talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 2

Mong mỏi được trở về quê hương

Vị khách chỉ hơn tôi hai tuổi tức là hai mươi bốn tuổi, hai gò má cao, má hơi hóp lại, đôi mắt sắc trũng xuống có quầng thâm trông nặng nề, trang điểm không kỹ nhưng chì kẻ mắt và son môi đều dùng những màu khá đậm làm cho khuôn mặt trông không được thật lắm nữa, có phần lỗi mốt, bộ mặt không còn một chút gì là thần thái của tuổi trẻ. Với một độ tuổi như thế thì có thể gọi là cô gái nhưng với một bộ dạng như thế thì có gọi là người đàn bà cũng không sai, đó là chân dung vị khách hôm nay của tôi và Doanh, đúng ra là không chỉ có chị ta, còn có một người đàn ông chắc chắn chưa đến ba mươi, gọi là người đàn ông chứ không gọi là chàng trai vì anh ta có thể chẳng hơn anh là mấy tuổi nhưng cũng như cô gái kia trông chẳng ra cô gái, chàng trai này trông cũng chẳng ra một chàng trai, cao lớn và có những vết chân chim ở khóe mắt. Còn có một đứa trẻ, đứa trẻ này thì trông đúng ra đứa trẻ thật, nó mới hai tuổi, trắng hồng bụ bẫm, mới đầu khi mới đến nhà tôi thì cứ bám chặt lấy người đàn ông (chàng trai), được một lúc thì đã tự lần mò đi loanh quanh trong phòng khách, tôi chạy theo cảnh giác từng bước đi chập chững, di chuyển một cách khó khăn không phải do chân còn yếu mà là do sự cản trở của những lớp quần áo bông dày xù ra bọc ngoài người, tôi theo dõi nó, một chốc lại nhảy lên nhặt vội lấy một cái kéo, quyển sách hay một vật gì đó tương tự trên sàn nhà hoặc nằm trong tầm tay của nó, cất đi trước khi nó kịp để ý đến. Trong khi tôi bận rộn với đứa trẻ thì Doanh đường hoàng ngồi bên bàn ăn, dùng đôi tay thon thả quý phái của nó thong thả đưa từng cốc chè cho người đàn bà (cô gái) và người đàn ông (chàng trai) cũng đang ngồi bên bàn ăn với nó.

“Anh chị uống chè.” Nó nói bằng tiếng Trung với cái giọng xã giao rất điêu luyện.

Người đàn ông (chàng trai) nói “Cảm ơn”, đón lấy cốc chè, người đàn bà (cô gái) chẳng nói gì, rút trong túi ra một gói thuốc lá và bật lửa, đốt một điếu thuốc đưa lên môi hút. Tôi biết là Doanh rất ghét khói thuốc lá, mà thực ra tất cả những người không hút thuốc đều hết sức buồn phiền khi phải hít khói thuốc bất đắc dĩ, tôi cũng thế thôi, thế nhưng lúc này đây cả hai chóng tôi đều cười tươi, cái ý nghĩ “Trời lạnh thế này làm sao mà mở cửa thông gió đây?!” được tạm giữ lại trong đầu, giữ cho riêng chúng tôi là đủ rồi. Nhà không có gạt tàn, Doanh đẩy ra trước mặt người đàn bà (cô gái) một chiếc chén con bảo chị ta cứ gạt tàn thuốc lá vào đó.

Câu chuyện buồn của người đàn bà (cô gái) được kể bằng một giọng tiếng Trung không chuẩn nhưng lưu loát, chúng tôi cùng nghe, Doanh ngồi nghiêm chỉnh bên bàn lắng nghe, thỉnh thoảng chêm vào vài câu hỏi cho rõ một chi tiết nào đó, tôi thì vừa đi từng bước theo đứa trẻ vừa cố sức chú ý nghe, thỉnh thoảng cũng có thêm vài câu hỏi, đó là khi chị ta trả lời chưa hết ý những câu hỏi của Doanh.
Người đàn bà (cô gái) tên là Vũ Thị Diêu, về sau chúng tôi đều nhất trí gọi là “chị Diêu”, nhà ở thôn Y - xã X - huyện Z - tỉnh Thái Bình, bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm mười lăm tuổi, ở Trung Quốc đến nay đã được chín năm. Trong chín năm đó có bốn năm đầu tiên ở Nam Ninh, hai năm sau ở Hàng Châu và ba năm trở lại đây ở Thượng Hải. Vốn là con út trong nhà, hồi bé được chiều chuộng nhiều, năm mười lăm tuổi, bố mẹ bất hòa, bố có vợ bé nuôi riêng ở ngoài, chị chán nản, nhân lúc đó có hai người đàn ông hàng xóm rủ sang Trung Quốc chơi, đến biên giới thì họ bán chị đi. Hiện đã quên hết tiếng mẹ đẻ, miễn cưỡng đọc hay viết một chút thì còn có thể, nghe cũng có thể nghe được một ít nhưng nói ra mồm thì chỉ có thể là tiếng Trung, bây giờ sau nhiều năm chịu cuộc sống đầy khổ đau ở đất khách quê người đang khao khát muốn về nhà, đại ý của cả câu chuyện là như thế.

“Bố mẹ chị tên là gì?” Doanh hỏi.

“Bố tên là Vũ… Vũ… Văn… Hòe.” Chị ta bập bẹ một hồi rồi cũng ra tên ông bố bằng tiếng Việt.

“Thế còn mẹ tên gì?” Doanh hỏi, giọng nói của nó lúc này là giọng người ta thường dùng để nựng trẻ con.

“Mẹ tên là… Nguyễn… Nguyễn… tôi quên mất rồi.” Chị Diêu vất vả chau mày, bập bẹ, rồi lại chau mày cuối cùng chịu thua không thể nhớ ra tên mẹ mình là gì nữa.

“Làm thế nào mà quên được thế?!” Người đàn ông có vẻ sốt ruột kêu lên “Mười lăm tuổi là đã lớn lắm rồi.”

Đáp lại lời nói của anh ta, chị Diêu chỉ cười và nhẹ nhàng lặp lại “Tôi quên rồi”, điệu cười không buồn mà cũng không đau khổ, nó là kiểu cười ngượng bình thường nhất, có chút ngượng nghịu nhưng vẫn rất bình thản giống người ta cười xòa khi quên mất một số điện thoại nào đó hơi đáng để nhớ nhưng thực ra cũng không quan trọng lắm vậy, vì đây là lần đầu tiên gặp một người quên mất tên mẹ mình, tôi đúng là không rõ lắm quên tên mẹ với quên một số điện thoại hơi đáng để nhớ nhưng cũng không quan trọng lắm có thể trở thành những việc tương tự nhau về tầm nghiêm trọng hay không.

Doanh và tôi cố thử nói với chị Diêu vài câu bằng tiếng Việt, thế nhưng chị nghe rất vất vả, luôn đòi chúng tôi nói chậm, hỏi lại liên tục và đáp lại chúng tôi vẫn là một trăm phần trăm tiếng Trung, thế là chúng tôi chịu thua và lại quay ra nói tiếng Trung.

“Làm thế nào mà quên được thế?! Mười lăm tuổi là lớn lắm rồi?!” Người đàn ông lặp lại cũng với cái giọng sốt ruột như thế, đáp lại anh ta cũng vẫn lại là cái kiểu cười ngượng nghịu bình thường như thế.

“Lâu lắm rồi không nói chuyện với người Việt Nam, tôi quên tiếng Việt rồi.” Chị Diêu nói.

“Từ trước chị không gặp người Việt Nam ở đây à?”

“Ở Thượng Hải thì đây là lần đầu tiên.”

“Thế còn trước kia?”

“Ở Nam Ninh có gặp, nhưng ở đấy toàn người xấu, toàn người đi bán người thôi, tôi trốn họ, người Việt Nam ở Nam Ninh rất xấu.” Chị Diêu nói lưu loát nhưng là kiểu diễn đạt từng câu ngắt quãng như một đứa trẻ mới học môn kể chuyện ở trường mẫu giáo vậy.

“Đến đây thì chẳng phải sợ bọn em, bọn em là sinh viên đang đi học cả thôi.”

Đáp lại cho cái việc “không phải sợ bọn em” chị Diêu lại cười cười, cái kiểu cười dễ làm cho người đối thoại cảm thấy mệt mỏi vì quá giống như đang phải cố bắt chuyện với một đứa trẻ rất nhỏ hay còn tệ hơn là với một người ngớ ngẩn, tôi đâm phát sinh đồng cảm với chị ta, chẳng gì thì cũng cùng là năm mười lăm tuổi gặp sự cố do cái sự ngu ngốc của chính mình và đến hơn hai mươi tuổi cũng vẫn thường xuyên tỏ ra ngớ ngẩn trong mắt người khác, có điều trường hợp của tôi so với chị ta thì đúng là chẳng thấm vào đâu. Doanh thì không nhìn người đơn thuần như tôi, về sau khi chị Diêu đã ra về nó khoát tay bảo chị Diêu ở Trung Quốc đến chín năm, ở Thượng Hải đến ba năm rồi, lại sống cuộc sống như vậy, người chẳng ngốc đâu, tuy vậy nó vẫn đồng thời nói với cái giọng ngoa ngoắt thường có khi không có mặt những người cần giữ ý (tôi thuộc diện người nó không cần giữ ý trước mặt) rằng chị Diêu đúng là đồ dở hơi, nhất định là thần kinh có vấn đề. Tôi thì chỉ vận dụng cái cách nói cố hữu vốn học được từ mẹ tôi, tức là nói với Doanh tràng giang đại hải về giá trị của giáo dục, rằng quá thiếu thốn giáo dục và hiểu biết thì con người ta có thể mắc phải những cái ngốc mà người đầy đủ giáo dục và hiểu biết rất khó hình dung ra, tất nhiên là cách giải thích của tôi chẳng thấm nổi vào đầu Doanh là bao, ít ra là không thể ảnh hưởng đến việc nó nhất định cho là thần kinh của chị Diêu có vấn đề, rồi thì tôi cũng lại buộc phải im mồm nếu không muốn Doanh cho là thần kinh của tôi cũng có vấn đề nốt, nó vốn dĩ vẫn coi thường trí khôn của tôi, tôi không muốn nó lại thêm nghi ngờ về hệ thần kinh của mình nữa, đến cả việc làm hủ nữ tôi còn giấu bặt không cho nó biết, tôi cũng như tất cả các hủ nữ khác nhận cái danh “hủ nữ” về mình hoàn toàn không phải vì cho rằng mình đúng là thứ hủ bại thật theo đúng nghĩa của từ này trong từ điển đạo đức của loài người, như vậy thì cũng không cần thiết phải để cho một đứa con gái chẳng hiểu gì cả có cơ hội đi chê cười mình để mua lấy bực mình.

Nhưng đó là việc sau này giữa tôi và Doanh, hiện giờ thì chúng tôi vẫn đang người vừa uống chè vừa cầm giấy bút ghi lại địa chỉ nhà, tên bố mẹ, họ hàng hay bất cứ cái tên nào của người quen ở quê nhà mà chị Diêu có thể nặn óc nhớ ra được, người thì vừa trông đứa trẻ vừa ngỏng cổ dỏng tai nghe vừa thỉnh thoảng chõ mồm vào hỏi chuyện. Chị Diêu thì vẫn diễn đạt mọi việc bằng cái kiểu như trẻ con kể chuyện như thế, thỉnh thoảng lại điểm vào những nụ cười ngượng, cười vui hay cười… mất trí mà phần lớn những nụ cười đó chẳng ăn nhập gì với nội dung của các câu nói đi kèm, đúng ra là tôi thấy phần lớn các nội dung đó đều không phù hợp để cho người ta cười khi nói đến.

Người đàn ông nói thấy chúng tôi là sinh viên, là người tốt cả nên mới đưa chị Diêu đến đây. Về người đàn ông này thì phải nhắc lại chuyện tầm hôm kia, tôi và Doanh gặp anh ta lần đầu tiên cũng là lúc đó, hôm đó đường internet của chúng tôi trục trặc, Doanh gọi điện đến công ty liên thông, chính cơ sở đã lắp đường internet cho chúng tôi và họ phái đến một cậu trai có lẽ tuổi cũng xấp xỉ tuổi chúng tôi, cậu trai này lại dắt theo cả người đàn ông kia, trong khi cậu trai loay hoay ở trong nhà, bên hai cái máy tính của chúng tôi thì anh ta đứng ở cửa, không chịu bước vào nhà vì không muốn bỏ giày, Doanh lại không chịu để anh ta đi cả giày lên sàn nhà được lau sạch. Anh ta cứ đứng ở cửa, la lối với cậu trai ở trong, la lên rằng cậu được chưa? Có làm nổi không? Này, không phải như thế, phải thế này, phải thế kia… những lời tương tự như thế. Sau đó cả hai bắt chuyện hỏi Doanh và tôi là người ở đâu thế? Trông người và giọng nói đều giống người Quảng Đông. Chúng tôi trả lời một cách rất thành thạo có hệ thống rằng chúng tôi là người nước nào, trả lời thêm cả những câu hỏi về nước mình, về cuộc sống của mình ở đây, kinh nghiệm trong tất cả các lần hỏi đáp như vậy ở đây của tôi cho thấy đa số những người hỏi đều chắc chắn là chỉ nhớ tình hình các trường học của Trung Quốc đối với lưu học sinh ra sao qua lời kể của chúng tôi, ví dụ như trường này trường kia thu được từ lưu học sinh bao nhiêu tiền học phí chứ họ hiếm khi nhớ những lưu học sinh đó đến từ đất nước nào hay đất nước ấy ra sao.

Sau cùng, khi cậu trai cuối cùng thì cũng sửa xong đường internet của chúng tôi và hỏi hết những thứ cần hỏi, người đàn ông trước khi ra về có ngập ngừng một chút rồi nói với chúng tôi là anh ta có một người bạn Việt Nam cũng ở gần đây thôi. Một cô gái, bị bán sang đây từ năm tám tuổi, rất khổ sở, ngày trước cũng có bố mẹ nuôi nhưng bố mẹ nuôi đều đối xử với cô ta không tốt, cô ta đã bỏ đi, đó là tất cả nhưng gì anh ta nói với chúng tôi lúc đó, tôi vớ ngay lấy tờ giấy cái bút, bảo anh ta cho địa chỉ, số điện thoại hay các cách để liên lạc với cô bạn Việt Nam đó, anh ta rút điện thoại di động ra, bấm bấm vài cái tra danh bạ, sau đó lại ngập ngừng một chút, nói bây giờ anh ta cứ ghi lại số điện thoại của chúng tôi vào đã, rồi cô bạn Việt Nam ấy nhất định sẽ tìm đến chúng tôi thôi, cuối cùng chúng tôi vẫn không biết cách liên lạc với cô gái đó, Doanh rất khó chịu, nó sợ bị gặp lừa đảo, tôi cũng chẳng thấy thích thú gì khi mình lại ở vào thế bị động, nhưng chúng tôi cũng đành chịu.

Đến hôm nay thì anh ta dắt chị Diêu đến gặp chúng tôi thật, còn bế theo cả một đứa bé, chúng tôi đều nhìn đứa trẻ dò hỏi một lúc, cả hai anh chị đều coi như không thấy thái độ dò hỏi của chúng tôi, chẳng có giới thiệu gì về đứa trẻ, cứ như thể cái họ đem đến là một cái túi xách chứ không phải là một đứa bé, cuối cùng Doanh hỏi thẳng chị Diêu:

“Đây là con chị à?”

“Không phải con tôi, con anh ấy.” Chị ta lại cười ngượng, chỉ người đàn ông.

“Con gái hay con trai thế?”

“Con gái.”

“Tên là gì?”

“Dung Dung, “dung” là hoa phù dung ấy.”

“Xinh quá!”

Tất cả các câu trả lời về đứa trẻ đều do ông bố trả lời như để minh chứng cho cái sự đó là con anh ta thôi, không liên quan đến chị Diêu, chẳng qua là con bé được bố tiện thể bế đến chơi.

Rồi sau đó tiếp tục hỏi chuyện chúng tôi mới biết chị Diêu thực ra bị bán khi đã mười lăm tuổi chứ không phải mới tám tuổi như lời người đàn ông kể cho chúng tôi hôm kia, chính anh ta cũng đâm ngạc nhiên, hỏi chị Diêu:

“Không phải là lúc tám tuổi à?”

“Ai bảo anh thế?” Chị Diêu nói.

“Ngày trước cô bảo thế.”

“Tôi chẳng nói thế bao giờ.” Chị ta thản nhiên phủ định luôn, tiếp tục nói ngay chuyện khác với chúng tôi khiến anh ta không kịp có thêm ý kiến gì nữa.

Sau đó khi kể cho chúng tôi nghe các việc trước kia của chị, anh ta thỉnh thoảng lại xen vào một câu: “Sao chưa bao giờ kể cho tôi biết.”

“Kể cho anh làm gì chứ?” Chị Diêu thản nhiên trả lời, sau đó cũng thản nhiên nói với chúng tôi ngay trước mặt người đàn ông đó rằng chị ta chẳng bao giờ cho người Trung Quốc biết mình là người Việt Nam vì nếu người Trung Quốc biết, họ sẽ coi thường chị, bởi họ hiểu ngay là mình bị bán đi, mình chẳng có giấy tờ hợp pháp nào cả, hôm nay gặp chúng tôi chị mới có dịp kể ra những chuyện chưa bao giờ đem tâm sự với ai, chị Diêu nói thế.

Sau cùng, khi Doanh đã ghi lại hết tất cả những gì có thể ghi lại được, mà thực ra là cũng chẳng có gì ngoài một cái địa chỉ và vài cái tên trông đều rất không rõ ràng, chị Diêu và anh bạn đứng dậy ra về, anh bạn chị thì bế đứa trẻ, tôi và Doanh đều nói là sẽ cố tìm cách tìm ra nhà chị ở Việt Nam và giúp chị liên lạc về nhà, khi ra đến cửa, chị Diêu quay lại hỏi:

“Ngày mai có ai rỗi không?”

Doanh nói là mai nó phải đi học cả ngày còn tôi nói là mai là thứ Sáu, tôi chỉ có giờ học buổi sáng, chiều rỗi.

“Thế thì đi chơi với tôi nhé.” Chị Diêu nói.

“Đi đâu?” tôi hỏi.

“Đến nhà tôi chơi thôi, chiều tôi đến đón nhé.”

Tôi không biết trả lời ra sao nữa, quay sang nhìn Doanh thì thấy nó im lặng không có ý kiến gì, xem ra nó định để chuyện này cho tôi tự quyết đây, thực tâm là tôi không muốn nhận lời đi với chị Diêu ngày mai, đặc biệt là lại chỉ có một mình, tôi thấy sợ, tôi không biết cái “nhà” chị nói ra sao, ngay đến chị cũng mới chỉ gặp mặt có buổi hôm nay, tôi không phải người đa nghi, nhưng tôi cũng vẫn phải biết cảnh giác, tôi không muốn một mình bị lôi đi, đến một khu nhà lạ hoắc tồi tàn và xấu xí nào đó, chị Diêu và anh bạn chị hiện nguyên hình là những kẻ buôn người và đem tôi bán với cái giá chẳng bằng một phần tư giá một con long miêu. Thế nhưng nghĩ là nghĩ thế, nhìn bộ mặt tỏ ra hết sức vui vẻ và đầy hy vọng của chị Diêu, tôi cũng không biết phải từ chối thế nào nữa, cuối cùng thì vẫn cứ phải dằn lòng bịa một chút thôi, tôi làm ra vẻ nhìn qua vai chị, tức là nhìn Dung Dung trên tay người đàn ông, vừa cười với nó vừa nói với chị Diêu rằng tuy chiều mai tôi không có giờ học nhưng vẫn phải ở nhà làm bài, chị có đến chơi thì đến, tôi phải ở nhà thôi.

Sau đó là một hồi dùng dằng và chị Diêu tiu nghỉu ra về vì tôi nhất định không chịu đến nhà chị chơi ngày mai, tôi cũng áy náy lắm, thấy nói “không” với một con người bất hạnh thì cho dù có là về việc gì vẫn cứ là tội lỗi, nói với Doanh như vậy, nó bảo tôi dở hơi, mình chẳng biết gì về người ta mà cho người ta vào nhà thế này đã là liều lắm rồi. Rồi nó bình luận vài câu về người đàn ông, nói anh chàng này trông cũng khá, Cầm có cho là họ là một đôi không? Tôi bảo anh ta có con rồi cơ mà, Doanh nói thế thì là bồ bịch chứ sao, rất có thể đi với chị Diêu, anh ta đưa cả con theo cho đỡ bị nghi ngờ, tôi thì cho là óc tưởng tượng của Doanh làm việc quá công suất rồi nhưng rồi lại im bặt chẳng nói ra điều đó khi nhớ ra rằng thực ra óc tưởng tượng của tôi cũng chẳng thua gì nó, có chăng là phát huy trong các vấn đề khác nhau mà thôi.

Sau đó nó và tôi ai về phòng người đó, khi tôi còn đang vừa băn khoăn không biết sẽ bắt đầu việc giúp chị Diêu tìm nhà ở Việt Nam như thế nào vừa chuẩn bị đi ngủ thì Doanh chạy sang phòng tôi, hỏi viết thông báo để tìm người nhà thì viết thế nào đây.

“Thông báo ở đâu?” Tôi hỏi.

“Trên datnuoc.com, Cầm biết diễn đàn ấy không?”

Tất nhiên là tôi biết, đó là diễn đàn đủ thứ từ văn hóa thông tin đến điện ảnh thời trang lớn nhất của Việt Nam, nhưng tôi chưa đăng ký ID ở đó bao giờ, Doanh nói nó đã có ID ở đó rồi, giờ chỉ cần viết đưa lên là xong, trên diễn đàn có ai giúp tìm được nhà chị Diêu thì người ta sẽ trả lời ở đó.

Thế là tôi lại bật máy tính, hai đứa con gái loay hoay, gõ phím rồi lại xóa đi, rồi lại gõ, tranh cãi với nhau đến nửa đêm mới viết ra được một đoạn tin ngắn ngủn chưa đến mươi dòng.

Mười hai giờ đêm hôm đó Doanh dùng cái ID của nó “Sweet-rose” phát lên diễn đàn lớn nhất Việt Nam một bài viết với nội dung như sau:

Mong mỏi được trở về quê hương

Hiện nay chúng tôi vừa quen được với một bạn gái Việt Nam ở Thượng Hải, 9 năm trước bạn bị lừa bán sang Trung Quốc khi mới 15 tuổi. Hiện đang sống ở Thượng Hải và rất muốn liên lạc về nhà, nhà bạn ở tỉnh Thái Bình, rất mong được sự giúp đỡ của mọi người, ai ở đây có nhà ở Thái Bình xin liên lạc giúp đỡ.

Tên: Vũ Thị Diêu.

Địa chỉ nhà ở Thái Bình: thôn Y - xã X - huyện Z.

Tên bố: Vũ Văn Hòe.

Nếu ai có thể giúp tìm hoặc cung cấp thông tin về người nhà hoặc địa chỉ nhà này xin vui lòng liên lạc.

Rất cám ơn.

Sau đó tôi hứng chí lên nói rằng ngày hội sinh viên ở Thượng Hải cũng có một diễn đàn riêng, sao mình không đưa cả bản thông báo này lên đó, nói rồi làm ngay, tôi hăm hở mở trang web của sinh viên Thượng Hải, Doanh cản tôi lại, nó trừng mắt, cao giọng rằng làm như thế cái Thượng Hải này sẽ loạn lên mất:

“Cầm định làm loạn cả cái Thượng Hải này lên đấy à?”

Nguyên văn của nó là như thế, tôi ngớ ra nhìn nó một hồi, hình dung không ra cái từ “loạn” theo ý nó phải hiểu ra sao, muốn làm “loạn” được thành phố khổng lồ này thì có không phải Thành Long thì cũng là Châu Tinh Trì, chẳng đến phiên tôi được, sau cùng tôi cũng chẳng mất công đi hiểu nữa, cho là nó đang nói vớ vẩn, tiếp tục đăng nhập vào trang web của sinh viên Thượng Hải, miệng nói:

“Có làm sao đâu cơ chứ?!”

“Tùy Cầm thôi.” Doanh có vẻ hậm hực nói “Nhưng mà thế thì viết lại bài khác đi, đừng cop nguyên cái bài vừa gửi sang.”

Cái yêu cầu phải viết lại bài khác của nó thì tôi hiểu, bài viết kia đã được gửi lên mạng với ID “Sweet-rose”, như thế có thể tính đó là “bản quyền” của Doanh rồi, bây giờ tôi muốn gửi ở một trang khác với ID của mình thì không thể nguyên xi “bản của Doanh” được, vì vậy tôi lại hì hụi chế biến chính những thông tin đó của chị Diêu thành một bản thông báo khác có “bản quyền của tôi”, đưa lên diễn đàn của sinh viên Thượng Hải với ID “Jinny”, tôi quen dùng một ID cố định cho mình ở tất cả các diễn đàn có thể (trừ những nơi không thể là những nơi đã bị trùng ID đó). Cho dù là các bài viết của chúng tôi trên mạng thường được dùng dưới những cái ID hoặc nickname chứ không phải là những tên thật đã được xác nhận hợp pháp trong các loại giấy, từ giấy khai sinh cho đến chứng minh nhân dân và hộ chiếu, những ID hay nickname này không có pháp luật nào chứng nhận nhưng chỉ cần một ngày chúng tôi còn lên mạng, chúng tôi vẫn sẽ bị gắn chặt với chúng, không cần bất cứ một sự ràng buộc chặt chẽ nào như cái tên khai sinh, chúng tôi bị gắn với ID và nickname một cách tự nhiên như các nhà văn nhà thơ bị gắn với những bút danh của họ vậy, vì thế chúng tôi phải lo giữ bản quyền những bài viết của chính mình trên mạng dù rằng những bài viết đó chẳng có giá trị gì, chủ yếu là để quản lý cho lời nói của chính mình không bị người khác đem vận dụng một cách bừa bãi, đó là tỏ ra có trách nhiệm với những lời nói và tư duy của bản thân, có khi còn là uy tín nữa, tất nhiên tất cả những điều này chỉ được thực hiện dựa theo tinh thần tự giác của mọi người trên mạng là chính, việc ai đó dùng bài viết của ai đó bừa bãi mà không hỏi ý tác giả là việc vẫn xảy ra hàng ngày trên mạng và không có cách gì ngăn chặn được.

Đêm hôm đó, tôi vùi mình trong chăn, trằn trọc không ngủ được, lúc gặp mặt nghe chị Diêu kể chuyện tôi thực ra không có cảm giác gì lắm, chỉ bình thản nghe và đưa vài điệu bộ làm ra vẻ thông cảm hệt như thái độ thường ngày của tôi khi đọc được những thông tin về các số phận bất hạnh như thế trên báo vậy thôi. Nhưng bây giờ, khi chỉ còn có một mình thả sức suy nghĩ, tôi thấy cuộc sống này thật quá nhiều chuyện buồn và quá nhiều điều đáng sợ. Tôi nhắm mắt lại, thử hình dung ra cảnh chị Diêu bị đem bán ra sao, chịu đựng một cuộc sống như thế nào và thấy rùng mình, tự hỏi tại sao trên đời này lại có những người có thể gây ra những đau khổ như thế cho đồng loại, bán một con người là phá hủy cả một cuộc đời rồi, không biết những kẻ bán người đó kiếm được bao nhiêu, mấy triệu đồng trả giá cho một đời người? Sao mà rẻ mạt thế?! Dù rằng vẫn thấy kiểu cười nói của chị Diêu rất bất hợp lý, dù rằng vẫn cảnh giác đến độ từ chối đi chơi với chị ta ngày mai, nhưng kỳ thực lúc này trong thâm tâm tôi gần như đã hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện của chị rồi, đúng ra mà nói, tôi thật sự đã bị làm cho xúc động. Rồi càng nằm càng tỉnh càng nằm càng nghĩ, trong đầu từ từ hình thành một mong muốn: hy vọng tất cả những gì chị nói là sự thật, như thế tôi cũng sẽ có một dịp được ra tay giúp đỡ cho thỏa lòng nghĩa hiệp. Tôi cũng thấy bản thân cái mong muốn này thật là mâu thuẫn, nó vừa xuất phát từ lòng nghĩa hiệp, lại vừa rất ích kỷ, đó là mong muốn nhờ vào nỗi bất hạnh của người khác mà biến mình thành người tốt.

Chiều hôm sau chị Diêu lại đến thật, lần này đi có một mình, Doanh không có nhà, tôi mở máy tính chỉ cho chị ta xem bản thông báo chúng tôi gửi lên mạng, chị ta bập bẹ cũng đọc được gần hết, tôi lại mở trang web của sinh viên Thượng Hải ra rồi giảng giải với chị ta rằng ở Thượng Hải hiện nay có ngần này người Việt Nam, đều là học sinh sinh viên cả, có cả vài người đã đi làm, giở các bức ảnh tập thể trên diễn đàn ra chỉ cho chị ta xem từng khuôn mặt mà phần lớn trong số đó tôi cũng chẳng quen. Chị Diêu mở to mắt nhìn, cái gì cũng hỏi, đúng ra vẻ của người chưa tiếp cận với internet bao giờ, cho chị xem xong bản thông báo về chị, tôi còn biên tập lại, ghi luôn cả số điện thoại di động của chị lên đó, cười nói với chị là làm như thế này thì chỉ trong một ngày tất cả mọi sinh viên Việt Nam ở Thượng Hải đều biết đến số điện thoại của chị thôi, có thể ngay hôm nay sẽ có người gọi điện đến hỏi thăm, chị cứ chờ xem.

Sau đó chị Diêu lại bắt đầu hút thuốc, không thể tiếp tục ngồi trong phòng mình ôm máy tính được nữa, nếu không muốn ngày đông tháng giá phải mở cửa sổ phòng ngủ thông khí, tôi tắt máy tính, đi ra phòng ngoài, lôi chè ra pha và bày ra ngoài đó làm cho chị Diêu cũng tự giác đứng đậy đi ra, đem theo cả khói thuốc ra khỏi phòng tôi.

“Tôi buồn nên mới hút thuốc.” Chị ta giải thích thế.

“Hút thuốc không tốt đâu.” Tôi nói.

“Hút thuốc không tốt, nhưng tôi buồn.”

Càng nói chị Diêu càng lộ rõ một thói quen: phần lớn các câu xã giao bình thường được nói lên bằng hai cách, cách thứ nhất là lặp lại đúng câu được chính chị nói ra từ trước đó vài giây đến vài ngày, cách thứ hai là lặp lại câu nói được người đối thoại nói ra từ trước đó vài giây cho đến vài ngày, tôi nhận xét là cái cách diễn đạt này của chị rất thiếu sáng tạo và không phong phú, tất nhiên là nhận xét này tôi cũng chỉ giữ cho riêng mình thôi.

“Ngần ấy năm chị chưa tìm đến công an một lần nào à?”

“Tôi trốn công an, tôi sợ.”

“Việc gì phải sợ? Chị là người bị hại cơ mà? Chị có làm gì sai đâu?”

“Tôi sợ.”

“Thế bây giờ chị có muốn đến công an không?”

“Không, tôi sợ.”

Sau tiếng “tôi sợ” thứ ba của chị Diêu thì tôi từ bỏ hẳn ý định tiếp tục hỏi về chuyện đến công an.

“Cô có người yêu chưa?” Chị Diêu hỏi, câu hỏi lại đưa tôi về cái cảm giác giống như hồi bị mẹ Doanh tra hỏi, ngán ngẩm tự nhủ sao mà có lắm người ngoài những chuyện đó ra không có khả năng quan tâm đến thứ gì khác như thế, có điều vì đây là chị Diêu, không phải là một phụ nữ độc lập mạnh mẽ như mẹ Doanh cho nên tôi cũng dễ thông cảm hơn ít nhiều.

“Chưa có.” Tôi trả lời.

“Đừng yêu con trai Trung Quốc, không tốt đâu.”

“Cái người hôm qua cũng được đấy chứ.” Dù chẳng hào hứng gì với chủ đề này nhưng thấy chị có vẻ buồn thật, tôi làm ra vẻ muốn tiếp chuyện, thế là tiếp tục nói.

“Không tốt, đấy là chồng tôi, nhưng bỏ nhau rồi.”

Tôi suýt bật ngửa, cái gì với cái gì thế này?! Sau rồi định thần lại, im lặng nhìn chị, chị nói tiếp:

“Dung Dung là con gái tôi đấy.”

Tôi vẫn im lặng, muốn hỏi sao hôm qua lại nói dối là không phải, nhưng lại phân vân không biết có nên hỏi thế hay không, có thể hỏi cũng được, nhưng mà cũng có thể chị không muốn nói thì không nên hỏi, trong khi tôi cứ phân vân như thế đến mức một hồi lâu không nói nên lời thì chị lại tiếp tục:

“Mới đầu anh ấy cũng tốt, nhưng ở nhà mẹ anh ấy biết tôi là người Việt Nam coi thường tôi lắm, chẳng nói với tôi bao giờ, tôi tức, thế là tôi bỏ.”

“Dung Dung bây giờ ở với ai?” Cuối cùng thì tôi cũng mở mồm hỏi được một câu, lại rất mừng vì mình đã hỏi một câu hợp lý và tế nhị đến thế, hỏi chuyện trẻ con lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất khi người ta không biết phải mở mồm thế nào.

“Con gái đang ở với tôi, thực ra thì chồng tôi cũng vẫn đang ở với tôi, vài ngày nữa anh ấy mới chuyển đi.”

Tôi lại câm tịt.

“Chị có chắc là cái địa chỉ nhà ở Việt Nam chị đưa là chính xác không?” Tôi cố gắng lôi câu chuyện về đề tài chính, hy vọng có thể nhờ vậy bắt chuyện với chị Diêu dễ dàng và dễ hiểu hơn, cũng có tích sự hơn.

“Địa chỉ chính xác đấy, tôi có gửi thư về nhà một lần rồi, từ hồi tôi còn ở Nam Ninh, năm đầu tiên, ở nhà có nhận được thư, còn gửi thư lại cho tôi.” Chị ta vừa nói vừa lôi trong túi áo khoác ra chiếc phong bì, rút ra mấy cái ảnh chìa cho tôi xem, nói: “Đây là ảnh đám cưới chị tôi, hồi đó người nhà gửi đến Nam Ninh cho tôi.”

Nghe đến đây, tôi lại biến thành người câm, mà rất có thể còn bị mắt lồi nữa, tuy rằng chỉ có thể tự chẩn đoán là lúc đó tôi hoàn toàn mất khả năng sử dụng ngôn ngữ chứ không thể biết được mắt mình trông ra sao. Nếu anh mà nhìn thấy cái bộ dạng của tôi bây giờ thì hẳn sẽ buộc phải công nhận tôi là người bình thường nhất trong các người bình thường trên đời này, bởi lẽ tôi đang bị shock thật sự rồi, chỉ có điều là không shock trước bí mật của anh mà lại bị chuyện và cách dẫn dắt chuyện của chị Diêu làm cho shock đến cứng họng, ngồi trơ ra như đá một lúc lâu trong khi chị Diêu vẫn dùng cái giọng đứt đoạn đều đều kể chuyện, ngôn ngữ không có sáng tạo nhưng nội dung thì đúng là tôi có xem bao nhiêu hoạt hình Nhật và phim Mỹ đi chăng nữa cũng tuyệt đối không thể dùng trí tưởng tượng phong phú của mình hình dung ra được.

Họ đã từng liên lạc qua thư, như thế là hồi chị ta ở Nam Ninh, bố mẹ chị ta thậm chí có biết là chị ta ở đâu?! Như thế này là kiểu bị bán gì đây?!

“Sao hồi đó bố mẹ chị không sang Nam Ninh tìm chị?” Tôi hỏi.

“Tôi bảo họ là tôi sẽ về”. Chị ta nói như chuyện đương nhiên phải thế.

“Nhưng chị bị bán cơ mà?” Tôi vẫn cố gắng tìm cách hỏi cho ra.

“Ừ, tôi bị bán, sau đó trốn được khỏi chỗ ở Nam Ninh.”

“Thế sao chị không về?”

“Tôi không về được.”

“Thế sao bố mẹ chị không sang?”

“Bố mẹ không sang được, chờ tôi về thôi.”

“Nhưng chị không về được cơ mà?”

“Tôi không về được, tôi không có giấy tờ.”





Sau đó vẫn chỉ toàn “tôi không về được”, “tôi về”, “bố mẹ không sang được” và “tôi sợ” mấy cụm từ thay nhau lặp đi lặp lại, cuối cùng tôi lại một lần nữa buộc phải bỏ ý định hỏi cho rõ ràng tình hình của chị Diêu, bắt đầu nhận thức ra được là với con người này tôi chỉ có thể cố tự tìm cách để hiểu những gì có thể hiểu và cả những gì không thể hiểu chứ không thể chờ mong lời nói của chị giúp tôi hiểu được, cũng hơi lơ mơ hiểu ra được tại sao anh “chồng” lại nắm nhiều thông tin sai lệch về chị ta đến thế.

Ba ngày sau khi hai bản thông báo được đưa lên mạng, Thượng Hải vẫn hết sức yên bình, trời quang mây tạnh, rét vẫn rét như thế và gió vẫn gió như thế, chẳng có chút dấu hiệu gì của cái sự “loạn” mà Doanh dự đoán cả. Không những không “loạn” mà cả hai chúng tôi đều thở dài khi nhận ra rằng nền hòa bình của thế giới này hóa ra là vững chắc hơn chúng tôi tưởng rất nhiều. Các diễn đàn bình yên, những bản thông báo của chúng tôi thì phải nói là được tuyệt đối… an nghỉ, trong ba ngày không nhận được một chút hồi âm, có cảm giác như khi ném một hòn sỏi xuống biển vậy, đến một âm thanh nhỏ của sỏi chạm vào nước cũng không nghe thấy đâu. Tôi lại được dịp thấy mình là người bình thường một lần nữa khi bị sự im lặng của diễn đàn sinh viên Thượng Hải làm cho shock, các bài viết khác kể chuyện tình yêu, tâm sự chuyện ăn ở, du học, thời trang vẫn được mọi người quan tâm và trả lời đều, duy có thông báo của tôi là chịu sự ghẻ lạnh thảm hại, dán trên diễn đàn ba ngày, không nghe thấy một tiếng phản hồi, đến cả một lời hỏi thăm có khi chỉ mất ba bốn chữ cũng không thấy ai có nhu cầu gõ lên cho chúng tôi xem. Tôi bắt đầu thấy ngượng với chị Diêu khi đã trót quảng cáo quá hào hứng về cái diễn đàn này, lại còn nói rằng sẽ có người gọi đến hỏi thăm chị. Doanh thì chỉ soi xét cái bài của nó trên datnuoc.com và cũng chau mày nói rằng “cái lũ này chỉ lên nói toàn thứ vớ vẩn”, nó cũng tỏ ra thất vọng khi tôi nói rằng công sức của “Jinny” trên diễn đàn sinh viên Thượng Hải cũng không được trả khá hơn, thế mà nó đã từng cho rằng dân Việt Nam ở đây có thể “loạn” trước cái thông tin này.

Đến ngày thứ tư thì sự thất vọng của chúng tôi đã tan biến khi “Sweet-rose” nhận được một lời nhắn tin trên datnuoc.com từ một người nói có thể tìm giúp nhà chị Diêu ở Việt Nam.

Tối hôm đó Doanh chat với người nhận giúp trên máy tính của nó, tôi đứng bên cạnh xem.

Khi chờ đợi đối phương lên mạng, tôi nhìn cái nick anh ta cho Doanh trên yahoo messenger, “Tinh-yeu-o-noi-dau”, một cái nickname có tính chất quá đỗi phổ biến với cả nam lần nữ, rất khó đoán giới tính của chủ nhân.

“Đấy là nam hay nữ?” Tôi hỏi Doanh.

“Chưa biết.” Nó trả lời.

“Người ta có bảo giúp bằng cách nào không?”

“Chưa nói gì cả.”

Cuối cùng thì nhân vật còn giấu mặt cũng xuất hiện, rồi chúng tôi dần dần được biết các thông tin, giới tính: nam, nghề nghiệp: công an, nơi ở: Hà Nội, tuổi tác: không rõ nhưng còn trẻ (thì tất nhiên còn trẻ mới lang thang trên mấy cái diễn đàn đó mà thấy thông báo của Doanh chứ).

Các nội dung quan trọng nhất được nói đến như sau:

Tinh-yeu-o-noi-dau: anh thấy cái vụ này đáng ngờ lắm, nhiều chỗ vô lý.

Sweet-rose: thực ra thì bọn em cũng thấy thế.

Tinh-yeu-o-noi-dau: sáng nay anh nhờ cả bạn anh là công an ở Thái Bình tìm, không thấy có cái ông Vũ Văn Hòe này.

Sweet-rose: thế cái địa chỉ này có thật không ạ?

Tinh-yeu-o-noi-dau: chưa xác minh được, nhưng mà họ bảo chín năm trước cũng không có vụ án người bị bán hay mất tích nào như thế được báo công an cả.

Sweet-rose: có thể nhà họ không báo công an.

Tinh-yeu-o-noi-dau: có thể, nhưng mà không chắc, anh thấy các em nên cẩn thận với cái con này đấy. (Xem đến cái chữ “con” tôi có hơi chau mày, cảm thấy cái anh này cũng khá là bỗ bã).

Sweet-rose: bọn em sẽ cẩn thận, cảm ơn anh, anh cứ tìm giúp nhé, coi như làm phúc mà anh.

Tinh-yeu-o-noi-dau: anh sẽ tìm chứ, các em nhà ở đâu nhỉ?…

Chuyện của chị Diêu được bàn tới đó, sau đó là một lô những câu hỏi về quê quán chúng tôi, đúng ra là hỏi Doanh thôi, vì nó mới là người chính thức đang chat, tôi chỉ đứng xem từ đầu đến cuối, anh công an nói anh ta mới làm việc, toàn phải nghe sai bảo, làm việc cần lên mạng nhiều nên lên suốt ngày, chúng tôi lúc nào muốn hỏi gì thì cứ lên mạng mà hỏi được ngay, rồi lại hỏi Doanh nghỉ Tết có về Hà Nội không? Về thì anh em gặp nhau chơi.

Đến cái đoạn “về anh em gặp nhau chơi” thì tôi và Doanh cùng bật cười, nhìn cái nickname “Tinh-yeu-o-noi-dau” và cách hỏi han thế này thì ai cũng hiểu ngay tâm địa anh chàng rồi, thế nào cũng để tâm đến thông báo trên datnuoc.com trước hết là vì cái ID quá sức nữ tính và quyến rũ của Doanh “Sweet-rose”, điển hình cho dạng con trai cả ngày lượn trên mạng tìm kiếm các cô bé đây, có điều cũng chẳng có vấn đề gì lắm, tôi thấy anh ta trước mắt biểu hiện là người tốt, mà đúng là người chúng tôi cần tìm nhất để giúp việc của chị Diêu rồi, là công an, mà lại lo phần liên thông, thế thôi là anh chàng đạt tiêu chuẩn “đáng yêu” của tôi rồi.

Những ngày sau chúng tôi đều vừa chờ đợi tin tức từ “Tinh-yeu-o-noi-dau” vừa tăng cường cảnh giác với chị Diêu, thực ra cũng chẳng có gì mà tăng cường, chỉ là vẫn kiếm đủ lý do để từ chối đi ra ngoài với chị thôi. Chúng tôi cũng chẳng còn cách nào khác, cùng là thân con gái cả, cái cần lo vẫn phải lo. Chị Diêu vẫn đến hàng ngày, có khi bế theo cả Dung Dung, vẫn tiếp tục cách nói chuyện làm tôi không biết đâu mà lần.

Mười ngày trước Noel tức là tám ngày trước chuyến dã ngoại của đám hủ nữ, anh công an “Tinh-yeu-o-noi-dau” dùng offline message nhắn cho chúng tôi một lúc ba số điện thoại: một số cố định của nhà hàng xóm của nhà ông Vũ Thanh Hòe ở Thái Bình, một số di động của con trai cả ông Vũ Thanh Hòe tức anh Vũ Thanh Huyên, một số cố định được biết là của chính anh “Tinh-yeu-o-noi-dau” trong văn phòng ở Hà Nội.

Chúng tôi gọi chị Diêu đến, hỏi chị rằng rốt cuộc bố chị tên là Vũ Văn Hòe hay là Vũ Thanh Hòe? Chị “À!” lên một cái rồi nở nụ cười ngượng cố hữu nói là giờ mới nhớ ra đúng là Vũ Thanh Hòe chứ không phải Vũ Văn Hòe, chúng tôi lại muốn bật ngửa ra lần nữa bảo nhau thảo nào mới đầu tìm không ra. Sau đó chúng tôi gọi thử điện thoại về số cố định của nhà hàng xóm nhà ông Vũ Thanh Hòe và số di động của con trai cả ông Vũ Thanh Hòe tức anh Vũ Thanh Huyên, đều xác nhận được ngay là nhà họ đúng là có cô con gái tên Vũ Thị Diêu như thế bị bán đi đã chín năm nay. Đến nửa đêm, khi chị Diêu đã về, “Sweet-rose” lại nhận được một tin nhắn từ một nickname lạ hoắc nói rằng đây là con gái của nhà hàng xóm của ông Vũ Thanh Hòe, nhà ông Hòe không có điện thoại cố định mà cũng không có máy tính để lên mạng internet nhưng nhà hàng xóm này thì có đủ cả, vì vậy muốn thông qua internet liên lạc với chị Diêu. Thế là hôm sau Doanh bảo chị Diêu ngồi im rồi dùng máy ảnh kỹ thuật số của nó chụp cho chị một cái ảnh chân dung, chụp cả những ảnh cưới của chị gái từ nhà gửi sang Nam Ninh trước kia, đưa ảnh lên máy tính gửi vào hộp mail của con gái nhà hàng xóm của ông Vũ Thanh Hòe. Đến tối hôm đó, thân phận của chị Diêu chính thức được xác nhận, anh Vũ Thanh Huyên xem ảnh chị Diêu và ảnh đám cưới của chị gái chị trên máy tính của con gái nhà hàng xóm của bố anh xong liền chứng nhận ngay chị Diêu đúng là cô em gái bị bán chín năm trước của anh. Sau đó, anh Vũ Thanh Huyên thông qua máy tính của con gái của nhà hàng xóm của bố anh, chị Diêu thông qua máy tính của Doanh, anh em họ chat với nhau, thực ra gọi là “anh em họ chat” chứ đúng ra vẫn là Doanh chat với con bé con nhà hàng xóm của bố chị Diêu là chính thôi, thông tin chẳng được mấy vì con bé xem ra cũng còn chưa thạo chat, anh trai chị Diêu thì chắc chắn là không biết gõ bàn phím, chị Diêu thì chỉ đọc bập bõm được một ít chữ không có dấu do con bé gõ ra, chị Diêu đề nghị chúng tôi tạm thời giấu, không thông báo cho người nhà biết chị đã có con, chị xúc động khóc ướt hết cả túi giấy ăn to, tuy khóc nhiều nhưng là cái kiểu khóc không ra tiếng, khóc mà vẫn không quên có tôi và Doanh bên cạnh, trông thật lắm, chúng tôi bị kiểu khóc đó đánh động lòng, cũng quên luôn hỏi chuyện hồi chị còn ở Nam Ninh, họ liên lạc qua thư được mà lại không đến tìm đưa chị về được rốt cuộc là ra làm sao, dầu sao thì chẳng mấy khi thấy cảnh gia đình sum họp sau bao năm thất lạc cảm động như thế này, chúng tôi thấy nếu mà đưa những vấn đề thực tế hay lô gic quá đi phá vỡ thì đúng là vừa bất nhã vừa thất đức, một việc xấu như thế chúng tôi không thể làm.

Thế là việc phải cảnh giác với chị Diêu đã có thể chấm dứt, chúng tôi thở phào được ít nhiều và cũng vênh vang lên ít nhiều vì cảm thấy mình đang “làm phúc”. Chị Diêu rất phấn chấn bắt đầu ra sức hỏi bây giờ chị muốn về nhà thì làm thế nào? Lúc nào về được?

Cái này thì tôi và Doanh đều không biết, lại phải đi hỏi thôi.

Lúc này tôi đã không còn tránh mặt anh nữa rồi, thỉnh thoảng đến nhà anh chơi tuy ít hơn trước kia, cũng đã lại thường đến thăm cái cửa hàng thú cảnh, có nói chuyện với Trúc Tử dù không nhiều, không thấy con long miêu ốm đâu nữa, tôi được biết là nó đã khỏe hẳn và lại được bán cho chủ mới rồi, “lần này là một người chủ tốt”, bà chủ khẳng định thế.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài