talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 6

Thời thế tạo anh hùng

Chuyện của Trúc Tử hôm đó dĩ nhiên là đã ám ảnh tôi ghê gớm, nhưng đó là việc có nghĩ ngợi mấy cũng chẳng được gì, vì vậy tôi có lẽ chỉ nên kể ra đây những chuyện nằm trong phạm vi nghĩ ngợi có thể thu nhặt được kết quả (hay chí ít là lúc này cũng cho tôi được niềm tin như thế) mà thôi, quý vị hiểu chưa ạ? À vâng, quý vị đoán không sai, tất nhiên tôi muốn nói đó là chuyện chị Diêu.

Thú thực là từ lúc anh nói những suy đoán của anh về chị Diêu cho tôi nghe đến giờ, tôi đã kịp dần dần suy nghĩ, phân tích và sau cùng là… tiếp thu, đến lúc này, khi chỉ còn cách thời gian lên tàu về nhà ăn Tết có một ngày thì tôi gần như đã hoàn toàn tin vào những suy đoán của anh, bởi lẽ trước mắt chỉ có cách đó mới lý giải nổi sự kỳ quái mà chị Diêu và gia đình chị biểu hiện ra.

“Với bố mẹ cái cô Diêu này thì con gái mười lăm tuổi là con gái lớn rồi, không lo ở nhà băm bèo cho lợn hay ra ruộng cấy lúa mà cứ chạy theo con trai đi tận đẩu tận đâu, thế thì cứ để nó đi luôn cho xong, rồi thì nó cũng tự sống được.”

Câu nói này của anh cứ vất vưởng trong đầu tôi, cố nghĩ cho rõ ràng không được mà muốn quên cũng không xong. Dù anh có thông minh đến đâu thì cũng như tôi, không hiểu gì về người dân quê và cuộc sống của họ, cách tư duy của họ trong một số việc. Tôi đã từng về chính quê mình, ở đó mọi người hồn hậu, tốt bụng, bố mẹ chăm lo cho con cái, giật gấu vá vai vắt kiệt sức lực để con cái được học hành, nhiều nhà con gái cũng vẫn được chăm lo học hành đầy đủ, tôi vẫn luôn cảm thấy là ở quê tôi, những đứa trẻ vẫn luôn luôn là của báu, thế nên càng không thể hiểu nổi nhà chị Diêu. Nhưng cứ nghĩ đến cái kiểu cười ngốc nghếch của chị Diêu lại thấy nao lòng, ở quê cũng thế, ở tỉnh cũng thế, trẻ con là trẻ con, ngốc nghếch và cần được bảo vệ, tôi không thấy có lý do gì để chị Diêu phải dùng suốt đời hay chí ít là toàn bộ tuổi trẻ để chịu đựng hậu quả mà sự ngốc nghếch của chính chị gây ra khi mới có mười lăm tuổi. Sau cùng tôi tìm ra được cách tư duy làm đầu óc tôi trở nên thoải mái và nhìn sự việc rõ ràng nhất, đó là:

  1. Một người không có thân phận hợp pháp và mù chữ sống ở giữa Thượng Hải là chuyện rất nghiêm trọng, không thể để tình trạng này tiếp diễn.

  2. Dù rằng người đó hiện giờ đã hai mươi bốn tuổi nhưng với trình độ nhận thức về lối sống và pháp luật chỉ bằng đứa trẻ lên mười thì tôi, với tư cách là kẻ hai mươi hai tuổi và có trình độ nhận thức về mặt pháp luật và xã hội xấp xỉ với người… mười tám tuổi vẫn có thể chiếu cố mà coi chị Diêu như trẻ con cỡ mười hai tuổi để có thể nhường nhịn những ngốc nghếch của chị.

  3. Do trước mắt không có khả năng hiểu nên tạm thời không nghĩ gì về gia đình chị Diêu nữa, chỉ cần biết số điện thoại của họ là đủ rồi.

  4. Vấn đề nghiêm trọng ở mục một tôi cần cố tìm cách đi giải quyết, trong quá trình giải quyết thực hiện nguyên tắc theo mục hai và mục ba.

  5. Còn có vấn đề gì rối óc nữa thì xem lại mục bốn.

Sau khi đặt ra tất cả các mục trên cho mình, tôi thấy trong lòng khoan khoái ghê gớm, đột nhiên cảm thấy mình vĩ đại một cách kỳ lạ, thì tôi cũng đã nói rồi đấy, ngay ngày đầu tiên gặp chị Diêu, tôi đã hy vọng là chị kể tất cả mọi chuyện là sự thật để tôi có cơ hội làm người tốt, giờ thì đã lập ra được cả phương án rạch ròi để “làm việc thiện” rồi. Khoái! Cái sự “thiện” một cách rất vô tâm và ích kỷ lại làm cho người ta khoan khoái như thế. Tôi tự bảo mình như thế này không phải là tôi thừa nước đục thả câu để câu cái danh “người tốt”, dầu gì thì cái việc chị Diêu tìm đến chẳng phải do tôi sắp đặt hay mong chờ mà được, như thế thì đây phải gọi là thời thế tạo anh hùng mới đúng.

Buổi chiều trước ngày tôi về nhà ăn Tết, chị Diêu bế Dung Dung đến, hỏi có đem cả con bé về được không, chị nói là chị muốn đưa con về lắm, rất thông cảm cho tấm lòng người mẹ trẻ, tôi nói một cách rất chắc chắn (bởi đúng là tôi tin thế thật) là đưa con bé về chắc chắn là được thôi, có điều phải có đủ giấy tờ, tôi lại cố gắng hỏi lại chị về giấy khai sinh của Dung Dung, lại mô tả, ra sức giải thích, chị tuyệt nhiên chẳng hiểu gì cả, sau cùng tôi đành bảo là thế thì chị cứ về nước trước đi đã, chuyện đưa Dung Dung về tính sau, chị nghe theo ngay.

“Tôi làm thế nào mà về được?”

“Chị đến lãnh sự quán ở Nam Ninh.”

“Tôi sợ, Nam Ninh không tốt, hồi trước tôi trốn khỏi đó.”

“Không có gì phải sợ cả, chị cứ đến thẳng lãnh sự quán, ở đó không có gì đáng sợ hết.” Tôi nói và đưa cho chị tờ giấy có ghi địa chỉ lãnh sự quán ở Nam Ninh “Đến cái địa chỉ này, không phải sợ.”

“Nếu họ không cho tôi về thì sao? Tôi sợ.”

Lại bản điệp khúc được lặp lại, tôi cố gắng để không hét toáng lên, “bình tĩnh, bình tĩnh, phải dịu dàng”, tôi tự bảo mình như thế, thấy mình có trách nhiệm phải đối xử với chị Diêu đúng mực sau khi đã đặt cho mình năm mục ở trên, tuy vậy trong lòng vẫn khó chịu, ấm ách trước cái vẻ ngơ ngẩn đến sốt ruột của chị Diêu.

Chị Diêu tỏ ra rất không muốn phải một mình tìm đến lãnh sự quán Nam Ninh, cái này thì tôi có thể hiểu, chị hỏi tôi trong chuyến đi về ngày mai, chị có thể về cùng tôi được không? Tôi giảng giải là tôi về không phức tạp như chị, không phải qua lãnh sự quán, không cần mất thời gian ở đó mà cứ đi thẳng qua biên giới, trình hộ chiếu ra là xong. Cứ giảng giải như thế, đột nhiên tôi nghĩ ra một ý tưởng, chẳng buồn bàn với chị Diêu, tôi với điện thoại gọi cho Kim:

“Kim này, cái chuyến tàu ngày mai bọn mình đi ý, bây giờ còn mua được vé không?”

“Làm sao còn vé được nữa, mình mua ngay ngày đầu tiên bán vé mà còn chỉ mua được vé chợ đen.”

“Như thế thì có thể đến giờ chợ đen vẫn còn vé không?”

“Tớ cũng chẳng biết.”

Kim phân vân, sau đó cậu ta đọc cho tôi hai số điện thoại của mấy anh chuyên lo mua vé chợ đen hộ mọi người ở đây, nói là hỏi các anh ấy, cậu ta hỏi tôi cần mua vé nữa cho ai, tôi bảo là chị Diêu, hình như sau đó cậu ta còn muốn hỏi gì đó nữa nhưng tôi đã nhanh nhảu chào và cúp máy để còn gọi đến mấy anh mua vé chợ đen, tôi chẳng mấy khi lại nhanh mồm đến thế.

Loay hoay quay một lô số điện thoại một hồi đến tối mịt mới hỏi ra được một tấm vé hiếm hoi, anh “chồng” của chị Diêu đến, hỏi không ra là hỏi tôi hay hỏi chị Diêu xem chị Diêu lúc nào về được, tôi hỏi anh hay chị có tiền mua vé cho chị đi Nam Ninh ngay ngày mai không, tất nhiên là tiền để mua vé tàu thì họ vẫn có, thế là tôi đưa anh ta cái địa chỉ bí mật như hoạt động gián điệp của đám phe vé chợ đen ở Thượng Hải mà tôi vừa mất cả buổi chiều để hỏi, ghi cho cả số hiệu của chuyến tàu ngày mai, bảo là chị Diêu có thể đi với tôi đến Nam Ninh ngày mai, tôi sẽ đi cùng chị đến lãnh sự quán rồi mới bỏ về, còn lại sẽ có người ở lãnh sự quán lo cho chị, nếu đồng ý thì bây giờ đi mua vé cho chị ngay. Chị Diêu chẳng suy nghĩ quá ba giây mà gật đầu đồng ý luôn, bảo anh “chồng” đi mua vé, sau đó lại tiếp tục ngồi lại nói với tôi “Tôi không biết phải nói với lãnh sự quán thế nào, tôi sợ”, tôi thì cố gắng kiên trì tự rèn mình thực hiện lịch thiệp ngọt ngào với cái tiếng “tôi sợ” chẳng có âm sắc gì chỉ kèm theo kiểu cười ngớ ngẩn ấy. Đến tối Doanh và người yêu về đến nhà, trong khi anh người yêu đi tắm thì nó vào chia sẻ với tôi trong việc tiếp chuyện chị Diêu:

“Tôi bây giờ không có tiền đem về.” Chị Diêu nói.

“Chị bị bán mới ở đây, không phải đi buôn!” Doanh gắt lên, hẳn nhiên là nó không có sự chuẩn bị tinh thần để “dịu dàng” như tôi.

“Tôi sợ hàng xóm cười tôi.” Chị Diêu nói.

“Ai cười thì kệ người ta.” Tôi nói, với vấn đề này thì chỉ còn biết thở dài, lần này Doanh không gắt mà cũng không nói gì nữa, nó cũng thở dài. Cứ tưởng tượng mình mà là chị Diêu, khi về đến nhà ngày ngày phải sống với những chỉ trỏ của hàng xóm láng giềng “Con bé ấy hồi trước bị bán sang Trung Quốc…”, “Con bé đấy hồi trước làm…”, những cảnh đó chỉ nghĩ thôi chúng tôi cũng thấy rùng mình. Có lần hồi tôi còn học cấp ba, một dịp đi theo bố mẹ vào một quán cà phê sang trọng giữa Hà Nội còn được nghe một bà ăn mặc sang trọng bô bô cái mồm kể chuyện ở phố A, nhà B có con bé tên C, con ông bà D, bị bán sang Trung Quốc một thời gian rồi về đến nhà ra sao, bà ta bô bô kể hết tất cả các “sự cố” của con bé bất hạnh đó, lại còn chêm vào không ít bình luận và các tiếng thở dài thương hại rất sinh động, mọi người ai cũng chăm chú lắng nghe, cũng có người thắc mắc là sao bà này biết rõ việc nhà người ta thế, kể sinh động vậy, nói rồi lại căng tai lên nghe để cùng thương hại con bé tên C con ông bà D nọ.

Tôi gọi điện cho anh trai chị Diêu, nói ngày mai chị lên tàu đi Nam Ninh với tôi, ngày kia đến lãnh sự quán, lãnh sự quán sẽ lo cho chị về Việt Nam, thông báo để người nhà thu xếp đón chị.

“Em này, em ở bên đấy có gì thì giúp cho Diêu nhé, giúp được cho Diêu về nhà thì tốt quá.”

Tôi nghĩ thầm trong bụng rằng giúp được chị Diêu về đến nhà là lãnh sự quán hay là anh đi đốc thúc vị nào đó, cơ quan nào đó ở nhà chứ đâu phải là em được, nhưng lại nhớ đến năm tiêu chí vừa đặt ra, thế là tôi ngoan ngoãn nhẹ nhàng “Vâng” một tiếng.

“Em này, Diêu ở bên ấy có kiếm được không nhỉ?”

Nhớ lại câu “Tôi không có tiền đem về” của chị Diêu và tiếng gắt của Doanh, tôi lại đâm ra muốn gắt ông anh trai chị Diêu ghê gớm nhưng lại kìm mình lại, nhẹ nhàng “Dạ, em không biết, anh hỏi chị ấy thôi.”

“Em này, chẳng hiểu sao nó lại quên tiếng Việt ghê thế nhỉ?”

“Dạ, chị ấy lâu rồi không nói chuyện với người Việt Nam.”

“Em này, em ở đấy có gì giúp Diêu nhé.”

Anh ta lặp lại, lần này nội dung cũng không có gì làm tôi thấy khó chịu nên dễ dàng nói “Vâng” hơn rồi nghe tiếng anh ta cúp máy.

Sáng hôm sau tôi đem con chuột đực đến gửi cửa hàng thú cảnh, Trúc Tử trả tôi bốn trăm tệ, nhận con chuột rồi kiếm được ngay một con chuột cái cho vào lồng cùng nó, “Cho nó vui”. Cậu ta bảo thế và chúng tôi cùng thấy buồn cười khi nhìn thấy con chuột đực gần như ngay lập tức đuổi theo con chuột cái vừa được thả vào lồng.

Tôi quay về nhà, người yêu Doanh không biết đi đâu mất, chỉ có nó ở nhà một mình đang ôm lấy máy vi tính chat, tôi gửi Doanh chìa khóa nhà anh, rồi đang thu dọn hành lý thì chị Diêu đến, gọi là thu dọn thế thôi chứ hành lý của tôi thực ra chỉ có một cái balô, đeo lên lưng là xong, thấy chị Diêu đến tay không, tôi thắc mắc:

“Chị chưa chuẩn bị xong à?”

“Xong cả rồi.” Chị Diêu trả lời “Để cả dưới xe.”

“Xe nào?” lần này thì người ngơ ngác là tôi.

“Xe của bạn tôi, bạn tôi có ô tô, đưa mình đến ga được.”

Lại một lần nữa tôi được dịp nhìn thấy chị Diêu tỏ ra nhanh nhạy, cũng thấy dễ chịu. Đeo balô toan đi ra cửa với chị Diêu, lại nhớ ra là cần chào Doanh một câu, thò mặt vào cửa phòng nó, nói to:

“Về đây Doanh nhé, ở lại ăn Tết vui vẻ.”

Nó không trả lời tôi mà từ bên máy tính đứng bật dậy, chạy hẳn ra, vượt qua tôi đang đứng ở một bên cửa, nói với chị Diêu:

“Bạn em bảo con gái chị cũng đưa về được.”

“Sao?” Chị Diêu lại bắt đầu ngơ ngẩn.

“Bạn em trên mạng vừa bảo, chỉ cần là con của chị thì thế nào cũng đưa về được.” Doanh nói, chắc như đinh đóng cột, cái vẻ cố hữu của nó khi nói về mọi thứ.

“Có chắc không?” Tôi hỏi.

“Chắc chắn rồi.” Nó trả lời “Anh “Tinh-yeu-o-noi-dau” nói thế”.

“Thế thì bây giờ tôi lại về nhà đón Dung Dung đi.” Chị Diêu nói sau khi suy nghĩ hai giây.

Với tư cách là người tư duy rất chậm, và chắc chắn là chậm nhất ở đó trong tình huống này, lúc đó tôi thật sự nghĩ không ra là đem con bé theo ngay thì liệu có ổn hay không, cũng không nghĩ đến giấy khai sinh (mà lúc đó có nghĩ ra thì cũng làm thế nào mà nói cho chị Diêu hiểu được), chỉ nghĩ đến một vấn đề do vẫn còn chịu ảnh hưởng của việc quay số điện thoại điên cuồng hỏi mua vé tàu hôm qua, tôi nói:

“Bây giờ làm thế nào mà mua thêm vé cho Dung Dung được? Còn bốn tiếng nữa là tàu chạy rồi?”

“Nó là trẻ con bé mà, nằm chung một giường với mẹ được, thêm tiền vào là cùng.” Doanh nói, nhưng lần này nó cũng không chắc chắn lắm, chúng tôi đều không có kinh nghiệm đưa trẻ con bé đi tàu mà chị Diêu thì xem ra cũng chẳng biết gì hơn.

Chị Diêu có băn khoăn, nhưng không tiếp tục đứng với chúng tôi nữa mà đi ra cửa, nói:

“Giờ cứ về đón Dung Dung đã, nếu đưa đến ga mà không lên tàu được thì lại nhờ bạn tôi đưa về.”
Vậy là tôi chào Doanh lần nữa rồi đi cùng chị Diêu ra khỏi nhà.

“Đi đường cẩn thận nhé.” Doanh nói với theo.

Đi ra mặt phố quả nhiên có một chiếc xe năm chỗ ngồi màu trắng trông có hơi lếch thếch đậu bên đường. Một anh lái xe còn trẻ và một ông trung niên mặc áo da quần bò trông ra dáng người lao động ngồi ở hàng ghế sau, giữa một đống túi xách, balô, túi dứa to chình ình, nhìn là biết ngay là hành lý của chị Diêu, đống hàng lý làm tôi vừa nhìn đã phát hoảng, tự hỏi cái chị Diêu này nghĩ là đi buôn chuyến hay sao thế, chị tự xách nổi bao nhiêu trong cái đống đồ này, nghĩ vậy nhưng chẳng dám nói gì.

“Quay về nhà, đón Dung Dung đã.” Chị Diêu nói với anh tài xế.

Trên đường quay về đón Dung Dung, tôi đóng vai người câm trên xe, nghe chị Diêu nói chuyện với hai người đàn ông.

“Tôi về rồi có thể sẽ quay lại.” Chị Diêu nói.

Tôi toan định nói là chị chẳng quay lại được đâu thì anh lái xe nói:

“Quay lại làm gì, về thì về ở đó luôn đi.”

“Tôi sẽ quay lại chứ.” Chị Diêu nói giọng kiên quyết.

Tôi đột nhiên muốn bỏ ý định giải thích cho chị là chị sẽ không quay lại được, lúc này, tôi đâm muốn chị về, mà tôi cũng cho rằng chị về là tốt hơn ở lại, trong một chốc tôi đang băn khoăn không biết có nên nói cho chị biết là chị không thể quay lại được hay không thì đề tài câu chuyện cứ chuyển lung tung khiến tôi không thể tập trung suy nghĩ được.

“Chồng cô chẳng phải đàn ông, anh ta không đưa tiền để cô về.”

“Anh ấy vừa đầu tư với mấy người bạn, phải ít lâu nữa mới có tiền”. Chị Diêu nói nhưng cũng chẳng ra giọng đang phân trần cho anh “chồng” mà chỉ nói vậy thôi “Hôm qua thậm chí còn chẳng buồn ôm tôi, thế là tôi thấy bỏ luôn được rồi, tôi chẳng hối tiếc gì nữa.”

“Anh ấy có đồng ý cho cô đưa Dung Dung đi không?” Ông trung niên hỏi.

Chị Diêu chưa kịp nói gì thì anh lái xe đã cướp lời:

“Làm gì mà không đồng ý, lại chả mong quá đi chứ! Còn trẻ, đẹp trai, có một mình, có đứa con vướng chân muốn kiếm thêm cô nào nữa cặp cũng khó. Không có con bé thế nào chả mừng.”

Chị Diêu và ông trung niên đều không nói gì nữa, cũng chẳng tỏ vẻ gì xem ra là đồng ý với cách nói của anh ta.

“Này, tiểu cô nương, một đồng nhân dân tệ đổi ra tiền Việt Nam khoảng bao nhiêu?” Ông trung niên quay ra hỏi tôi.

“Xấp xỉ một nghìn chín trăm đồng tiền Việt Nam.” Tôi trả lời.

“Hả?!!!” Cả hai người đàn ông đều kinh ngạc.

“Như thế là… cô có hai nghìn tệ đem về, như thế là được, xem nào… bốn triệu tiền Việt Nam rồi, trời! Thế thì cô thành người giàu rồi còn gì, nhiều tiền thế!” Anh tài xế lẩm nhẩm tính rồi kêu lên với chị Diêu.

Chị Diêu còn ngẩn ra, có khi còn tính theo anh ta thì tôi đã dội gáo nước lạnh:

“Đơn vị tiền nhỏ nhất của chúng tôi đã là một trăm đồng rồi, mà ở nhà tôi hai nghìn đồng thì cũng như một tệ ở đây, chỉ mua được cái bánh con con thôi.”

Họ lại im lặng, có lẽ đang cố hiểu cái cách tính tiền mà tôi vừa nói.

Đến nhà chị Diêu, Dung Dung được cô gái hôm trước chúng tôi thấy ở phòng ngủ đi ra đó mặc quần áo cho trong khi chị Diêu cùng hai người đàn ông cuống quýt thu dọn quần áo của Dung Dung, nhét bừa cả quần áo bẩn lẫn sạch, khô lẫn ướt vào một cái túi dứa to. Sau đó một người đàn ông xách túi, chị Diêu bế Dung Dung đi ra, bà hàng xóm vẫy tay chào Dung Dung, dịu dàng nói với nó “Về nhà rồi nhé”, tôi đâm có một cảm giác là cứ để Dung Dung lại đây có lẽ cũng tốt cho nó, cái tư tưởng mẹ và con phải như hình với bóng được gây dựng và vun đắp từ bé trong đầu tôi đã bắt đầu lung lay.

Trên đường từ nhà chị Diêu đi ra ga, chị Diêu ngồi ghế trước bế con, thở dài nhắc lại cái điệp khúc giờ không có tiền lại đem một đứa con về, thế nào cũng bị người ta cười cho với hai người đàn ông. Anh lái xe vung tay vỗ cái bộp vào tay lái, cao giọng nói, tôi hơi giật mình nhưng lại phát hiện ra ngay là mặt và giọng nói của anh ta hoàn toàn không có vẻ gì là đang tức giận, anh ta nói:

“Bảo người ta là tôi lấy chồng, có con, bố nó chết rồi, giờ tôi đem nó về, bố nó chết nó không ở với tôi thì ở với ai?! Đơn giản thế mà cũng không biết nói à?!”

“Phải đấy, ở tận đấy thì ai biết bố nó còn sống hay chết rồi, bố nó cũng chẳng bao giờ tìm đến đó đâu, cứ nói thế là được.” Ông trung niên ngồi ghế sau cạnh tôi phụ họa.

Chị Diêu lại im lặng một lúc, anh lái xe nói là chính, anh ta bảo chị về rồi thì cứ yên ổn ở nhà đi, đừng quay lại đây nữa làm gì, ở Trung Quốc cũng có gì tốt đâu, anh ta bảo thế, chị Diêu nghe một hồi rồi vẫn nói “Tôi sẽ quay lại”, tôi thì vẫn còn chưa biết sẽ nói với chị thế nào.

Đến ga, tìm chỗ đậu xe, sau đó hai người đàn ông bước xuống giúp chị Diêu lấy hành lý ra, anh lái xe sau đó lại quay lên xe ngồi nói giờ lại phải lái xe đi bây giờ, đưa đến đây thôi, có gì thì gọi di động cho anh ta, chị Diêu chào anh ta và nói về đến Việt Nam thế nào chị cũng gọi điện lại. Ông trung niên kia thì tay xách nách mang cố gắng hết sức dài vai rộng của ông ta cũng đem được hai phần ba đồ của mẹ con chị Diêu, chị Diêu phải bế Dung Dung nên chỉ đeo được một cái balô trên lưng, còn một cái túi dứa chật căng được giao cho tôi, tôi dám cá là đến hai con bé Nguyễn Kỳ Cầm cũng có thể gói gọn vào trong cái túi này được, thế là tôi kéo lê cái túi trên mặt đất, phát ra tiếng lệt sệt rất to, cũng chẳng ai có ý kiến vì biết là tôi không thể nhấc cái túi lên được, chỉ có thể kéo, mà họ thì cũng chỉ có cách là cứ để cho tôi kéo như thế.

Người tha đồ, kẻ bế con đi đến cổng soát vé vào ga, chỉ vào Dung Dung hỏi người soát vé rằng một đứa bé thế này thì có cần vé không, người soát vé bảo là còn bé quá, không cần vé đâu, vậy là yên tâm có thể đưa Dung Dung lên tàu. Giờ lại phát sinh ra một vấn đề, đó là người đàn ông chỉ có thể đi cùng chúng tôi đến cửa soát vé, đoạn đường còn lại sẽ chỉ có tôi và chị Diêu phải lo đem hết cả đống đồ. Tôi đâm hoảng thật sự vì nhìn Dung Dung tôi biết là cái đống đồ này sẽ dành cho tôi lo là chính, tuy thế vẫn vững tâm vì nhớ là thực ra còn nhiều người đồng hành lắm.

“Mình đứng đây chờ một lúc đi, đừng vào ga vội, chờ xem mọi người đến nữa sẽ giúp được một ít.” Tôi nói, chị Diêu tất nhiên là đồng ý ngay, người đàn ông cũng đứng lại chờ cùng chúng tôi, tôi giờ mới nhận ra là chị Diêu thực ra biết đặt quan hệ lắm, giữa những con người ở đây, chị tỏ ra tự nhiên hơn cả khi ở bên tôi hay Doanh.

Chờ đến mười lăm phút chẳng thấy bóng dáng một ai, tôi rút điện thoại gọi vào số của Kim, nói là tôi đang ở cửa soát vé ở ga, hỏi cậu ta và mọi người đi cùng đang ở đâu, cậu ta nói là họ còn phải đến nửa tiếng nữa mới tới ga, đang trên xe và bị tắc đường, bây giờ là bốn giờ mười phút chiều, đúng giờ tan tầm, cậu ta bảo tôi cứ vào phòng chờ trước đi, tôi buộc phải nói thẳng rằng hiện giờ chúng tôi chỉ có hai đứa con gái và nhiều đồ quá, có thể chờ mọi người tới giúp được không, ấy là tôi còn chưa nói thêm vào là có cả một đứa bé con phải bế nữa. Kim ngập ngừng một lát, rồi nói tốt nhất là chúng tôi cứ tự lo thôi vì đồ của họ cũng nhiều lắm, tôi ậm à nói ừ thì bọn tớ tự lo rồi cúp máy. Không phải không biết con người Kim, lịch sự ga lăng lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu và luôn chú tâm, nhiều khi chú tâm một cách qua lố đến việc người khác nhìn mình ra sao, với cậu ta việc chối bỏ một đề nghị giúp đỡ từ con gái chẳng phải là việc gì dễ dàng, cái này thì tôi biết, chính mình để chị Diêu đi cùng, để chị ta mang nhiều đồ đến thế thì mở mồm nhờ vả tôi cũng rất ngượng. Sau khi cúp máy tôi bắt đầu tính toán, giảng giải cho chị Diêu là chị cứ bế con, xách được cái gì thì xách, đi vào phòng chờ, ngồi ở đó, tôi sẽ ra ra vào vào chạy đi chạy lại mang dần đồ vào, một mình tôi đi ba chuyến là mang được hết đồ rồi, chị Diêu trông đồ đã đem vào ở trong phòng chờ, còn người đàn ông thì cứ đứng trông đồ chưa đem vào ở ngoài, đến khi tôi đem hết đồ vào thì ông ta có thể về được rồi. Hai người kia nghe răm rắp, tôi cảm thấy kỳ quái là mình bỗng nhiên thành chỉ huy, mới đầu cũng khá phấn chấn, nhưng chẳng được mấy chốc, mới chỉ kéo cái túi dứa đầu tiên vào ga, lên thang máy, rồi vào phòng chờ, tôi đã mệt phờ người, chị Diêu từ lúc vào cửa soát vé đã bước bước theo tôi như một đứa bé, hoàn toàn không có khái niệm gì về việc tự chị có thể rút vé của chính mình ra, xem số tàu rồi từ đó mà tìm ra số phòng chờ, số cửa chờ ngay trên bảng thông báo điện tử to bằng màn hình rạp chiếu phim của nhà ga, mới đầu cái vẻ ngơ ngẩn này của chị làm tôi phát bực, thầm càu nhàu rằng người đâu mà ngốc thế? Tôi chẳng tin là chín năm qua ở Trung Quốc chị chưa vác mặt ra nhà ga đi tàu hỏa bao giờ, vậy mà cứ ra cái vẻ đúng là chưa đi tàu hỏa bao giờ thật, về sau mới nhớ ra rằng ở Trung Quốc, chị là người mù chữ, đòi hỏi chị đọc được cái vé tàu và nhìn bảng thông báo là việc không thể được.

Sau cùng thì cả đồ và người cũng ở trong phòng chờ cả, tôi mệt phờ người, bắt đầu thấy hóa ra mình cũng chẳng vĩ đại như mình tưởng khi sự chán ghét việc mẹ con chị Diêu lẽo đẽo theo sau bắt đầu nảy nở trong đầu. Ngồi chờ một hồi, Kim và mọi người khác cũng đến, tôi nhận ra Hạ, Trân, Trà và ba ông con trai khác trường nữa, trong đó có một anh khá lớn tuổi, chắc phải đến ba mươi tôi trông quen quen nhưng không nhớ ra là ai, có lẽ gặp qua trong một buổi liên hoan tôi đến vì tính xã giao nào đó, không còn thời gian để nhớ ai với ai nữa, tôi chỉ vào chị Diêu, giới thiệu vắn tắt, trong số họ có người đã từng gặp mặt chị Diêu, có người không, họ đúng là mang đồ nhiều kinh hồn, cũng chẳng có gì lạ, ai cũng mỗi lần đi về là ra sức mua đủ thứ hàng hóa Trung Quốc, chẳng mấy ai hay đi lại gọn nhẹ như tôi, thấy ai cũng tay xách nách mang một đống tôi đã thất vọng, liếc thấy Kim có vẻ nhẹ nhàng nhất, có một cái vali kéo, tôi đành dày mặt lên mở lời:

“Kim xách hộ một ít được không?”

Cậu ta nhìn nhìn đống đồ của mẹ con chị Diêu, cỏ vẻ phân vân mất một lúc rồi nói:

“Tớ chỉ xách đồ của Cầm thôi.”

Câu nói làm tôi muốn phát hỏa, ai cần cậu ta chỉ lo đồ của tôi đâu! Tất nhiên là khi nói thế cậu ta không thể biết được trong cái đống hành lý này có bao nhiêu phần là của tôi, bao nhiêu phần là của chị Diêu, có lẽ lúc đó cậu ta cho rằng đồ của tôi chí ít cũng chiếm một nửa trong số đó. Tôi dùng một động tác nhanh và mạnh, tháo phăng cái balô gọn gàng trên lưng, ấn vào tay cậu:

“Thế thì xách hộ cái này thôi, cám ơn!”

Sau đó chẳng buồn nhìn xem cậu ta xách balô của mình ra sao nữa, tôi khoác lên người một cái túi du lịch nặng trịch của chị Diêu, hai tay kéo hai cái túi dứa, mỗi cái đủ chỗ chứa hai con bé Nguyễn Kỳ Cầm vị chi là tôi kéo bốn con bé Nguyễn Kỳ Cầm, trông tôi lúc này chắc chẳng khác gì dân đi buôn chuyến đúng nghĩa, tôi lê tất cả những thứ đó trên mặt đất, phát ra tiếng kêu lệt sệt rất to bởi mới đầu tôi ra sức đi thật nhanh qua mặt Kim cho đỡ tức, cố tình để cậu ta nhìn cho rõ tôi khổ sở đến đâu, chị Diêu đi chậm hơn, tôi biết chị cũng phải mang rất nặng, một đứa trẻ hai tuổi, lại còn lỉnh kỉnh đến ba cái túi trên tay và balô trên lưng. Mới đầu đi nhanh do tức nhưng chỉ được chục mét, tôi phải dừng lại để thở và tạm đặt hai cái túi dứa xuống đất do các dây của chúng nghiến vào lòng bàn tay tôi rất đau, chẳng ai giúp tôi cả, ai cũng cắm mặt đi cho nhanh để kịp lên tàu, chị Diêu thì lẽo đẽo đằng sau, cứ vừa kéo đồ vừa nghỉ vừa thỉnh thoảng lại giương mắt canh chị Diêu phòng chị đi lạc (cái bộ dạng của chị làm tôi thật sự tin là chị có thể đi lạc lắm) trong suốt thời gian đi từ phòng chờ đến tận cửa toa, có một khối gì đó rất khó chịu lúc nào cũng muốn nổ tung ra trong đầu tôi, đến nỗi cứ mỗi lần nhắc chị Diêu phải đi ra đâu, rẽ ra đâu, tôi gần như là quát chứ không phải là nói nữa, được cái chị cứ trơ ra, cũng chẳng buồn để tâm đến việc tôi có quát chị hay không. Cho đến khi đến tận cửa toa, Kim cũng có ý đứng chờ tôi chưa lên, tôi bảo cậu chị Diêu do mua vé sau mà chỗ của chị không gần chỗ chúng tôi đâu, cách đến ba toa, đến lúc đó, cậu ta mới gọi thêm một anh chàng nữa giúp tôi bê đống hành lý của chị Diêu đến toa của chị, giúp cất hộ lên đó nữa, lúc này đồ của chính họ đã được cất cẩn thận lên chỗ của họ ở trên tàu rồi nên rảnh tay giúp tôi.

Khi tàu chuyển bánh, tôi thở phào nằm trên chỗ của mình, duỗi thẳng chân tay đã mỏi nhừ, Kim đưa trả tôi cái balô cậu vẫn cầm, đến lúc này thì tôi không còn cáu nữa do vừa được giúp chất đồ của chị Diêu lên tàu.

Khi bắt đầu tĩnh tâm lại và quan sát vị trí của chúng tôi trên tàu, tôi không khỏi thở dài dễ chịu, một khoang tàu có hai bên giường, mỗi bên ba tầng vị chi là sáu giường, tôi được một giường ở tầng hai bên phải, đối diện với tôi là giường Trân, bên dưới là giường Hạ, đối diện với Hạ là Kim, hai giường bên trên một giường có một ông khoảng năm mươi tuổi và anh trai quen mặt, chỉ vài phút sau tôi được biết anh ta tên là Hóa, nghiên cứu sinh, cán bộ đi học ngành dược, hơn tôi đúng mười tuổi tức là ba mươi hai tuổi, đã có một vợ và một con trai lên ba ở Hà Nội. Lúng túng một lúc khi phát hiện ra là tuy tôi chẳng nhớ anh ta thì anh ta vẫn nhớ tôi là ai, tôi quyết định trốn ngượng bằng cách bỏ sang chỗ chị Diêu, lấy cớ là muốn xem chị thế nào rồi.

Chị Diêu đang cho Dung Dung uống nước dừa ngọt đóng trong cái chai con, tôi hỏi chị có thấy cần đổi chỗ cho tôi không vì chị ở đây chỉ có một mình là người Việt Nam, lại phải trông Dung Dung nữa, đến lúc cần nghỉ ngơi thì sẽ không biết làm thế nào, chị chỉ lắc đầu bảo “Không cần, tôi ở đây được.” Thấy đối diện giường chị là một bà cỡ bốn mươi đang cười với Dung Dung, tôi cũng không băn khoăn nữa, ngồi với mẹ con chị một lúc thì Dung Dung ngủ, tôi cũng bị nhịp lắc đều đều của tàu làm cho buồn ngủ nên nói cho chị biết số toa và số giường chỗ tôi, bảo chị có việc gì thì cứ sang mà tìm rồi quay về chỗ mình, trùm chăn và rất nhanh chìm vào giấc ngủ, bỏ qua cả bữa tối, thực ra tôi vẫn thường có thói quen chẳng ăn uống mấy khi ở trên tàu, việc phải ngồi hay nằm một chỗ trong hơn ngày trời không có việc gì làm dễ dàng tiêu diệt hết cái đói của con người.

Khi tôi thức dậy đã là tám giờ tối, hỏi mọi người có thấy chị Diêu đâu không, ai cũng bảo là vẫn chưa thấy chị sang đây lần nào, tôi cũng đâm lười, cứ nằm ỳ ra không muốn dậy, đến khoảng chín giờ thì chị Diêu bế Dung Dung sang, lúc ấy tôi mới chịu bò dậy, ngồi ở giường của Hạ nói chuyện, đúng ra là “nói chuyện” và cười với Dung Dung thôi, bởi sau khi tôi đặt con bé lên đùi mình thì chị Diêu ngồi im cạnh cửa sổ, chẳng nói chẳng rằng, được một lúc thì chị bảo để Dung Dung ở đây một lát được không? Chị về đi ngủ, đến lúc ấy tôi mới nhớ ra là chị một mình trông con từ chiều đến giờ, hẳn là chưa được nghỉ, vậy là gật đầu luôn bảo chị cứ để con bé lại đây, có hỏi lại lần nữa là mệt thế có cần đổi chỗ cho tôi không thì chị lại từ chối.

Khi chỉ còn tôi ôm Dung Dung ngồi nói chuyện với mọi người, con bé tính tình rất dễ chịu, không quấy, không lạ, thấy ai cũng cười, ai cũng thích nó, ai cũng sán lại cố đùa với nó lấy một lần, tôi ngồi ôm nó mà đâm có một chút tự hào, mình đưa con bé đáng yêu thế đến đây, mọi người thích nó, tự hào ghê lắm chứ, nghĩ đến đây lại thấy thật kỳ quái vì nó có phải là con mình đâu.

Ông năm mươi tuổi giờ đã được Kim đổi chỗ cho từ tầng ba xuống tầng dưới cùng, cũng có đùa với Dung Dung một tẹo rồi quay sang nói chuyện với chúng tôi. Ông hỏi anh Hóa nhà anh ở đâu, được biết ở Hà Nội, “À, ở thủ đô đấy.” Ông nói ra vẻ rất hiểu biết, sau đó ông có hỏi chuyện vợ con, hỏi học phí của anh và tất cả chúng tôi ở đây, tính tính toán toán rồi bảo học phí của chúng tôi nhiều quá, mấy nghìn đô một năm, với dân ở đây cũng là nhiều lắm, rồi ông hỏi đến thu nhập của anh Hóa.
“Lương cứng một tháng khoảng năm nghìn nhân dân tệ.” Anh Hóa nói, tôi giật mình, vẫn biết anh làm ở bệnh viện nhà nước, nhưng lấy đâu ra lương cao thế? Năm nghìn nhân dân tệ là xấp xỉ chục triệu rồi, lại còn là lương cứng?!!! Còn đang bán tín bán nghi thì ông năm mươi đã quay ra hỏi tôi lương của bố mẹ tôi là bao nhiêu.

“Chẳng bằng nửa anh ấy đâu.” Tôi vừa nói vừa chỉ tay sang anh Hóa, tôi biết bố mẹ tôi có kiếm được trong các khoản làm thêm, nhưng mà lương cứng của bố tôi thì chỉ có hai triệu, vị chi là một nghìn nhân dân tệ, nói là không bằng nửa cái khoản năm nghìn của anh Hóa cũng đã là nói quá lắm rồi.

“Thế thì làm sao nuôi cô đi du học thế này được?” Ông ta đâm ra thắc mắc.

Tôi còn chưa kịp trả lời cho ông ta cho rõ ngọn ngành thì bị anh Hóa dùng tiếng Việt làm cho câm họng:

“Nói là ít quá thì người ta coi thường mình em ạ, phải nói nhiều lên mới được, em còn ít tuổi chưa đi làm còn chưa hiểu.” Anh Hóa không hề nổi nóng với lối thật thà của tôi trước ông năm mươi mà rất nhẹ nhàng dạy bảo, tôi cấm khẩu luôn không dám nói gì với ông năm mươi nữa, suy tính vẩn vơ không biết anh Hóa khai gian tiền lương cứng của anh lên bao nhiêu, chắc chắn là sai số rất lớn.

Ông năm mươi lại hỏi chúng tôi đi học thế này là bao nhiêu bố mẹ chi, bao nhiêu nhà nước cho, Kim thay mặt cả đám trả lời tất cả ngoài tôi ra thì đều là đi học bằng học bổng nhà nước cho cả, một cách giới thiệu mà tôi vốn chẳng lấy làm vui vẻ gì nghe và vẫn thường nóng mặt đỏ tai vì thế, vậy mà lần này tôi lại kinh ngạc tròn mắt trước ánh mắt vì nể của ông năm mươi, “Lợi hại thật, với mức lương của tôi thì không kiếm ra nổi chừng ấy tiền cho con đi học như thế!”, lần đầu tiên được tận hưởng ánh mắt kiêng nể hơn hẳn mọi người do gia đình có đủ tiền cho con đi du học tự túc, mọi lần tình huống hoàn toàn ngược lại, tôi mà không bị coi thường giữa một đám sinh viên có học bổng mới gọi là lạ. Tôi bỗng thấy hào hứng khi phát hiện ra không chỉ có chị Diêu và gia đình chị mới đủ khả năng đem đến những chuyện gây shock cho mình, giờ thì tôi yên tâm nhiều rồi, xem ra thì tôi vẫn là con người bình thường lắm.

Tuy Dung Dung đúng là đứa trẻ rất dễ chịu, không hay quấy nhiễu, thế nhưng dầu sao thì mới có hai tuổi, nó vẫn phải có những hạn định của nó, chỉ khoảng bốn mươi lăm phút sau khi chị Diêu để con lại cho tôi, con bé bắt đầu quấy, khóc lóc nhăn nhó khó chịu, tôi bèn bế nó đứng ở cửa sổ, mặc dù mấy lần suýt bị nhịp sóc của tàu hất ngã nhưng vẫn cố anh dũng đứng vững, chỉ trỏ mấy thứ qua cửa sổ cho nó xem. Thực ra lúc đó ở bên ngoài tối mịt, chỉ nhìn thấy mấy ánh đèn lấp ló bên đường, có lúc còn chẳng có cả đèn toàn một khoảng không đen sì, thế nhưng con bé cũng chịu khó giương mắt lên nhìn theo ngón tay tôi chỉ, tôi cũng chẳng rõ nó có nhìn thấy nổi gì không hay chẳng qua là nhìn qua cửa kính thấy cảm giác tàu lướt đi cũng đủ làm cho nó vui mà cũng nín được một lúc khoảng năm phút, thế là tôi đã thấy thành công lắm rồi. Sau khi chán nhìn cửa sổ, nó lại bắt đầu khóc.

“Chắc là nhớ mẹ rồi, đưa về cho mẹ nó đi vậy.” Trân nói.

Thấy Trân nói có lý, mà cũng chẳng còn cách nào, tôi bế Dung Dung đi về chỗ chị Diêu. Phải nói thêm là từ trước đến giờ, tôi hoàn toàn chưa từng có chút kinh nghiệm nào trong việc bế trẻ con bé, với một kẻ hai mươi hai năm đóng vai đứa trẻ bé nhất trong nhà như tôi đây thì bất cứ điều gì có liên quan đến trông nom trẻ nhỏ cũng là những thứ quá xa vời, thế là hôm nay là cả một buổi luyện tập gian khổ. Từ ngồi ở giường ôm Dung Dung cho đến đứng dậy đi ra cửa sổ đã là một bước tiến vượt bậc, mới đầu thấy con bé khóc, tôi mới định đứng dậy đi ra cửa sổ để dỗ nó, chẳng ngờ khi bế nó đứng dậy, nó còn khóc to hơn, tôi loay hoay một hồi, nhận ra là nó đang khó chịu nhưng không biết làm thế nào, mọi người xung quanh giương mắt nhìn nhưng chẳng ai có ý kiến, có lẽ cũng chẳng ai biết phải làm thế nào cả, người duy nhất đã có con là anh Hóa thì đã bỏ sang toa nào đó dạo chơi rồi, tôi hì hục xoay sở, cố tìm cách làm Dung Dung thấy dễ chịu nhưng càng xoay nó càng khóc, tôi nhận ra là mình túm tay chân nó chặt quá nhưng lại không dám buông lỏng, nó oằn người lên làm tôi chỉ có thể túm chặt hơn. Sau cùng nhớ ra một bài học thực chất mới chỉ biết phần lý thuyết từ hồi tôi mới học lớp mười một, khi mẹ tôi đứng với hai mẹ con một con bé cũng cỡ hai tuổi như thế này ở đầu phố nhà tôi, tôi đi qua bị mẹ tôi gọi lại bảo bế thử, tất nhiên là tôi lại làm đứa trẻ đó khóc, mẹ mới nói một câu “Phải để nó ngồi vào người mình.” Sau đó thì tôi không được bế đứa trẻ đó nữa và câu nói của mẹ tôi chỉ được lưu vào bộ nhớ dưới dạng lý thuyết, giờ thì may mắn lại nhớ ra, tôi thực hành ngay. Thế nào là “để nó ngồi vào người mình” nhỉ? Nhớ câu nói của mẹ kết hợp với một số tranh và ảnh phụ nữ bế trẻ nhỏ đã xem qua từ trước và được lưu trong bộ nhớ có chút chất xám của mình, tôi dần dần hiểu ra, xoay sở đặt phần mông của Dung Dung vào một bên hông mình, cho hai chân nó cặp lấy ngang người tôi, hai tay tôi vòng ra nhẹ nhàng ôm quanh nó, một bàn tay đặt dưới mông một bàn tay đặt dưới nách nó, thế là con bé cũng ngồi im còn tôi thì không cần túm chặt tay chân nó nữa. Thành công lớn! Lần đầu tiên bế một đứa trẻ với động tác hoàn chỉnh như thế, tôi phấn khởi quá.

Nhưng đấy mới chỉ là công đoạn đứng lên, đi mới đúng là kinh khủng, mà lại còn là đi trên một con tàu chật chội đầy người là người chèn chặt hai bên và sàn lắc lư nữa. Tôi bế Dung Dung đi qua ba toa tàu để đến chỗ chị Diêu, cảm thấy con bé chắc chắn không thể nặng bằng hai cái túi dứa to đùng và cái túi du lịch của chị Diêu mà tôi lê qua cửa ga, phòng chờ, cửa soát vé cho đến tận cửa toa, thế nhưng nếu có thể tôi nhất định sẽ chọn xách đồ (hay lê đồ) chứ không chọn bế trẻ con, nó không nặng bằng đồ nhưng sức kéo hai tay, lưng và cả thân người tôi trĩu xuống thì còn ghê gớm hơn bất cứ kiện hành lý nào. Mỗi bước đi lại có cảm giác Dung Dung sắp tuột ra khỏi hông và hai tay mình đến nơi, tôi đi, hai toa đầu mỗi toa dừng lại nghỉ một lần, đến toa thứ ba thì nghỉ đến hai lần, có lần nghỉ tôi đặt luôn Dung Dung lên mặt một chiếc bàn nhỏ được gắn sát vào cửa sổ, bên bàn còn có ngay một bà đang ăn mì, tôi để con bé ngồi ngay cạnh bát mì của bà ta, bà ta có giương mắt lên nhìn tôi và Dung Dung một tẹo, nhưng chẳng nói gì, ánh mắt và vẻ mặt không tỏ vẻ khó chịu nhưng cũng chẳng trìu mến khi nhìn Dung Dung, có lẽ đó là một người đã có nhiều kinh nghiệm với con nhỏ và có thể là cả với cháu nhỏ nữa, với họ trẻ nhỏ cũng là những thứ bình thường như các kiện hành lý họ mang theo, chẳng có gì mà phải thừa hơi để tâm cho dù đôi mông nhỏ quấn tã của đứa bé có cách bát mì của họ chỉ vài xăng ti mét. Tuy mệt nhưng được cái Dung Dung xem ra rất thích đi lại như thế này, nó im bặt, hoàn toàn chẳng khóc lóc gì cả suốt đường đi và giương mắt lên nhìn mọi thứ với vẻ hiếu kỳ, nhìn chăm chú cả bà đang ăn mì khi tôi đặt nó cạnh bát mì của bà.

Đang đi trên đường thì nhà tàu tắt điện, đã đến giờ đi ngủ, chỉ có các khoảng nhà vệ sinh và phần nối các toa là còn đèn sáng, bên trong toa thì tối, tôi lần mò một hồi cũng đến được giường chị Diêu, mừng thầm may mà chị Diêu ở tầng dưới cùng, không sợ làm ồn áo mấy, Dung Dung thấy mẹ cũng không quấy nữa, chị Diêu ngồi dậy đón nó từ tay tôi đặt lên giường, con bé lại nhanh chóng ngủ thiếp đi. Tính ra chị Diêu từ lúc đưa con cho tôi đến giờ mới được nghỉ chưa đến hai tiếng, tôi đâm áy náy, vừa rồi chịu đựng cảnh trông trẻ cực khổ, tôi cũng hiểu ra ít nhiều sự vất vả của chị khi phải trông Dung Dung với lượng thời gian nhiều hơn lúc đưa tôi bế hộ gấp rất nhiều lần. Dung Dung đã ngủ, tôi không thể lại nhận bế nó thêm, chị Diêu nằm một bên, trong ánh đèn lờ mờ hắt từ khu nối toa vào đây, tôi nhìn thấy chị đang nằm nghiêng một bên, vuốt tóc con bé, bởi tôi cũng mới ngủ dậy có hơn hai tiếng, không cần phải ngủ bây giờ, thế là tôi quyết định ngồi lại một lúc với chị, sau chẳng thấy chị nói gì mà vẫn cứ nằm yên, tôi lại quay về chỗ mình, trước khi quay về thấy bà trung niên nằm đối diện mẹ con chị Diêu cũng đang cuộn trong chăn ngủ ngon lành.

Ở chỗ tôi cũng chưa ai ngủ, vẫn còn đang khe khẽ nói chuyện cả, ông năm mươi và Kim mỗi người ngồi một bên cửa sổ, ông năm mươi vẫn đang nói, Kim thì gục đầu xuống ra chiều buồn ngủ nhưng vẫn ngồi nghe, anh Hóa vẫn chưa thấy đâu, Trân bảo là anh có người bạn học Trung Quốc đi cũng chuyến này ở toa bên cạnh, nên sang đó chơi suốt, ông năm mươi trông thấy tôi quay lại liền hỏi câu hỏi mà tôi đã được nghe ông bạn chị Diêu hỏi trưa nay:

“Tiểu cô nương, một đồng nhân dân tệ đổi ra tiền Việt Nam là bao nhiêu?”

Tôi còn chưa kịp trả lời thì đã giật mình nghe giọng nói âm âm của Kim:

“Cầm ơi…” Âm thanh trong cảnh tranh tối tranh sáng này nghe ghê ghê là, tất nhiên là do cậu ta buồn ngủ mà có lẽ cũng đang ngủ chập chờn rồi mới có cái giọng âm âm như thế, tôi sởn gai ốc, quên cả trả lời ông năm mươi mà có phần run run hỏi lại cậu ta:

“Gì thế?”

“Ban nãy anh Hóa đã bảo là một đồng tệ đổi được một đồng rưỡi tiền ta rồi, ấy đừng trả lời khác nữa nhé.” Tất nhiên là cậu ta nói câu này bằng tiếng Việt, vẫn cái giọng ngái ngủ âm âm ấy nhưng có rõ ràng hơn một chút và nội dung thì làm cho tôi chẳng còn thần trí đâu mà đi sợ giọng nói nữa, tôi ậm à rồi trả lời ông năm mươi bằng tiếng Trung rằng một nhân dân tệ đổi được một đồng rưỡi tiền Việt chứ không phải là một nhân dân tệ đổi được một nghìn chín trăm đồng Việt như trưa nay tôi bảo bạn chị Diêu nữa. Ông năm mươi gật gù một hồi rồi đi ngủ, Kim cũng leo lên chỗ vừa đổi cho ông trên tầng ba ngủ, mọi người đều ngủ cả chỉ còn lại tôi ngồi xuống cái ghế gập nhỏ bên cửa sổ chỗ Kim vừa ngồi, nhìn ra màn đêm bên ngoài, tự tìm cảm giác thư giãn đầu óc cho mình. Tôi không khỏi băn khoăn về việc ông năm mươi sao lại hỏi lại tôi giá tiền sau khi đã hỏi anh Hóa, ông ta nghi hoặc gì đó và muốn hỏi lại cho chắc chắn ư? Sau đó lại đâm ra thắc mắc không hiểu trưa nay hai ông bạn chị Diêu có hiểu nổi hay có tin nổi ý nghĩa của việc “hai nghìn đồng chỉ mua được một cái bánh nhỏ” như tôi đã nói với họ hay không. Khi mắt đã quen với bóng tối thì nhận ra rằng nhìn cảnh vật bên đường ngay cả khi không có một ánh đèn nào cũng không phải là việc gì quá khó khăn, cái gì cũng tù mù nhưng đâu là đồng ruộng, đâu là sồng hồ, đâu là núi đá vẫn nhìn ra được, một cảm giác buồn nao nao kéo đến khi nhớ đến chuyến tàu trước kia, chỉ có tôi với anh và “hươu cao cổ”, chẳng có giá tiền mà cũng không có ánh mắt hâm mộ dành cho “con nhà giàu” của ai, lúc đó thật dễ chịu và cảm thấy mình rất thanh cao. Tôi cứ ngồi như thế cũng chẳng biết là bao lâu rồi đến lúc gà gật cũng như Kim đã ngồi gà gật ở chỗ này thì lên giường đi ngủ.

Một ngày trôi qua như thế, nửa đêm ngày mai mình và mẹ con chị Diêu sẽ đến Nam Ninh, như thế sáng mai phải gọi điện báo trước và hỏi ông lãnh sự Q xem phải thu xếp thế nào, tôi nghĩ thế trước khi chìm vào giấc ngủ, cái cảm giác khoan khoái hồi hôm qua lại tràn về, có cơ hội làm việc tốt, đúng là thời thế tạo anh hùng.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài