talawas chủ nhật

 


Thơ :: 21.10.2007
Nguyễn Tất Nhiên Minh khúc
Nguyen Tat Nhien
Nguyễn Tất Nhiên - ảnh chụp năm 1982

Vào lúc nửa đêm ở ngoài sân chỉ còn một bóng vẩn vơ đi qua đi lại vòng quanh mấy cái cây èo uột trong sân Trung tâm III Tuyển mộ nhập ngũ. Anh thanh niên này mặt cúi trầm ngâm nhịp 6 và nhịp 8 bước chân. Chắc là anh đang làm thơ. Tôi đi ra bắt chuyện và quả ra là vậy. Trên tay anh cầm một cuốn vở học trò.

Đó là vào năm 1974 ở miền Nam. Hai ngày nữa tôi sẽ chuyển sang trại tân binh tình nguyện đợi về đơn vị. Anh sẽ chuyển sang trại tân binh quân dịch và tôi sẽ không bao giờ gặp lại, nhưng cuộc chiến dù sao cũng sẽ chấm dứt trong vài tháng nữa. Bài thơ của anh trên giấy chép tay mà anh đưa cho tôi đọc, tôi chỉ nhớ có câu u uất, “Đêm nghe trái bã đậu nổ”. Cây bã đậu là những cây này, dễ nuôi và chóng lớn để cho các quân trường có một chút bóng mát, về khuya trái lốp bốp nở nhưng không hẳn là để tập làm quen với tiếng súng sa trường. Nhưng điều mà tôi ấn tượng về người bạn chốc lát này là lúc anh ngẩng mặt và vung tay về phía cái sân vắng lặng: “Năm ngoái, Nguyễn Tất Nhiên đứng ở nơi đây”.

Vào thời điểm nói trên, thơ của Nguyễn Tất Nhiên qua những bài phổ nhạc là hiện tượng không thể tránh khỏi ở Miền Nam. Ca từ này đi vào đời thường, liếc đâu cũng thấy những cô Bắc kỳ nho nhỏ hiền như ma-sơ và cắt tóc demi-garçon trong khi các thanh niên thì nói năng chi cũng thừa nên chỉ chực leo lên nóc nhà thờ mà ôm thánh giá. Trẻ con thì rêu rao đầu ngõ “Thà như bồ câu/ Chết được nhồi yến” thay vì “Thà như giọt mưa/ Chết trên tượng đá” và bao nhiêu lá trúc đào nắn nót bằng mực tím trên những vở học trò. Nói không ngoa, Biên Hòa trở thành văn hóa.

Nguyễn Tất Nhiên sau 1975 đầu tiên sang Pháp, có một tập thơ do Nam Á xuất bản, vào thuở in ấn ở nước ngoài còn phải chụp lại những chữ đánh máy lọc cọc rất thủ công. Tôi không được biết anh vào giai đoạn này mà là ở Bolsa, sau khi anh sang Mỹ định cư. 1987 hay 1988 là thời điểm cựa quậy của cộng đồng, như một đứa bé bắt đầu lớn. Báo chí đã có nhiều, và Nguyễn Tất Nhiên xuất hiện đều đặn, có lúc anh vào lãnh vực làm băng nhạc nhưng như một số nhà thơ, cuộc sống đối với anh là một chiếc áo mặc không vừa. Cuộc sống riêng tư, cũng như cuộc sống bên ngoài, xã hội, anh tay chân lóng ngóng. Bạn bè, gia đình, thân hữu đều nỗ lực giúp anh vá víu đến đâu hay đến đó, và chỉ có thể là tạm bợ.

Những bài “Minh khúc” là ở giai đoạn cuối này. Tôi gặp Nhiên bất thường, có bận anh cho tôi xem bản nháp của một trường thi về lịch sử Việt Nam, chắc vì hai con anh còn bé và cũng như những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài không thích đọc Đại Nam thực lục chính biên hay Hoàng Lê nhất thống chí. Lúc đó Nhiên cười rất đỗi ngây thơ và cuộc đời thì chẳng ngây thơ chút nào cả. Lần khác, chẳng bao lâu sau, anh giúi cho tôi một bản hắt hiu đánh máy, có vài chữ anh chữa lại bằng tay. Kỷ vật của tôi không phải là những tờ giấy tôi đã đánh rơi đâu mất này, mà là vài câu thơ tôi còn giữ trong một xó óc:

Buồn ơi tôi thấy tôi bàn ghế
Nguyện hiến cho đời một tấm lưng

Nguyễn Tất Nhiên đã ra đi, ngồi trong xe một mình ở một sân chùa vắng. Tôi không rõ là chùa nào và sân chùa này có trồng cây bã đậu hay không. Đám tang anh, tôi lái xe lạc đường và đến trễ sau khi mọi người đã ra về. Nhưng thôi, người chết thì chẳng đi đâu được và vẫn nằm đó.

Tập “Minh khúc” 10 bài này, Nguyễn Hoàng Nam vừa mới tìm lại thấy một bản. Đây không phải là những bài cuối mà là những bài Nguyễn Tất Nhiên có gom lại thành tập và photo thành vài bản. Một số bài trong tập đã được in trên báo dạo đó nhưng vào thời điểm internet chưa thông dụng nên không được lưu trữ trên mạng.
10.2007
Đỗ Kh.

Nguyễn Tất Nhiên

Minh khúc

Bản thảo vừa hoàn tất, thân quí tặng
anh chị Hồ Thành Đức – Bé Ký và các cháu Cao – Cung – Hải Dương
Cali, 22.6.90


Minh khúc, 89

ví dù lá đỏ đường xưa
ngoài hiên những nụ tình chưa muốn tàn

ví dù tóc gọi thời gian
ngàn mây phiêu lãng cũng cần suối sông

ví dù gối đã lìa chăn
thì chăn gối cũng bao lần với nhau

ví dù trước đã lìa sau
thì sau trước trước sau sao vẫn là
ai gieo tiếng dữ rồi ra
lược gương nhau nhé tình ta với mình!

Westminster, CA, 14.7.89


Minh khúc 2

khi mà, dòng đã xa sông
thì trăng vẫn chiếu buồn trong tháng ngày

khi mà, chim đã xa bay
thì cây vẫn trái tình hoài trông mong

khi mà, mồ cỏ thu đông
thì xuân xanh vẫn phượng hồng hè xưa

khi mà, lạnh bếp tàn tro
me long lanh lá rừng chưa hết ngàn

đường duy tân – chợ bến thành
chân ai thả bộ còn in khóe cười
đời quên sao có ngậm ngùi
đời nhớ sao lại có người cố quên?

Westminster, CA, 19.7.89


Minh khúc 3

khi em cùng nắng tan trường
áo đơm hương gió lòng thơm hương chiều
có người không biết rằng yêu
phần ai quả tráp khăn điều phúc ai?

khi em mỏng mảnh hình hài
nơ nhung cho tóc đừng bay mất hồn
có người ngơ ngẩn hoàng hôn
hay hàng trụ điện suốt đường tương tư?

khi em bước nhẹ dường như
không gian mà một tờ thư tỏ tình
có người vừa tức giận mình
vừa không biết phải theo nhìn... để chi?

khi em là nắng xuân thì
là mưa trung học ước gì song đôi
có người – không phải là tôi
vì thơ tôi đẹp hơn tôi thất tình!

Westminster, CA, 22.7.89


Minh khúc 4

chút lòng, đáp lễ cho nhau
vết đau hạnh ngộ kiếp sau bù đền

chút tình, đáp nghĩa nhân duyên
dấu sinh ly mãi còn riêng vợ chồng

chút son thô, chắc đủ hồng
cho môi ai dễ thương còn thương thêm

em cười, không sót chút duyên
cho anh chê xấu mà quên chữ tình
em tươi, không sót chút hiền
cho anh chê nết không thèm dây dưa

thôi thì tan hợp nghìn xưa
thì thôi gió đập đò đưa mặc đò...

Santa Ana, CA, 25.7.89


Minh khúc 5

tay đèn ngoắc bóng phố khuya
phố khuya khuya phố chia lìa ước mơ
và, cô đơn giết mòn chờ
và, hun hút có ai ngờ vẫy theo?

cô liêu tôi đứng nghe chiều
bảo đêm khua thức bao điều tàn phai
và, mang cũ kỹ thêm vài
và, tôi đứng đợi ngày mai chút già...

Westminster, CA, 26.7.89


Minh khúc, 90

đường không gian – đã phân ly
đường thời gian – đã một đi không về...

những con đường mịt sương che
tôi vô định lái chuyến xe mù đời
cu tí ngủ gục đâu rồi?
băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con!

đường trăm năm – nát tan lòng
đường ngàn năm – hận, xin đừng trả nhau!

những con đường cuối năm nào
cho tôi tìm lại cành đào ba sinh
khi em lễ mễ với tình
thắp nhang tạ tội sinh thành con đi...

đường chung đôi – đã chia đời
đường chia đôi – vẫn hơi người quẩn quanh

chim đêm hót tiếng đau tình
đau tim tôi chở lòng thành kiếm em...

Westminster, CA, 2.1.90


Minh khúc 7

ơn đời tha thứ cho nhau
ơn người buông thả nhau vào nhớ quên
ơn sông kỷ niệm dòng hiền
mang mưa hiện tại kêu thềm nhà
xưa:

nhà xưa
có lửa hương vừa
có đau đớn đủ
có chưa trọn đời
có dòng nhẫn nhục rơi
rơi... xuống môi run rẩy khóc muồi trăm năm
có chung mang một chỗ nằm
có riêng quang gánh nên
đường đôi
nơi!

ơn chim hót tiếng thương người
sáng nay thức dậy
vườn đời
thiếu
nhau!

Westminster, CA, 9.1.90


Minh khúc 8

tình cần chăng?
một làn hương ngát đau thương
trái tim mòn mỏi trông!

tình cần chăng?
một dòng sông thủy chung
cùng bóng trăng nghìn trùng xa!

tình cần nhau chén khổ qua
chồng chan vợ húp thiệt thà khen ngon!

tình cần nhau cọng hành thơm
chút tiêu cho ngọt râu tôm ruột bầu!

tình đày nhau đến bao lâu
một duyên hai nợ thì âu cũng là...

tình đày nhau đến chia xa
lẽ đâu là... lẽ đâu là...
quạ kêu?

Santa Ana, CA, 1.2.90


Minh khúc 9

đong tình đong nghĩ cho nhau
trái tim nhân loại dù sao cũng còn
đâu đây, đâu đó, bên đường...
có thêm một tấm lòng thương tấm lòng!

nợ đời, trả kiếp chưa xong
ai đem đổ biển đổ sông nợ tình...

cho nhau nhiều ít chân thành
cũng như hương lửa ba sinh hãy còn
sẻ chia khúc ruột đoạn trường
kẻo vua lê trách chàng trương phũ phàng!

nợ đời, trả chút văn chương
nợ tình, ừ, trả con đường em đi...

sông không trách nước không về
qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai
chỉ xin sợi vắn sợi dài
tóc mai nhắn gió thương hoài ngàn năm...

bữa qua qua bỗng đau lòng
nhớ hôm bậu hát bài đừng xa nhau...

Westminster, CA, 27.4.90


Minh khúc 10

đẩy nhau đến tận tàn đời
đủ chưa? đau khổ bật lời yêu thương
hiu hiu gió nhẹ nhàng, thường
bóng cây thư thả động lòng tháng năm...

xô nhau cuối tận đường hầm
gặp chưa? tia sáng từ tâm nhiệm mầu
hay là hóc hiểm thâm sâu
vẫn nuôi ích kỷ cho màu tàn phai...

dìu nhau trên những đường dài
đâu đâu cũng tiếng người thay đổi lòng
rồi sao? có thấy chi không?
con ơi, bố mẹ diễn tuồng sinh ly...

Santa Ana, CA, 21.6.90

© 2007 talawas

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30.5.1952 tại Biên Hòa. Ông làm thơ rất sớm. Đầu thập niên 70 ở miền Nam, phong trào thơ phổ nhạc lên cao, thơ Nguyễn Tất Nhiên được công chúng rộng rãi biết đến và được ưa chuộng ở vị trí đầu bảng. Ca từ của ông (do Phạm Duy, Anh Bằng, Nguyễn Đức Quang phổ nhạc) đi vào thành ngữ dân gian. Thơ ông thành hiện tượng quần chúng, với vô số bàn tán bên lề. Hơn ba mươi năm sau, những cụm từ, câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên vẫn vương vấn những trang chat sinh viên, học trò ngày nay.

Nguyễn Tất Nhiên vượt biên năm 1978, định cư ở Pháp, sau sang Mỹ. Ông tiếp tục sáng tác với một giọng trầm ngâm, buồn, cho tới khi tự sát ngày 3.8.1992 tại California.

Tác phẩm Nàng thơ trong mắt (Thơ, Sài Gòn 1966, cùng với Đinh Thiên Phương); Dấu mưa qua đất (Thơ, Sài Gòn 1968, cùng với Bút đoàn Tiếng Tâm Tình); Thiên tai (Thơ, Sài Gòn 1970), Thơ Nguyễn Tất Nhiên (Tuyển thơ 1969-1980, Nxb. Nam Á, Paris); Những năm tình lận đận (Tập nhạc 1977-1984, Nxb. Tiếng Hoài Nam); Chuông mơ (Tuyển thơ 1972-1987, Nxb. Văn Nghệ, California). Nguyễn Tất Nhiên còn một số bản thảo thơ và truyện ngắn chưa xuất bản.


gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài