talawas chủ nhật

 


Thơ :: 24.02.2007
Cung Trầm Tưởng Việt Nam 1968 và bốn bài thơ khác
Cung Trầm Tưởng
Cung Trầm Tưởng

Tháng 11 vừa qua, tôi có dịp gặp nhà thơ Cung Trầm Tuởng tại nhà riêng của ông ở Saint Paul, Minnesota. Ở tuổi 75, ông còn rất tráng kiện, hoạt bát, nói chuyện say mê hàng giờ về thơ ca, chính trị. Ông vẫn đang làm thơ, viết hồi ký, và dành thời gian chép sửa lại những sáng tác chưa xuất bản.

Cung Trầm Tưởng là nhà thơ rất nổi tiếng trước 1975. Đọc giả, tuy vậy, phần lớn biết đến ông chỉ qua thơ tình, nhất là những bài được Phạm Duy phổ nhạc. Bằng những hình ảnh mới lạ Tây phương và một thứ ngôn ngữ trau chuốt nhưng tân kỳ, Cung Trầm Tưởng đã viết những bài thơ tình đẹp nhất của văn chuơng miền Nam: “Chưa bao giờ buồn thế”, “Mùa thu Paris”. Ông cũng là một trong những người làm mới thơ lục bát. Nhà thơ Viên Linh cho rằng: “Nói lục bát Cung Trầm Tuởng tức là nói đến một đỉnh cao nhất của thể thơ truyền thống Việt Nam, vào những năm năm mươi đó, từ bài ‘Sinh nhật’”.

Nhưng Cung Trầm Tuởng không phải chỉ là nhà thơ tình. Ra hải ngoại sau mười năm “cải tạo”, ông in ba tập thơ ghi lại những kinh nghiệm tù đày cay đắng, những suy tư trĩu nặng về quê hương đang ở trong giai đoạn mà ông cho là “đen tối nhất của lịch sử đất nước”. Thật ra ngay từ cuối thập niên sáu mươi, Cung Trầm Tuởng đã có những sáng tác mang tính thời cuộc xã hội; những bài thơ, tuy vậy, hầu như không được biết đến vì chưa bao giờ in vào sách hay tạp chí. Trong cuộc gặp ở Saint Paul, Cung Trầm Tuởng có cho tôi xem bản thảo những bài thơ này. Được ông cho phép, tôi nhờ nhà văn Phan Thế Yên đánh máy lại và giới thiệu vài bài dưới đây. Phan Nhiên Hạo


Cung Trầm Tưởng

Việt Nam 1968 và bốn bài thơ khác



Việt Nam 1968

Trong cuộc sống gài dối gian
Mỗi bước đi là dò dẫm
Trên một bãi mìn ngầm

Mỗi ý thoạt tiên là mở lộ
Vào đục xám như sương mai
Của những cái nhìn ám muội

Mỗi tiếng nói ra một dấu vấn
Sự điên rồ là không biết làm thinh
Khi sa giữa một rừng tai mai phục

Mới đêm nao con vòi khóc với mẹ cha
Sớm hôm sau pháo rớt chết cả nhà
Núi đứng câm, sông cũng không ngùi nước mắt

Trên triền sống chuồi bấp bênh
Khó tìm ra quân bình thế
Sao mắt tôi còn ấm lệ

Hay tôi khóc vì đứng nghe
Rồi thấy mình không ngoại cuộc
Đời reo lên như một giác đấu trường

Mũ áo xênh xang chờ xem một thiên đường nhuộm phẩm
Người sống say mềm bằng những sấm ngữ viết hoa
Đến cái chết cũng là dịp để bày phô sặc sỡ
Những màu cờ ảo hoạn
Những áo mị hương hoa
Một liên minh đàn đúm
Sum suê lái xác với buôn hòm

Trong dòng sống ngầu rối ren
Chúa treo trên móc sắt
Những bàn tay xưng tội

Người sang người bằng những cái nhìn nứa nhọn
Rào đời cao như một chiến ấp
Với mỗi nửa đêm linh hồn kẹt đạn
Dõi mắt chờ mà không thấy hoả châu


Tiếng gọi đầu năm

Gọi sang đất thù
Bạt phủ trăm linh năm [1]
Cho rừng yên giấc ngủ

Gọi sang núi địch
Tháo kíp nổ năm trăm pound [2]
Để con về thăm má
Đường quê xuôi thong thả

Gọi sang lũng mù
Không ánh sáng hoả châu [3]
Để tình nhân đau đáu
Thắp đuốc đi tìm nhau

Gọi sang chốt uất
Chẳng M trăm mười ba [4]
Để đồng xanh yên ả
Cưu mang những mầm mạ

Gọi sang hố hận
Gác giá M bảy hai [5]
Để lành lặn chân tay
Mai về trùng tu xứ sở

Gọi sang luỹ hào lì
Tháo gỡ rào kẽm gai
Mai xây lên trường học
Nơi chiến trường thảm khốc

Gọi sang não cân căng
Tiếng chuông chùa dìu dặt
Nhạc thánh đường réo rắt
Nguôi bỏng rát hờn căm

Gọi sang tâm đa mang
Bằng tiếng gọi bắc ngang
Qua con sông u ám
Một chiếc cầu thông cảm

Gọi sang tâm kiêm thương
Bằng nhịp điệu thuần lương
Của tim rung để nhớ
Khóe mắt nhìn để mong
Hàng mi buông để khóc
Khi thấy mỗi chúng ta đang đánh mướn
Trận chiến phá quê hương, giết tình người

Gọi sang phía người
Nửa đêm chuông hưu chiến
Pháo nổ đón xuân sang
Mười phương kinh cầu nguyện
Hoà bình này vĩnh viễn
Mẹ Tổ quốc an khang
Sinh trăm con kháng kiện
Trên quê cha vinh hiển


Chúc thư của một người lính vô danh

Nếu ngày mai cam phận tôi lên đường
Về một miền trời nồng mùi thuốc súng
Xin các người đừng tụ tập lăng xăng
Đừng đọc diễn văn, trương cờ xí
Đừng uý lạo tặng quà
Quàng vòng hoa chiến sĩ
Đừng chu choa tiếng kèn đồng
Bởi cái chết là một món hàng vô giá
Không lễ tiễn đưa nào chuộc được

Nếu ngày mai tâm lí chiên đàn
Lùa toán quân lao vào chiến địa
Mìn mù loà xé xác chiên ngoan
Xin các người đừng đến lầm rầm trước linh vị
Vinh danh tôi anh hùng liệt sĩ
Bởi cái chết giờ là
Một quan tài gỗ tạp – nếu có –
Đóng bằng ván lạnh lùng
Và đinh sắt lãng quên – vô ơn
Màu thời đại

Nếu ngày mai say mùi thuốc súng
Tôi miên du trong mưa đạn
Phiến ngực gầy làm tấm khiên che
Thân bung tung như xác pháo
Theo nhịp cười rồ dại cỗ liên thanh
Của một xạ thủ nằm rình
Bên chiến hào đối mặt
Hắn cũng như tôi
Đang say mùi thuốc súng
Mùi mê yên mị dược
Đánh thuốc lú hồn ta
Đang vô thức miên du
Trước khổ đau đồng loại

Vậy
Nếu vì cuồng vọng một người
Một triệu người phải ngã xuống
Vải tang sô không đủ để quấn đầu
Muộn sầu triệu nàng goá phụ
Vật vờ triệu mụn con côi
Tôi xin các người đừng đến cúi đầu mặc niệm
Tỏ tiếc vong linh người chồng / cha vắn số
Rồi ra về ngồi kí lệnh trưng quân
Lấy thịt đồng bào làm mồi cho súng ngoại
Bởi giết chóc này vô luân và phi lí
Chân lí không hồng, cứu cánh không xanh
Tôi muốn ngã xuống máu trắng
Trên một lằn ranh màu trắng

Nếu ngày mai giữa khói lửa đỏ rực trời
Tôi bị hút vào từ trường phía trước
Viên đạn nào vô giác xoáy đầu tôi
Xin các người đừng làm trò thiểu não
Đặt vòng hoa phúng điếu, phân ưu
Biểu dương công trạng trước quân kì
Bởi mạng Việt Nam các người coi rẻ rúng
Tấm bạt thô phủ vội xác gầy gùa
Khách bộ hành hấp tấp bước băng qua
Không ngoảnh lại

Di ảnh tôi
Xin các người đừng phóng lớn, phô bày
Trong công viên, ngoài phố xá
Bởi sinh thời thường tránh chốn lao xao
Chỗ chợ người bon chen bát nháo
Tôi muốn được chết âm thầm, tan loãng giữa vô danh
Một vết xước nhợt nhoà
Trên vô tình lịch sử

Nay
Để hồn nhẹ nhõm lúc ra đi
Xin trả đủ lại các người
Những huy chương láng coóng
Những chiến tích mạ kền
Những hoa hòe hoa sói
Những loá mắt lập lòe
Một thiên đàng mộng hoạn
Một chiến sử không vui
Một nghĩa địa hoang vùi
Triệu anh hùng mê muội
Phận mỏng con thiêu thân
Lao vào lòng hoả ngục


Từ triền tiệm cận cất bay lên đời

Lời lền quện nhựa ê a
Lưỡi chua loét cặn trời sa tù mù
Ngà ngà mặn muối thiên thu
Rêu nhơm nhớp máu, mốc u ẩm hồn
Nhang xiêm ngải, khói buồn nôn
Sắt đinh tanh tười, búa dồn dập phang
Rơi son, rã nhũ, bung vàng
Chão thừng bực bội, ván sàng động dao
Buông xuôi tay, rỗng sọ đầu
Mung lung một giấc hồ nào chửa quen
Bên kia lẫn tiếng trùng rên
Áng chừng rười rượi còn chen lời người
Tung chăn, bật nắp quan tài
Ngỡ ngàng nghe tiếng đời ngoài rộn vang
Khuyên kêu đến, sáo nói sang
Một hôn phối mới dệt đan nếp đời
Một hồng sợi nối muôn nơi
Nắng trao nhẫn cẩn ngọc trời lung linh
Hồn từ thức giấc u minh
Chứa chan niềm nỗi hoan sinh chưa từng
Dẫu dù đời có đêm bưng
Vẫn kiên ủ một sáng bừng bình minh
Diệt sinh mầm chốt trong mình
Sống là từng phút phục sinh diệu kì
Sau mai đi sẽ trở về
Lướt qua trần thế một vì sao băng


Linh hồn

Cứu rỗi hồn làm chi
Từ khi hồn hôn ám
Thâm nám màu hồ nghi
Chiều mưa quây cửa ngục
Thắp nến niệm tâm kinh
Vẫn thấy mình lạc lối

Thôi con biết con biết
Sau lú lẫn tin dâng
Hư vô lùa bóng tối
Vào xoá lối thiên đường

Hồn giờ đi chân đất
Lật đật lối cô đơn
Ngã ba phố chập chờn
Ánh đèn vàng lửa ngục

Súng xa vang liên vận
Quỷ hận rống ven đô
Bàn tay mưa xô xoá
Chiếc bóng goá mơ hồ
Loãng tan đêm thuỷ hoạn

Đừng tự làm khách sạn
Cho ở tạm đời mình
Phải tự mình làm ngói
Lợp kín mái hồn mình

Cũng đừng làm xe khách
Chở hành khách là mình
Phải giữ mình thường trụ
Chỗ trú mình là mình

Đi là để trở về
Nồng nàn một điểm hẹn
Nhất phiến chiếc linh hồn
Giữa bão bùng dâu biển

© 2008 talawas

[1]Đại bác 105 li
[2]Bom 500 cân Anh
[3]Đèn dù từ máy bay thả xuống soi sáng chiến trường
[4]Thiết vận xa M113
[5]Đạn M72 chống tăng

Cung Trầm Tưởng Tên thật là Cung Thức Cần. Sinh năm 1932 tại Hà Nội. Vào Sài Gòn năm 1949. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Cựu trung tá không quân Việt Nam Cộng hoà. Tù cộng sản 10 năm. Hiện sống tại Saint Paul, Minnesota.

Tác phẩm đã xuất bản Tình ca (Cùng Phạm Duy, Ngy Cao Uyên), Lục bát Cung Trầm Tưởng (Con Ðuông), Thám hiểm không gian (dịch, Dziên Hồng), Lời viết hai tay (thơ 1999), Bài ca níu quan Ttài (thơ 2001); Những dấu chân trên một triền phiếm định (thơ 2002), Toàn tập thơ Cung Trầm Tưởng 1948 - 2008 (sắp in)

 
gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài