talawas chủ nhật

 


Thơ :: 27.07.2007
Phan Nhiên Hạo Lịch sử thời đại tường thuật bởi một người lưu vong
Phan Nhien Hao
Phan Nhiên Hạo

Bạn có thể thở đều trước khi đọc “Lịch sử thời đại tường thuật bởi một người lưu vong”. Nhưng qua dòng thứ nhất, qua dòng thứ hai, dòng thứ ba…, bạn sẽ nín thở, rồi ở dòng cuối bạn sẽ nghe được hơi thở của mình đang trở lại. Văn chương có thể chạm đến tâm hồn, điều đó đã rõ, nhưng phải ở một tầm vóc nhất định nó mới có khả năng tác động cả vào hoạt động của thân xác ta như vậy. Chúng tôi hân hạnh mời bạn đọc tác phẩm mới nhất của Phan Nhiên Hạo.
talawas chủ nhật

Phan Nhiên Hạo

Lịch sử thời đại tường thuật bởi một người lưu vong



tặng Loan


1. Thời đại cục súc 1975

Bọn họ từng nói gì
làm sao chúng ta nhớ hết
toàn dối trá, lật ngang, thùng rác ngập khẩu hiệu
mặt trăng thủng đạn, hồn ma mất dép
mưa suốt đêm trên mộ, mưa không rửa sạch hận thù
những tờ báo ngợi ca dùng làm giấy đi cầu
thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy,
chủ nhật số đặc biệt đít dính màu


chúng ta lớn lên bơ vơ buồn khổ
cha chết mất thây, thân thủng mấy lỗ đạn?
câu hỏi chảy máu suốt đời, không đọng lại thành tiết canh
buổi chiều trên động cát
ông nội chúng ta bỏ xứ ra đi chết vùi thây chốn này
cát trắng loá, gió không khoan nhượng
trời không mây, mắt trẻ đầy mây
con giông chui xuống đất trốn vào địa ngục
người ăn cá nhưng đây là thời  ăn người
trên biển cả cùng lúc chúng ta hiến mình cho tự do và thần chết
chúng ta đã mất hết
cả tinh trùng trong bìu dái xạm khô
chúng ta bị triệt sản tinh thần và giết dân bằng nền y học
Niệu Liệu Pháp


chúng ta nói cùng thứ tiếng với họ
nhưng họ trả lời bằng ngôn ngữ âm binh
những âm binh đốt sách, vơ vét, phùng mang,
đeo AK, khạc nhổ, chồm hổm, sốt rét
âm nhạc trở nên nhọn như tên
mỗi ngày bắn ra từ loa sắt
xuống những mái nhà, đường phố, cỏ cây, đồng ruộng, đình chùa, bữa ăn, giấc ngủ,
khoảnh khắc yêu nhau vợ chồng ọp ẹp,
giây phút linh thiêng kẻ sắp lìa đời
đây là thời để tưởng nhớ những chiếc radio,
và thi ca. A, một cục sắt, chỉ dùng làm lựu đạn
miệng vừa ngâm, hồn đã nổ tan tành
đây là thời để tưởng nhớ những bô nhựa tuổi thơ
khi chúng ta được ăn no và bài tiết
với giấy vệ sinh mềm
khi ở trường chúng ta đổ mực lên áo nhau
nhưng không phải suy tôn những kẻ làm đổ máu
ai đã cướp chiếc radio
ai đã cướp chiếc bô
ai đã cướp đồng hồ
nhai những chiếc kim, phun ra mười hai con số
ngày tháng nào cũng nhểu nhảo nước bọt
cả dân tộc đói ăn


“thưa cô, anh Ba, người đầu bếp thiên tài
đã bôn ba mang về cho đất nước cái nồi thủng
giờ đây nhiệm vụ của chúng em là làm trò ảo thuật
biến sỏi đá thành cơm”


đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt
trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt, ngập mũi
ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chặn, ăn cướp, ăn gian, ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông, ăn ké, ăn chia, ăn sống, ăn lạnh, ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ, ăn sỉ,
ăn tất tần tật
chỉ trừ ăn năn
ăn không sợ ngày trả miếng


đây là thời của xe than
đây là thời của tàng tàng
đây là thời người sống ở nghĩa trang
và người chết ngồi ở nhà hàng
đây là thời của tan hoang ô nhục
một thời đại cục súc


chúng ta sống còn nhờ vào những củ khoai
và ước mơ một ngày kia sẽ có súng để giết người
phải, chúng ta đã nói về giết người tuổi lên mười,
về bom nguyên tử, thuật độn thổ, phép tàng hình
làm thế nào để thiến bọn lợn và thoát
nhưng thường chúng ta mơ một buổi sáng
thức dậy thấy cha đã trở về
cái chết người chiến binh đẹp như ngọn đồi trong sa mạc,
bông hoa khô, tiếng mõ chiều,
nhưng cái chết để lại những đứa trẻ bơ vơ
kêu tên cha trên đồng vắng
kêu tên mẹ trên bờ đê
khóc tuổi thơ bầm dập sân ga
lỡ chuyến tàu Thống Nhất
ôi thống nhất, lần đầu tiên biết dép lốp
những con bọ râu mềm mềm bẩn thỉu
sinh sôi nảy nở khắp xóm làng


cô chú ta đi đào mương
được thưởng con cá ươn
ngồi gặm xương trong cuộc họp phường
cuộc đời bị bể gương
dở thầy, dở thợ, dở cu li, mãi rồi cũng thường
người ta sống lần hồi với những vết thương
mỗi ngày giở ra băng lại bằng giẻ rách
không lành, không lành, không lành
penicillin bột mì và thuốc đỏ dối trá
làm thế nào diệt được vi trùng thật


chúng ta sống qua những thời khắc bị đầu độc
đến nỗi tình thương cũng gây dị ứng buồn nôn
và phẩm hạnh là trò bí nhiệm
chỉ diễn ra len lén ở nhà thờ
con người mất sức đề kháng, hoài nghi, tra vấn,
con người không đốt lửa, chỉ phều phào
“con người, một sinh vật
hai chân
không lông”
đầy sợ hãi
Nguyễn Tuân nói: “tôi còn sống đến hôm nay
nhờ biết sợ”. Con chuột nói: “tôi ăn no vì
biết tôn kính mèo”. Đặng Tiểu Bình nói:
“mèo đen mèo trắng, no problem, miễn bắt được chuột”
thôi đi các người, những vĩ nhân đậu luộc
sự thông thái của các người khiến não tôi bị bệnh trĩ


chúng ta ngủ trong mùng nhưng mùng đầy muỗi
chúng ta ở trong nhà nhưng nhà đầy bọ
chúng ta ở trong hoà hoãn của ao tù
chúng ta yêu nước nhưng yêu nước đã bị độc quyền
thương hiệu ăn khách này chỉ dành cho Đảng
những tên chuyên chia thịt ở đình làng
và một bọn lao nô tư tưởng


đất nước bụng trương
văn hoá sán lãi
con người nhai đồng loại rau ráu
Cửu Long Giang không rửa hết tưởi tanh
một thời đại bùn lầy
muốn làm người chúng ta
phải
ra
đi.



2. Thời đại ngoại vi


Hoang mang và phấn khích
chúng ta đặt chân lên đất lạ
không khí lạ, nhà cửa lạ, tiếng nói lạ,
cầu tiêu lạ, người ta lạ,
mình là người lạ
làm thế nào để tái tạo
một thế giới đã mòn
ở trục khô dầu rên rỉ


chúng ta ăn mặc chải chuốt nhưng đứng ngồi lố nhố
thói quen những con còng châu thổ
hút bụi suốt đêm trong toà nhà chọc trời
biển Seattle ngoài kia đen, lạnh cóng
ở California đứng máy suốt ngày tay chân rời rã
dây chuyền chạy quá nhanh, chúng ta đến từ xứ sở chậm
trái tim người di cư lỗi nhịp
trong sương mù San Francisco đợi xe bus
chúng ta lo sợ một lần nữa bị bỏ quên
ở Arkansa mùa đông hai mươi lăm độ dưới không
chúng ta cắt thịt bò trong những nhà máy lạnh
đôi khi cắt luôn ngón tay đeo nhẫn cưới
trên những tàu đánh cá Alaska
chúng ta ngủ vật vờ như sứa sau mười sáu giờ làm việc
trở về đất liền tiêu một phần ba tiền kiếm được
vào nhà thổ Đại Hàn
một phần ba gởi về gia đình ở Việt Nam
một phần ba trả tiền thuê phòng và mua thuốc lá
chúng ta, những người hút thuốc lá
 địch Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ


chúng ta học ngôn ngữ mới
và nói về nó bằng ngôn ngữ cũ
phát âm thật khó khăn
như người nửa lưỡi
thường bị tảng lờ
tuy vậy, không ai bịt miệng mình
bằng băng keo, băng rôn, băng đạn, băng đảng, băng vệ sinh
chúng ta học lắng nghe
trong lặng im nước mắt
chiều kẹt xe freeway, CD lậu, ai hát:
“Bonjour, Vietnam”


đây là nơi chúng ta thấy thế giới lần đầu
những đất nước khác nhau, những sa mạc khác nhau, những cánh rừng khác nhau, những thành phố khác nhau, những nông trại khác nhau, những mái nhà khác nhau, những áo quần khác nhau, những thức ăn khác nhau, những ngôi mộ khác nhau, những con đường dẫn đến các mục đích khác nhau, thờ phượng linh thiêng hay giễu cợt,
những âm mao khác màu


chúng ta những thuyền nhân, cựu sĩ quan, vợ goá, con mồ côi
bị săn đuổi trên quê hương, đẩy vào bụi rậm
hãm hiếp nhân quyền và chửa hoang ký ức
nơi đất cũ chúng ta không có lợi tức nào ngoài bán máu
nơi đất mới tài sản duy nhất của chúng ta là hy vọng
chúng ta trải qua nhiều giờ khắc suy nghĩ về số phận
vặn đồng hồ báo thức, nhìn ngắm bức ảnh cũ, rồi đi ngủ
bao giờ cũng nhét cuốn từ điển dưới gối
phòng trường hợp gặp người lạ trong giấc mơ


lao lực lao lực lao lực
nhưng chúng ta cũng có những giờ phút ngơi nghỉ dịu dàng
dưới vòm lá tháng Tư khu vườn đầy tiếng chim không bị săn đuổi
đồng cỏ tận chân trời
xa lộ tự do
chúng ta lái xe qua đại lục mênh mông
bay đến những thành phố Á, Âu dần trở nên quen thuộc
hơn Bạc Liêu, Châu Đốc,
hơn Thanh Hoá, Ninh Bình,
hơn Hà Nội một nghìn năm xa cách


nhìn con cái mình lớn lên
chúng ta bồi hồi tương lai giống Tiên Rồng khỏe mạnh
nở trứng ở xứ người
và ngậm ngùi một quê hương đã mất
những con đường đã mất, xe đạp xanh đã mất
mùa hè hoa phượng đỏ Kontum đã mất
sông đã mất rồi biển sẽ mất
xứ sở này không phải thiên đường
đây chỉ là nơi con người không
hối
tiếc
đã
sinh
ra



ngoài trời tuyết rơi
chúng ta ngồi những đêm cô độc
rì rầm ngoài kia xe cứ cỡi lên đường
ngày mai đến qua nhanh
công lý bắt đầu bạc tóc
lịch sử không chạy, lịch sử không đi, lịch sử lết lê què quặt
chúng ta muốn lịch sử tiến lên, động tình, sinh sản
nhưng lòng người bại liệt, ý chí khô nước nhờn
Viagra nè cố lên cố lên
Việt Nam ơi


chúng ta ở đây bình nhật, bình thường
nhưng không phải lúc nào cũng bình yên
áo lính sờn cũ (mua chợ trời Mỹ)
người đàn ông làm vài ngụm rượu từ chiếc bình toong thời chiến
ngồi hàng giờ nhìn những đám mây
không kịp về phương Đông trước khi ngày tắt nắng
ông từng bị giam trong lòng đất
khẩu phần mỗi ngày một trăm hai mươi bảy hạt ngô
bao giờ cũng dành một hạt
dùng đếm thời gian
thời gian bóng tối
có mùi trứng ung
con người là sinh vật duy nhất biết cách giữ ký ức không vữa nát


sinh ra để sống dưới mặt trời
đôi khi chúng ta bị lùa vào ô nhục
bởi lũ đồng cô bóng cậu mang vũ khí
cơn điên tập thể này phải mấy mươi năm nữa mới thăng


áo choàng dài, mùa đông Illinois đằng đẵng
đây là nơi chúng ta sẽ yên nghỉ sau cùng
trong nghĩa trang tuyết trắng
cạnh bạn bè khác tộc
(chúng ta học từ họ lòng yêu đời, sự trầm tĩnh trước cái chết)
nơi đây không cần kẻ khóc mướn
bọn ăn thịt thây ma đã bị nha sĩ bẻ răng


chúng ta đến xứ sở này xa lạ
ra đi chưa hết lạ
nhưng không bao giờ thôi yêu mến
mặt hồ đại lượng
căn nhà chở che hạnh phúc
lối mòn nhỏ ven rừng con ta bước tiên khởi tự do
đây là nói chúng ta hàn gắn mình
như thợ giày khâu vết thương há miệng
sau đường dài ngập máu
sau đường dài ngập phân
sau chợ chiều cân xác chết chiến tranh
một triệu tiếng chuông không mua hết oan hồn
đây là nơi chúng ta sống đàng hoàng
và chết vào buổi chiều có cánh
bay về một xứ sở đã xa


địa lý của chúng ta ở giữa những kinh tuyến của u hoài và triển vọng
lịch sử của chúng ta như mặt trống
đau đớn và âm vang
không bao giờ im lặng
không bao giờ sơn phết
không bao giờ lãng quên.

March-July 2007

Phan Nhiên Hạo sinh 1967 tại Kontum, Việt Nam, sống ở Hoa Kỳ từ 1991. Học xong khoa Văn Đại học Sư phạm, TP HCM, 1989. Cử nhân văn chương Anh-Mỹ (1998) và cao học thư viện-thông tin (2000) tại University of California, Los Angeles (UCLA). Hiện làm việc trong một thư viện đại học ở Illinois và theo học cao học nhân chủng học văn hoá.

Tác phẩm Night, Fish, and Charlie Parker. Tuyển tập thơ song ngữ, Đinh Linh dịch. Dorset: Tupelo Press, 2006; Chế tạo thơ ca 99-04. Thơ. San Jose: NXB Văn, 2004; Thiên đường chuông giấy. Thơ. Garden Grove: NXB Tân Thư, 1998.

Một số thơ dịch ra tiếng Anh in trên các tạp chí Xconnet, Cutbank, MANOA, Filling Station, The Literary Review…, các tuyển tập: Of Vietnam Indentities in Dialogue, Three Vietnamese Poets.

Website http://www.haophan.net

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài