talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 7

Đâu là đáy của xã hội

Với Dung Dung nằm úp trước ngực, tôi đứng ngay ở đầu toa mẹ con chị Diêu, đây là nơi những người hút thuốc thỉnh thoảng lại lần ra đứng hút do không hút được ở phía trong toa. Con bé tựa vào tôi, một bên má tì lên ngực tôi, hai chân nó cặp lấy ngang hông tôi, tôi thì tựa lưng vào phần vách bên ngoài nhà vệ sinh, cả hai cung lắc lư theo nhịp lắc của tàu.

Chị Diêu đi ăn sáng, trời vừa mới sáng tôi đã lần sang chỗ chị, thấy chị bảo là muốn ăn cơm, tôi có ý hỏi chị có ăn mì ăn liền không thì ăn mì của tôi cũng được, chỉ bảo là chị không ăn được mì, tôi hơi cáu, mắng thầm rằng đồ ăn trên tàu đắt như thế, bản thân mình thì nhếch nhác như thế còn kén chọn! Cái kẻ vốn chẳng bao giờ biết kén đồ ăn là tôi đây cũng đâm ra không có khả năng thông cảm cho những người hay kén chọn đồ ăn. Tuy vậy ngoài mặt vẫn tỏ ta dịu dàng, từ chối đi đến toa ăn cùng chị và nhận lời ngồi lại trông Dung Dung cho chị đi ăn.

Kết quả là khi con bé lại bắt đầu khóc đòi mẹ thì tôi chỉ còn cách bế nó ra đứng ở cái chỗ toàn người hút thuốc lá như thế này đây. Biết là chẳng có gì hay nhưng cũng đành chịu, chỗ này cách toa ăn tới sáu toa, tôi tin là mình không thể đủ sức bế Dung Dung đi đến tận đó tìm mẹ cho nó, tự an ủi rằng chị Diêu cũng vẫn hút thuốc lá ở ngay cạnh con đấy thì sao, chắc con bé cũng quen đi rồi. Tôi phát hiện ra Dung Dung là đứa trẻ rất thích quan sát, từ hôm qua nó cứ im hơi lặng tiếng ngoan ngoãn nhìn ngắm mọi người bên đường khi tôi bế nó đi qua các toa, bây giờ thì nó vừa tì mặt lên ngực tôi vừa giương mắt nhìn người đàn bà phương Tây da trắng đứng cách tôi chỉ mấy bước chân, người đàn bà rất cao, khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt to màu nước biển điển hình của người da trắng, cũng thuộc dạng trông khó đoán tuổi nhưng thần thái thì khá trẻ trung, da tương đối mịn màng, mái tóc màu hạt dẻ được buộc lại sau gáy, quần bò và áo khoác ngắn màu tro, đơn giản nhưng sang trọng, bà ta cũng đang hút thuốc, nhưng ngay cả trong cách cầm điếu thuốc cũng toát lên một vẻ thanh thoát nhẹ nhàng chứ không đầy mệt mỏi như cái bộ dạng khi hút thuốc của chị Diêu. Dung Dung nhìn người đàn bà hút thuốc, bà ta cũng nhìn lại nó rất chăm chú và mỉm cười dịu dàng, tất cả mọi người đều dịu dàng với đứa trẻ, lại một lần nữa tôi thấy tự hào khi có người tỏ ra thích đứa bé mình bế trên tay. Nhìn đôi mắt màu xanh nước biển của người đàn bà, trong một chốc tôi lại nhớ đến Aslan cũng có đôi mắt xanh như thế, không biết khi vẽ ra Aslan, họa sĩ người Nhật đó có xác định chủng tộc của nhân vật hay không nhỉ? Có lẽ là không mà cũng có thể là có như phần lớn các họa sĩ vẽ truyện tranh Nhật càng ngày càng thích chạy theo xu hướng xây dựng những thế giới hợp chủng quốc trong truyện tranh của họ.

Được một lát thì người đàn bà da trắng hút xong thuốc và đi vào, Dung Dung lại tìm được đối tượng quan sát mới, một cô gái trẻ có lẽ chỉ chạc tuổi tôi và có lẽ cũng là sinh viên hay người mới ra trường đi làm đang trên đường về nhà ăn Tết, cô ta không ra chỗ hút thuốc mà vẫn ngồi trong toa, nhưng là ngồi ngay ở vị trí đầu tiên của toa nên tôi và Dung Dung có thể nhìn rất rõ từ vị trí này. Cô ta mặc một chiếc áo khoác dạ dài đến đầu gối màu đỏ tươi rất bắt mắt, có lẽ vì cái màu đỏ đó nên con bé mới chú ý đến cô ta như thế, tôi phải thừa nhận là mình cũng rất thích chiếc áo đó, thì tôi vốn thích tất cả những thứ gợi không khí Noel mà, không thể không động lòng trước một chiếc áo khoác theo đúng thời trang của… ông già Noel như thế này. Còn cô gái thì chẳng để ý gì đến Dung Dung hay là tôi mà nhẩn nha vừa cắn hạt hướng dương vừa nhìn ra ngoài cửa sổ.

Dung Dung rất ngoan, im lặng quan sát mọi người xung quanh suốt, tôi cứ để nó nằm úp trên ngực như thế, sức nặng của nó tì lên người tôi, tôi lại phó mặc cả sức nặng của nó và mình cho bức vách sau lưng. Lắc lư, lắc lư, ở đây một ông mặc quần áo công nhân đi đến, ở kia một bà vừa cầm khăn mặt vừa đứng chờ bên khoang có bồn rửa mặt,… Lại lắc lư, lắc lư, cái cách Dung Dung áp má nó vào ngực tôi trông có gì đó rất giống với con long miêu giấu mặt vào lòng bàn tay Trúc Tử, tôi thấy mình đã hiểu ra là tại sao con long miêu lại thích thế, cũng hiểu ra tại sao Trúc Tử lại thích để nó làm như thế, cảm giác đóng vai một sinh linh yếu ớt được che chở và cảm giác tự mình đi che chở cho một sinh linh yếu ớt nào đó đều đem đến niềm vui như nhau… Cứ lắc lư theo nhịp tàu, nhìn người qua kẻ lại, nhìn Dung Dung và suy nghĩ vẩn vơ như thế, nhận thức của tôi từ từ trở nên mơ mơ hồ hồ, rồi mơ hồ nhận ra Dung Dung cũng đã áp mặt trên người mình ngủ thiếp đi tự lúc nào, lại cố giữ cho mình thật tỉnh để bế nó cho chắc, chờ nó ngủ say mới đem lại giường, đặt nó vào giường với tâm trạng tim đập tay run thầm cầu khấn cho nó đừng dậy, trời phù hộ tôi để con bé ngoan ngoãn ngủ yên và tôi thở phào thấy đôi vai và tay mình cuối cùng cũng được giải phóng.

Chị Diêu ăn xong quay trở lại với con, tôi bỏ ra chỗ hút thuốc vừa đứng để gọi điện thoại lại cho ông lãnh sự Q, đây là nội dung cuộc nói chuyện của tôi với ông Q:

“Chú ạ, chị ấy có một đứa con.”

“Có con rồi thì còn về làm gì nữa?”

“Dạ???”

Tôi lại bắt đầu ngẩn ra với cái câu “về làm gì nữa?” của ông Q, nhận ra rằng số người ưa dùng điệp khúc hóa ra nhiều hơn tôi tưởng nhiều.

“Có con thì tức là có chồng rồi, còn về làm gì nữa?”

“Dạ, chị ấy chưa có chồng ạ.”

Tôi trả lời dứt khoát, đương nhiên rồi, họ đã bỏ nhau, mà “có chồng” không đăng ký kết hôn thì sao tính là “có chồng” được.

“Đứa con thì chúng tôi không giải quyết đâu!”

“Dạ, nhưng cháu có quen một anh công an ở nhà, anh ấy bảo là đưa đứa bé về được…”

“Ai! Ai bảo thế?!”

Giọng nói của ông Q lúc này giật lên đầy hăm dọa làm tôi cũng muốn thót tim.

Bắt đầu nhận ra rõ ràng sự thất sách trong việc chỉ thông qua một câu “được” của Doanh với lý do anh “Tinh-yeu-o-noi-dau” bảo thế mà để chị Diêu đưa cả Dung Dung đi chuyến này, cũng cảm thấy không nên và cái chính là tôi có hơi hơi nhận thức ra được rằng mình không có đủ tư cách điều đình với ông Q về đứa trẻ lúc này, tôi đành nói vấn đề gần hơn:

“Hôm nay cháu với chị ấy khoảng hai giờ đêm thì đến Nam Ninh, lúc ấy lãnh sự quán không có người phải không ạ?”

“Không có người, mà có việc gì vào giờ đó chúng tôi cũng không giải quyết!” Ông Q nói rất nhanh, nhấn thật mạnh ba từ “không giải quyết”, hẳn là ông đang rất sợ bị tôi lôi ra khỏi giường lúc nửa đêm để chạy đi lo cho người đàn bà bị bán mà ông vẫn luôn thắc mắc là chị ta “về làm gì?” ấy, tôi thông cảm, dầu gì thì bố mẹ tôi cũng đã làm nhân viên nhà nước mấy chục năm trời mà, vì thế nên tôi dứt khoát là không có ý lôi ông ra khỏi giường lúc nửa đêm đâu, tôi chỉ muốn xin một lời chỉ dẫn nho nhỏ thôi, tôi hỏi:

“Chị ấy chẳng có giấy tờ hộ chiếu gì cả, nửa đêm đến đấy cũng không vào nhà nghỉ nào được…” Tôi muốn hỏi xem liệu ông Q có thể giới thiệu cho một chỗ nào có thể cho mẹ con chị Diêu nghỉ qua đêm chờ đến lúc lãnh sự quán mở cửa làm việc được không.

“Chúng tôi không giải quyết lúc đó!” Ông Q lại dùng điệp khúc ngắt lời phân trần của tôi.

“Thế mẹ con chị ấy phải lang thang ngoài đường cả đêm ạ?” Tôi buông ra câu hỏi này với giọng thắc mắc thuần túy, không dám có ý khiêu khích gì dù trong bụng thật sự đã tức anh ách với thái độ của ông Q.

“Cái đấy thì chúng tôi biết làm sao được?! Tám giờ sáng đến đây!” Sau đó ông Q cúp máy, chẳng để cho tôi kịp chào nữa, có lẽ ông ta cũng nhận ra tôi là đứa ngớ ngẩn thật nên trong giọng nói của ông ta cũng chẳng lộ một vẻ gì là bực tức hay gắt gỏng, chỉ ra giọng của một người lớn đang khoát tay ra lệnh cho đứa trẻ vậy thôi.

Sau khi ông Q cúp máy, tôi đứng ngẩn ra một lúc, cố sắp xếp lại nội dung và kết quả cuộc nói chuyện vừa rồi trong đầu, rồi càng nghĩ càng thấy mặt và cổ nóng lến, được một lát thì cảm thấy cả máu chạy rần rật trong huyết quản, tôi tức đến mức muốn vung chân đá vào bức vách ngoài nhà vệ sinh mà tôi đang đứng cạnh, nhận ra có mấy người hút thuốc xung quanh lại thôi, không hiểu sao từ khi rời Thượng Hải, cái thói thường của hủ nữ không thèm biết đến mọi người xung quanh nhìn mình như thế nào dường như bay biến đi đâu mất, cứ như thể nó đã ở lại luôn Thượng Hải không cùng đi về với tôi vậy. Tôi biết là hiện giờ, tôi không hiểu nổi gia đình chị Diêu một thì tôi còn không hiểu thái độ “chúng tôi biết làm sao được” của ông Q mười, có thể khẳng định là cái ông Q này không phải là người làm ruộng ở thôn quê, ít nhất là ở thời điểm tôi nói chuyện điện thoại với ông đây, vậy mà tôi vẫn chẳng hiểu nổi gì cả, tôi nhắc đến việc chị Diêu không có giấy tờ, không có hộ chiếu cũng không có chứng minh nhân dân trong tất cả các lần gọi điện cho ông Q, vậy mà ông ta chỉ lặp đi lặp lại một thắc mắc “về làm gì?”, đó là điều tôi không hiểu. Đây là cái điều mà sau này bố mẹ tôi giải thích là đó là “cửa quan là như thế”, một con bé lơ ngơ chưa bao giờ biết đến cửa quan như tôi thì đương nhiên là không hiểu.

Tôi cứ đứng ở đầu toa một hồi, phân vân không biết sẽ báo tin rắc rối về đứa trẻ cho chị Diêu thế nào đây, cuối cùng thì vẫn phải nói thôi, tôi kiên quyết đi vào trong toa, đến chỗ mẹ con chị Diêu. Ngồi ở giường đối diện với chị Diêu bây giờ không phải là bà trung niên nữa, một anh chàng cao to, da đen sạm trông rất khó đoán tuổi, có thể là hai mươi lăm tuổi mà cũng có thể là ba mươi lăm tuổi, không biết tự lúc nào bà trung niên đã xuống tàu và anh ta lên thế chỗ, anh ta đang đùa với Dung Dung, con bé ngồi trên giường cạnh anh ta và cười rất tươi, càng tiện để tôi nói chuyện với chị Diêu. Tôi bảo chị là Dung Dung sẽ khó giải quyết đấy, vì nó không có giấy tờ gì cả, chị Diêu hỏi thế thì làm thế nào, tôi bảo chị cứ kiên quyết muốn đưa con về, lãnh sự quán sẽ tìm cách xác minh thân phận của con bé, xác định được nó là con chị là đem về được, cùng lắm thì gọi cả bố nó đến Nam Ninh, cả bố mẹ anh ta nữa, họ thì thế nào cũng có chứng minh thư hay hộ khẩu hay cách gì đó để chứng minh con bé là con hợp pháp của bố nó và của chị, nếu không thể được thì lại để bố nó đưa nó về Thượng Hải, chị về nhà một mình vậy, chị Diêu nghe mà chẳng có ý kiến gì. Tôi hỏi như vậy “chồng” chị có giúp không? Chị bảo được, có điều biết là rắc rối thế thì lần này chị đã chẳng đưa cả con về, tàu đã đi được hơn nửa đường, nhận ra là chẳng phải lúc nói lời như thế lúc này, tôi bảo chị đến lãnh sự quán thì đừng nói lời như thế, tỏ thái độ kiên quyết là con chị phải về với chị, lần này thì chị hiểu ý tôi, gật đầu nhắc lại “Con tôi phải về với tôi.” Cái sự tự hào trong việc “làm người tốt” của tôi bắt đầu lung lay, ngốc nghếch đến mức chẳng buồn ngăn chặn chị Diêu từ khi chị đem cả con đi mà không có giấy tờ gì ở Thượng Hải, việc này có thể có hại đến mức mẹ con chị sẽ không thể về được nhà lần này. Thế nhưng nghĩ một hồi tôi lại đâm thắc mắc, tại sao ông Q lại nói là “Đứa con thì chúng tôi không giải quyết đâu!” (nguyên văn ông ta nói thế) ngay khi vừa biết là có đứa trẻ chứ chưa hề biết là đứa bé không có giấy tờ? Tôi bị cái điệp khúc “về làm gì?” của ông Q làm cho lúng túng đến mức quên cả bảo ông là đứa bé không có giấy tờ, không lẽ lãnh sự quán không giải quyết cho tất cả những đứa bé có giấy tờ và không có giấy tờ hay sao? Tôi bán tín bán nghi như thế.

Dầu sao thì cũng đã xác định được một điều là tôi chẳng ưa gì cái ông Q này, ngồi nhìn mẹ con chị Diêu một lúc thấy mệt mỏi chán ngán, cái vẻ chẳng hiểu gì chẳng biết gì của chị lại làm cho tôi chẳng dám mở mồm san sẻ bất cứ điều gì về cảm giác tồi tệ mà ông Q gây ra, tôi đứng dậy, lịch sự cười với anh chàng cao to đen sạm, từ hôm qua đến giờ tôi thấy cảm kích với tất cả những người có ý đùa với Dung Dung, hay có thể làm cho nó vui vẻ quên hiện tại đáng chán được một lát và nhờ thế mà mẹ nó hay là chính tôi cũng có thể tạm bớt lo bế hay nựng nó được một lát.

Quay về đến chỗ mình, mọi người đang ngồi nói chuyện và ăn hoa quả trong ánh nắng chiếu qua cửa sổ, cảm thấy đã có người nghe tôi bắt đầu để cho các bức xúc của mình nổ tung ra, tôi kể lại đoạn hội thoại vừa rồi của tôi với ông Q, mọi người chăm chú lắng nghe, sau khi tôi nói xong người đầu tiên mở mồm là Trân:

“Sao lại không giải quyết? Nó cũng là con người cơ mà?!”

Ruột tôi nở ba gang, phấn khởi vì cuối cùng cũng được nghe một lời đồng tình, phấn khởi quá đi chứ, có người bất bình với ông Q cùng với mình.

Thế nhưng tôi phấn khởi chẳng được mấy thì bị Kim giội cho gáo nước lạnh:

“Người ta cũng nhiều việc lắm mà, với lại tớ thấy Cầm lo cho chị ấy nhiều quá mà chị ấy thì chẳng có ý thức gì cả, hôm qua gặp tớ chủ động chào chị ấy, thế mà chị ấy chẳng buồn chào lại, chị ấy mà thật lòng tha thiết với đồng bào thì cũng phải đến chỗ bọn mình nói chuyện lấy một lần chứ, chỉ đưa con sang nhờ trông hộ một lần hôm qua, cũng chẳng nói chuyện với ai, còn lại toàn Cầm đi sang chỗ chị ấy thôi.”

“Chị ấy bị đồng bào bán!” Có lẽ giọng của tôi khi gắt ra câu này nghe ghê lắm bởi sau đó Kim im lặng mất một lúc chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi với vẻ rất khó đoán thái độ. Cái kiểu nói chấp nhặt từng ly của cậu ta làm tôi sốt ruột, phải nói là rất khó chịu mới đúng, thật ra tôi không có ý nhấn mạnh việc chị ấy bị “đồng bào” ở đâu bán ở đây, chính tôi còn chẳng rõ lắm “đồng bào” đó lúc bán chị có được sự đồng ý của chị hay không kia mà, thực ra tôi chỉ khó chịu là bởi vì Kim lúc nào cũng làm như ai cũng giống cậu ta, học hành đàng hoàng, suất sắc ở trường lớp, được nhà nước cho đi du học, tác phong đạo mạo, mỗi lần có đông người tụ tập lại ôm micrô phát biểu cái này cái kia, bầu trưởng ban này, chia trưởng nhóm kia, nào là “đoàn kết”, nào là “phát huy tinh thần dân tộc”,… nói những lời như thế là chuyên môn của cậu, giờ thì cậu ta trách móc một người chỉ hơn cậu ta hai tuổi, thất học, mù chữ, chỉ biết đến các ổ buôn người hay các khu ổ chuột dưới đáy xã hội, một người như thế bị đem ra trách móc vì đã hoàn toàn không biết cách cư xử theo đúng kiểu mà những người đạo mạo như cậu cho là lẽ ra phải thế, tôi thấy như vậy là không công bằng. Cậu ta nói không sai, chị Diêu không hề nói chuyện với ai ngoài tôi từ lúc ở ga cho đến giờ và luôn tỏ ra rất lãnh đạm khi có người bắt chuyện với chị, trong thời gian tôi và Doanh tìm cách liên lạc tìm nhà cho chị ở Thượng Hải, chị cũng chưa từng chủ động hỏi tôi về những người khác ngoài hai đứa con gái chúng tôi, chị thậm chí còn chưa hề chủ động hỏi thăm cả về hoàn cảnh nhà của tôi và Doanh nữa, nhưng biết làm thế nào, chị sống trong môi trường khác với chúng tôi, đòi hỏi chị biết những cách cư xử theo tiêu chuẩn của chúng tôi là không thể, dựa vào đó để đánh giá chị lại là điều không công bằng. Tôi cáu với Kim là vì thế nhưng lúc đấy cũng chẳng đủ sức nói với cậu ta dài như thế nên chỉ gắt lên “Chị ấy bị đồng bào bán!” thế thôi.

“Cầm làm việc tốt thì tốt, nhưng mà làm gì cũng phải có suy tính kỹ chứ, cứ để chị ấy đi cùng thế này, chị ấy mang nhiều hành lý thế, mang những gì theo thì mình biết làm sao được.” Sau cùng Kim chỉ nói thế.

“Toàn những thứ nếu là tớ thì tớ vứt đi từ lâu rồi, đóng đồ ngay trước mặt tớ này.” Tôi vẫn dùng cái giọng gắt gỏng như thế nói với cậu ta nhưng trong bụng thì biết là cậu ta có lý, mà tôi cũng nói không đúng, được đóng trước mặt tôi hôm qua chỉ có quần áo của Dung Dung, đó là sau khi chị Diêu quyết định về nhà đón Dung Dung đưa đi, đồ riêng của chị thì đã được đóng từ trước khi đến nhà tôi cơ, tôi đúng là không biết trong phần lớn hành lý của chị có những gì thật.

“Tớ nhắc để Cầm cẩn thận thôi, bạn tớ ở Bắc Kinh có lần được người ta gửi cho đồ cầm từ Việt Nam sang, sang đến nơi mới biết bên trong có ma túy, may mà không bị phát hiện lúc nhập cảnh, vứt hết cả xuống sông rồi khuyến cáo mọi người tuyệt đối không được cầm hộ đồ mà không biết bên trong có gì nữa.”

Lần này thì tôi câm tịt, chả dám gắt Kim nữa, ma túy chứ chuyện đùa, bị bắt là mất mạng như chơi. Cuộc trút giận của tôi về ông Q đã bị chìm nghỉm đi như thế.

Mười hai giờ đêm, tôi lại nhờ Kim lo hộ cái balô của mình, kiểm tra lại cẩn thận hộ chiếu và ít tiền để trong ngực áo rồi lại sang chỗ chị Diêu để nói với chị là còn một tiếng nữa thì xuống tàu, tôi cũng sẽ ở luôn đó để giúp chị chuyển đồ xuống, còn để phòng chị đi lạc không tìm thấy mọi người nữa.

Vì là nửa đêm nên điện tắt trong toa, khi tôi sang thì Dung Dung đang lần mò trong bóng tối xé một quyển gì đó, tôi theo phản xạ tự nhiên giơ tay muốn giằng cái quyển ấy ra khỏi tay nó thì anh chàng cao to đen sạm ở đối diện thủng thẳng bảo cứ để nó xé, không sao đâu. Tôi tròn mắt nhìn anh ta, tất nhiên là không thể nhìn rõ lắm dưới ánh sáng tù mù như thế này nhưng cũng nhận thấy anh ta rất thân thiện, tôi buông tay để kệ cho Dung Dung tiếp tục xé quyển sách đó (sau mới nhìn rõ đó là một quyển bản đồ khá dày của anh cao to đen sạm), kéo chiếc ghế gập cạnh cửa sổ ra và ngồi xuống bắt chuyện với anh ta. Chỉ còn một tiếng nữa là phải xuống tàu, chỉ có tôi với chị Diêu phải mang cả Dung Dung và đống đồ, tôi biết là bây giờ đã là khá muộn để tìm một người con trai bắt chuyện những mong đến lúc xuống tàu anh ta mang đồ giúp, thế nhưng muộn còn hơn không, chúng tôi thật sự quá cần người giúp, đây là chiêu Doanh dạy tôi, nó vẫn khoe là nó tha hồ đi lại một mình mang cả đống đồ không phải lo vì đi đến đâu có người mang hộ nó đến đấy, “đi trên tàu chịu khó bắt chuyện với cánh con trai, nói cho chúng nó vui, đến lúc chúng nó khắc mang đồ hộ cho.” Doanh vẫn bảo tôi thế, từ trước tôi chưa có dịp thực hành cái bài tập này của nó bởi tôi luôn luôn chỉ mang đủ đồ để một mình mình xách được hết thôi, đến giờ thì đúng là cần đem bài tập này ra thực hiện thật, tôi cố gắng tỏ ra thật chủ động hỏi han anh chàng.

“Anh bao nhiêu tuổi?”

“Hai mươi ba, còn cô?”

“Anh hơn tôi có một tuổi thôi.”

Tôi hơi bất ngờ, tôi vẫn nói là trông anh ta khoảng từ hai mươi lăm đến ba mười lăm tuổi, giờ lại biết anh ta chỉ hơn mình có một tuổi.

“Nhà anh ở đâu?”

“Vân Nam.”

“Gần chỗ tôi rồi, tôi ở Việt Nam, nhà anh ở Vân Nam ở chỗ nào nhỉ?”

“Hóa ra cô là người Việt Nam à? Gần nhà tôi lắm, nhà tôi ở Xi-xoong-ba-na, cô biết chỗ đó chứ.”

“Tôi biết.”

Tất nhiên là tôi biết, từ lúc cuốn Nghiệp chướng và cả bộ phim dựa theo cuốn sách đó ra đời, số người biết đến nơi hẻo lánh đó chắc chắn là không ít, sách đã được xuất bản ở Việt Nam và phim cũng đã được chiếu ở Việt Nam từ hồi tôi còn học cấp ba.

Sau đó tôi hỏi anh ta có phải là người Thái không, anh ta cười đáp ở đó đúng là nhiều người Thái thật nhưng anh ta là người Hán, nghe vậy tôi lại bắt đầu nghi hoặc không biết anh ta có thuộc chính cái lớp trẻ con được những bố mẹ là thanh niên trí thức bị đưa đến đó trong cách mạng văn hóa sinh ra như theo truyện Nghiệp chướng không, muốn hỏi anh ta nhưng cũng ngại hỏi phức tạp thế. Tôi chỉ hỏi tiếp anh ta đi đâu, làm gì, anh ta bảo anh ta làm công nhân, làm ở một xưởng đóng hộp giấy, về nhà nghỉ Tết. Cũng hỏi thăm tôi được biết tôi là sinh viên ở Thượng Hải, anh ta nói “Các bạn học xong thành nhân tài cao cấp rồi, không như chúng tôi”, tôi chẳng dám bình luận gì về cái nhân tài cao cấp theo cách nói của anh ta, nhận ra anh chàng này còn có vẻ chững chạc hơn cả Kim tuy làm công nhân và chỉ hơn có một tuổi. Đến lúc xuống tàu anh chàng Xi-xoong-ba-na giúp chúng tôi lôi đồ ra cửa toa, đưa xuống tận sân ga rồi mới lại lên tàu đi tiếp hành trình về nhà của anh ta, anh ta còn phải ngồi tàu thêm nửa ngày nữa. Trước khi xuống tàu, tôi thấy phần bìa trước của tập bản đồ đã bị Dung Dung xé ra, có áy náy ít nhiều nhưng anh ta bảo chẳng sao, bản đồ cũ rồi. Xem ra thì những cố gắng bắt chuyện của tôi trong một tiếng thế mà thành công, mà cũng có thể chẳng phải tại tôi, người ta tốt bụng muốn giúp vậy thôi.

Sau đó lại tiếp tục kẻ kéo đồ người bế con lếch thếch chạy đến hợp với đám Kim xuống ở cửa toa kia rồi cùng đi ra khỏi ga. Lần này có lẽ Kim cũng không thể chịu nổi việc nhìn tôi kéo lệt sệt hai cái túi dứa to đùng nữa, mới được một phần tư đường thì cậu ta đỡ lấy một cái mặc dù cậu vẫn không biết là bên trong có cái gì, có ma túy hay không, thế mà cậu ta vẫn chịu mang giúp, lúc này tôi thấy Kim quả thật là thiên thần, những người còn lại thì chẳng có cách gì giúp nổi do ai cũng mang vác quá nhiều.

Đến khi ra khỏi ga, tôi vẫn còn chưa biết có thể để mẹ con chị Diêu ở đâu, tất cả mọi người cùng dừng lại một lát ở cửa ga, để đống hành lý xuống, thở và bàn bạc xem giờ nghỉ ở đâu và đến sáng mai đi kiểu gì, có là đi xe hay đi tàu từ đây ra đến cửa Hữu Nghị Quan thì cũng phải chờ đến sáng mới có xe hay tàu, như thế là phải tạm kiếm chỗ ở qua đêm bây giờ. Chúng tôi có hộ chiếu, bỏ mấy chục tệ ra là vào được bất cứ nhà nghỉ nào ở cạnh ga, qua một đêm an bình và sạch sẽ, mẹ con chị Diêu thì không được rồi. Trân đột nhiên kéo tay tôi, chỉ:

“Đằng kia có chỗ, mười lăm tệ một đêm kìa, đến xem xem.”

Trân lúc nào cũng nhanh mắt như thế đấy, nhiều khi tôi có cảm giác nó nhanh chẳng kém gì Doanh, có là tác phong không được giống nhau thôi.

Quả thật là ở ngay bên cửa ra vào ga cách chỗ chúng tôi đang đứng chỉ khoảng chục mét có một bà trung niên tóc quăn, mặc bộ áo hoa quần hoa bằng vải lanh, dạng quần áo mà nếu đi vào bất kỳ một khu chợ nào ở Hà Nội thì vẫn thường thấy hàng loạt các bà tầm tuổi như vậy mặc, vì vậy đi đến đây nhìn thấy bà trung niên ăn mặc như thế này là đã thấy có không khí “Việt Nam” lắm rồi, nhưng cái mà tôi quan tâm hơn là việc bà ta ngồi sau một cái bàn gỗ nhỏ, cái bàn chắc cũng đã từng có bốn chân như nhau nhưng giờ đây nó chỉ còn ba chân bằng gỗ và một chân thì chỉ còn một nửa trên là gỗ, nửa dưới đã được ai đó khéo tay dùng một đoạn ống nhựa buộc nối tiếp vào, phần ống nhựa màu cam ánh lên dưới ánh đèn vàng ngay trên đầu bà trung niên trông khá vui mắt. Bên cạnh cái chân bàn bằng nhựa màu cam có dựng một tấm bảng gỗ, trên bảng là dòng chữ Hán bằng phấn trắng: “Ngủ: mười lăm tệ một đêm. Gửi đồ: mười tệ một ngày.” Đằng sau lưng bà trung niên là một căn phòng trông khá lớn và sâu, tối om om, được ngăn cách với bên ngoài bởi một lớp cửa kính, loại có các cánh đóng mở bằng cách kéo đẩy giống hệt như cửa kính ở các cửa hàng thời trang vậy, đây là lần đầu tiên thấy cửa nhà trọ lại dùng thứ cửa kính này, ở bên trong căn phòng tối đó tôi có nhìn thấy mấy người đàn ông đang ngủ trên mấy cái giường gỗ. Băn khoăn không biết đàn bà trẻ con sẽ ở như thế nào nhưng thấy ít ra thì cứ lại hỏi cho biết cũng chẳng sao, tôi tiến lại trước cái bàn hỏi bà trung niên:

“Con gái có ở đây được không ạ?”

Bà trung niên không trả lời mà đưa tay chỉ chỉ về phía đối diện tức là ngay sau lưng tôi, tôi quay lại và lại nhìn thấy tấm cửa kính nữa cũng y chang bên này, đằng sau cũng tối tăm thế, có nhìn thấy cả mấy người mặc quần áo lòe loẹt nhiều màu cả đỏ lẫn hồng lẫn vàng, hẳn là nữ giới và cũng đang ngủ. Cửa kính bị khóa lại từ bên ngoài bằng loại khóa vòng để khóa xe đạp nhưng cái khóa thì rất to, to đủ để khóa chắc cái cửa lớn đó được. Đã chấp nhận đi với chị Diêu đến đây, dầu sao thì cũng đã thừa nhếch nhác rồi, tôi chẳng ngại chỗ nhếch nhác nữa nhưng nhìn cái cửa bị khóa từ bên ngoài lại đâm ngại, trông cảnh tượng này không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến hình ảnh các trại tập trung của Phát xít Đức hồi Thế chiến thứ hai vẫn thấy đầy ra trong các phim ở Hollywood, nghĩ vậy đúng là thấy ghê ghê.

“Mười lăm tệ một người?” Tôi hỏi lại bà trung niên.

Bà ta vẫn không mở mồm mà chỉ gật đầu, tôi quay lại hỏi chị Diêu chị ở đây được không, chị gật đầu cái rụp, vẫn ngoan ngoãn bước bước nghe theo tôi như một đứa trẻ, đến lúc tôi bảo tôi ra nhà nghỉ ở với mọi người khác đến sáng sẽ đến tìm chị thì chị hốt hoảng níu lấy tôi, nói:

“Có một mình, tôi sợ lắm!”

Dùng dằng chỉ được vài phút, cuối cùng tôi lại chịu thua cái thói thích tỏ vẻ nghĩa hiệp của mình, tôi ra chỗ bà trung niên trả ba mươi tệ cho hai người, tôi và chị Diêu (Dung Dung không bị tính tiền, mười lăm tệ của chị Diêu chị cũng tự trả), rất may là ở chỗ này thì không cần trình giấy tờ như ở các nhà nghỉ, tôi chỉ cần viết tên và số hộ chiếu của mình lên một mẩu giấy, thế là xong, một người khai là đủ, chị Diêu không cần khai gì nữa, sau đó tôi cùng với chị mang theo cả Dung Dung và toàn bộ hành lý chui vào sau lớp cửa kính bên gian trọ nữ, trước đo tôi nói với Kim là mọi người cứ tìm nhà nghỉ đi thôi, tôi ở lại đây với chị Diêu, Kim giúi cho tôi tấm vé tàu sáng mà cậu vừa xếp hàng mua hộ cho cả đám bảo tôi thế thì nhớ mà sáng mai ra ga đúng giờ, mọi người chờ tôi ở ga vậy.
Khi bà trung niên lại đưa cái khóa to tướng vào toan khóa cửa từ bên ngoài, tôi ngăn lại bảo:

“Có thể không khóa cửa được không?”

“Không được, phải khóa chứ.”

“Tôi không muốn bị khóa lại.” Tôi phân trần.

“Ở đây có đồ của mọi người.” Bà trung niên chỉ nói có thế rồi điềm nhiên khóa cửa.

Chẳng còn cách nào khác, tôi nằm xuống cái giường đôi bằng gỗ ở ngay trước cái cửa bị khóa ngoài, cũng là cái giường duy nhất còn trống ở đây, bên cạnh mẹ con chị Diêu. Phòng trọ là một gian phòng khoảng hai mươi mét vuông, kê san sát những chiếc giường gỗ được đóng rất sơ sài có trải chiếu bên trên, có những chiếc gối trông như cục gạch và chăn bông được gấp lại để ở đầu giường, hẳn là chẳng sạch sẽ gì nên tôi tuyệt nhiên không dám động đến, chị Diêu có dùng gối nhưng không dùng chăn, tôi chỉ khe khẽ nằm một bên giường. Tất cả các giường đều đã đầy người đang ngủ, tôi không dám cựa vì chỉ cựa nhẹ một cái là giường sẽ phát ra những tiếng kêu cọt kẹt ghê gớm, thứ âm thanh đã từ lâu lắm rồi tôi không được nghe đến nữa do từ hổi mới vào cấp hai, bố mẹ tôi đã quẳng cái giường gỗ ọp ẹp đầy mọt ở nhà đi để thay bằng loại giường rắn chắc hơn. Thế nhưng tất cả những cố gằng không trở mình để giữ trật tự của tôi đều trở thành vô ích khi Dung Dung quấy khóc liên tục chỉ năm phút sau khi bị “nhốt” vào đây. Nó khóc ngằn ngặt không ngừng, mà hiện giờ thì không thể bế nó đi lại dỗ nó nín được, thỉnh thoảng lại có một khuôn mặt ló ra khỏi chăn ở chỗ nào đó trong phòng, nhìn chúng tôi bằng đôi mắt ngái ngủ cau có, rồi có cả những tiếng lầm bầm “Có để cho người ta ngủ không nào?!”, ai cũng biết không thể đôi co với trẻ nhỏ nhưng tỏ thái độ thì ít ra cũng tác động được đến người lớn, chị Diêu bắt đầu rít qua kẽ răng rồi còn đánh lên tay con bé nhưng chỉ càng làm nó khóc to hơn.

“Im không người ta đuổi đi bây giờ!” Chị rên lên, còn tôi thì muốn gầm lên như thế, nhưng mà cũng chẳng ích gì, cái này thì con bé không thể hiểu được, nó đã quá mệt vì chuyến đi mà đến giờ vẫn chưa có vẻ gì là được nghỉ ngơi cả, có lẽ nó còn nhớ bố nữa, vì vậy nên nó cứ khóc thôi.

Dung Dung khóc liên tục đến phút thứ mười lăm thì bà trung niên vốn vẫn ngồi im ở cái bàn phía đối diện trước phòng trọ nam đó đứng dậy, tiến lại mở cái khóa to tướng trên cửa bảo chúng tôi:

“Đi ra ngoài một lát, dỗ cho nó nín rồi lại vào.” Bà ta rất điềm tĩnh, chẳng tỏ vẻ gì khó chịu với tiếng khóc của Dung Dung cả, có lẽ bà ta ở đây làm công việc cho thuê chỗ ngủ đã quá quen với những cảnh nửa đêm trẻ con quấy như thế này rồi.

Trước cửa ga Nam Ninh hồi ba giờ kém mười phút.

Nếu Doanh mà nhìn thấy tình cảnh của tôi lúc này thì hẳn là nó sẽ cười tôi chết mất, nó vốn luôn luôn tươm tất và sang trọng, cũng rất trọng sự tươm tất và sang trọng, nó không bao giờ ăn mặc lôi thôi cả khi đi ngủ và không bao giờ nhếch nhác cả khi ngồi băm thịt nhặt rau trong bếp. Mà tôi thì thực ra còn vụng và lười hơn nó nhiều có nghĩa là nó còn chẳng mấy khi thấy tôi ngồi nhặt rau. Thế mà giờ đây, tôi lang thang giữa một cái sân nhếch nhác tối tăm trước cửa ga, giữa những người dân tộc Choang quấn khăn thêu thổ cẩm, quần áo lôi thôi và cả những người có lẽ không phải dân tộc thiểu số nào cũng lôi thôi như thế, nằm ngồi lê la ngay trên nền đất hay trên những tấm nylon bẩn cũng chẳng thua gì đất để chờ tàu, tôi có một đứa bé khóc ngằn ngặt trên tay và vô lý hơn cả là có cả một chùm… chìa khóa phòng trọ tập thể trong túi quần, cứ nghĩ đến chùm chìa khóa này là có cảm giác mình như… cai tù vậy. Bạn Doanh xinh đẹp hay là bất kỳ người nào đã từng quen biết con bé Nguyễn Kỳ Cầm ở nhà vốn được bố mẹ bọc trong đường, nhìn thấy tôi bây giờ đều phải cười ghê lắm.
Chẳng là thế này, khi bà trung niên mở cửa phòng trọ để chúng tôi ra, chị Diêu lôi con bé ra khỏi phòng, đẩy nó ra, nói:

“Đi đi, còn khóc thì đi đi!” Chị vẫn không dám cao giọng sợ ảnh hưởng đến những người đang ngủ bên trong nhưng giọng nói thì lộ rõ sự mệt mỏi và giận giữ.

Con bé nín bặt, hay nói đúng ra là nó không dám khóc nữa, đứng mếu máo giương mắt nhìn mẹ, đôi chân nhỏ xíu có bít tất không có giày dẫm trên mặt sàn xi măng bẩn thỉu, tôi thấy rõ là nó đang sợ hãi, cả hai mẹ con đều mệt quá rồi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy vẻ mệt mỏi như vậy xuất hiện trên một đứa trẻ còn bé đến thế. Thấy không đành lòng, dầu sao thì cũng phải nói là tôi có tinh thần hơn chị Diêu nhiều, tôi chẳng qua là đang làm một việc do nổi hứng muốn thể hiện “lòng tốt” mà thôi, người bị bán không phải là tôi, mong về nhà cũng không phải là tôi, có đứa con cũng không phải là tôi.
Thế là tôi tiến lên, bế Dung Dung trên tay, quay đầu nói với chị Diêu:

“Chị vào ngủ đi, em dỗ nó.”

Chị Diêu tất nhiên là không thể quay vào ngủ được. Dung Dung được tôi bế lên lại hết sợ và tiếp tục khóc, tôi bế nó đi ra xa, cách xa hai cửa phòng trọ để tiếng khóc của nó không ảnh hưởng đến những người ngủ bên trong, chị Diêu đi theo tôi từng bước. Ôm con bé đi loanh quanh một vòng, nó lúc khóc lúc không, có lúc bận giương mắt lên nhìn mấy người đàn bà quấn khăn thổ cẩm xanh đỏ nên cũng nín được một lúc, rồi lại khóc. Có một lần nó nín khóc khá lâu, tôi tưởng như thế là xong liền bế nó quay trở lại phòng trọ, ai ngờ đến cửa phòng trọ, nó lại bật khóc tiếp. Thấy tôi lại bế con bé quay ra, bà trung niên thở dài bảo bà cũng phải đi nghỉ bây giờ, không thể cứ ngồi canh cửa để đóng mở khóa cho chúng tôi được.

“Hay là thế này.” Bà vừa nói vừa rút ra một chùm có ba chiếc chìa khóa, chỉ chiếc mở khóa phòng trọ nữ rồi bảo tôi cầm luôn đi, khi nào quay lại thì tự mở cửa mà vào, khóa ngoài nhưng với bàn tay nhỏ như của tôi thì thực ra có thể miễn cưỡng luồn ngón tay qua khe cửa khóa lại được, mà có không khóa lại được thì cũng chẳng quan trọng lắm nữa vì đến năm giờ đúng là cửa mở rồi, từ giờ đến đó còn có hơn hai tiếng.

Thế là tôi đút chìa khóa phòng trọ vào túi quần rồi bế Dung Dung đi lang thang thế này đây, nghĩ là con bé bị bế đi bế lại có khi càng mệt hơn nên càng khóc, có lúc tôi ngồi xuống một cái ghế đá gần mấy bốt điện thoại để dỗ nó, mà thực ra cũng là do tôi muốn ngồi nữa, chẳng ăn thua gì, Dung Dung oằn người lên khiến tôi suýt ngã nhoài về đằng sau. Chị Diêu từ lâu đã không muốn đi theo nữa mà đứng yên, rồi ngồi xổm trên mấy bậc đá cách cửa phòng trọ chục mét, từ chỗ chị có thể nhìn thấy tôi và Dung Dung đi lại trong khắp khuôn viên của khu sân trước ga, từ chỗ tôi hiện nay thì có thể nhìn thấy chị chỉ lớn bằng nắm tay bé nhỏ của Dung Dung.

Một đứa trẻ cũng cỡ Dung Dung đang bò lê một cách rất hồ hởi trên nền đất ngay trước mặt tôi, nó và quần áo đều bẩn thỉu, lèm nhèm đen đúa, so với nó thì Dung Dung đúng là sạch sẽ thơm tho như một thiên thần dù con bé cũng đã đến ngày thứ hai không những không được tắm mà còn không được rửa ráy lần nào. Bố mẹ của đứa trẻ đang bò này có lẽ nằm trong mấy người cũng lèm nhèm đen đúa như nó ngồi gần đó, họ điềm tĩnh nhìn đứa bé bò trên đất và chuyện trò khe khẽ. Bỗng nhớ ra rằng Dung Dung vừa rồi còn đứng trên mặt đất với chân chỉ có tất mà không có giày, trong đầu tôi xuất hiện một phép so sánh kỳ lạ, mẹ tôi vẫn bảo là khi tôi còn bé chẳng bao giờ chịu đặt chân không giày dép xuống đất cả, có lần mẹ bế đi chợ, quên mang giày cho con, đến lúc mệt muốn đặt tôi xuống nghỉ mẹ phải để tôi đứng trên hai mu bàn chân của mẹ. Dung Dung không ngại cho chân trần xuống đất còn đứa trẻ tôi vừa thấy thì không ngại bò lê trên mặt đất, đó là những việc quá bình thường của chúng, trẻ nhỏ như vậy cũng đã có những thói quen hình thành từ hoàn cảnh sống. Đâm ra buồn cười khi nhận ra rằng hóa ra ông lãnh sự Q không lo, thậm chí không cho cả một lời hướng dẫn cho mẹ con chị Diêu chỗ qua đêm thì thực tình với tư cách của những bậc cha mẹ đã quen cho con cái bò trên đất như thế này, việc qua đêm ở ngoài đường có đáng gì đâu, so với những người nằm ngồi ở đây, chị Diêu còn biết lo cho con sạch sẽ tươm tất lắm rồi, nói một cách chính xác hơn thì hoàn cảnh của chị còn hơn nhiều người ở cái ga này, ở Trung Quốc này, ở Việt Nam và trên khắp cả thế giới này nhiều lắm. Tôi lại đâm thắc mắc không biết con ông Q hồi hai tuổi (hay ông ta đã có con hay chưa?), có thói quen đi lại hay bò như thế nào, “Này, này, đừng có vớ vẩn, Cầm! Người ta là lãnh sự! Là quan! Bố mẹ ngươi còn chẳng làm quan chức gì mà ngươi vẫn biết đường không đặt chân trần xuống đất cơ mà!” tôi tự nhủ thế để trấn áp cái ý nghĩ vớ vẩn của mình.

Thật sự là tôi bắt đầu lung lay với việc coi chị Diêu là người đáng thương nhất mà tôi từng gặp trên đời, cũng lung lay với việc coi khu ổ chuột và căn nhà của chị Diêu ở Thượng Hải là “cái đáy của xã hội”, khu phố sình lầy, căn nhà tuềnh toàng với phòng ngoài bày đồ cắt tóc gội đầu mà chủ nhân thì không dám nhận là mình làm cắt tóc gội đầu, còn phòng trong thì có một cô gái mà theo lời nhận xét đầu tiên của Doanh có thêm sự đồng tình của Hạ rằng đó là một cô “cave”, một khu phố như vậy, một ngôi nhà như vậy lại được tôi nhận định là “dưới đáy xã hội”, đến lúc nhìn thấy những con người chờ tàu mà không có tiền vào bất kỳ một dạng nhà trọ nào ở đây thì tôi lại thắc mắc rằng vậy thì cái xã hội này rốt cuộc có bao nhiêu đáy, cái đáy tận cùng của nó nằm ở tận đâu?

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài