talawas chủ nhật

 




Thơ ::23.03.2007
Trần Tiến Dũng Vào ngày bình minh chìm khuất
Trần Tiến Dũng
Trần Tiến Dũng


Trần Tiến Dũng

Vào ngày bình minh chìm khuất

 

Đầu thú. Người Tây Tạng được lệnh đến chỗ nhận tội yêu nước cách ngôi nhà mình vài con phố, ngay trên tổ quốc của mình.

Biến mất dãy Hy Mã Lạp Sơn trong mỗi bình minh, mỗi hoàng hôn.

Biến mất cánh đồng cỏ mênh mông từng trồi lên hướng vọng Đại Nhật Phật.

Và như chim, Tạng ngữ quay về lần cuối với thảo nguyên trước khi bị giết chết.

Chẳng cần làm gì thêm khi đã bộc lộ hết với thế giới tình yêu Tự Do. Chẳng có gì là dấu hiệu cho các dân tộc khác ngoài việc bước vào đời sống sau cái chết cùng với những sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn. Dấu vết của máu ẩm và xương khô trong đất là tất cả sự lấp lánh của thảo nguyên Mật giáo và cánh đồng Dân Chủ chuyển động đến bất tận.

Tự Do! Là tất cả ngôn từ của Người Tây Tạng vang lên trong hai cõi sống và chết.


Trước sự hủy diệt văn hóa Tây Tạng, ngôn ngữ của nhân loại giờ đây tự nhốt mình bằng một bề mặt thoáng chút cảm xúc trắc ẩn, trong lúc những hòn đá của chủ nghĩa thương mại toàn cầu tự trang điểm mình bằng bản tin báo chí, trong giờ ăn sáng với những con quái thú chia chác đồng cỏ.

Chúng đọc tin và nói bằng giọng ra vẻ hết sức văn minh. Thủ phạm là Đạt Lai Lạt Ma.

Chúng nói như nói với người hầu bàn. Một cách nói lạnh tanh, cái từ “thủ phạm” còn nguyên trên miệng chúng như một phát súng và cả thủ phủ Lhasa chẻ ra và lửa cháy và những mái chùa rỉ máu và nước mắt, và gom lại trước bàn ăn cái xác của một dân tộc, cái xác của cả lịch sử văn hóa, cái xác của một câu kinh, phần còn lại của chân dung một Đức Phật, trong cõi tuyệt đối vừa vỡ nát theo chiếc cốc pha lê trong suốt.


*

Và xa kia phương Nam với những đứa trẻ sẽ rơi vào mù mờ lẫn lộn giữa phim ảnh và bài học lịch sử, ngây thơ về những tên thái thú Minh triều ngày nào nhân danh văn minh Hoa Hạ núp dưới mái vòm lễ tiết và cung điện uy nghi để bắt thợ giỏi, đốt sách, giết học trò… Giữa những trang sách rách nát là một khoảng trống một ngàn năm giam hãm một nền văn hóa, mỗi khi nhìn về phương Bắc là ám ảnh những ngọn roi di chứng, ngọn roi hành hạ một ý thức dân tộc.

Dưới bầu trời ồn ã hôm nay có những đứa trẻ ở xa về phương Nam đang học thứ lịch sử qua phim ảnh Trung Hoa như học cách thắt dây treo cổ văn hóa của dân tộc mình.

Nguyễn Trãi vào một ngày nào đó chỉ còn là tên một con đường như đường số 5, số 3.

Người ta sẽ mơ hồ thấy những giọt nước mắt của ông, cái nhìn nghiêm khắc của cha ông ở Ải Nam Quan, giữa một đống hàng hóa diêm dúa màu sắc từ bánh bao nhân giấy cho đến hộp thuốc tăng trưởng rau củ trên biên giới Việt - Trung.

Một nhóm người trẻ muốn gọi tên ông, vì đâu, muốn gọi mà sợ, họ sợ ông như sợ một ông già khó tính đến đánh thức và hỏi. Chỉ bọn thái thú bản địa là phải sợ. Trong mỗi các ngươi vì sao để kẻ khác kiềm hãm sức mạnh và tình yêu Tự Do của dân tộc?


Chúng ta tin ông muốn nói điều đó!

Ngọn núi xanh biếc ấy nay thuộc về Trung Hoa đè lên bùng vỡ cơn đau phục sinh, hai hòn đảo trong giông tố ngoài khơi kia đang nói một thứ ngôn ngữ lẫm liệt của lúc này.

Có phải ông muốn chia sẻ với các bạn trẻ bị treo bút, bị “mời,” bị dọa đuổi khỏi trường vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc!

Và từ lịch sử, ông nói: Các bạn trẻ hãy đến đây. Và chỉ cho chúng ta nghe âm thanh tung tóe máu và nước mắt của người Việt và tiếng Việt rên xiết vỡ òa của từng viên gạch thành Đông Đô. Tiếng kêu của một đàn chim trốn chạy, tiếng ré hoảng hốt tóe ra vào cái ngày từ Hoàng Sa ngọn đuốc Olympic Bắt Kinh công khai tham vọng cương thổ được rước ngang Sài Gòn.

Và vào một ngày xa hơn, chính từ trung tâm của sự trốn chạy, bỏ lại mặt trời Biển Đông chìm khuất vào bình minh tăm tối, từ trung tâm của sự trốn chạy vào ngày ấy, cụm từ luôn ám ảnh, luôn vượt xa mọi sự tưởng tượng sẽ hiển hiện trên những cột mốc biên giới, hiển hiện bằng vết sơn trắng, hiển hiện như một sự săn đuổi: Đầu Thú.

Không bày tỏ ý thức Tự Do ngay lúc này, ngày tăm tối sẽ đến, chúng ta sẽ còn gì để dựng lại mặt trời.

© 2008 talawas

Trần Tiến Dũng sinh năm 1958 tại Gò Công. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm Khối động (Thơ, Nxb. Trẻ 1997), Hiện (Thơ, Nxb. Thanh Niên 2000); Bầu trời lông gà lông vịt (Thơ, Tiền Vệ 2002) Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai (Thơ, Tiền Vệ 2004). Có thơ in trong các tuyển tập: Thơ tự do, Viết, 26 Nhà thơ đương đại, Tuyển tập Tiền Vệ 2006. Một số bài thơ của Trần Tiến Dũng đã được Đinh Linh dịch ra tiếng Anh, công bố trên: e Book Chester Hill, Australia 2003, Contemporary Voices from the Eastern World: An Anthology of Poem, Norton 2007, và các tạp chí Manoa, Calque.

 
gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài