talawas chủ nhật

 
Thơ :: 25.06.2006
Nguyễn Lương Ngọc Thơ tuyển
Nguyen Luong Ngoc
Nguyễn Lương Ngọc

Nguyễn Lương Ngọc (1958-2001) là người để lại nhiều ấn tượng mạnh trong giới văn nghệ Hà Nội. Người ta thường nhắc tới ông với chuyến đi bộ xuyên Việt mà ông cùng nhà văn Hoà Vang thực hiện, tới những cuộc tranh luận nảy lửa trong các buổi họp mặt bạn bè, song trên hết, Nguyễn Lương Ngọc được các bạn văn nghệ nhớ đến như một nhà thơ có cá tính mạnh mẽ và là một người dấn thân quyết liệt cho đổi mới thi ca.

Nhân kỷ niệm năm năm ngày mất của Nguyễn Lương Ngọc, nhà văn Tạ Duy Anh, người bạn đồng khoá IV Trường Viết văn Nguyễn Du, đã sưu tầm, tuyển chọn và cho xuất bản tuyển tập Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người (Nxb Hội Nhà văn, 2006). Tuyển tập gồm 117 bài thơ, chia làm 4 phần. Phần 1 gồm 21 bài, lấy từ tập Từ nước (1990); Phần 2 gồm 25 bài, lấy từ tập Ngày sinh lại (1991); Phần 3 gồm 43 bài, lấy từ tập Lời trong lời (1994) và Phần 4 gồm 28 bài, lấy từ sổ tay của vợ nhà thơ, lần đầu tiên được xuất bản. Bên cạnh phần thơ, tuyển tập còn có 6 bài "bình luận nghệ thuật" (chữ dùng của Nxb Hội Nhà văn) của Nguyễn Lương Ngọc và nhiều bài viết của các bạn văn nghệ.

talawas chủ nhật kì này trân trọng giới thiệu một chùm thơ của Nguyễn Lương Ngọc rút từ tuyển tập nói trên. Đồng thời, trong phần phụ lục, xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Dương Kiều Minh và nhà văn Tạ Duy Anh về Nguyễn Lương Ngọc.
talawas chủ nhật

Nguyễn Lương Ngọc

Thơ tuyển

 

Tuổi trẻ

Cùng ngày, mái tóc em xuất hiện, lá cờ đen
thức tuổi trẻ tôi, màu xanh phía sau trở nên ngờ nghệch
Thành thật, tự tin, nó hút tôi theo. Không thắc mắc, không đòi lý giải. Và đôi mắt, gương mặt, dáng hình. Ùa ra từ mái tóc độc ác, dịu hiền. Chẳng còn lạ gì, tất cả đều có thể, được quy định chặt chẽ, đầy đột biến.
Sớm mai, vải gối trắng hằn đôi sợi đen bí ẩn
Em chúm môi thổi bay.


Tìm gặp

Sau đường bay gắng gỏi không cùng
Anh đậu trên cành tầm xuân xanh biếc

Anh tới khi nào, tôi không được biết
Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi
Còn lại màng tơ đẫm nắng
Và dòng kiến ngược xuôi

Sức bao nhiêu ở cuối cuộc đời
Đủ chống những con kiến đói
Trong giống chuồn chuồn, anh còn trẻ thôi
Hay đã ngả chiều mệt mỏi

Anh không thể cất mình lên nổi
Hay chọn đây làm chỗ gửi thân
Đàn kiến đến khi anh vừa khuất
Hay đang mơ chao lượn giữa trời

Tôi đã rón rén từng bước, nín thở
Mong giữ được một cơ thể biết bay
Nhưng chỉ gặp chút nỗi niềm ngọn gió
Mát mát đầu ngón tay.


Những cúc

Những cúc cúc đã nở
vàng vàng năm ngày rồi
chúng sẽ còn nở nữa
cả khi không còn ai

Đấy sắp xuân năm ngoái
mưa phùn thanh nữ mơ
ánh vàng thu
nhẹ tà áo
thiếu phụ lướt qua

Những cúc đã nở
vàng, năm ngày ư!


Đồng hồ vĩnh cửu

1.

Thắp đèn, bật quạt, vén màn, ngồi viết. Tôi thấy một sân khấu, mình vừa là tác giả, diễn viên diễn cương, vừa là người xem, vừa là chính tác phẩm và cuộc đời đang sinh ra nó. Cánh màn gió lất phất, nó đã lất phất, đang lất phất và sẽ lất phất, nói thế nào cũng đúng, cũng chính xác, vậy bỏ thì đi, nó lất phất.

*

Trên tường, trước mặt, có cái đồng hồ ba kim cứ giật giật chạy. Không rời mắt khỏi nó được, liền nhấc xuống, thì ra phía sau là một cửa sổ tròn. Sao lại tròn, không kính, không chớp, không gờ, then. Cửa sổ nhìn ra bể đêm hun hút trong trẻo. Mấy ngôi sao đang tắm, đang bơi, bao nhiêu đom đóm trong đám sao ấy?

Cũng không rời mắt được, một đứa trẻ giữa bể đang kêu cứu, sao nó giống mình thế, không nghe rõ tiếng kêu, muốn ra cứu mà không được. Cái đồng hồ đã nhấc xuống, không treo lên nữa, cửa đã mở cho thấy cửa. Ta không đóng lại nữa.


2.

Cái đồng hồ ba kim, kim giây là con, kim phút là bố, kim giờ là ông. Thế nào nhỉ, kim giờ là con, kim phút là bố, kim giây là ông!
Hai lần rồi, kim phút là bố. Bố là con của ông.
Vậy là cũng trong kim phút, kim giây và kim giờ thêm một lần sống
Cái đồng hồ đã nhấc xuống, đứa trẻ kia là thế nào, với mình.

*

Đấy, kêu cứu chán, giờ nó lại bơi, nghịch nước, làm như bể là một cái chậu. Nó toe toét cười.
Bố trẻ ơi, ông nhóc ơi!
Giờ nó ngồi, trang trọng, nghiêm nghị nhìn mình, nhìn xuyên qua mình. Bao nhiêu uy vũ ở một đứa trẻ.
Có cái gì đằng sau. Quay lại, lại một cửa sổ y như thế ngay chỗ mình tựa lưng. Nó vẫn đấy, lại toe toét cười, phô cái lợi hồng hồng. À, đã đôi mầm răng sữa.
Người ta trưởng thành làm sao nếu không có răng.
Đôi mầm răng sữa như hai cái mộng hoa.
Quê tôi ở làng Tòng Thái, huyện Ba Vì - chân núi Tản Viên có cái đầm, dân gọi đầm Long.
Đầm thiêng lắm, đồn truyền nhiều giải.
Đầm ấy sinh sông Tích, tôi tắm từ bé đến giờ.
Vốn đầm nhiều sen, mỗi mùa nở một cách. Là nói thế.


3.

Hoa sen nở không lựa chọn. Giữa đầm, hoa nở. Ven bờ, hoa nở, hái về nhà cắm vào lọ, hoa nở, và mang bày giữa người thích mặc cả, hoa vẫn nở.
Là hoa thì nở, dẫu biết nở là chết.
Khi hoa mãn khai, đẹp trọn vẹn, cũng là lúc cái chết hiển lộ, hay huyền lộ cũng vậy.
Thế gọi là sinh nở
Mẹ dạy, người ta là hoa đất
Đấy là câu vô thuỷ vô chung của các bài ca, các thi phẩm. Không đâu vắng nó cả.
Tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng chuông.
Bên chùa, sư nữ thở dài, người tính dậy tụng, lần tràng hạt, nghĩ thế nào lại thôi.
Nàng nằm, đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối. Tóc là gì?

Đôi vú nàng nhớ đôi môi của đứa con, đôi môi của người tình. Người yêu nàng, nàng yêu người.
Sao chẳng bên nhau. Không. Đột ngột nàng thét lên: Anh!
Tự nhiên những ngón tay măng búp của nàng, đã bao ngày của chàng, âu yếm đôi vú mình.
Tên chữ là đôi nhũ hoa.
Một con mèo thò đầu qua cửa rồi lững thững bỏ đi. Nó trèo lên đầu hồi trai phòng, ngồi im phăng phắc.
Mẹ dạy, người ta là hoa đất.
Mèo dạy tôi cách rơi, và đứng lên, một bông sen nở. Ở Trung Hoa cổ, người ta xem mắt mèo đoán giờ.
Xa em, anh thường khi nhờ mắt em mà đi đứng.


Viết cho mình

Ai bắt anh chăm chút cái chết ngày mai
từ gói kẹo cho con hôm nay.

Con gái tôi
nó tiếc không có sống mũi cao của bố
nó tự hào cổ tay thanh giống mẹ

Con gái ơi!

Về thanh thản trong giấc ngủ
sau cơn mơ sợ hãi
quờ chân tìm mẹ
rồi chân mình lại tựa chân mình

Hình dung nụ cười con gái
tôi không còn ái ngại

Hôn lên đôi môi hồng của thần chết
và nghe nàng dấm dứt khóc
ta chẳng đến được nhau
trên môi anh còn giọt nước mắt của trẻ.


Lý do
Gửi Thiều

Chúng ta, tôi, anh, em và ít người, tìm mãi lý do
Lý do của đất, của bùn, lý do nước sông về biển và biển tan nát mà không tan nát được
Không, vâng, tìm lý do của các loài cây, các loài thú, các loài đá, địa y và nấm mốc, tìm lý do của máu, một loài máu tự cho là cao quý bởi thực không gì làm cho nó bẩn được nhưng có thể làm cho nó biến mất.
Cũng như ta chưa bao giờ sinh ra, trên đời.
Lý do của những con chuột tủi hổ với những chiếc răng cứ mọc không ngừng,
và của những hạt thóc lép như ngực một người đàn bà chờ chồng không dám sống vì phải sống và của những cánh buồm cứ phồng những miếng vá lên vì nỗi niềm kẻ khác
và những con cá tầng đáy, những cốc tách nơi miếu thờ bị quên lãng, những bình vôi nơi một gốc gạo hoa đỏ rụng cuối mùa cho trò chơi của trẻ con.

và những cặp tình nhân lao vào nhau như những con thú điên cuồng bởi biết mình đang lao vào cái chết như một khuôn mặt đẹp mê hồn làm tôi câm họng
và lý do của lưỡi khô trong miệng không cho một người tốt
nói lời từ giã cuộc đời lẽ ra tuyệt vời mà chỉ còn ngậm ngùi nỗi niềm của nước lọc
Và lý do của địa ngục trong lòng bàn tay mịn màng làm tôi nghẹn ngào
Lý do của đàn kiến bu quanh xác một con mèo không hỏi vì sao con mèo phải chết.
Các lý do quây quanh biến ta thành ngọn gió lạnh nhớt ngu ngốc kiêu hãnh và cuối cùng ẩn mình trong hang thiêng như cái tổ của con rắn nước, hay một kẻ giết người phải trốn chạy rồi thành Phật.
Bạn ơi, lẽ nào, và tôi đang thấy mẹ mỉm cười, cha mỉm cười khói thuốc ấm một buổi mai trộn vào sương ủ mặt trời đang hé mắt cẩn trọng xoãi mình trên biển.

Trong mồ hôi đầm đìa những bắp thịt của một ngư dân, một vận động viên bơi ếch đang về đích, một thôn nữ áo phin môi nẻ vì hanh nhấp lại vị cái hôn trộm đứa con cầu tự của người bạn gái. Và con gái tôi mỉm cười bao dung khi tôi nằm nũng, đầu gối lên đùi vợ đọc lại cuốn sách về chiến tranh, thiếu nó, mất nó, thật khó ăn nói với nhau.
Bi kịch, lý do, chúng ta đi trên con đường gió gào không thể nhận dạng nhưng nhất định là nhân dạng
Và anh yêu em vì không tìm ra lý do, vì không thể không yêu em và vì cuộc đời khốn nạn này thật đáng sống, thật tuyệt chẳng có lý do nào khác.
Lý do đất đã mang tôi, nước mang tôi, và tôi mang tất cả trên đường về, một tia sáng xanh nhói lên trong ngực, uốn lượn và ôm chặt lấy em. Trên đường về.


Cứu vớt
Gửi anh T.T.

Trẻ con cứu vớt tôi
thoát khỏi thông minh

Người già cứu vớt tôi
thoát khỏi độc ác

Người mẹ cứu vớt tôi
thoát nỗi kẻ khác

Người đàn ông cứu vớt tôi
khỏi những điều... thôi!

Lặng lẽ đi
lặng lẽ hát
lặng lẽ gầm thét

Gặm cuộc đời mình
trình cuộc đời
một cái cây đâm chồi
một tảng thịt tươi
cánh chim đã nghỉ ngơi
sau đường dài

Ai đi cùng tôi, được cứu vớt
Ai đi cùng ta, được chết
Em yêu, hãy hôn
rồi từng nén từng nén hương.


Liên bút từ sen Huế

1.

Sen nở như không biết người âu sầu
Hay sen cũng âu sầu mà người không biết
Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ
ngàn đời
Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im


2.

Ta đã ở hơi lâu trong cõi bụi
Mừng thầm mắt còn thấy bụi, lại buồn thầm
Không được là trẻ con, cũng không hẳn là người lớn
Sen có hiểu ta yêu ngọc của lá xanh,
Nhưng em, em không, em bảo ta không thể còn là ngọc của lá xanh


3.

Hai bông sen dành cho em, một bông đã nở
lúc ban mai
Nhưng em không còn thấy bông nào vì giờ chúng đã úa tàn và không nhìn người nữa
Nhưng em, em có muốn nhìn anh như màu chiều muộn hừng bên hồ Tịnh Tâm
Dư quang sen còn thầm nhắc lời, anh yêu em


4.

Và cửa Ngọ Môn chiều hỏi anh
Cửa Thượng Tứ trưa hỏi anh
Cửa Hiển Nhơn sáng hỏi anh
Sen nở kia, sen nở kia, sao người còn u buồn
Thấy chăng ánh lê minh sen mang qua tháng năm
Trong mắt thiếu nữ dõi xa xăm


5.

Tôi giang tay và em bé xa lạ trở nên thân quen ùa vào tôi
rồi cười khúc khích, rồi quẫy ra và bơi quanh tôi như con cá chơi với đốm nắng trong ngần
Em bé ơi
Anh bông hoa nhỏ của mặt trời
Bay theo gió tình
Trong như giọt nước mắt em ứa ra khi vừa bơi vừa cười rồi sặc nước
Anh và em chúng ta sẽ bơi dọc ngang
xuôi ngược dòng Hương
Linh giang, Linh giang
Ba em bơi theo sau, vừa bơi vừa gọi

Hãy trở lại hãy trở lại
Con bơi cùng người ấy đi đâu
Người như đốm nắng nhảy múa
Sẽ ở lại trong ngực con khi mặt trời đi ngủ
Và em ơi
Anh sẽ ở trong ngực em, cùng em nép vào ngực chàng trai em yêu
Khi em nhìn sâu vào mắt chàng
Sẽ mắt anh nhức nhối dịu dàng
Một gương sen trong vòng tay của nhụy vàng.


6.

Buổi sáng chồm dậy, những bông sen vươn thẳng
Rũ những cánh trắng, từ bỏ cái đẹp của hôm qua
Để tới cái đẹp của hôm nay
Nhớ những bông sen của tuổi em
Không rõ chúng có được dáng vươn thẳng thanh thoát
Như những người bạn cùng tôi
Trên con đường vừa thẳng vừa cong
Tới những vương triều phế tích
Con đường vừa rộng vừa hẹp
Nhiều hoa nở nhiều hoa tàn
Vừa đi vừa chơi với trẻ con
Muốn quỳ xuống trước nụ cười của bé gái
bơi truồng nhìn ra tôi là cá

Muốn muốn
Nhìn người yêu và thiếp ngủ, mớ khóc ầm ĩ, âm thầm
Không khóc làm sao chịu nổi
Sông Hương, những con thuyền dài ngái ngủ giấc vét
Ta không còn được ngủ vì mặt trời chia ly đã đến, chìa những ngón tay tin cậy óng vàng
Những nhụy sen dặn dò ta, giọng đượm hy vọng
Người không thể nào đo được ân đức của ta
Tình yêu với những yếu ớt của tim người.

Huế 21/5/1993


Nguồn: Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2006. Các bài đăng trên talawas có sự đồng ý của nhà văn Tạ Duy Anh, người sưu tầm, tuyển chọn và biên tập cuốn sách.

 

Phụ lục

 

Dương Kiều Minh
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, như tôi đã biết



Đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc bất ngờ gặp hiểm nạn năm 1996, mấy năm sau rồi mất, anh để lại cuộc cách tân thơ ca đầy hứa hẹn với triển vọng của một sức bật mãnh liệt và vạm vỡ, đã gây nên sự chấn động trong giới văn chương và một số bạn bè.

Việc nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc bạo liệt trong công cuộc cách tân thơ ca - từ công việc sáng tác thơ đến những cuộc tranh luận thuyết giảng đầy bão lửa với những đồng nghiệp; rồi cuộc xuyên Việt - cuộc đi bộ trường chinh hùng vĩ của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà văn Hoà Vang, không chỉ trong giới văn nghệ sĩ mà nhiều tầng lớp khác trong xã hội quan tâm khá nồng nhiệt.

Tôi được nghe lại khá nhiều luồng thông tin từ nhiều phía, bình luận về anh trong lúc anh còn sống. Dù sao mặc lòng, ngay cả lúc ấy và cả bây giờ, trong tôi không phôi pha hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc - một nhà thơ, một người phê bình nghệ thuật có cá tính và một người bạn.

*

Nguyễn Lương Ngọc sinh năm Mậu Tuất (1958) tại Sơn Tây, nguyên quán của anh là ở Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Tây. Thân phụ anh là kịch gia nổi tiếng Nguyễn Khắc Dực, nhà cách tân sân khấu Việt Nam đầu tiên, từ thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ XX, Nguyễn Khắc Dực truyền phổ tinh thần nghệ thuật sân khấu của B. Brecht vào sân khấu của Việt Nam. Đương nhiên, lớp người lớn lên sau những năm 70 của thế kỷ trước ít người được biết đến cái tên kịch của Nguyễn Khắc Dực, nguyên nhân là từ những dấu tích, của một giai đoạn thật khó quên, nhưng cũng không dễ nói một chút nào. Do phụ trách một tờ báo văn nghệ của địa phương, tôi đã từng đặt vấn đề này với nhà thơ Thế Mạc (người cùng thời và cùng sống ở Sơn Tây với Nguyễn Khắc Dực) khi nhà thơ Thế Mạc còn khỏe; rồi có một dịp đi cùng với nhà cách tân chèo nổi tiếng Trần Bảng (mặc dù tôi nghe một số bạn bè cho biết, gần đây ông có tuyên bố trên báo rằng việc cách tân chèo của ông là hoàn toàn sai lầm và thất bại) về thăm quê ông ở Cổ Am, Hải Phòng nơi có nhà thờ bằng đá do ông nội Trần Bảng để lại, Trần Bảng là cháu gọi nhà văn Khái Hưng bằng bác và là con trai nhà văn Trần Tiêu. Trên đường về, tôi cũng đặt vấn đề này và nhờ nhà thơ Hàn Thuỷ Giang tới ghi lại những kỷ niệm của cụ Trần Bảng về nhà viết kịch Nguyễn Khắc Dực.

*

Tôi biết và quen với Nguyễn Lương Ngọc từ năm 1981. Khi ấy chúng tôi cùng công tác ở Công trường xây dựng Thuỷ điện Sông Đà, Hoà Bình. Tôi nhớ không rõ lắm, hình như Nguyễn Lương Ngọc đến thăm tôi lần đầu tiên là đi cùng anh Nguyễn Bá Cự, một người làm thơ và viết bút ký - Nguyễn Bá Cự có quen tôi từ trước, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Bá Cự cùng công tác ở công ty Đường Hầm. Khi ấy, Nguyễn Lương Ngọc vừa hoàn thành nghĩa vụ ở Cao Bằng. Trước đó anh đã tốt nghiệp Đại học Cơ điện.

Thời gian này Nguyễn Lương Ngọc đang mê đắm một nhà thơ nổi tiếng của Liên Xô đó là Maiacôpxki. Đương nhiên, thời kỳ đó khá đông đảo các nhà thơ và người làm thơ nước ta coi Maiacôpxki là thần tượng của riêng mình. Có người tiếp thu được tinh thần của thơ Maiacôpxki, nhưng cũng khá nhiều người chỉ tiếp thu được phục trang của ông.

Nguyễn Lương Ngọc không chỉ tiếp thu được tinh thần của nhà thơ Nga đặc biệt này, mà tôi thấy hình như trong cấu trúc tinh thần của con người Nguyễn Lương Ngọc cũng có một cái gì đó hao hao giống Maiacôpxki!

Nguyễn Lương Ngọc say sưa làm thơ theo cấu trúc thơ của Maiacôpxki, và thực hiện một đời sống theo phong cách mà Maiacôpxki đã sống. Sau này, khi in tập thơ Từ nước tập thơ đầu tay của anh và cả những tập thơ sau này, tôi không thấy anh cho in những bài thơ của thời kỳ này. Không rõ anh cất chúng ở đâu?

*

Nguyễn Lương Ngọc từ bé đã có năng khiếu hội họa, nhưng rồi anh không tiếp tục con đường đó; có lẽ anh tự cho mình không đủ tư chất để theo con đường này chăng? Suốt thời gian tôi biết anh từ 1981 đến khi anh mất, tôi thấy Nguyễn Lương Ngọc cùng với công cuộc sáng tác thơ ca của mình, không khi nào anh không quan tâm đến hội họa. Các triển lãm tranh từ nhỏ đến lớn ở thủ đô Hà Nội của người trong nước hoặc người nước ngoài, anh không bỏ qua một triển lãm nào. Nguyễn Lương Ngọc là người luôn luôn cập nhật thông tin, tri thức về hai lĩnh vực Văn học và Mỹ thuật. Kiến thức của anh về mỹ thuật sắc sảo và tinh tường không kém về văn học. Cho đến lúc này, những ý kiến thẩm định của Nguyễn Lương Ngọc về thơ và mỹ thuật tôi thấy chưa có điều gì sai. Không những thế, anh là người có con mắt tinh tường sớm phát hiện nhân tài khi chưa ai để ý tới.

Tôi còn nhớ năm 1993 anh giới thiệu với tôi gần chục tấm ảnh chụp lại tranh của Lê Thiết Cương, những bức tranh vẽ trên vải gai thô - Nguyễn Lương Ngọc rất ca ngợi và đi các nơi quảng bá về họa sĩ trẻ này, vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật. Tôi thấy tranh là lạ hay hay, độc đáo và gợi cảm. Tôi bèn chọn một bức gợi nhất in trang bìa và một số bức in vào trong tập thơ Hồ của nhà thơ Thế Mạc.

Khoảng dăm năm sau, tranh Lê Thiết Cương được sủng mộ một cách kỳ lạ.

Một hôm, Nguyễn Lương Ngọc chuyển cho tôi bức ảnh chụp bức tranh vẽ chân dung nhà thơ Thế Mạc do anh vẽ. Nguyễn Lương Ngọc nói với tôi rằng màu đen trong bức tranh vẽ chân dung là nhọ nồi tức những bụi khói bếp bám vào đáy nồi, lý do vì không có màu, tôi thấy đó là bức tranh đã lột tả được tinh thần của nhà thơ Thế Mạc.

Khi Nguyễn Lương Ngọc gặp hiểm nạn, lúc gia đình đã đưa về chữa trị ở Sơn Tây, tôi có ghé thăm anh, anh được đặt trên một chiếc xe đẩy và cơ thể coi như đã tàn phế toàn bộ, anh nhận ra tôi, cười một cách khó khăn, làm ám hiệu hướng lên một bức tường, tôi nhận ra đó là một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Quân tặng Nguyễn Lương Ngọc, ý Nguyễn Lương Ngọc muốn nói với tôi về bức tranh này. Khi anh còn khỏe, tôi biết, anh rất phục Nguyễn Quân trong lý luận hội họa và công cuộc cách tân hội họa, nhất là việc đề cao tôn vinh giới họa sĩ trẻ.

Nguyễn Lương Ngọc không bao giờ rời mối quan tâm đến nghệ thuật thơ ca và hội họa. Ngay cả lúc cơ thể đã tàn phế hoàn toàn, với sự sống hiếm hoi còn sót lại, anh vẫn dồn những nguồn lực cuối cùng cho nghệ thuật.

Tôi được biết có hai họa sĩ trẻ mà Nguyễn Lương Ngọc đề cao và quảng bá là Lê Thiết Cương và Nguyễn Xuân Tiệp, sau này hai họa sĩ đều là những họa sĩ thành đạt, đặc biệt là Lê Thiết Cương.

Vào một dịp cuối năm Đinh Dậu và Đầu Xuân Bính Tuất 2006, lần đầu tiên một cách vô tình qua một số bạn bè tôi mới gặp và biết mặt họa sĩ danh tiếng Lê Thiết Cương. Thực tế trong tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng từ những bức tranh của họa sĩ trẻ Lê Thiết Cương khi vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật qua sự giới thiệu quảng bá của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Tôi có kể lại với Lê Thiết Cương về những điều tôi vừa nêu trên, và tôi nói rằng gặp Lê Thiết Cương là tôi lại nhớ đến Nguyễn Lương Ngọc.

Tôi được nghe nhiều người nói về sự quậy phá của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, tôi cho rằng, ở vào lúc không làm chủ được những xung động, anh có thể gây ra một số xô xát không vui với bạn bè.

*

Năm 1996, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đột ngột gặp hiểm nạn, từ đó tới khi mất anh trở thành người tàn phế hoàn toàn, không còn có thể thực hiện được bất cứ sự giao tiếp nào với thế giới xung quanh - khi đó Nguyễn Lương Ngọc bước vào tuổi 40 - Bao khát vọng, bao dự định về sáng tạo thi ca, có việc mới bắt đầu, có việc đang còn dang dở, thì đột ngột bị chặn đứng bởi bàn tay nghiệt ngã của số phận. Nhưng tôi được biết, khi còn khỏe mạnh nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc có một đời sống mà ít người biết, anh không phải là người buông thả, anh sống rất nghiêm túc, so với cách sống của tôi thì cách sống của anh có phần nghiêm khắc, quyết liệt hơn rất nhiều. Từ việc tự ước thúc mình cho đến việc yêu cầu với nhiều người xung quanh cũng vậy. Anh phản đối dữ dội những cách sống buông thả, hời hợt, tùy tiện và không thực tài thực học, tức những gì thuộc về giá trị giả - và anh ứng xử nghiêm khắc đến cực đoan.

Tôi quen biết và thường xuyên gặp trao đổi về thi ca nghệ thuật cùng những câu chuyện khác với Nguyễn Lương Ngọc với quãng thời gian hơn 20 năm liên tục. Năm nào cũng vậy, khi ở gần, thì hàng tuần gặp nhau, khi anh ở xa, thì một năm cũng phải dăm ba lần anh ghé thăm tôi. Tôi nhớ, sau cuộc xuyên Việt kỳ vĩ và khá ầm ĩ, anh có ghé thăm tôi, khi đó tôi đã chuyển từ Hoà Bình về thị xã Hà Đông. Anh phấn chấn, khôi ngô và vạm vỡ.

Tôi có hỏi chuyện anh về cuộc đi xuyên Việt và việc tuyên truyền quảng bá cuộc xuyên Việt của các báo chí ở Trung ương và các tỉnh anh đi qua, Nguyễn Lương Ngọc chỉ cười trừ, nói một câu gì đó xuê xoa rồi chuyển sang chuyện văn chương. Tôi có nói với anh, nếu cuộc xuyên Việt ấy mà ghi chép được tất cả những gì thấy được trên đường, sau này tập hợp xuất bản thì rất quý. Anh có vẻ tán thành ý kiến này và thực tế anh đã làm việc đó. Không rõ những cuốn sổ tay nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc ghi chép trong chuyến đi xuyên Việt của anh, gia đình hoặc bạn bè có còn giữ được không?

Một nhà thơ sống mạnh mẽ như Nguyễn Lương Ngọc, còn tôi là một người có phần yếm thế, hạn chế giao tiếp với bên ngoài, chỉ quanh quẩn với chuyện kinh sử - Tôi nghĩ, chắc mỗi lần đến thăm tôi, anh mang cảm xúc đến thăm một thầy đồ ở làng, từng là bạn cũ lâu năm chăng?

Gia đình Nguyễn Lương Ngọc ở Sơn Tây, sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du (khoá IV), Nguyễn Lương Ngọc ở lại Hà Nội, những ngày nghỉ anh về Sơn Tây với gia đình, bổ củi nấu cơm, và trong bữa cơm bao giờ Nguyễn Lương Ngọc cũng ngồi cạnh nồi, xới những miếng cháy cơm ở đáy nồi ăn trước, cơm còn lại để cho mẹ, vợ và con gái. Nguyễn Lương Ngọc luôn luôn là người sống nề nếp gia phong. Suốt hai mươi năm, quen nhau, trong những câu chuyện trao đổi qua lại, tôi thường thấy anh hay cười và bình luận bằng những câu hóm hỉnh.

Ngay cả cuộc đi bộ xuyên Việt của anh cùng Hoà Vang, chặng nghỉ của anh đầu tiên là thị trấn Phú Xuyên. Tôi là người được chứng kiến việc này, rất vô tình hôm đó nhà thơ Lại Hồng Khánh mời tôi về Phú Xuyên chỗ anh chơi, cuối chiều khi đang ăn cơm thì thấy hai người to lớn bước vào, đó là Nguyễn Lương Ngọc và một người đi cùng với gương mặt phong trần, hỏi ra thì là nhà văn Hoà Vang. Hai người cùng ngồi ăn cơm, qua câu chuyện mới biết cuộc xuyên Việt của hai anh được khai mạc vào buổi sáng cùng ngày tại Hà Nội. Về sự kiện này, nhà thơ Lại Hồng Khánh kể lại rất hấp dẫn và đầy ấn tượng.

Khi Nguyễn Lương Ngọc đã mất, qua Sơn Tây lần nào chúng tôi cũng nói chuyện về anh, cái thị xã cổ kính này thật quá chật với chiều kích tâm hồn và tính cách Nguyễn Lương Ngọc.

*

Cuộc thi sáng tạo thi ca còn bề bộn dang dở của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc là điều làm tôi quan tâm hơn cả. Xin nói thẳng một điều: Sáng tạo thi ca của Nguyễn Lương Ngọc chưa được Hội Nhà văn Việt Nam và giới phê bình đánh giá một cách công bằng. Hầu như tất cả những nhà thơ có vai vế và có quyền định đoạt trong làng thơ Việt Nam đều thờ ơ trước các tác phẩm của nhà thơ đầy nhiệt huyết sáng tạo này. Trong vòng chỉ một năm, từ cuối năm 1990 đến cuối 1991, nhà thơ trẻ Nguyễn Lương Ngọc cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ: Từ nướcNgày sinh lại, sau chuyến đi xuyên Việt anh có xuất bản tập thơ Lời trong lời, tập thơ này đã hiện rõ độ chín trong tìm tòi cách tân thơ của Nguyễn Lương Ngọc.

Phải nói rằng, hai tập thơ đầu Từ nướcNgày sinh lại, tìm tòi sáng tạo thơ ca của Nguyễn Lương Ngọc vẫn còn manh nha, chưa gây được nhiều ấn tượng và thuyết phục đối với giới văn chương, nhưng đã hiện rõ hình hài và cá tính của một sự cách tân, một sự khát khao đổi khác trong sáng tạo thi ca. Đến tập thơ Lời trong lời, là sự khẳng định một phong cách thơ Nguyễn Lương Ngọc mạnh mẽ, ào ạt và tràn đầy. Tập thơ Lời trong lời ra đời, khi đó Nguyễn Lương Ngọc đang độ sung sức, rất nhiều người phản đối nó; nhưng riêng tôi, tôi cảm nhận rõ sự trưởng thành mang tính quyết định của con đường sáng tạo cách tân thơ của Nguyễn Lương Ngọc, và tôi bảo vệ ý kiến của mình về tập thơ này, và về đóng góp của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đối với nền thơ Việt Nam hiện đại là không thể chối bỏ. Tiếc rằng, khi anh mất, nhiều bạn bè công tác tại Hà Nội và có điều kiện đang nắm giữ những vị trí ở các diễn đàn báo chí văn chương, đã viết về anh, nhưng chỉ nói những câu chuyện về những sinh hoạt của anh trong mối quan hệ với bạn bè văn chương, mà chưa thấy nhắc đến đúng mức vị trí sáng tạo của anh trong nền thơ của nước nhà, nhất là vai trò của anh trong lớp các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975.

Tôi là người lang bạt, suốt đời chỉ sống quanh quẩn ở tỉnh lẻ, khi thì ở tỉnh miền núi, lúc này ở tỉnh miền xuôi. Lại là lớp người làm thơ được xếp là trẻ, có một chút tìm tòi, có lẽ vì không quá khích và không thường xuyên gần gũi cọ xát với các nhà thơ bề trên có vai vế, nên không bị họ quở trách và ghét bỏ mà thôi.

Nguyễn Lương Ngọc lại là người sống mạnh mẽ như thế và cách tân tìm tòi như thế, chắc cũng khó tìm kiếm được thiện chí của lớp nhà thơ bề trên. Có lẽ cũng là sự thường tình chăng?

Ngay sau đây, tôi xin chép lại nguyên văn ba bài thơ của Nguyễn Lương Ngọc in trong tập Ngày sinh lại, xuất bản năm 1991, ba bài thơ này có lẽ sẽ đánh thức một điều gì chăng.


Tiên cảm

Trong mơ đau thắt ngực
Hình xưa lững thững về
Tôi xanh da trời
Em tôi thì trắng
Hai anh em tươi
Sương dâng ngang người
Em tôi thì trắng
Tôi xanh da trời

Hai anh em hiện hình của nắng
Và mây lành trời ơi
Như hồn trong mộng
Hai anh em trôi
Móc bay lất phất
Như như, lạnh người.

Bao giờ trở lại
Bao giờ bắt đầu
Mơ, mơ
Chân đâu
Mình đâu
Buồn tiên cảm hát chân cầu lưu thuỷ


Lời hát

Cuộc sống lạnh lẽo sao
Cuộc chết ấm áp sao
Em mỉm cười từ đâu
đá Bay-on chao chát
Đăm đắm nhìn từ đâu
Sương Tây Hồ ngột ngạt
Yêu không thể giải thích
Chen chúc hoa lên tịch mịch
Yêu không thể giải thoát
A…a…a…A…a…a...
Người là người, ta là ta
Ta là người, người là ta
A…a…a…A…a…a...


Đàn giang

Này, đàn giang trắng
Khoảnh khắc
Từ đất rạch lên trời
Từ trời buông xuống đất
Các vị đến cùng chúng ta
Các vị rời bỏ chúng ta

Em đang nói về tương lai ư
Đàn giang bay mải miết
Chẳng lẽ anh ngắt lời em

Em đang nói về tương lai à
Trên cao, đám mây vàng sững sờ.


Mọi người có thể không tin lời tôi, nhưng hãy đọc chậm rãi những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, ở đó, diệu lý của thơ ca và của sự sống không giới hạn trong văn tự của câu thơ.

Nhiều người và bạn bè văn chương hay nhắc đến bài thơ "Gọi hạc" của Nguyễn Lương Ngọc - Đúng, đấy là bài thơ hay và độc đáo của Nguyễn Lương Ngọc - Nhưng thực tế công cuộc sáng tạo thi ca của Nguyễn Lương Ngọc không dừng lại ở bài thơ này - Anh nghiền ngẫm ôm ấp xây dựng cho mình một sự nghiệp cách tân thơ ca vô cùng lớn - Anh đã thực thi bước đầu cuộc cách tân một cách có hệ thống mà anh đã xây dựng - Điều này được hiện thực ở tập Lời trong lời - Tôi tin, nếu không gặp hiểm nạn sớm như vậy, đến giờ chắc anh đã công bố được tương đối công trình sáng tạo cách tân thơ của mình. Hiểm nạn và cái chết đã cuốn phăng một tài năng thi ca. Tiếc thay!

Trang lứa các nhà thơ được xếp là xuất hiện sau năm 1975, không thể vắng mặt nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc - Đây là một khuôn mặt thơ vạm vỡ, độc đáo, không gì thay thế được.

Bài thơ "Gọi hạc" của Nguyễn Lương Ngọc được nhiều người nhắc tới, tôi xin chép lại bài thơ này:

Gọi hạc

Con cắt trắng
xếp cánh
khi gặp con khướu vàng

Con khướu vàng
khép mỏ
khi gặp con hạc đỏ

Con hạc đỏ
nức nở
nhìn
con hạc trắng

Hạc trắng!
Hạc trắng!
những con đã sinh ra thì đã chết
những con chưa chết thì chưa sinh ra.


*

Nguyễn Lương Ngọc và tôi quen biết nhau, khi đó chúng tôi mới ngoài hai mươi tuổi, cùng sống bên dòng Sông Đà đêm đêm nước gào thét dữ dội, và nắng bụi công trường có làm phôi pha tuổi thanh xuân của chúng tôi sớm hơn bình thường. Nay, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã trở thành người thiên cổ, còn tôi thì cảm thấy già nua quá sớm, tôi đã nhận thấy rõ sự bất lực của mình trước thơ ca và trước đời sống, quãng đời còn lại là thả trượt theo đường ray của số phận.

Không rõ nguyên cớ gì, đầu xuân này tôi lại nhớ da diết về Nguyễn Lương Ngọc - Có lẽ là do cuộc gặp họa sĩ Lê Thiết Cương, thổi bùng lên trong tôi hình ảnh nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, hoặc tôi nghĩ có lẽ đó cũng là một dấu hiệu của sự già nua chăng.

Ôi, cái thân của người ta - được cha mẹ tác thành, rồi trưởng dưỡng, rồi cuốn vào vòng sinh - lão - bệnh - tử, rồi ôm ấp ước vọng băng qua sự bầm dập của cuộc đời, rồi về đất và rồi mãi mãi thiên thu…

Ôi, “Hạc trắng!/ Hạc trắng!/ Những con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra.”

A di đà Phật!

Hà Đông, ngày Bính Tuất tháng Giêng
năm Bính Tuất, 2006

Nguồn: Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2006. Bài đăng trên talawas có sự đồng ý của tác giả.


*

Tạ Duy Anh
Vĩnh biệt Nguyễn Lương Ngọc

Một điều thật lạ lùng - với tôi - là khi ngồi giở lại những tập thơ của Nguyễn Lương Ngọc, có thể đọc ở bất cứ bài bài nào "điềm báo" cho số phận anh sau này.

Từ nước sinh ra
Mai có nước ta về
(Từ nước)

Rồi:

Anh không thể cất mình lên nổi
Hay chọn đây làm chỗ gửi thân
(Tìm gặp)

Đáng sợ hơn:

Ai bắt anh chăm chút cái chết ngày mai.
(Viết cho mình)

Một câu thật gở:

Tôi của em hay của cỏ?
(Tỉnh rượu)

Và đây, có phải anh linh cảm trước cái ngày:

Tôi hiểu do đâu em trở thành người mẹ
Do đâu hai ta tập đi như một đứa trẻ
(Cảm nhận)

Những câu sau đây không còn là linh cảm nữa:

Một tảng thịt tươi nguyên
Cánh chim đã nghỉ ngơi
Sau đường dài.
(Cứu vớt)

Khổ thơ này như là sự báo trước cho những gì mà anh trải qua sau này.

Trong số những người bạn viết văn làm thơ trưởng thành từ công trường thuỷ điện Sông Đà của tôi thì, Nguyễn Lương Ngọc là người có nhiều nét đặc biệt nhất. Anh dễ bị kích động, dễ xúc động và dễ nổi nóng. Sau mỗi lần "quá lời" với ai đó anh thường vô cùng ân hận, bao giờ cũng chủ động tìm đến người bị mình mắng mỏ để xin lỗi. Chỉ có một lần Ngọc xỉ vả ai đó mà không ân hận, là khi anh ta dám báng bổ thơ ca. Tôi ít gặp một người nào đắm đuối, hết mình với thơ và nghệ thuật nói chung như Nguyễn Lương Ngọc. Vì thơ anh có thể bỏ lại tất cả phía sau. Với anh, thơ cũng như hơi thở. Thơ là tôn giáo của anh!

Nguyễn Lương Ngọc còn đam mê một thứ nữa, ấy là bạn. Anh luôn thèm bạn. Anh sống với thơ thế nào thì cũng sống với bạn thế ấy. Nhiệt tình, chịu đựng và sẵn sàng hết lòng vì bạn. Tôi còn nhớ khi Ngọc quyết định đi bộ xuyên Việt, không ít người cho rằng anh gàn dở. Anh nghe hết, biết hết, nhưng không thanh minh. Rất ít người đồng cảm được với tâm trạng anh khi đó. Vẫn làm cuộc tìm kiếm thơ và bạn, tìm kiếm người đồng hành trong cuộc phiêu lưu luôn khiến anh đơn độc. Khi đó kẻ thi sĩ trong anh lấn lướt con người của những chuẩn mực, trách nhiệm bình thường. Đó là cuộc tìm kiếm chính anh và nó khiến anh bỏ lỡ nhiều cơ hội tìm kiếm miếng cơm manh áo. Nhưng Ngọc là thế. Anh sống bằng những cảm hứng có phần lạc lõng so với quan niệm về hạnh phúc thông thường của nhiều người.

Rủi thay cho thơ, cho thi đàn và cho những độc giả của Ngọc khi số phận nghiệt ngã, trong một đòn thử thách đã quá tay với anh. Cũng là tai nạn giao thông, nhưng với Ngọc nó có vẻ mặt của "cơn ghen tạo hóa". Gần 6 năm Ngọc thực sự bị đánh gục về thân xác nhưng ý chí anh không đầu hàng. Có sự chăm sóc tận tình của người vợ mà anh yêu và kính, của đồng nghiệp, bạn bè, không dưới vài lần Ngọc đã quyết trỗi dậy, không thừa nhận định mệnh. Giờ đây, anh đã là người của cỏ. Nhưng tôi tin vào điều anh viết hơn:

Cánh chim đã nghỉ ngơi
Sau đường dài.

Con chim có thể chết nhưng tiếng hót của nó còn lảnh lót mãi trong ký ức cuộc đời. Ngọc ơi, xin vĩnh biệt bạn!

Hà Nội, 1.12.2001


Nguồn: Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2006. Bài đăng trên talawas có sự đồng ý của tác giả.

Các bài liên quan

Nguyễn Lương Ngọc sinh năm 1958 tại Sơn Tây. Thân phụ ông là nhà viết kịch Nguyễn Khắc Dực (thành viên phong trào Nhân văn-Giai phẩm), thuộc dòng tộc Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Từ 1975 đến 1980, Nguyễn Lương Ngọc học Đại học Cơ điện ở Hà Nội. Năm 1981, ông đi bộ đội. Năm 1983, lên Hoà Bình, làm ở Công ty Công trình ngầm, Nhà máy Thuỷ điện Sông Đà.

Năm 1989, Nguyễn Lương Ngọc về Hà Nội, học khoá IV Trường Viết văn Nguyễn Du (đỗ thủ khoa đầu vào). Năm 1996, ông bị tai nạn xe máy, nằm liệt giường đến năm 2001 thì mất.

Tác phẩm: Nguyễn Lương Ngọc bắt đầu viết thơ từ thời sinh viên. Khi còn sống, ông đã xuất bản 3 tập thơ: Từ nước (1990), Ngày sinh lại (1991) và Lời trong lời (1994). Thời gian đầu lâm bệnh, ông vẫn sáng tác (đọc cho vợ chép). Những tác phẩm cuối đời được lưu lại trong sổ tay của vợ ông.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài