talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần I

Mùa thu

Lời mở đầu cho phần một Chương 1: Hủ nữ Nguyễn Kỳ Cầm Chương 2: Cuộc sống tươi đẹp Chương 3: Người và vật đều đáng yêu Chương 4: Đêm kinh hoàng Chương 5: Khi người ta đều nói thật Chương 6: Tôi là người biến thái?!

 



Chương 2

Cuộc sống tươi đẹp

Ngày Trung Thu không có trẻ nhỏ và người già được diễn ra trong không khí của phòng karaoke và hội họp, đúng ra là hát karaoke là tất cả mọi người, cả những thầy cô giáo Trung Quốc và các sinh viên đủ màu sắc vàng trắng đen với đủ các thứ tiếng, còn phần hội họp là đặc sản riêng của tập thể sinh viên Việt Nam và chỉ được tiến hành với một thứ tiếng thôi, đó là tiếng Việt, được thực hiện sau khi khuôn mặt trắng trẻo của Châu Kiệt Luân biến mất khỏi màn hình ti vi và các giáo viên cùng sinh viên nước khác đã rời đến một cuộc vui khác. Aiko, cô gái Nhật có mớ tóc rất dày màu hạt dẻ ngoắc tay gọi tôi, nhìn thấy đám người đi với cô ta có cả một cậu trai đem một hộp đen to, tôi có mơ hồ nhận ra đó là hộp đàn ắccoócđêông, họ còn mang một bọc nylon to đầy những quả bóng bay đủ màu chưa được thổi lên. “Đi theo họ chắc mình sẽ được vui đây!” tôi thầm nghĩ vậy và mon men đứng dậy toan đi theo, giọng Kim đột nhiên vang lên qua chiếc micro vốn dùng để hát: “Đề nghị các bạn Việt Nam ở lại, chúng ta có cuộc họp chào đón những anh chị mới đến bây giờ.”

Tôi đành ngậm ngùi nhìn Aiko và nhóm người đi cùng cô ta đem theo đàn và bóng bay biến mất sau cánh cửa to nặng của phòng karaoke, bản thân ngoan ngoãn ngồi lại, anh cũng ngồi im cạnh tôi, khẽ nở một nụ cười đồng tình.

“Như vậy là đã bầu xong hội trưởng, hai hội phó và bốn người phụ trách các mặt hoạt động của chúng ta, chúng ta hôm nay tập trung ở đây để cùng bàn bạc những hoạt động của tập thể sinh viên Việt Nam, tạo điều kiện tốt để mọi người cùng phấn đấu học tập và giúp đỡ lẫn nhau nhằm xây dựng tập thể chúng ta càng vững mạnh, xứng đáng với truyền thống hiếu học và bầu ơi thương lấy bí cùng của dân tộc Việt Nam ta.”

Lời phát biểu thứ năm trong vòng ba mươi tám phút đồng hồ tính từ lúc Aiko ra khỏi cửa được một anh nghiên cứu sinh đáng kính khoảng ba mươi tư tuổi với vài sợi tóc bạc trên mái đầu còn khá đen đọc lên, cũng là lời phát biểu cuối cùng của cuộc họp được kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội.
Rời khỏi cuộc họp long trọng, tôi và anh không về ký túc xá mà thả bộ trên phố, tám giờ tối Trung Thu trời đầy mây, không thấy trăng đâu nhưng lúc này có lẽ việc có nhìn thấy mặt trăng hay không cũng chẳng còn quan trọng nữa, các cửa hàng sáng lóa đầy chặt những khuôn mặt trẻ còn những khuôn mặt già hơn thì có lẽ phải gí mắt vào cửa sổ các chung cư mới thấy được, những người ở ngoài đường nếu không dùng mắt để nhìn nhau thì cũng phải nhìn đường, còn những người ở trong chung cư thì họ có thể nhìn nhiều thứ hơn, nhìn con cái, nhìn thức ăn trên bếp hay trên bàn, nhìn màn hình ti vi hay máy vi tính và thậm chí là nhìn tường hay trần nhà nhưng tôi tin là cũng chẳng có mấy người cần nhìn trăng, đây cũng là chuyện bình thường ở Á Đông, chị Hằng càng ngày càng cô đơn.

Có ai đó vẫy tay gọi chúng tôi bên đường, nhận ra ngay mớ tóc quăn sóng to đen nhánh của Aline, ở đây ai mà để tóc đen nhánh thì cũng gây chú ý chẳng kém gì màu bạch kim sáng lóa của người da trắng, đơn giản là thanh niên nơi này để tóc nguyên màu đen khá hiếm. Aline, hơn tôi một tuổi, dáng người thấp đậm, da nâu, người Inđônêxia, tay cô ấy cầm hai xiên thịt nướng, một xiên còn nguyên vẹn và một xiên đã ăn được một nửa. Chúng tôi cùng tiến lại, lúc đó mới để ý cạnh quầy thịt nướng không phải chỉ có mình Aline, Noy, cô gái Lào bằng tuổi tôi cũng đang cầm một xiên thịt vừa nướng xong, vừa rồi do cô ta quay lưng lại, chúng tôi không nhận ra, Noy đưa ngay xiên thịt còn rất nóng cho tôi và nói bằng hai từ tiếng Việt rất rành rọt:

“Ăn đi.”

Tôi cầm xiên thịt, nhận ra là thịt dê nướng, rón rén cắn một miếng, vừa nhai vừa chụm môi hà hơi ra để phòng bỏng mồm trong khi anh vừa vội vàng gọi ngay năm xiên thịt nữa, có tính cả phần của Noy trong đó, vừa rút tiền ra cầm sẵn ở tay để kịp trả tiền trước họ. Noy vừa cười tinh quái vừa hỏi tôi bằng tiếng Trung:

“Họp có mệt không?”

Aline ngơ ngác nhìn chúng tôi:

“Họp cái gì thế?”

Cố tình làm như không biết rằng Noy có người yêu làm việc ở Việt Nam, làm như không biết rằng cô ta thậm chí còn biết vài từ tiếng Việt và cũng biết một số thói quen của người Việt Nam, làm như không biết tôi có biết cô ta biết tính chất cuộc họp vừa rồi của chúng tôi và cô ta cũng biết là tôi có biết rằng cô ta biết, tôi dùng giọng dõng dạc nhất có thể giảng giải bằng tiếng Trung cho Aline:
“Đây là hoạt động tập thể của chúng tôi, cũng giống như các bạn tổ chức lễ cầu nguyện ngày thứ Bảy ấy mà.”

Vừa nói tôi vừa thầm cầu khấn cho Noy chấm dứt chủ đề này ở đây, cũng may, tuy vẫn cười tinh quái như vậy nhưng cô ấy chẳng nói gì nữa, lại còn vờ vịt gật gù cùng với Aline trước cách giải thích của tôi nữa.

Thật ra thì cũng đúng mà, về sau tôi vẫn tự nhủ thế, đều là sinh hoạt tập thể cả thôi, có gì khác nhau đâu. Cả gia đình Aline đều theo đạo Thiên chúa phái Tin lành, tôi vẫn nhớ rất rõ cái hôm tôi đi theo cô ấy đến dự buổi cầu nguyện ngày thứ Bảy của người Inđônêxia theo Thiên chúa giáo phái Tin lành ở Thượng Hải. Hôm đó cũng là một trong số những lần hiếm hoi tôi có dịp được trèo lên một đỉnh cao nào đó và nhìn ra xung quanh, những người Inđô thuê một hội trường nhỏ nằm trên tầng thứ bốn mươi chín của một tòa nhà ở trung tâm Thượng Hải, hôm đó tôi phải mất đến một phần ba thời gian cho việc nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm nhìn một trong những thành phố hùng vĩ nhất thế giới chìm trong ráng chiều vàng, những con phố đầy ngập người, xe và hun hút tủa về mọi phía, một cảm giác kỳ lạ kéo đến khi tôi nhớ lại hồi nhỏ, mỗi lần ra biển chơi, đứng trên bờ cát nhìn ra đường chân trời trên mặt biển, khi đó tôi có cảm giác nhìn thấy được cả bề cong của Trái Đất, bỗng nhiên cảm thấy thế giới thật là bé nhỏ, đến cái bề cong ấy cũng có thể cảm nhận được bằng mắt thường, vậy mà ở đây, khi không thấy đường chân trời cong đó, tầm nhìn bị đường phố và các cao ốc hạn chế về mọi phía lại có cảm giác thế giới này dường như là vô tận. Ở cái tầng thứ bốn mươi chín đó, tôi còn nhìn thấy cả người phụ nữ xinh đẹp nhất trong số những người mà tôi từng gặp, cô ấy cũng là người Inđônêxia như Aline, rất cao, da trắng, đôi môi đỏ tươi và mượt mà, đôi mắt có đuôi gần như không được chăm tỉa mấy, chân mày nhạt và mảnh, tóc đen nhánh cũng như tóc Aline không uốn sấy gì được buộc lại thành một đuôi gà bóng mượt sau gáy, cô ấy đeo đôi hoa tai dài mảnh, dài đến tận giữa cái cổ thon dài vươn lên từ cổ chiếc sơ mi đen dày dặn, chiếc sơ mi buông xuống đến ngang đùi, phía dưới là đôi chân cũng thon dài được bọc trong ống quần bò màu xanh sáng. Cô ấy toát lên một vẻ cao quý trang nhã mà tôi vẫn hay liên tưởng khi nghĩ đến các bậc mệnh phụ phu nhân. Cô đưa tôi một tờ giấy trắng có in những chữ đen cũng chỉnh tề và trang nhã như cô vậy, tôi ghi lên đó tên họ và địa chỉ e-mail của mình, tờ giấy có để một khoảng trắng chừng mấy dòng, Aline giải thích với tôi là để nếu tôi có việc gì không vui thì viết ra, mọi người sẽ cùng cầu nguyện để Chúa phù hộ cho tôi vượt qua được khó khăn. Vì không có chuyện gì khó khăn lúc này nên tôi chẳng viết gì ra cả và bỏ trống khoảng giấy trắng đó. Người phụ nữ xinh đẹp còn đưa tôi xem một quyển sách nhỏ và mỏng chỉ bằng một cuốn sổ ghi địa chỉ, bên trong đầy các hình vẽ sặc sỡ và các trang tiếng Anh, cách trình bày và nội dung đều rất đơn giản nên với vốn tiếng Anh chẳng lấy gì làm tự hào được, tôi vẫn hiểu lơ mơ rằng đó là một cuốn sách ghi những câu chuyện nhỏ về Chúa và về những người tin Chúa trên khắp thế giới.

Và rồi họ hát, hát rất hay dù rằng tôi chẳng hiểu họ hát những gì, tất cả mọi người đều hát, trừ tôi. Một người đàn bà trung niên được gọi là Maria đứng lên nói rất nhiều, bà ta có cầm một quyển kinh nhưng thỉnh thoảng mới mở ra đọc, Aline có lúc ghé vào tai tôi giảng giải lại bằng tiếng Trung:
“Bà ấy nói rằng tháng trước bố bà ấy ốm nặng và bà ấy đã rất lo buồn, mọi người đã cùng cầu nguyện với bà ấy và bây giờ thì bà ấy đã vui hơn, bà ấy và gia đình vẫn đang rất lạc quan chờ bệnh tình của bố bà ấy chuyển biến tốt.” Aline nói vậy.

Được một lúc bài giảng của Maria kết thúc và mọi người cùng đứng lên, giơ tay cầu nguyện, tôi cũng giơ tay và im lặng, trong một chốc tôi có quay ra nhìn người phụ nữ xinh đẹp ngồi sau tôi mấy hàng ghế và nhận ra nước mắt lăn ra trên má cô, cô không để ý đến nước mắt mà cũng không chú ý đến tôi, đôi mắt có đuôi nhìn đăm đăm vào Maria trên bục diễn thuyết, cánh tay phải giơ cao để lộ ra cổ tay mảnh dẻ trắng ngần và đôi môi mượt mà không ngừng đọc lời cầu nguyện. Aline và tất cả mọi người cũng hết sức tập trung cầu nguyện như thế và tôi nhìn thấy vẻ tin tưởng thành kính bừng lên trên mặt họ, nhận thấy tuy rằng là người ngoại đạo nhưng trong tình huống này mà vẫn nhìn ngang ngửa thì thật bất lịch sự, tôi thôi không nhìn ngó người khác nữa mà làm ra vẻ cũng tập trung nhìn vào Maria như mọi người.

Buổi lễ kết thúc và tôi được chia một miếng bánh gatô sôcôla ngon tuyệt.

Đúng là xét về mặt tính chất thì cái buổi họp vừa rồi của chúng tôi cũng chẳng khác buổi cầu nguyện của họ là mấy, tuy rằng buổi lễ của họ không có những người tham dự phải ngồi lại một cách hết sức miễn cưỡng như tôi, tuy rằng chúng tôi không có ai nghe các đại diện sinh viên diễn giảng một cách thành kính như họ nghe Maria, tuy rằng chúng tôi không được ngắm phong cảnh từ tầng thứ bốn mươi chín, không có mỹ nhân khóc mà cũng chẳng có ai đề cập đến việc bố mẹ ai bị ốm, không có những cuốn sách nhỏ sặc sỡ mà cũng chẳng có bánh gatô sôcôla nhưng bù lại chúng tôi đã bầu chọn ra được một hội trưởng ưu tú, hai hội phó ưu việt và bốn người phụ trách tuyệt vời cho một tập thể gồm bốn mươi lăm con người, lại được biết là toàn những thành viên đáng kính đại diện cho sinh viên Việt Nam ở nước ngoài nữa.

Lại nói về cái buổi tối Trung Thu này, khi chúng tôi đứng ăn thịt nướng trên đường, anh không ngừng xem đồng hồ và đến khoảng tám giờ ba mươi phút anh nói rằng anh phải đi.

“Anh đi đâu?” Tôi hỏi, tôi đã hy vọng là buổi tối Trung Thu này có anh ở bên.

“Có hẹn mấy đứa Trung Quốc.” Anh trả lời và cũng nhận ra tôi không vui, anh nói thêm “Toàn con trai thôi, rủ em đi cũng không tiện.”

Tôi rất muốn nói với anh rằng có toàn là con trai chăng nữa cũng chẳng sao cả, chỉ cần cho tôi đi với anh là được, nhưng tôi tự kìm mình lại mà chỉ nói:

“Vậy anh đi chơi vui vẻ nhé.”

Sau đó Aline và Noy có rủ tôi ăn vài thứ quà, tôi đi với họ nhưng gần như chẳng ăn gì cả và cáo về sớm, tôi nói rằng tôi cần cho lũ chuột của tôi ăn và Aline chẳng khó khăn gì để thông cảm ngay.
Đó là những con chuột nhỏ màu xám nhạt, kích thước chỉ bằng chuột nhắt được tôi nuôi trong một chiếc lồng nhựa nhỏ, tôi cũng không biết trong tiếng Việt loài chuột này được gọi là gì, chỉ biết có cách dùng tiếng Trung mà gọi chúng là “thương thử”. Nửa năm trở lại đây hai con chuột này, mà nói đúng ra là bao gồm cả cửa hàng bán các loài gặm nhấm và một số vật nuôi cảnh ở gần trường nơi tôi đã mua chúng đều đã trở thành nguồn an ủi lớn mỗi khi tôi có cảm giác hụt hẫng khi bị anh bỏ rơi vì những lý do gì đó, ví dụ như tối Trung Thu này.

Tôi mở nắp lồng, nhấc con chuột cái lên từ bên trên, đặt nó lên lòng bàn tay và hơi nắm lại nhè nhẹ, cảm giác những cố gắng vùng vẫy muốn thoát ra khỏi bàn tay tôi của con vật, những ma sát mềm mềm âm ấm của lông và có hơi cứng hơn, lạnh hơn của bốn bàn chân và mũi nó. Đáng ra không nên bắt nó từ bên trên như thế, kẻ thù lớn nhất của các loài bé nhỏ này trên các vùng đồng cỏ chúng thường hay sinh sống luôn là những loài chim ăn thịt đủ lớn để ăn chúng với động tác rất đặc trưng là bổ nhào từ trên trời xuống và chộp lấy con mồi. Vì vậy nếu muốn chúng thật sự yêu quý mình thì phải thật kiên nhẫn, đừng bắt chúng từ phía trên mà phải đặt bàn tay thật nhẹ nhàng trước mặt chúng, nựng chúng bằng những lời nói ngọt ngào hay bằng thức ăn ngon để chúng dần dần quen mà tự động trèo lên tay bạn, ở trên mạng đã có người dạy tôi hết sức cẩn thận như thế đấy. Thế nhưng tôi chẳng nghe theo chỉ dạy được mấy bữa, tôi luôn quá thiếu kiên nhẫn với những con vật nhỏ này hay nói đúng ra là có lẽ tôi chẳng cần chúng yêu quý tôi nhiều đến mức có thể vì thế mà đi bỏ thời gian nựng chúng, trực tiếp bắt con vật lên, nắm trong tay và cảm nhận chúng sợ hãi cố tìm cách thoát ra, “Thực ra thì ngày nào cũng làm thế, thế nào nó cũng quen hơi mình đi thôi, rồi nó cũng chẳng phải sợ mình nữa”. Tôi vẫn tự an ủi lương tâm mình như thế.

Hai con chuột, một đực một cái thường ngày rất quấn quýt với nhau, hôm nay cầm con chuột cái trong tay, tôi có cảm giác rõ rệt là nó tròn ra khác thường, có lẽ là sắp có con rồi, tôi lật ngửa con vật lên để nhìn lại cho rõ, xác minh lại một lần nữa. “Lần này phải chuẩn bị cho chú mày một cái lồng to thôi.” Tôi đưa con vật lên ngang mặt, nói với nó. Đây sẽ là lần thứ hai nó sinh con dưới sự chăm nom của tôi, lần trước toàn bộ chuột con đều không nuôi nổi, do chiếc lồng quá nhỏ hẹp, không đủ kín đáo để che chở cho chúng, mỗi khi tôi mở nắp lồng cho thức ăn và nước uống vào con chuột mẹ lại bị kinh động, kết quả là sau một tuần lũ chuột con bị mẹ chúng ăn thịt hết. “Những con vật này là như thế, chúng có thể vì rất nhiều lý do mà ăn thịt con mình, chuột mẹ bị căng thẳng, chuột con quá ốm yếu hay trên mình chuột con có thể đánh hơi được mùi của một loài khác,… tự nhiên sinh ra chúng là như vậy, vì thế mà đã nuôi là chỉ có cách chấp nhận”, ngay từ lúc đem những con vật này về nuôi, tôi đã đọc được lời khuyến cáo như thế ở trên mạng. Tiểu Muội cũng có không ít kinh nghiệm nuôi các con vật nhỏ thậm chí đã vin vào cái tính hiếu thắng được thể hiện quá lộ liễu trong các cuộc tranh cãi trên diễn đàn của tôi mà khuyến cáo đùa rằng: “Với đối phương là người, bạn còn có thể luôn luôn đúng được, với chuột thì không thế được đâu, trong phần lớn các bi kịch mẹ ăn con xảy ra thủ phạm chính sẽ là bạn đấy.”

Và tôi đã để bi kịch xảy ra một lần, giờ đây để ngăn chặn lần thứ hai tôi cần có một cái lồng nhựa to và cần ngay bây giờ vì tôi không thể biết chắc được chuột con sẽ được sinh ra vào lúc nào.
Cách ký túc xá khoảng năm mươi mét có một đống rác nhỏ, gọi là đống rác nhưng thực chất cũng không phải là những đống bẩn thỉu hôi hám gồm những thức ăn ôi thiu, hoa héo và đầy chuột bọ đâu, đó chỉ là một đống phế liệu nơi sinh viên trường và những người sống quanh vứt ra những hộp giấy, ghế nhựa gãy hay các vật bỏ đi quá lớn để vứt vào thùng rác, ở đó chúng cũng chẳng hoàn toàn bị vứt bỏ, ngày ngày vẫn có những người lam lũ đến, chọn và đem đi những thứ có ích cho họ.
Bây giờ tôi đang loay hoay ở cái đống phế thải đó, thứ được vứt ra đây nhiều nhất có lẽ là những đôi giày, tôi nhớ lần gần đây nhất mình lang thang trong một bãi phế thải như thế này là khoảng mười hai năm trước, khi khu công trường ở gần nhà bị bỏ hoang phế do một vụ kiện tụng nào đó của nhà xây dựng đóng góp cho khu phố một chỗ vứt rác lớn, tôi chạy cả vào đó để tìm những mảnh lá cây huân chương có thể dán lên áo hay những viên sỏi màu bởi lẽ tuy là bãi phế thải nhưng thực chất đó cũng là một khoảng xanh nhỏ với vài bụi cây lúp xúp hiếm hoi của khu phố. Khi đó tôi thường chỉ thấy những giày vải mỏng, những chiếc dép cao su, xăng đan đứt quai và dép lê gãy vung vãi ở đó. Rồi công trường được thi công trở lại và một tòa trụ sở cơ quan nào đó mọc lên, tôi cũng lớn lên và thành thói quen luôn giữ khoảng cách ít nhất là mười lăm mét với những bãi phế thải như thế. Lần này, ở bãi phế thải này, tôi nhìn thấy không ít những đôi giày cao gót với gót nhọn hoắt và mũi cũng nhọn chẳng kém gì gót, không ít những đôi giày lành lặn không hề đứt quai hay gãy gót, nhiều đôi có lẽ chỉ được xỏ trong chân chủ nhân của chúng một hay nửa mùa mốt rồi bị vứt đi ngay vì không còn hợp thời trang nữa. “Ôi! Thượng Hải, đúng là thành phố của thời trang!”. Nhiều thứ hai sau giày dép có lẽ là những linh kiện máy tính, những con chuột máy tính, bàn phím hỏng, ổ đĩa cứng đã cháy. Cái thứ mà tôi đang cố gắng tìm thì lại thiếu trầm trọng, tôi đã hy vọng có thể tìm được ở đây một chiếc hộp bằng nhựa hay bìa cứng nào đó nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy đâu, cũng phải thôi, khi bạn quẳng ra bãi rác một hộp giày bao gồm cả hộp lẫn giày ở trong thì phần được lấy đi thông thường sẽ là phần hộp giấy bọc ngoài chứ không phải là giày, tương tự, với linh kiện máy tính cũng thế.

“Làm gì mà đi bới rác thế này?” Một giọng nữ trong trong mượt mà vang lên.

Tôi ngẩng đầu và nhận ra khuôn mặt và dáng người xinh xắn của Vân, lấp ló sau vai cô ấy là đôi kính đạo mạo của Kim. “Đẹp đôi thật!”, đó là cảm giác chính của tôi mỗi lần nhìn thấy hai người này, có điều bây giờ không phải là lúc nhìn xem thiên hạ có đẹp đôi hay không mà phải lo cho xong việc của mình đã.

“Vân hay Kim có hộp nhựa hay hộp bìa gì không? Càng to càng dày càng tốt?”. Thay vì trả lời lý do khiến tôi đi bới rác, tôi chỉ hỏi đơn giản như thế thôi.

Quãng mười một giờ mười lăm phút tối, trời vẫn đầy mây chẳng thấy trăng đâu, tôi đã có trong tay chiếc lồng chuột mới của mình, một công trình hết sức cầu kỳ được làm từ hai hộp bìa lớn dùng đóng gói các túi sữa tươi, một hộp bìa vốn là hộp bột giặt, hai hộp vốn dùng đựng những chai dầu ăn, tất cả được dán, xếp, lồng vào nhau thành một cái hộp lớn và kiên cố với nhiều lớp bìa dày, ngoài ra còn có năm cái đĩa vi tính mềm hình vuông đã hỏng và bốn đĩa tròn lớn không còn được dùng nữa được vận dụng để dán vào những vị trí có nhiều khả năng bị răng chuột cắn thủng nhất, tất cả công trình được dùng đến hai phần ba cuộn băng dính loại to bản để làm chất kết dính, tôi, Vân và Kim đã phải mất ít nhất hai tiếng đồng hồ để hoàn thành. Đáng khen ngợi nhất là Kim, các hộp sữa và hộp xà phòng là do cậu ta cung cấp, cả một số đĩa vi tính hỏng cũng là của cậu ta, tuy nhiên cái đáng khen ngợi nhất vẫn là tinh thần. Lần đầu tiên khi nghe nói rằng tôi có nuôi chuột, cậu ta đã thắc mắc rằng sao tôi lại đi nuôi cái con vật mà người ta phải ra sức phòng chống và tiêu diệt. Tất nhiên, khi hỏi vậy không phải là Kim không biết rằng trên đời này tồn tại ba loại chuột, một là để tiêu diệt, hai là để ăn thịt và ba là để nuôi làm cảnh, không phải là cậu ta không biết thế, chẳng qua là do thói quen, ví dụ như trong thời gian có dịch cúm gia cầm thì nếu có dịp đứng trước một con phượng hoàng, cậu ta sẽ để tâm đến trước tiên là: “Nó có nhiễm vi rút cúm hay không?” chứ không phải là tấm tắc, xuýt xoa, tự cấu véo vào người mình để trầm trồ lên rằng: “A! Đây đúng là con vật trong huyền thoại ư?!!!”, đây là một thói quen chín chắn của một con người chín chắn. Vậy mà hôm nay cái con người chín chắn đó đã bỏ ra hai tiếng đồng hồ của một buổi tối Trung Thu, hai tiếng đồng hồ chỉ có Vân xinh xắn ở bên cạnh để ra tay giúp tôi làm cái lồng chuột, tất nhiên là công lao của Vân ở đây cũng rất lớn, chẳng là người nảy sinh ra ý tưởng làm lồng chuột như thế này chính là Vân mà, và Vân thì vốn chẳng chín chắn như Kim, cô ấy tuy cũng chưa có dịp được nhìn thấy phượng hoàng nhưng vẫn thường xáp vào xem những con ngỗng và bồ câu nuôi trong sân trường ngay cả khi dịch cúm gia cầm hoành hành ác liệt nhất.

Nhìn Vân thích thú như một đứa trẻ đang chơi xếp hình khi cắt dán cái lồng chuột cho tôi, tôi tự hỏi rằng không biết thường ngày nói chuyện với Kim, Vân có cảm giác như thế nào. Tôi vốn không thạo giao tiếp với những người chín chắn đạo mạo, lần đầu tiên nói chuyện với Kim đã trở thành một kỷ niệm chẳng lấy gì làm dễ chịu với tôi.

Đó chính là ngày đầu tiên của kỳ học đầu tiên năm học đầu tiên tôi đến trường đại học này, ngày đầu tiên bắt đầu chương trình đại học của mình. Tôi và anh hai đứa cùng chuyển đến, khi ghi danh báo cáo ở ký túc xá, anh chỉ cho tôi xem một cột khá dài hơn chục cái tên Việt Nam được ghi trong sổ đăng ký phòng, sau đó chúng tôi được biết tất cả những người này đều chỉ đến trước chúng tôi hai ngày. “Rồi chúng mình sẽ phải tìm gặp làm quen thôi.” Anh nói, hai tiếng “chúng mình” vọng đến tai tôi nghe thật dễ chịu.

Buổi sáng đến nơi, anh nhận phòng anh, tôi nhận phòng tôi, hai giờ chiều một mình bước chân ra ngoài đi học. Một thân hình cao cao gầy gầy, sơ mi màu nâu nhạt bỏ trong cái quần bò có đeo thắt lưng da to bản, đôi mắt kính loang loáng, con người đứng ở chân cầu thang có ý nhường lối cho tôi, tôi cũng chỉ nhìn loáng thoáng, rất nhanh thốt ra hai từ “Cảm ơn” bằng tiếng Trung rồi lướt nhanh qua người đó toan đi ra cửa ra vào ký túc xá, đột nhiên một giọng tiếng Trung hết sức chuẩn xác vang lên:

“Chào bạn, bạn có phải là người Việt Nam không?”

Quỷ tha ma bắt cái tư duy quá mức chậm chạp của tôi lúc đó, trong vòng một giây tôi còn đang nghĩ xem nên trả lời bằng ngôn ngữ nào thì cái miệng đã kịp thốt ra từ tiếng Trung “Vâng!”. Và cái miệng của người kia còn nhanh hơn khi chuyển đề tài thành hỏi han tin tức của tôi mà chẳng giới thiệu gì về mình:

“Tớ nghe nói có một bạn gái Việt Nam đến đây hôm nay, có phải là bạn không?”

“Vâng, còn một bạn trai nữa.” Tôi trả lời hết sức thật thà mà gần như không nghĩ gì cả, thậm chí còn chẳng kịp nghĩ đến việc phải hỏi lại đối phương, tôi không giành được quyền chủ động, đây cũng chính là lý do khiến tôi luôn luôn bị những đòn chí mạng mỗi lần tiếp chuyện Kim sau này.

“Bạn tên là gì?”

“Nguyễn Kỳ Cầm.”

“Bạn ở phòng nào?”

“605.”

“Bạn học ngành gì?”

“Ngôn ngữ.”

Sau vài câu hỏi và đáp được thực hiện như một cuộc hỏi cung thân thiện với người tra hỏi và người bị tra hỏi luôn nở nụ cười xã giao, câu kết của anh ta làm tôi ngẩn ra mất mấy giây:

“Chúng tôi có rất nhiều nam sinh Việt Nam ở tầng tám, rất hoan nghênh bạn đến chơi, chúng tôi xa nhà đã lâu và rất mong gặp các bạn nữ đồng hương.” Một câu nói khá dài được thốt ra bằng thứ tiếng Trung nhanh và chuẩn xác, rồi anh ta cũng nhanh chẳng kém quay người chạy lên thang, tôi chỉ kịp ném theo một câu vẫn là tiếng Trung sau khi đã định thần trở lại: “Bạn tên là gì?”, lần này đáp lại vẫn chỉ là một từ thôi, một từ rất rõ ràng bằng tiếng Việt: “Kim.” Chẳng thể làm gì được lúc này, tôi chỉ còn cách tiếp tục bước ra ngoài đi học, tự nhủ thế nào cũng phải quan sát cho kỹ để biết cái con người này rốt cuộc ra sao.

Ngay tối hôm đó tôi được toại nguyện, còn đang thu xếp đồ đạc trong phòng mới thì anh gõ cửa, ấn vào tay tôi một túi quýt vàng ươm áng chừng phải đến chục cân Tàu, tức là khoảng năm kilogam, bản thân anh xách một túi táo còn to hơn, chúng tôi lên gõ cửa từng căn phòng trên tầng tám ký túc xá.
Chúng tôi tìm thấy Kim sau cánh cửa thứ ba và sau đó tôi hưởng trọn một buổi tối tồi tệ, mở đầu là màn thao thao bất tuyệt của Kim:

“Chúng tớ (với bạn) và chúng em (với anh), có tất cả mười bốn người, mười một nam, ba nữ, đi học bằng học bổng của bộ đại học, đoàn trưởng là bạn Nguyễn Văn Giang, ở phòng bên cạnh, là một người hết sức xuất sắc trong học tập và hết sức tận tụy trong các công việc chung, lại rất đẹp trai nữa, tiện thể xin nói thêm trong kỳ thi tiếng Trung vừa qua tất cả đều thi với kết quả xuất sắc, đều đạt cấp tám (là cấp cao nhất), ngoài ra chúng em (với anh) và chúng tớ (với bạn) còn tự tổ chức một đội bóng, gồm có…”

Tất cả cứ tuôn ra tựa như cậu ta đang “trả nợ” tôi cho cuộc “hỏi cung” hồi chiều, một hồi lâu mới chấm dứt, sau đó Kim và anh khề khà như hai ông già:

“Anh Lương, anh đến học cao học ạ?”

“Vâng, tôi học thạc sĩ, có lúc cũng đá bóng, đội bóng của các bạn mà còn chỗ thì cho tôi tham gia.”

“Anh nói khách sáo quá, đã ở đây là đồng bào cả mà, người một nhà cả.”

“Ừ, người một nhà cả, tiện thể hỏi bạn, ban nãy bạn có nhắc đến ông đại sứ nào ở Bắc Kinh, cho tôi số điện thoại của ông ấy được không?”

“Đây ạ.” Kim nhặt một tờ danh thiếp nằm ngay trên bàn học, đưa anh “Đây là danh thiếp của ông ấy, anh chưa liên lạc với đại sứ quán bao giờ ạ?”

“Anh em tôi du học tự túc mới một năm nay, cũng chưa có việc gì cần nhờ đến sứ quán, giờ có cái số điện thoại thì ghi lại cho yên tâm.” Anh vừa nói vừa nhặt bừa một cái bút trên bàn ghi tên ông đại sứ và số điện thoại trên danh thiếp vào lòng bàn tay. Kim cười nói rằng ông đại sứ này rất tốt, rằng ngày trước cả đoàn được Bộ Giáo dục đưa sang đã được ông ấy giúp đỡ rất nhiều.

Sau đó thì tôi cũng chẳng hiểu vì một lý do gì đó mà tôi và Kim biến thành những nhân vật chính của cuộc trò chuyện còn anh thì im lặng ngồi một bên như một thính giả kiên nhẫn, anh im lặng đến mức một người khôn khéo và kỹ tính như Kim cũng dần quên mất xưng “chúng em” hay “em” mà chỉ còn xưng “chúng tớ” hay “tớ” thôi.

“Bố tớ là cán bộ nông nghiệp của xã, mẹ là cô giáo dạy cấp một, thế bố mẹ bạn làm gì?”

Thật là đáng ghét hết chỗ nói, tại sao cậu ta lúc nào cũng kịp mở mồm đặt câu hỏi trước?!!! Tôi ngấm ngầm hậm hực nhưng vẫn trả lời lịch sự và đầy đủ:

“Bố mẹ tớ đều làm xây dựng.”

“Tức là xây nhà à?”

“Ừ.”

“Để bạn đi học được thế này thì cũng phải mất đến cả trăm triệu một năm, là bố mẹ tớ thì không kham nổi.”

Kim ưỡn người trên ghế, ngửa mặt nhìn trần nhà, lẩm nhẩm tính toán, lời nói và bộ dạng của cậu ta khiến tôi có cảm giác như có một hòn bi gai nho nhỏ đang lăn đi lăn lại trong dạ dày mình, tôi nói:

“Bố mẹ tớ cũng sẽ chỉ phải chịu một hai năm đầu thôi, sau đó tớ sẽ làm việc chứ.”

“Hay đấy, bạn định làm gì?”

Thực ra câu hỏi của Kim được cất lên với một khẩu khí hoàn toàn bình thường chỉ có tính chất hỏi thăm, nhưng nó lại rất hiệu quả trong việc đẩy hòn bi gai trong dạ dày tôi lăn nhanh và mạnh hơn.

“Tớ chưa biết.”

Tôi nuốt nước bọt, có phần bất lực, làm việc gì được và làm được bao nhiêu? Tôi đang học và sống bằng một số tiền quá lớn ngay cả với nhiều người ở Thượng Hải này, ấy là còn chưa kể tôi vốn chẳng phải là người làm được việc, nếu có việc gì đó cho sinh viên thế nào tôi cũng là người sau cùng được người ta dùng đến.

“Anh ấy hồi thi đại học là á khoa trường X.” Trong lúc tuyệt vọng tôi đã lôi cả anh vào cuộc, có lẽ đây là một việc làm hết sức ngu xuẩn, rất may là anh vốn không chấp nhặt các trò ngu xuẩn của tôi nên cũng chẳng trách cứ gì tôi cả. “Có điều anh ấy lại trượt trường Y, chính là trường bạn học ở Việt Nam.” Tôi nhấn mạnh vế sau.

“Vậy chắc là anh gặp trục trặc gì đó khi thi vào trường em.” Kim nhìn anh ra chiều rất thông cảm, đáp lại anh chỉ “Ừ” một tiếng và cười.

Hòn bi gai trong dạ dày tôi lăn càng lúc càng nhanh, những gai nhọn của nó đâm vào thành dạ dày càng lúc càng mạnh, rất may là cuộc trò chuyện kết thúc nhanh chóng sau đó.

Tôi và anh rời phòng Kim ra về, mới đầu cả hai đều im lặng, mãi khi về gần đến phòng tôi, anh mới lên tiếng:

“Thực ra thì em không cần phải mất tự tin như thế trước cái cậu Kim ấy.”

“Anh thấy em mất tự tin thật à?” Tôi cảm thấy cái hòn bi gai vừa tạm ngừng lăn được một tẹo giờ lại tiếp tục hành hạ cái dạ dày khốn khổ của mình.

“Anh thấy em quá chú tâm đến việc được hay không được học bổng đấy, không chịu thua người thì tốt nhưng có nhiều cách để chứng tỏ mình lắm, bình thường em vẫn tỏ ra tự tin lắm cơ mà.”

Tôi nhớ đến “hươu cao cổ” và cảm thấy cái dạ dày được an ủi ít nhiều, tôi nói với anh rằng tôi vẫn luôn tự tin thôi, xin anh tin như vậy.

Lại quay trở lại với đêm Trung Thu này, còn bốn mươi lăm phút nữa là đến mười hai giờ đêm, tôi cầm cái lồng chuột mới hoàn thành đi từ phòng Vân về mình, có ghé qua phòng anh nhưng không thấy ánh đèn hắt qua khe cửa, nghĩ rằng anh có lẽ đã về và đi ngủ rồi vì anh vốn chẳng về muộn bao giờ, tôi không gọi cửa nữa mà về thẳng phòng mình. Mở máy tính, lên mạng, xem lại bài viết của Tiểu Muội vừa xem hồi sáng, xem cả phần trả lời và nhận xét của những người khác, phát hiện diễn đàn có một bài viết mới, tôi cũng xem qua, vì không thích lắm nên không xem hết, cũng chẳng nhận xét gì, tuy nhiên thấy tác giả bài này có một câu khá dễ thương dùng làm chữ ký: “Trong truyện cổ xưa kia nàng Lọ Lem lên xe đến vũ hội, hoàng tử chờ nàng ở đó, ngày nay cậu bé Lọ Lem đến với vũ hội, vậy mà chờ cậu ở đó vẫn là một hoàng tử.” Cái câu này thật dễ thương, gây cho tôi cảm giác vui vui nhẹ nhàng. Xem hết những thứ trên diễn đàn, tôi mới tắt máy tính để quay lại với việc của chuột.
Hai con chuột được đưa vào cái lồng mới làm, vẫn nghe nhắc nhở rằng kỳ sinh nở nên tách riêng chuột đực và chuột cái ra, thế nhưng khi chỉ cho con cái vào lồng mới, con vật chạy tới chạy lui với một vẻ hoảng hốt điên cuồng tới mức tôi lại phải đưa cả con đực vào, sau đó tắt đèn, trùm chăn, nằm trên giường một lúc lâu vẫn nghe thấy tiếng chúng chạy trên lớp giấy lót nghe lạo xạo và cả tiếng cắn bìa. “Cái lồng này chắc cũng chỉ cầm cự được ít bữa, mai lại phải đi kiếm thật nhiều đĩa vi tính hỏng để bít lỗ hổng chúng cắn ra”. Tôi nghĩ vậy khi chập chờn đi vào giấc ngủ.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài