xoá quan trọng hơn Gạch.

Tất cả những suy niệm về thơ chỉ là những cái rễ nuôi bền thân cây đời sống. Bài thơ chính là quả.

Viết là treo những bài thơ trên những hằng số vô biên.

Lật máu tìm thơ, nổ máu tìm thơ. Thơ thực sự vẫn lẩn khuất đâu đó.

Không lấy được khuôn-mẫu-vàng trong máu bài thơ nghệ thuật, tôi hi vọng mỗi câu chữ thơ tôi chỉ vàng-li-ti bụi cám.

Mỗi ngày tôi tập viết một câu thơ nhưng tôi biết rốt cuộc cả đời tôi chỉ còn lại trong một câu thơ.

Tư duy là những bước nhảy tránh khỏi lối mòn.

Khi những khoảng cách rộng lớn của thế giới được nối kết đang nhỏ lại thì tâm hồn của các nhà thơ càng phải rộng lớn. Bài thơ bao trùm thế giới ấy.

Có phải càng mở rộng bài thơ càng yếu? Không! Hình như tiếng nó sẽ vang xa hơn.

Hun đúc nhựa thơ như rễ cây hun đúc bông hoa.

Một điều kì lạ: càng viết anh càng thấy anh quan tâm đến nghệ thuật thơ hơn là thơ. Thực chất thơ là gì? Nghệ thuật thơ đã nói điều ấy.

Vẫn có nhiều người quan tâm đến giấc mơ hơn giấc ngủ. Bởi họ biết chắc trong mơ, họ ngủ.

Có những giá trị đích thực nhưng chỉ đứng bên lề và mãi mãi, vĩnh viễn ở bên lề.

Vâng, tôi sẽ kịp xoá những dòng này trước khi cái chết kịp xoá tôi. Những gì còn lại thời gian sẽ xoá nốt.

Chỉ quan tâm tới Thơ thôi đã hết một đời. Thơ che giấu những cuộc đời ở bên ngoài nó.

Anh vứt bỏ cuộc đời anh cho chữ ư ? Không, tôi đã hàn gắn nó trong chữ.

Rốt cuộc tôi vẫn còn lại trong 24 mẫu tự. Không là gì khác!

Mọi nhà thơ điều vô giá trị trước Thơ.

Bài thơ nhảy từ cái hữu hạn vào cõi vô hạn.

Nghệ thuật không có chỗ cho những kẻ lí giải nó. Nghệ thuật nuốt trửng các nhà thơ và cuộc mình vào vị trí đó.

Tôi mài nhẵn cuộc đời mình trong động từ Viết mà vẫn chưa bao giờ thấy nó mòn cũ.

Cho đến lúc chết chắc linh hồn tôi vẫn phải đi tìm viết làm thơ.

Thay đổi quan điểm Thơ đôi khi buộc nhà thơ phải thay lại máu mình.

Hắn vô phương rồi! Rễ thơ đã mọc già trong hồn.

Những câu chữ đến với anh vụt qua như ánh chớp. Chưa được cầm giữ nó đã biến mất. Tại sao vậy?

Thơ chính là cái bóng của nhà thơ.

Làm thơ là cách mạng. Bài thơ là giải phóng.

Ai không mơ được bầu trời thì sẽ không bao giờ có nổi một ánh sao.

Bài thơ thở phập phồng cùng nhịp với trái tim mi.

Nhiều khi không lí giải được những gì đang viết bởi thọc sâu vào những miền vô cảm không tên.

Vai trò của ngôn từ là phản kháng, chống lại các nhà thơ.

Cũng có lúc nhà thơ cai quản hành hạ chữ như hành hạ những con điếm. Chữ hưng phấn xuất tinh.

Tôi tin những bài thơ thành công là những bài thơ xuất tinh chữ.

Khảm chữ như khảm đá.

Lý luận cơ bản là lý luận đào xới những cái chết để chỉ ra cái chết đích thực.

Thơ có nhiều cái chết cộng cả cái chết không ai có đủ năng lực tiếp cận nó.

Có những ngôn từ bỏ lại độc sáng bằng sự hoang phế của mình.

Nhiều kẻ làm thơ nhưng ít người dám bảo hành chữ.

Nếu tôi yên phận với cuộc đời này tôi đã không làm thơ. Làm thơ là sự từ bỏ chính mình một cách tự nguyện.

Nhìn kìa! Ngôn từ bị khủng bố đang ngún khói.

Ngôn từ bỏ lại sẽ hoàn toàn vô dụng ư ? Không! Ít ra nó sẽ đắc dụng ở Nghệ thuật trang trí.

Thơ không rung cảm được tâm hồn thì cũng trang trí lại tâm hồn (Uy-mua).

Viết để quên cô đơn nhưng lại thấy mình cô đơn nhất.

Trên những đồ vật mặt bàn, Chữ cũng là đồ vật và hắn cũng chính là một đồ vật.

Nhiều lúc hắn muốn lấp mình vào để hoàn thành câu thơ nhưng chính bài thơ từ chối hắn.

Hắn không có giá trị gì so với ngôn từ. Cũng như so sánh giữa Nước mắt và Máu.

Càng khó hiểu càng vận động. Như vậy là khó hiểu trong sự vận động.

Chế xuất thời gian trong mật ngọt ngôn từ. Như hương hoa trên sắc màu của cánh bướm.

Nhiều khi ngôn từ treo cheo leo trên đỉnh tâm hồn. Nhà thơ lấy được nó đồng nghĩa với ám ảnh bị hút xuống đáy vực.

Nhiều nhà thơ bị ám ảnh bởi cái chết của chính mình lớn đến nỗi đã quên cả cái chết đang len lỏi vào chính tác phẩm của họ. Tác phẩm mà họ mơ sẽ xây dựng trên nền bất tử.

Khởi từ: - Có người khởi đầu bằng vinh quang. Có người khởi từ bằng sự chết.

Những kinh nghiệm của cá nhân tôi không đem lại kinh nghiệm cho ai. Nó đã thuộc về tôi mãi mãi.

Suy tư từ kẻ khác.

Lúc hắn bắt đầu đi thì câu thơ bắt đầu dõi theo hắn như tên Mật vụ ngôn từ.

Có những câu thơ đầy-giác-quan. Không kẻ dám vào.

Thi sĩ là kẻ vẽ lên tâm hồn mình nhiều cửa sổ.

Bạn có cảm giác những gì tôi viết đang chống lại tôi? Không! Tôi đang lộn ngược lại.

Ở phía trong và phía ngoài. Tôi hiện hữu.

Nhiều khi trong một cơn bệnh, mi thấy máu mi chích ra chỉ toàn thơ.

Cây xương rồng: - Cuộc sống toả ra trong gai.

Những kẻ chơi chữ trước sau gì cũng bị chữ đè.

Nhiều nhà thơ đã bỏ thơ để giữ lại hồn mình.

Nếu nghệ thuật khởi từ máu thì thơ chính là phản xạ của máu.

Cứ viết đi rồi anh sẽ thấy mình đã bất lực như thế nào!

Đừng tin vào những gì tôi lập luận. Bởi nếu tin thì chính tôi đã không lập luận.

Biển cả chính là đại dương của cánh buồm nhưng chính giọt sương cũng là đại dương của chiếc lá.

Đây không phải là kinh nghiệm thơ. Đây là toàn bộ Giác-quan-thơ của tôi.

Thế giới trong mắt tôi là một sự lặp lại. Nghệ thuật chỉ là cách biện minh cho sự lặp lại đó.

Nhiều khi chỉ là một hạt cát nhưng mang lại tiếng nói từ đáy bể.

Bao giờ cũng thế, kí ức chỉ là những lớp ngôn từ không màu sắc.

Nhiều giá trị chỉ thực sự có giá trị khi được khai quật trở lại.

Xoá mất vai trò trong cộng đồng để tìm lại vai trò của cá nhân.

Tôi bỏ lại Ngôn từ bỏ lại. Trò chơi bỏ lại.

Nếu có một đề từ cho tập thơ này: - Không ý niệm. Đừng tìm kiếm. Hãy xé bỏ!

Tôi xé vụn tôi qua tháng ngày còn không thương tiếc nữa là…

Hắn học tập một con kiến cần mẫn ngày qua tháng lại tha ngôn từ về tổ. Chỉ khác con kiến là hắn đang xây hầm mộ chữ.

Chỉ cần một chút loé sáng trong vô cảm tâm thức khi kẻ nào đó, bất kì, chạm tay vào tập thơ này. Hắn đã thành công!

Nhà thơ phi lí ở chỗ đắp một biển máu để cất một hạt lệ.

Số phận là dây xích của Thượng đế.

Đôi lúc hắn điên cuồng lục lọi kí ức. Cạn khô máu. Một cây thơ héo rũ chọc nhánh qua thềm hoang ngày tháng.

Vâng! Tôi là nhà thơ nhưng là nhà thơ trong thời đại chưa được cấp giấy hành nghề!

Câu như đạn, từ như kíp nổ.

Vâng, tôi yêu cuộc sống mình nhưng đã đốt bỏ cuộc sống mình cho cuộc sống của Thơ.

Câu thơ hoang đàng như đại lộ ngày tháng.

Nếu anh không có được hạt cơ bản thì anh sẽ bị nhắc lên khỏi mặt đất.

Càng chẻ nhỏ phương pháp lí luận càng tiếp giáp bến bờ vô giới hạn. Chỉ có thể kết luận được những gì trên mặt nước nhưng không thể dò được đáy sâu.

Làm sao anh hiểu hết độ sâu của câu thơ khi suốt cả đời anh chỉ đứng bên miệng vực chữ ?

Một bài thơ đẹp là bài thơ nhà thơ hàn kín các giác quan. Để khi đến với đối tượng tự nó sẽ bung nở các giác quan.

Những gì không còn thuộc về tôi đã thuộc về ngôn từ. Những gì đã thuộc về ngôn từ thì không còn thuộc về tôi.

Không ai xấu hổ trước sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn. Chỉ có sự trong trẻo và nước mắt.

Trên ngày tháng này tôi xô dạt. Giữa bờ bến này tôi phiêu dạt. Trong thân phận này tôi trôi dạt.

Bây giờ khi đánh mất mình ở một nơi xa, khi tôi viết những dòng này, kỉ niệm đang nhìn tôi trân trối.

Không ý thức được những gì trong vô thức. Nhưng trong vô thức đã có sự kiểm soát của ý thức.

Tôi luôn thấy mình là một giới hạn. Những tác phẩm là những giới hạn. Nên luôn viết để tìm cách vượt qua nó.

Bỏ lại những ngôn từ, bỏ lại những vực thẳm, bỏ lại cái chết.

Khi những cơn giận dữ đã được trút bỏ xong, anh chỉ còn thấy cơn giận của chính mình.

Có thể thám hiểm được hố sâu của tư duy nhưng không thể kiểm soát được bầu trời của tư duy.

Giá có những đôi giày cho sự trải nghiệm thì tôi có thể đếm được mình đã làm hỏng bao nhiêu đôi giày.

Không có sự suy tư thì tồn tại như rễ cây không hút nhuỵ từ đất.

Phép loại trừ trong nghệ thuật thơ là loại trừ ngôn ngữ, loại trừ ý niệm, loại trừ cảm xúc. Như ta tước bỏ dần những lớp vỏ trên thân cây. Cho đến khi trơ lại cái lõi của vấn đề.

Nội chiến thi ca, vỡ vụn ngày tháng.

Mi đã thấy những gì mi được thấy. Liệu những gì mi muốn thấy có êm đẹp nhưng những gì mi đã thấy?

Không, tôi không còn gì cả. Ngay cả những dòng đã viết ra này cũng không còn tôi.

Một bài thơ xuất huyết không phải là một bài thơ mà nhà thơ bị trúng đạn từ.

Định nghĩa có nghĩa là phải luôn xác định lại một nghĩa.

Viết: - Tìm lại màu sắc trong một cái vỏ rỗng.

Thơ: - Tôi đã chết rất nhiều ngày, tôi chỉ sống một ngày.

Đã lâu rồi tôi bỏ quên cái đồng hồ nhưng nhịp đập trong tim tôi đã là một cái đồng hồ.

Mỗi lần tôi làm thơ là tôi mất ngủ. Như chữ ngủ thay tôi. Tôi bỏ giấc ngủ tôi để đi tìm giấc ngủ chữ.

Sáng tạo đích thức là viết trước ngưỡng của siêu hình. Chỉ một bước qua khỏi.

Bài thơ là bao tử của âm tiết.

Tôi hình dung tôi bằng những hình ảnh. Tôi xoá lần lượt các hình ảnh bằng từ. Rồi tôi tìm mọi cách xoá nhiều từ trong một bài thơ.

Vũ trụ tồn tại bằng sóng. Con người đếm thời gian bằng nhịp sinh học. Ngay cả bài thơ hoàn thành xong vẫn còn dao động.

Tìm kiếm một bài thơ như tìm kiếm một tương lai. Chữ chỉ là vấn đề bỏ lại.

Nước mắt là máu tự do.

Im lặng là cách tốt nhất để trả lời với im lặng.

Tôi đọc bài thơ của anh bằng cách tháo rời theo kiểu của tôi. Tôi thấy ấn tượng hơn nhiều.

Phía trên bài thơ / Là cái xác khổng lồ đổ sập của nhà thơ / vắt qua / Tóc râu bồm xồm / Chưa kịp cởi giày và cất mũ nón.

Xách linh hồn mà chạy.

Những cái ta không biết không phải là không có mà là không thấy.

Ẩn hình: Có hình rồi mới ẩn.

Tôi đã nhìn thấy bộ rễ cây đước ở kênh Xáng Cà Mau. Tôi nghĩ rằng cây thơ cũng có một bộ rễ từa tựa như vậy.

Tâm hồn tàn phai. Ngày tháng tàn phai. Thơ mùa tàn trên bến giác.

Nhiều khi tôi lặng lẽ ra khỏi tôi. Tôi thấy thân xác mình là một bộ khung rệu rã kinh hoàng.

Để làm sống những câu thơ, tôi giết chết các luận đề.

Đời sống tôi: ngày cộng ngày. Tác phẩm tôi: ngày cộng ngày. Tôi: xoá từng ngày.

Nhiều bài thơ như một thứ kinh nguyệt của phụ nữ. Ra đều đặn mà chẳng bao giờ thụ thai.

Thơ: Sự mệt mỏi xâm chiếm y từ cành lá đến gốc rễ. Và đôi mắt tuyệt vọng, đến nỗi, y không muốn tin điều đó.

Kinh nghiệm đốt thiêu các cảm xúc.

Tôi theo bài thơ đi tới những nơi chốn còn lẩn khuất tận cùng của thế giới.

Nhà thơ : - Kẻ phục chế các linh hồn đã chết.

Có những lúc tôi dần tiến lên mỗi cột số. Có những lúc tôi đứng chôn tôi trong một cột số. Số là hàn thử biểu của tôi.

Tôi muốn xây dựng trong thế giới nghệ thuật tôi một nhân vật không đầu. Để cho y tha hồ tưởng tượng về những cái đầu phải có của mình.

Nội thể và bản thể có gì khác nhau? Nội thể là một năng lượng có thật, có hiệu ứng và sức công phá từ bên trong. Trong khi bản thể chỉ là sự ỷ lại cái gì đã ăn sâu mọc rễ từ căn nguyên. Tôi làm thơ, tôi thích nội thể hơn bản thể.

Giấc mơ là sự có mặt của siêu hình. Tìm kiếm và giải mã giấc mơ là kiếm tìm và giải mã sự siêu hình.

Con người mọc trên bề mặt cuộc sống cũng lan man như cỏ. Nó chỉ khác ở Cỏ hai ý niệm: Tổ chức và Thi ca.

Nhà thơ luôn mong muốn mình trở thành một phù thuỷ thổi linh hồn cho Chữ. Nhưng chữ đã có một linh hồn thứ nhất mà không ai nhận biết.

Chữ đeo hồn nhà thơ như đá đeo núi, cát đeo hoang mạc.

Anh có bí kíp nào về Từ ? Quả thực chính Từ tìm ra bí kíp về tôi chứ tôi không có bí kíp nào về Từ.

Mi xài ngôn từ như xài bạc giả. Mi mua đủ thứ trong một bài thơ. Còn giá trị của bài thơ thì không mua nổi dù chỉ 1 từ xịn.

Phơi cạn 3 cái hố sâu trong đầu mi: Máu đỏ, Chữ xanh, Hồn rách tướp.

Thật khó khăn khi mi kết thúc bằng một câu thơ. Vì cả bài thơ đã là một đáy huyệt chôn nó.

Anh hiện sinh? Bạn hiện hữu? Thơ hiện thực? Tôi hiện tại?

Đừng cắt nghĩa, đừng lí giải. Thơ bỏ quên hai ý niệm đó từ lâu rồi!

Một thế giới ngổn ngang và chết chóc bỏ phía lại sau bài thơ. Ngay chính cả tác giả nó.

Run rẩy linh hồn. Hình như chữ ướt?

Tôi nhớ mãi trong kí ức một nhà ga, một ánh đèn. Những bài thơ quạnh hiu là những nhà ga không ánh đèn.

Khi đắm chìm vào đêm tối, hồn nhà thơ vẫn lấp lánh từng dải sáng. Bài thơ là cuộc giải mã luân phiên từ các dải.

Có những bài thơ được sinh ra mà các nhà thơ không muốn đọc lại nó. Nhưng bài thơ vẫn không chết. Nó tồn tại nhởn nhơ và suồng sã trên giấy. Nó chờ nhà thơ kết cục phải trở về để cùng chôn chung một đáy huyệt.

Sống đã phiêu lưu, chết còn phiêu lưu hơn.

Đọc và xoá những gì đã được viết ra. Trong tôi hiện tồn cơn đau dai dẳng.

Nhà thơ: Thêm dấu huyền (`) để thành nhà thờ. Đội thêm dấu mũ (^) để thành nhà thổ. Ma quỉ thánh thần chôn chung huyệt.

Viết: - Có mở đầu không kết thúc. Bởi kết thúc chính là mở đầu.

Những câu thơ trước hết tự cứu rỗi chính nó trước khi cứu rỗi nhân loại.

Không ai thấy được chân dung gió. Ẩn giữa hư vô nghìn con mắt loá…

Mỗi người dù khiêm tốn nhỏ nhoi vẫn có một chỗ đứng riêng của mình.

Một bài thơ không chỉ nổ lực của ý chí mà còn nổ lực của ý niệm.

Năng lượng là sự tập trung của các hạt. Bài thơ là sự giải phóng độ phân giải từ các hạt ấy.

Thi sĩ, kẻ đã đào trong hầm thời gian để lấy ra những quặng thơ.

Xuất hứng: Kiểm soát một bài thơ như mê trấn một cơn điên.

Dưới đáy ngôn từ là xác của nhà thơ.

Càng viết càng đi xa nơi xuất phát của mình. Nhưng khi không còn tìm thấy điểm xuất phát là y đã lạc lối sáng tạo.

Khi mi trẻ mi thấy ngày tháng thật già. Khi mi già thì mi cảm thấy ngày tháng trẻ. Mi lẫn lộn mi với ngày tháng.

Tôi làm thơ ư? Không! Đó là hình bóng bỏ lại!

Có hai thứ đáng tranh chấp: Thơ hoặc Thời gian. Thời gian hoặc Thơ. Để thời gian Thơ.

Trên dòng của thời gian tôi chảy. Trên dòng của câu thơ máu chảy.

Đôi khi tôi thấy vốn Từ đã có thật già nua. Càng sử dụng bừa bãi chúng càng già nua. Nhà thơ cần tái tạo lại khả năng chúng trong những bài thơ non trẻ.

Thượng đế đã chết! Vâng, thì Thượng đế đã chết. Nhưng Nguyễn Hữu Hồng Minh vẫn chưa chết. Hắn vẫn có quyền sáng tạo những bài thơ ngang quyền hạn của Thượng đế.

Nhiều khi chúng ta mong có những cuộc đời mà lại quên đi chúng ta đang có một cuộc đời.

Chúng ta nuôi lớn những đỉnh cao khát vọng bằng những hố sâu của thực tại.

Tôi đã trôi ra khỏi ngày tháng để nhìn lại những ngày tháng.

Càng vươn tới đôi tay hắn càng dài ra như hai cọng dây.

Nếu đi tụt lùi mà trở lại được đúng ngưỡng đầu tiên đã xuất phát thì thật quá tốt.

Với nhiều người, nói, càng bỏ xa những gì cần nói.

Tôi đang tìm kiếm các biểu tượng và tự tôi sẽ chiến thắng các biểu tượng. Để tôi có thể trở thành một biểu tượng.

Đôi khi chúng ta tự cắt bỏ trí nhớ nhưng vẫn có lúc trí nhớ cắt bỏ chúng ta.

Những bài thơ không có thời đại là những bài thơ không có chân dung.

Trở lại một ý niệm: Thơ là gì? Tôi thấy nó nhạt nhoà như một cái chết.

Tôi không thuộc về ai. Tôi thuộc về Thơ.

Với thời gian, tháng ngày là mẻ lưới và tôi là con cá. Với câu thơ, tôi là mẻ lưới và thời gian là con cá.

Từ là quặng quí trong hầm sâu thời gian.

Tôi bỏ tất cả những dòng để chỉ đổi lấy một dòng.

Nghệ thuật ở bên ngoài tất cả và vượt lên trên tất cả. Ngoài tác giả và trên cả tác giả đã sáng tạo ra nó.

Ta chỉ gặp lại một nỗi đau trong muôn vàn gương mặt không giống nhau.

Dưới đáy câu thơ là một tâm hồn chưa mọc cánh.

Tôi kinh ngạc khi thấy rằng rốt cuộc bất kể ai cũng phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời quá nhiều trầy sướt và hung bạo. Tôi kinh sợ nếu một ngày ngôn từ quay trở lại khủng bố những điều dối trá mà những nhà thơ bội phản đã từng gá hình theo nó.

Chúng ta nghĩ chúng ta đang viết những câu thơ thả trong lòng thời gian. Thực ra phần lớn các bài thơ bị ném ra bên ngoài bức tường nó.

Không hiểu sao tôi vẫn còn sửng sốt trước những cái Ác không giới hạn của những người thân quen.

Còn gì nữa! Mọi thứ đang bị thời gian làm sáng rõ và cắt vụn. Sao tôi vẫn còn không ngớt phiêu lưu về chốn này?

Trong bài thơ xương sống của nó chỉ thuộc về một, hai câu thơ. Tôi viết ngắn. Tôi muốn đi thẳng vào cấu trúc xương sống của nó. Xác phàm bỏ lại.

Chúng ta cứ mãi suy tư làm sao về một thế giới tươi đẹp hơn trong khi chính thế giới mỗi lúc một cằn cỗi và xấu xí hơn.

Càng vội vã viết càng sớm đưa thơ lên đoạn đầu đài.

Những bài thơ kiệt xuất chính là phác hoạ đúng gương mặt tinh thần. Trôi qua thời gian không già không cũ.

Nếu cảm thấy không còn hấp dẫn thì có lẽ không nên viết nữa. Bởi anh không hấp dẫn chính anh thì làm sao hấp lực kẻ khác?

Không phải kim loại nhưng ngôn từ là thép lạnh theo thời gian không hàn rỉ.

Chúng ta chưa xây nổi một Nghĩa địa thơ bởi khó hình dung là nó phải lớn cỡ nào?

Có những câu thơ đã chớm xuất hiện trên vỏ kí ức nhưng vẫn không thể viết ra giấy. Vẫn còn thiếu một điều kiện nào đấy!

Lao động sáng tạo! Tôi sợ hãi điều ấy nhưng vẫn không thể phủ nhận điều ấy!

Ngôn từ có hai tính chất: Nếu nó chết, nó sẽ chết ngay tức khắc, không chết từ từ. Nếu nó sống, nó vụt sáng toàn khải, không đợi thì tương lai.

Nhà thơ: - Người thêu ngôn từ trên khung lụa thời gian.

Trần Dần viết rằng: - “Không có gì chống nổi cái kim đồng hồ!”. Nhưng bản thân ông đã chống đỡ cả một thời đại.

Làm sao vẽ được đường biên trong tâm hồn? Câu thơ chứng minh cho tôi điều ấy.

Tôi đã mòn rồi! Chữ rãi trên giấy vô cảm như nước chảy thời gian.

Trong một đời sống tầm thường chỉ đề cao được những giá trị tầm thường.

Không ai biết tôi bằng tôi biết tôi.

Những ý rời, chiết lại, thành một Bó-tư-duy.

Hình thức cần cân xứng nội dung. Nhỏ đẹp. Vừa vặn.

Tôi bảo vệ tôi? Ai bảo vệ Thơ?

Tôi đặc biệt lưu ý các anh rằng với thế giới sáng tạo của tôi, ngôn từ không chỉ biểu đạt, ngôn từ còn là kí hiệu. Anh muốn nắm bắt được nó, phải thông qua hệ thống của tôi.

Những bài thơ bất tử vẫn uẩn khuất một oan hồn nào đấy!

Thơ loại trừ phép so sánh. Thơ là độc sáng!

Nhà thơ và bài thơ, anh tin ai? Thực tế có những bài thơ mà chính nhà thơ cũng không tin rằng chính mình là người sáng tạo.

Trong sự tăm tối của tâm hồn đã tìm thấy cái chết của những kinh nghiệm mửa máu.

Tôi còn biết làm gì trong thời đại này? Tất cả các mô-đun (mẫu) đã có sẵn hết rồi!

Tôi rất kì lạ khi biết rằng có những người sống hết cả cuộc đời mình mà không hề hoen rỉ.

Thơ anh cho thấy được sự phải trả giá của anh.

Đời rỗng mòn. Thơ quạnh hiu. Chữ là những ổ khoá kín.

Đôi khi tôi xấu hổ vì không thể giấu được chính mình sự bẽ bàng. Thơ là những dòng lệ ứa.

Không có cái toàn thể chỉ có những thực thể.

Không có nhà thơ nào tránh khỏi những suy tư về thời đại của mình. Sự suy tư đó chỉ kết thúc khi chính y mơ bén rễ ở tương lai một thời đại khác.

Cái Hèn, cái Ác của nhà thơ, thời đại nào cũng vậy!

Thơ trẻ rồi có ngày thơ già. Chỉ có thơ mang tinh thần trẻ thì sẽ không bao giờ già.

Thơ là chứng nhân. Vậy ai chứng nhân cho thơ?

Ngày tháng buồn, đẹp, rã rời. Thơ rã rời, đẹp, buồn.

Đôi lúc những câu thơ đẹp vẻ… không thơ.

Khi nhà thơ đã nằm trong huyệt mộ thì những câu thơ kết trái trổ bông. Nó đẹp huyễn hoặc và lơi khơi thế thôi. Chả là gì khác!

Tôi huyễn hoặc. Anh huyễn hoặc. Thời đại huyễn hoặc.

Một hôm tôi thử tôi vắng mặt. Tôi vẫn thấy cuộc sống vui vẻ thế. Thậm chí còn hơn thế nữa.

Tranh luận ư? Quay trên chữ như những con mòng.

Việc gì tôi giận anh khi anh không hiểu thơ tôi. Tôi còn không hiểu nữa mà!

Chúng ta ở trong nhiều trạng thái và chỉ có một trạng thái tình cờ lạc vào tình huống cần phải viết ra. Vì thế, muốn hiểu bài thơ buộc phải tìm lại trạng thái trào hứng.

Những vẻ đẹp tinh thần thì luôn nghi ngờ.

Cái chết của vật chất chính là cái chết của Chữ.

Sự bất ổn của dòng chảy cuộc sống lại mang về một gương mặt chuẩn mực của thi ca.

Không phải ngày mai thế giới có còn anh, còn tôi hay không. Lần lượt nó không còn ai tất.

Ta tìm được kinh nghiệm của tháng ngày không bằng ta cảm nghiệm được tháng ngày.

Bội bạc ngôn từ. Bội bạc thơ.

Những câu thơ hay là những câu vuột ra từ tiềm thức, vô kiểm soát, không lí trí. Nó cho thấy một khả năng phi thường của con người.

Thơ Tự do? Tân hình thức? Hậu-hiện đại? Hình thể không quá quan trọng. Tất cả chỉ là những bao tử của vấn đề. Quan trọng là đang có cái gì để xay, để nghiền trong bao tử?

Tôi muốn mỗi câu trong Vỉa Từ là một hình thức mới (âm tiết không đều nhau) mang chứa một nội dung mới (Mọi vấn đề đan xen nhau).

Cãi nhau vì cái vỏ. Không tìm được hạt nhân.

Anh tìm mọi cách loại tôi ra khỏi cuộc chơi? Ai chơi với anh?

Rốt cuộc thì cuối cùng tôi đã nhận ra một điều: - Bằng mọi cách chúng ta đang cố làm cho tâm hồn nhau tan nát.

Tôi không bắt đầu, không kết thúc. Tôi ở lại.

Trong cái Tôi của tôi lẫn lộn một ngàn cái Tôi khác.

Có đôi lúc mỗi câu tôi viết như tiếp tục vạch lên một vết rạch trong tâm hồn.

Khi anh tư duy anh có thể viết ra ngàn vạn điều hay. Vấn đề là anh có chịu tư duy, có chịu viết ra hay không?

Tôi không ngạc nhiên vì người khác. Tôi chỉ ngạc nhiên vì chính tôi. Thì ra điều ấy đơn giản vậy!

Tiềm thức thật dữ dội. Nó cho thấy khả năng của con người. Ý thức thật nghèo nàn. Nó cho thấy sự bất lực của con người.

Đôi khi tâm hồn như cái thùng rác, nhét vào đó đủ thứ vặt vãnh.

Khi trí tuệ đã chết thơ được lặp lại bằng kinh nghiệm.

Có một hiện thực chìm trong vỉa thời gian nổi…

...

Sóc Trăng - Miền Tây 6.2002
Hà Nội - Sài Gòn 2004

© 2007 talawas

[1]Xin xem các lý do có liên quan tại blog cá nhân của Nguyễn Hữu Hồng Minh.
[2]100 câu đầu tiên của tập thơ này đã được giới thiệu trên eVăn năm 2004, nhưng cũng như nhiều tác phẩm khác, nó đã không còn được tìm thấy ở kho lưu trữ.

Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh năm 1972. Anh là một trong những tác giả thường được nhắc tới trong các cuộc tranh luận về thơ trẻ Việt Nam những năm 1999-2004. Hiện Nguyễn Hữu Hồng Minh là nhà báo ở TP HCM. Chi tiết về tác giả, tác phẩm và các bài viết liên quan, xin xem tại blog cá nhân của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Tác phẩm Giọng nói mơ hồ, tập thơ, Nxb. Trẻ 1999; Chất trụ và những bài thơ khác, tập thơ, Nxb. Thuận Hoá, Huế 2002; Tháo đáy, tập truyện, Nxb. Thanh Niên 2000; Lỗ thủng lịch sử, Tiền Vệ 2005; Bất động (tiểu thuyết, đang giới thiệu thành nhiều kì trên blog cá nhân).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài