talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 1

Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?!

Tháng Mười hai, các vũng nước đọng trên mặt đường đóng băng cả lại, trời rét cái rét của vùng ôn đới nhưng không có tuyết, Thượng Hải thuộc vùng khí hậu biển, vốn rất ít khi có tuyết, năm sáu năm mới có tuyết rơi được một lần.

Tôi không còn để hai con chuột đực cái nuôi chung trong một lồng nữa, không muốn chúng sinh đẻ quá nhiều gây phiền phức, tôi mua thêm một cái lồng nhựa nữa, chuyển con chuột đực sang, con chuột con được giữ lại lần trước vẫn được để ở cùng mẹ, phần vì tôi không còn lồng nữa, phần vì nó tuy là con đực nhưng còn nhỏ, chưa thể làm chức năng truyền giống của con đực được, có để cùng chuột mẹ cũng không sao.

Thế nhưng khoảng một tuần trước đây, khi tôi mở nắp lồng có hai mẹ con con chuột cái ra, tôi lại nhìn thấy cái xác đầy máu của con chuột con, con chuột mẹ nằm im ở một góc, bình thản ngóc đầu lên nhìn bàn tay đang cầm cái nắp lồng của tôi. Lần này thì có thể xác định được ngay chỉ có con chuột mẹ là thủ phạm, tôi lại dọn xác con chuột con, lần này khi chết nó đã to bằng hai ngón tay cái, gấp đôi xác những người anh em của nó trước kia. Tôi dọn xác con chuột con, thay vụn gỗ trong cả lồng, lại cố gắng không chạm tay vào con chuột cái, tôi có cảm giác từ giờ tôi sẽ vĩnh viễn không thể chạm tay vào nó được nữa, thậm chí cũng rất có thể đây sẽ là lần cuối cùng tôi còn thò tay vào thay gỗ vụn cho nó, bây giờ tôi chỉ thấy cực độ ghê sợ nó.

Vẫn không đủ can đảm mang con chuột cái đến cửa hàng để đổi lấy một con khác, tôi không muốn lại phải nghe Trúc Tử dùng cái giọng châm biếm chỉ trích tôi về trách nhiệm một lần nữa. “Dầu sao thì cô nuôi nó cũng lâu rồi, nhẫn tâm đem quẳng đi sao? Tính khí nó tệ như thế có gặp chủ mới cũng khó lòng được đối xử tốt, không lẽ lại đi chấp nhặt một con vật về tính khí của nó! Cô đúng là rất vô trách nhiệm!”. Thế nào Trúc Tử cũng sẽ nói một tràng đại loại như thế, mà tôi thì không muốn tạo cho cậu ta cơ hội để nói thế.

Nhưng cũng không thể chịu được cảnh phải sống chung một phòng với con chuột cái cứ liên tiếp cắn chết con như thế này, tôi đẩy luôn cái lồng hiện giờ chỉ có một mình nó ra ban công, cái ban công mà tôi từ trước vẫn tính chuyện trồng hoa và thả một con mèo ở đó, hiện giờ là mùa đông nên vẫn chưa bắt đầu trồng gì còn mèo thì nhà nuôi chuột đương nhiên khó lòng nuôi thêm con mèo. Nhận ra là trời rất lạnh, tôi lại kiếm mấy miếng bìa che chắn mọi phía cho cái lồng, tuy biết là với cái lạnh vùng ôn đới này thì mấy miếng bìa chẳng nói lên điều gì lắm nhưng cứ tự bảo mình rằng với một con vật có nguồn gốc từ nước Nga băng giá như con vật này thì cái lạnh chẳng đủ để có mấy tuyết của Thượng Hải có thấm vào đâu, sau đó tôi cứ để nó dài dài ngoài ban công, chỉ nhìn đến lúc cho thức ăn và nước uống, thậm chí có hôm còn quên hẳn.

Jinny, lâu nay bận gì thế? Hai tháng nay không lên diễn đàn rồi? Trước Noel hai ngày là Chủ nhật, hôm đó diễn đàn tổ chức offline dã ngoại, địa điểm ở núi Xá, có thời gian thì đến nhé. Sắp đến dịp nghỉ đông rồi, đến lúc đấy sẽ có nhiều người về quê ăn Tết, mượn cớ Noel tụ tập một lần bây giờ là hợp lý nhất.

Tiểu Muội gửi cho tôi một bức e-mail ngắn với nội dung rất đơn giản như thế, tôi mới nhớ ra là mình đã hai tháng nay không lên diễn đàn đan mỹ, thấy rất áy náy với Tiểu Muội, hẳn là cô ta đã gửi thông báo chung lên diễn đàn rồi lại phải đặc cách gửi e-mail riêng cho tôi do không thấy tôi lên xem thông báo. Thật sự là rất áy náy, cô ta nhiệt tình đến thế, trên diễn đàn chẳng bao giờ bắt các lỗi sai chính tả tiếng Trung một cách ngớ ngẩn của tôi, lúc nào cũng nhiệt tình khuyến khích tất cả các bài viết, các quan điểm về Aslan và Yzak của tôi ngay cả khi quan điểm của tôi và cô ta không khớp với nhau, ví dụ như tôi chẳng bao giờ cho Aslan uống cà phê đen không đường do tâm lý sợ đắng, với cách pha cà phê kiểu Pháp đậm như người Việt Nam ta vẫn hay uống thì cà phê đen không đường đúng là đắng đến rùng mình, tôi không nỡ để Aslan uống, còn Tiểu Muội với hàng tá hủ nữ Trung Quốc khác đều cứ khăng khăng là Aslan rất thích cái chất lỏng đen đắng ấy, thực ra thì với cách pha cà phê loãng như người Trung Quốc thì đúng là cũng chẳng cần đến đường cho lắm.

Chủ nhật thì tất nhiên là tôi có thời gian đi dã ngoại nhưng cứ nghĩ đến chuyện của anh, chuyện của Trúc Tử mà đúng ra là chuyện liên quan đến chính tôi hồi mùa thu, đặc biệt là những lời nói khi đó của Trúc Tử, “hủ nữ các cô là thứ biến thái!”, tôi lại không biết phải làm thế nào, cảm thấy mình rất mâu thuẫn, vừa cảm thấy mình dường như không thể tiếp tục làm hủ nữ sau ngần đấy chuyện xảy ra, nhưng thực ra cũng lại nhớ diễn đàn, nhớ Tiểu Muội, nhớ Aslan và Yzak, nhớ cái nguồn vui nho nhỏ vẫn quen với nó trong ba năm du học, đặc biệt là trong những ngày bị con chuột cái làm cho rất buồn, khó chịu và mệt mỏi, tôi lại càng thấy nhớ diễn đàn ghê gớm. Thật tâm vẫn tự bảo mình rằng tốt nhất là quên cái diễn đàn và những người ở đó đi, cũng không tham gia cuộc dã ngoại này, như thế là tốt hơn cho mình, thế nhưng trong tâm vẫn có một cái gì đấy thôi thúc làm cho tôi rất muốn đi.
Hai tháng không gặp anh, không gặp Trúc Tử, không đến cửa hàng thú cảnh, không lên diễn đàn và không nhòm ngó đến con chuột cái, trước khi con chuột con bị cắn chết tôi đã ít động đến nó, giờ thì lãng quên hẳn.

Hai tháng nay tôi cố gắng thử nghiệm tạo dựng cho mình một cuộc sống cho thật giống với những đứa con gái “bình thường” khác. Sau khi trừ cái dạng của chính mình ra và quan sát kỹ ba dạng con gái còn lại ở đây, tôi nhận thấy rằng hóa thân thành dạng của Doanh đối với mình là điều không thể, hai dạng kia thì thực ra chỉ khác nhau ở chỗ là một dạng có người yêu ở bên hoặc có thể lên mạng chat nhiều với người yêu còn dạng kia thì không, và vì trước mắt không thể tìm ra người yêu tôi quyết định chọn dạng dễ nhất, dạng không có người yêu hoặc không có người yêu ở bên và có mặt trong tất cả các cuộc tụ tập của con gái.

Sau hai tháng tham gia tất cả các cuộc tụ tập nấu nướng, tập trung xem bộ phim tình cảm của Hàn Quốc và tán chuyện thì tôi nhận ra rằng hóa ra làm một đứa con gái “bình thường” cũng không khó khăn gì cho lắm, thế mà hồi trước tôi cứ thấy phức tạp làm sao, giờ cứ đi theo đám con gái này thấy cũng học được nhiều. Ví dụ như nếu có ai đó kể rằng hôm qua bạn nam X tặng bạn nữ Y một bó hoa hồng đỏ rất đẹp thì đừng quay đi, đừng chỉ nói qua loa tỏ vẻ như “đó là chuyện của người ta” mà phải quan sát điệu bộ và thái độ của người nói, xem người thông báo tin đó với mình có thái độ phấn chấn hiếu kỳ hay là lạnh lùng nghiêm khắc, như vậy có thể tùy cơ ứng biến mà bình luận thêm vào như “X với Y cũng đẹp đôi lắm, X rất khéo, Y lại càng khéo”, hay là “X làm gì mà cứ cưa hết cô này đến chị kia.” Hoặc “Y làm gì mà cứ đong đưa hết anh này đến anh khác”, những câu tương tự như thế góp phần cho cuộc nói chuyện về đề tài X và Y có cơ hội phát triển thật rộn ràng, tất nhiên là chú ý đừng để câu chuyện rộn ràng quá khi có hơn ba người tham gia và nhớ là bất kể sôi nổi đến đâu thì cũng phải dùng cái giọng thật nhỏ sao cho người đứng cách xa mười mét là không thể nghe thấy được để nói, biết hạ giọng để bàn chuyện của người khác như vậy mới ra con gái hiền thục và tế nhị chứ. Còn trong các cuộc tán chuyện có từ ba người trở lên thì nên chuẩn bị kỹ các kiến thức về phim và diễn viên Hàn Quốc, thể loại tình cảm ấy, ngoài ra có thể chuẩn bị thêm nhiều nhiều tin tức về tình hình hôn nhân và gia đình từ cấp trong vòng Việt Nam cho đến quốc tế, dầu gì cũng toàn là những công dân của thế kỷ hai mốt, cần phải chịu khó cập nhật thông tin về thế giới và thời đại, cái này quan trọng lắm.

Tối nay cũng vậy, chín đứa con gái sau giờ ăn tối tụ tập ở phòng Hạ, cô sinh viên kinh tế luôn có sẵn hàng lô ca sĩ diễn viên ngôi sao nổi tiếng trong đầu để coi thường, một người may mắn nhất đã nhanh tay chiếm được chiếc máy tính duy nhất và còn may mắn hơn khi gặp được người bạn đã lâu ngày không gặp ở Việt Nam đang lên mạng chat, tám nhân vật còn lại phân bố rải rác trên ghế đẩu, sàn nhà, mặt bàn viết, giường và bậu cửa sổ.

“Này, bọn ấy biết không? Bạn tớ ở Mỹ nói là ở bên đấy con gái đi tắm biển toàn tắm truồng, chẳng mặc gì cả.”

“Dân Tây là thế mà.”

“Này, bọn ấy biết không? Hôm qua ở ngoài đường tớ nhìn thấy một đôi, con bé thì ngoa ngoắt lắm, ném cả bó hoa vào mặt thằng bé, thế mà thằng bé vẫn chịu nhịn, còn nhặt bó hoa cung cúc chạy theo nó van xin cái gì ấy.”

“Trung Quốc là thế mà, hiếm con gái nên chúng nó được dịp thế, phải bọn con trai Việt Nam thì nó cho biến ngay.”

“Này, bọn ấy biết không? Hôm sinh nhật cái A, thằng bé Việt Nam B dắt đến một con bé Trung Quốc, trông cũng được, nhưng mà lười lắm, chẳng giúp gì cả, chỉ ăn thôi.”

“Trung Quốc là thế mà, chúng nó đều là con một, ở nhà được chiều quen rồi, không quen làm nữa.” Trà, một cô tiểu thư chính hiệu con một Hà Nội gật gù.

Sau khi đã bàn hết các chuyện của thời đại và thế giới, tất nhiên là vẫn phải dành thời gian để bàn chuyện quan trọng nhất, những vấn đề của chính mình.

“Người yêu tớ ở nhà mới đi làm một tháng.” Hạ mở mồm.

“Làm gì thế?”

“Kiếm được không?”

Hai câu hỏi gần như cùng một lúc được bật ra.

“Làm ngân hàng, lương khởi điểm ba triệu một tháng.”

“Thế là tốt quá rồi.”

“Anh ấy bảo độ hai năm nữa tớ tốt nghiệp về nước thì đủ tiền cưới là vừa.”

“Đã quyết định cưới rồi cơ à?”

“Quyết định từ lâu rồi, nhưng thực ra cũng chẳng biết thế nào, còn đến hai năm nữa, biết đâu có thay đổi.”

“Liệu sợ thay đổi từ phía mình hay từ phía hắn?”

“Từ cả hai phía đều sợ.”

“Nếu mà ưng nhau lắm rồi thì cố mà giữ, học xong một cái, lấy chồng luôn, thế là ổn định.”

“Thì cũng biết thế, con gái học xong không lấy chồng thì còn làm gì nữa?! Nhưng mà tớ vẫn lo là lo thế thôi.”

Tôi nhìn Hạ, nhớ ra là Hạ cũng cùng nhóm đi theo học bổng của Bộ Giáo dục sang đây với Kim, cảm thấy có một vị gì đó chua chua trong dạ dày, “con gái học xong không lấy chồng thì còn làm gì nữa”. Đó là lời nói của một cô gái được tổ quốc vốn thuộc thế giới thứ ba - Việt Nam trích từ ngân khố eo hẹp của nhà nước ra một trăm triệu đồng một năm để cho cô đi du học. Số tiền làm cho Kim phải thở dài và nhờ đó mà gián tiếp gây nên cơn đau dạ dày của tôi trong cái buổi tối đầu tiên ở đây. Tất nhiên là tôi cũng biết phần lớn bọn họ đều có cái ý nghĩ như thế hoặc nếu không thì cũng coi cái ý nghĩ đó là lẽ đương nhiên phải thế, một con người đạo mạo như Kim thì dù có thở dài với bao nhiêu tiền đi chăng nữa hẳn vẫn sẽ càng coi việc con gái phải lo lấy chồng chính là việc đương nhiên thôi. “Bọn đấy nếu không đá bóng, nếu không hát, nếu không… thì chẳng còn biết làm gì.” Cái lối nói điển hình đó của Hạ cứ loáng thoáng trong đầu tôi và tôi bỗng băn khoăn không biết có thể dùng giọng tương tự thế để nói về người không lấy chồng thì chẳng còn biết làm gì hay không.

“Cố mà giữ lấy, tớ thấy Hạ còn khá ổn định đấy, cứ như tớ thì hỏng rồi.” Trân, cô nàng mới chia tay với người yêu được hai tháng nay nói.

“Hồi trước thấy Trân với Hưng vẫn hợp nhau lắm cơ mà? Sao lại bỏ?”

“Chẳng biết làm thế nào nữa, đàn ông con trai gì mà chỉ biết ru rú từ nhà đến cơ quan, lại đi về nhà, cùng lắm thì biết đi uống bia với đám bạn là hết đất. Ý tớ nói là hồi trước mình ở trong nước yêu hắn không thấy có vấn đề gì, bây giờ sang đây học được nhiều, đâm ra thấy cái con người ấy sao mà tầm nhìn hạn hẹp.” Trân kể lể một tràng dài vừa có vẻ không biết làm sao vừa có vẻ bất mãn anh người yêu vừa bỏ có “tầm nhìn hạn hẹp”.

Tôi từ nhìn Hạ quay sang nhìn Trân, cảm giác đầu tiên là “A, cô nàng này có vẻ có nhận thức quảng bác đây”, nhưng rồi lại băn khoăn, “Không đúng, có nhận thức quảng bác thật sự sao còn đi chấp nhặt anh người yêu vẫn còn chưa có dịp xuất ngoại lần nào như thế?!”, thì cũng chẳng biết được, đây là việc của người ta, lần này thì tôi buộc phải áp dụng công thức “đấy là việc của người ta” thôi cho dù biết rằng để làm một đứa con gái “bình thường” thì đó là thứ tư tưởng tối kỵ khi tham gia tán chuyện.

Dù vậy vẫn không thể ngăn mình nhớ đến một lần Tiểu Muội khi mô tả con người Aslan có dùng một câu: “Aslan nhiều lúc ngốc ngốc là, làm cho người ta thấy thương.” Tất nhiên cô ta nói “thương” ở đây là thương mến, thương yêu, có ý chỉ người con trai có cái vẻ ngờ nghệch, làm người ta không khỏi động lòng mà đi yêu thương anh ta, “Ừ, anh ta gây cho người khác cảm giác muốn bảo vệ và che chở.” Lúc đó tôi đã trả lời Tiểu Muội như thế.

Con gái thật sự cần phải biết chấp nhặt các nhược điểm của con trai mới được sao? Tuy rằng chính tôi không phải là không có cái thói đó, tôi cũng có không ít lần mở miệng đi chê cười con trai, nhưng mà cười khác với khinh nhiều lắm. Một lần, hồi hôm đi tìm nhà thuê với Doanh, buổi tối hai đứa mệt phờ lại thấy cảnh ký túc xá nhàm chán sau một ngày đi xem cả loạt nhà chung cư mới xây rất hợp thời trang, chúng tôi rủ nhau ra một quán cà phê gần cổng trường, đúng là cà phê sinh viên, trên tường treo đầy những bức apphich, poster truyện tranh Nhật, đủ các thể loại, từ truyện cho nhi đồng cho đến loại truyện dành cho người trên mười tám tuổi đều có. Doanh chẳng để tâm mấy đến các tấm hình đó, nó vốn không hay xem hoạt hình truyện tranh như tôi, nó chỉ biết đến Đôrêmon và có săm soi một hình Đôrêmon duy nhất trong quán, thế là xong và chúng tôi lại quay ra nói những chuyện bình thường của con gái.

“Cái thằng E hèn lắm, ai đời đàn ông con trai gì mà bị chúng nó đánh cho chẳng dám làm gì, chẳng hiểu sao cái F lại yêu nó nữa, nhưng mà F cũng có vẻ sắp chán rồi đấy, thế nào cũng đến lúc bỏ thôi.” Doanh bình luận với tôi về hai nhân vật E và F như thế.

“Tớ thấy E tốt với F lắm mà, toàn nhường F thôi, có gì mà phải bỏ, con trai lành thế khó kiếm.” Đó là bình luận của tôi.

“Ừ tốt thì tốt, nhưng mà yêu cái thằng nhu nhược như thế, đến lúc cần nó không bảo vệ được mình, chán, mà nói thật yêu dạng con trai cứ để con gái lấn lướt cũng mất hứng lắm.” Doanh giảng giải, nó vẫn biết với tình yêu thì tôi hoàn toàn mù tịt, những lúc nói chuyện nó cũng có ý dạy dỗ tôi nhiều.

Tôi giơ tay chỉ một tấm hình truyện tranh trên tường, hỏi nó:

“Nhìn cái người mặc áo đỏ kia nhé, đoán xem đó là nhân vật nam hay nữ?”

Doanh nhìn theo tay tôi, cái tôi chỉ cho nó là Saran, nhân vật trong “Cuộc chiến chữ G”, truyện tranh ăn khách nhất của Nhật Bản năm năm trước, một khuôn mặt trung tính, mớ tóc trung tính và trang phục cũng trung tính.

“Con gái.” Sau khi nhìn Saran và suy nghĩ khoảng ba giây, Doanh nói.

“Con trai đấy.” Tôi cười nói với nó.

“Nó là người biến thái à?” Doanh nhìn lại tấm hình một lần nữa, nhăn mặt hỏi.

“Không, nó được tạo dựng là một đứa con trai hoàn toàn bình thường, hơn nữa lại là một chiến binh, chỉ có ngoại hình là giống con gái thôi. Thế nhưng nó có tính tình rất dịu dàng, nhiều lúc yếu đuối và khá ngốc nghếch nữa, nhờ thế mà được rất nhiều độc giả nữ ưa thích.” Giờ thì đến lượt tôi ra giọng giảng giải cho Doanh.

“Cầm định nói cái gì đây?” Doanh sốt ruột, nó vốn chẳng hay để tâm đến truyện tranh cùng độc giả truyện tranh và cả truyện không tranh cùng độc giả truyện không tranh, vì vậy chẳng hứng thú gì lắm khi nghe tôi nói về Saran.

“Tớ định nói là nể phục có thể không phải là cách duy nhất để con gái yêu con trai.” Tôi nói.

“Chịu Cầm đấy.” Sau một hồi trợn mắt lên nhìn tôi như nhìn khủng long, Doanh chỉ thốt ra một câu như thế.

Đó là chuyện hồi hai tháng trước, còn giờ thì nghe cái Trân tâm sự, tôi tự bảo mình: “Nào, nào, đừng có lộn xộn, Cầm, lúc này ngươi không còn là hủ nữ nữa rồi, cố mà học lấy cách làm một đứa con gái bình thường, học cách tư duy của thứ con gái bình thường, con gái học xong lo lấy chồng, sinh con, ổn định một gia đình, không thế thì chẳng còn gì quan trọng hơn nữa, như thế là bình thường, cần gì phải biết là cô ta đã được nhà nước nào trả cho bao nhiêu tiền cho cấp học nào. Con gái là không thể yêu và lấy con trai ngốc hơn mình, cần gì phải biết là người con trai khi yếu cũng có thể rất đáng yêu. Phải bình thường, cần phải cố mà tư duy một cách bình thường.” Nghĩ vậy, tôi cười tươi và rất hào hứng tham gia bình luận từ việc người này muốn lấy chồng người kia bỏ người yêu cho đến khi có thể vẽ ra rạch ròi cả tương lai trong hai mươi năm tới của họ, cái gì cũng rạch ròi rõ ràng như thế, cái gì cũng thành quy định hết cả, làm người bình thường dễ lắm, làm đứa con gái bình thường càng dễ.
Trước Noel ba tuần, tức là trước buổi offline dã ngoại của diễn đàn hai tuần năm ngày, sau khi con chuột con bị cắn chết và tôi bỏ rơi con chuột mẹ hai tuần, tôi phát hiện ra con chuột mẹ đã chết.
Một ngày trước đó tôi đã không thấy nó động đậy khi cho thức ăn vào nhưng chỉ nghĩ là nó đang ngủ, mặc dù giống vật này không giống người, dù có ngủ say cỡ nào mà thấy động thì cũng vẫn phải bật dậy ngay, có điều lúc đó tôi không chú ý, cho thức ăn vào rồi đóng nắp lồng lại bỏ đi ngay như vừa giải quyết xong một món nợ. Đến tối hôm sau, nó vẫn nằm im như thế, tôi cầm chiếc đũa khẽ chọc vào sườn nó, con vật không nhúc nhíc, luồn đầu đũa xuống dưới thân nó và lật nhẹ, một bên người nó bị kéo lên theo đầu đũa, bốn chân vẫn co lại, giữ nguyên tư thế, cứng quèo không một chút biến dạng nào như một củ khoai tây, hai mắt nhắm nghiền và bộ mặt của nó lúc này đúng là cái bộ dạng hiền lành đáng yêu nhất đúng như hồi tôi mới mua nó về, bộ mặt của một con vật bé nhỏ đang say ngủ, hệt như những bộ mặt vẫn làm say mê những đứa trẻ và những đứa con gái mới lớn khi bước qua các cửa hàng thú cảnh, bình an, đáng yêu và vô hại, chỉ có điều con chuột cái này đã chết rồi.
Buổi tối mùa đông lạnh thấu xương, gió Bắc lồng lộn hung dữ giữa các khối nhà chung cư, gió Thượng Hải đặc biệt ghê gớm, thường trực gây cảm giác cơ thể bất cứ lúc nào cũng có thể bị gió thổi bật lên, bay đến một nơi xa lắc nào đó. Tôi gõ cửa phòng ngủ của Doanh, hỏi mượn nó bộ xẻng và bồ cào nhỏ, nó có một bộ đồ nghề làm vườn với kích thước của mỗi dụng cụ đều chỉ bằng bàn tay, được chuyên dùng cho việc trồng cây trong chậu cảnh nhỏ. Doanh hỏi tôi con chuột sao mà chết, tôi trả lời rằng có lẽ tại mấy ngày nay trời mưa ẩm, con vật không chịu nổi phát ốm, tôi còn mất thời gian giải thích thêm rằng giống chuột này có nguồn gốc từ vùng hoang mạc hết sức khô của Nga nên không chịu được không khí ẩm của vùng khí hậu biển Thượng Hải.

Kiếm được một hộp cà phê bằng bìa đã dùng hết to bằng hai bao thuốc lá, tôi mở rộng nắp hộp, đặt vào trong lồng, để cho miệng hộp đặt sát vào bên xác con chuột, đưa đầu đũa vào một bên và gạt nhẹ, tay tôi có hơi run lên khi cảm thấy đầu đũa chạm vào con vật nhưng tôi vẫn làm rất nhanh và chính xác, trong nháy mắt con vật đã được đẩy vào nằm gọn trong hộp cà phê.

Năm phút sau, một tay cầm một chiếc xẻng và một chiếc bồ cào to bằng bàn tay, một tay xách cái túi nylon bên trong có cái quan tài hộp cà phê nhỏ của con chuột, tôi bước xuống thang, ra khỏi khu chung cư, khi đi qua cái thùng rác công cộng đặt trước cửa chung cư, trong đầu tôi đã có ý nghĩ “hay là cứ ném luôn con chuột vào đó”, thế nhưng ngay lập tức lại gạt bỏ ngay khi nhớ đến một câu đã từng đọc qua trên diễn đàn của hội yêu động vật trên mạng “khi các con vật chết đi xin đừng lạnh lùng vứt xác chúng vào sọt rác, hãy nhớ là chúng đã từng là một sinh linh sống bên bạn và cần được hưởng sự tôn trọng tương xứng sau khi chết”, một câu nói bình thường, muôn thuở của những ai nhiều lời, bình thường đến mức trong những tình huống bình thường sẽ không ai để ý đến, thế nhưng trong rất nhiều tình huống cũng lại là thứ không thể bỏ qua, ví dụ như lúc này đây tôi cảm thấy sẽ rất đáng xấu hổ nếu bỏ qua câu nói này, vì vậy, nén lại cái cảm giác muốn quẳng con vật vào thùng rác cho xong chuyện, tôi đi qua thùng rác, tiến về phía khu vườn hoa của chung cư. Đó là một khoảnh đất tròn nằm chính giữa cả khu, một khoảng không tương đối lớn giữa các khối nhà san sát nhau, ở đó có nhiều cây, chủ yếu là thông, cũng có vài luống trà nhưng giờ không có hoa, có ghế đá cho người già ngồi buổi sáng, đu quay và bập bênh cho trẻ con chơi, vào ban ngày tất cả những thứ này hiện ra đầy màu sắc rực rỡ có thể khiến cho mùa đông ở đây ấm áp lên rất nhiều, thế nhưng vào buổi tối như lúc này thì khu vườn hoa này lại trở thành chỗ tối tăm ảm đạm nhất ở đây, không một bóng người và những bóng cây đen sì bị gió thổi rung lên từng chặp. Tôi tìm được một khoảng đất nhỏ dưới một tán thông, không có nhiều cỏ và đất trông cũng có vẻ dễ đào, có lẽ đây cũng không phải chỗ tốt nhất nhưng hiện giờ thì đúng là chỗ nhìn rõ nhất vì có ánh đèn đường ngay phía trên chiếu xuống.

Đào một cái hố cả chiều sâu và chiều rộng đều không hơn một cái mũ lưỡi trai, chôn cái hộp cà phê có con chuột bên trong và cả cái túi nylon bao ngoài xuống, lấp đất lại và toan đứng lên đi về, tôi bỗng nhìn thấy một đôi mắt sáng quắc, hơi giật mình nhìn lại thì nhận ra đó là một con mèo, một con mèo khoang trắng đen to béo đứng dưới bóng một cụm trà, nhìn tôi vài giây rồi biến mất sau mấy khóm cây, điệu bộ rình rập đúng kiểu mèo, đâm băn khoăn lo mộ con chuột cái sẽ bị mèo đào lên, tôi nghĩ mấy giây xem có nên chôn lại sâu hơn không, thế rồi quyết định không chôn lại mà chỉ dùng mũi xẻng đập đập lên trên chỗ đất vừa chôn con chuột, có ý san bằng phẳng cho không ai nhận ra chỗ đó đã từng được đào xới, hy vọng như thế thì lũ mèo cũng sẽ không nhìn ra được mà đào lên.

“Cô đang làm gì thế?”

Một giọng nam trầm trầm vang lên làm tôi giật mình còn hơn cả đôi mắt mèo vừa rồi, tôi quay lại và nhìn thấy bộ mặt tôi không muốn nhìn thấy nhất vào lúc này, bộ mặt của Trúc Tử.

“Chẳng làm gì cả, đi dạo.” Tôi trả lời cụt lủn.

“Cô đem xẻng với bồ cào đi dạo à?” Cậu ta tiến lại gần, chỉ hai thứ dụng cụ làm vườn còn đầy đất trên tay tôi.

Tất nhiên là thằng ngốc nhìn cái bộ dạng của tôi lúc này cũng biết không phải là người đi dạo, tôi còn đang chưa biết giải thích thế nào thì Trúc Tử lại giơ tay chỉ vào mặt đất cách bàn chân tôi nửa mét, chính là chỗ chôn con chuột.

“Cô trồng cái gì ở đấy à?”

“Không phải việc của anh.” Tôi lúng túng đến phát cáu, buông ra một câu cố hữu thường dùng trong tình huống đuổi khách, tự nhủ mình đã hoàn toàn thất bại trong việc san bằng xóa dấu vết cho nấm mồ của con chuột.

“Ừ thì thôi vậy, thực ra nhiều lúc cảm thấy hủ nữ các cô với chúng tôi cũng có nhiều điểm giống nhau, ví dụ như lúc nào cũng có những việc phải giấu giếm.”

“Thôi được rồi, tôi nói đây, con chuột cái chết rồi, tôi vừa chôn nó, được chưa?!” Có một cái gì đó đốt nóng lên trong đầu tôi đòi hỏi phải được xả hơi ra.

“A, thế hả?!” Trúc Tử vừa như nói vừa như thở hắt ra, trên mặt mang một nụ cười kỳ quái, và dùng ánh mắt kỳ quái nhìn tôi, cái vẻ nửa châm chích nửa thương hại mà cho dù là qua ánh đèn đường tù mù tôi vẫn nhận ra được rất rõ ràng.

“Đúng, thế đấy.” Tôi giương mắt lên cố làm ra vẻ thách thức, cố nhại cái giọng của cậu ta, quái quỷ, tại sao cái con người này cũng như tất cả mọi người khác luôn luôn có thể chiếm vị trí áp đảo trong khi nói chuyện với tôi chỉ bằng vài câu nói hay vài nét biểu cảm trên mặt.

“Cô đừng khóc nữa, Lương không thích tôi làm cô khóc đâu.”

Một giọng nói nhẹ nhàng ngoài sức tưởng tượng của tôi, cái kiểu cười nửa châm biếm nửa thương hại trên mặt anh ta cũng biến mất, thay vào đó là một vẻ nghiêm túc.

“Tôi không khóc, mà anh làm cho tôi khóc lúc nào mà anh ấy thích với không?!” Tôi gằn giọng, cảm thấy nước mắt lại bắt đầu dâng lên trong khóe mắt.

“Lần trước đấy thôi, cô không khóc trước mặt tôi, nhưng mà chẳng cần nhìn thấy cô khóc cũng biết, mắt cô lúc đó đỏ lên rồi, cô không công nhận cũng chẳng sao nhưng thế nào là muốn khóc mà không dám khóc thì con trai phải rõ hơn con gái nhiều.”

Nghe Trúc Tử nói vậy thì tôi cũng hiểu chắc chắn là giờ đây cậu ta lại nhận ra là mắt tôi đang đỏ lên rồi, gần như không thể nhận ra cái con người hai tháng trước còn mắng tôi xơi xơi trong cửa hàng thú cảnh nữa, giờ thì tôi khóc thật, tôi cúi đầu nhìn xuống, cảm thấy một giọt gì đó rơi ra khỏi mi mắt, bàng bạc trong ánh đèn đường và biến mất vào lớp cỏ dưới chân, sau đó tôi nghe thấy giọng nói của chính mình vang lên một cách khó khăn:

“Con chuột chết vì tôi bỏ mặc nó, tôi bảo bạn tôi là nó không chịu được thời tiết ẩm mấy ngày nay nhưng thực chất có thể là không phải thế, nó có thể chỉ bị đau bụng thôi, chỉ cần kiểm tra mỗi ngày xem đuôi có bị ướt không là chữa kịp, hoặc là nó bị rét, tôi chỉ cần nhấc nó vào trong buồng, thế là xong, con chuột đực ở trong buồng mấy ngày nay vẫn mạnh khỏe!” Tôi càng nói càng nhanh và khóc càng to.

“Sao lại không chăm nó?” Trúc Tử hỏi, có vẻ trách cứ nhưng rất dịu dàng.

“Nó lại cắn chết chuột con một lần nữa, cái con chuột con tôi rất thích, để cùng nó đến gần hai tháng, thế mà nó vẫn cắn chết.”

“Cô có để cả chuột đực cùng với mẹ con nó không?”

Tôi lắc đầu.

“Thế là phải rồi, con chuột mẹ lâu ngày không có con đực, đến lúc động đực cáu lên cắn chết chuột con thôi, cái này là lỗi của cô rồi, đã tách con đực ra thì phải tách luôn cả con non ra.”

Tôi khóc càng to, sao lại thế này chứ?! Tôi đã có thể bình thản nhìn con chuột chết, bình thản đi mượn dụng cụ chôn và và dài hơi giảng giải với Doanh về việc con vật không chịu được ẩm, bình thản đem chôn, bình thản suy tính việc nó có thể bị mèo bới lên, thế mà đến giờ, trước mặt Trúc Tử, sau vài câu nói của cậu ta, tôi đã khóc như một đứa trẻ bị bắt quả tang phạm lỗi nặng, tôi ghét nước mắt, ghét phải khóc, ghét khóc trước mặt người khác, đặc biệt ghét khóc trước mặt cái con người này, dù rằng có là đứa con gái mau nước mắt đến đâu chăng nữa thì tôi vẫn ghét tất cả những thứ đó.

“Đừng khóc nữa, dầu sao thì nó cũng chết rồi.”

Tôi khẽ gật gật đầu, vừa sụt sịt vừa cố lấy giọng thật bình thường hỏi:

“Bạn đến muộn thế này có việc gì không?”

“Hồi chiều tôi đến một lần, bạn cô nói là cô không có nhà, lúc chập tối tôi cũng đến một lần, cô vẫn không có nhà, vừa rồi vừa đến cổng thì thấy cô ở đây rồi.”

“Dạo này tôi hay đi.” Tôi đã ngừng khóc, quyệt nước mắt trên má, nhớ ra là chiều và tối hôm nay mình đều chỉ cần tan học là chạy đến chỗ Hạ tham gia cuốn nem và xem mấy đứa con gái trình diễn với nhau mấy thứ quần áo mới mua.

“Lương nói là lâu rồi cô tránh mặt anh ấy, anh ấy buồn lắm.” Trúc Tử nói.

“Anh ấy bảo bạn đến đây à?” Tôi hỏi.

“Không, tôi tự đến, ý tôi là, thực ra tôi cũng chẳng có ý gì cả, cô là bạn tốt của Lương, lúc nào muốn đến thăm anh ấy thì cứ đến, không phải ngại tôi.”

“Tôi hiểu rồi.” Tôi cúi đầu, nói lí nhí, không biết phải nói gì hơn nữa, lại một lần nữa người không phải chính là mình sao? Anh buồn vì hai tháng nay tôi tránh không gặp, Trúc Tử lại là người chịu không nổi mà chạy đến nhắc tôi đi thăm anh, nghĩ đến đây đâm ra thấy mình thật tệ, tôi ghét cái cảm giác này, ghét cảm giác khi nhận ra mình đối xử không tốt với người khác.

“Tôi sẽ đến thăm anh ấy.” Tôi chỉ còn cách lý nhí tiếp như vậy, rồi đi về phía cửa khu chung cư của mình “Cám ơn bạn nhắc nhở”, tôi nói tiếp, quay đầu lại, nghĩ không biết có nên mời Trúc Tử lên nhà mình hay không, chắc chắn là lúc này giờ này mà mời lên thì cậu ta và tôi đều chẳng thấy dễ chịu gì, nhưng không mời thì lại là không lịch sự, đang đứng trước cổng lên cầu thang phân vân thì Trúc Tử đã cất tiếng:

“Cô biết “Hoa phong lan” chứ?”

“Không, là cái gì thế?”

“Diễn đàn tốt nhất của chúng tôi ngày trước, ở đó toàn những người trình độ văn hóa cao, có giáo dục, ăn nói dễ chịu và nhiệt tình, cũng chính vì thế nên về sau thu hút cả hủ nữ đến đó, họ đến, hỏi đủ chuyện về giới của chúng tôi, có vẻ rất hiếu kỳ, chúng tôi cũng vui vẻ nhiệt tình trao đổi nhiều với họ. Thế rồi họ phát triển với tốc độ chóng mặt, bất kể chúng tôi có cố gắng giảng giải thế nào thì họ cũng dường như là không quan tâm, chỉ chú ý bới móc chuyện riêng tư của chúng tôi, rồi viết cả một đống văn chuơng internet bóp méo một cách rất vô trách nhiệm cuộc sống của chúng tôi, dần dần “hoa phong lan” trở thành đại bản doanh của hủ nữ, về số lượng họ áp đảo, về tinh thần, họ thoải mái hơn chúng tôi rất nhiều, sau cùng phần lớn cư dân cũ của “Hoa phong lan” phải bỏ diễn đàn mà đi, tôi cũng ở trong số đó, các hủ nữ ở đó còn làm cho không ít người đem đánh đồng họ với chúng tôi nữa, tôi thấy đây là việc rất khó chịu.”

“Thật đáng tiếc.” Tôi cúi đầu, không còn biết nói gì hơn ngoài việc tiếp tục lí nhí.

“Tôi về đây, chào cô.” Sau khi nói một tràng về “Hoa phong lan” và nghe cái âm thanh lí nhí của tôi, Trúc Tử nói lời chào và quay người có ý muốn bỏ đi.

“Từ từ đã.” Đột nhiên tôi cất tiếng gọi giật giọng “Từ từ, nghe tôi nói đã.”

Trúc Tử lại quay lại, nhìn tôi bằng vẻ dò hỏi.

“Bác gái tôi, tức là chị của mẹ tôi ấy, bạn hiểu không? Khi con trai của bác ấy, tức là anh họ tôi còn nhỏ, khoảng hai ba tuổi thôi, bác ấy thường thắt nơ lên đầu và có khi còn mặc cả váy cho anh ấy nữa.”

“Bác cô thích có con gái à?”

“Tất nhiên là bác ấy thích có con gái, nhưng mà đấy cũng không hoàn toàn là vấn đề, bác tôi rất hài lòng về việc mình có con trai, chẳng qua là nhiều khi vẫn thích trang sức cho nó như một đứa con gái thế thôi, giống con gái thích chơi búp bê ấy mà, thực ra có rất nhiều bà mẹ có con trai thích làm cho nó giống con gái khi nó còn nhỏ.”

“Cô cho là các cô thích xem con trai yêu con trai cũng giống bác cô thích cài nơ và mặc váy cho con trai như thế à?”

“Không, không hẳn thế, chỉ là, chúng tôi thích làm cho những nhân vật nam chúng tôi thích thành ra giống như con gái, cả trong cách yêu đương, thế thôi.”

“Tôi chẳng hiểu gì cả, cô có thể tìm hẳn một nhân vật nữ mà?”

“Nhưng mà tôi là con gái, tôi bị thu hút bởi các nhân vật nam.” Tôi cố giải thích.

“Tôi chẳng hiểu gì cả.” Trúc Tử vừa thở dài vừa nói, trong một thoáng tôi thấy cậu ta giống anh ghê gớm.

“Thôi, muộn rồi, bạn về đi, chào bạn.” Không còn biết phải nói thế nào nữa, tôi chào cậu ta.

“Nhớ nhé, nhớ đến thăm anh ấy, đừng ngại tôi.” Trước khi về cậu ta nhắc cứ như là sợ tôi vẫn sẽ tránh mặt anh.

Tôi cứ đứng ở cổng lên cầu thang nhìn theo cho đến khi cái bóng của cậu ta đi khuất hẳn mới quay lên nhà mình.

Tôi không thể nói thêm gì được với cậu ta bởi một lẽ đơn giản là chính tôi cũng bị những thứ mình vừa nói làm cho rối beng lên, thậm chí tôi còn không hiểu vừa rồi mình làm thế nào mà tự nhiên lại nghĩ đến cả chuyện bác tôi để kể cho cậu ta, tôi biết cả tôi lẫn cậu ta đều không phải là nhà tâm lý học, không có ai là Sigmund Freud, không có khả năng đào sâu khoét kỹ để hiểu những gì tôi vừa nói.

Khi chỉ còn vài bậc thang nữa là đến cửa nhà thì tôi kiên quyết quay xuống, ra chỗ chôn con chuột, đào nó cùng cả túi nylon và hộp cà phê bao ngoài lên, ra sức đào cho cái hố sâu gấp đôi rồi mới lại chôn lại, dùng một lúc lâu để dẫm đạp cho mặt đất thật bằng phẳng, lần này là dùng chân chứ không dùng xẻng đập nữa, khi đã yên tâm là sẽ không bị một con mèo nào quanh đây có thể quấy rầy được nấm mồ của con chuột, tôi mới đi lên nhà.

Tiểu Muội, cho tôi tham gia dịp Noel dã ngoại nhé, cho tôi cả số di động để tiện liên lạc.
Đây là số di động của tôi: …

Trước khi đi ngủ, tôi mở máy tính, lần đầu sau hai tháng vắng mặt đã trở về diễn đàn đan mỹ, quả nhiên là thấy ngay một trang Tiểu Muội dùng để thông báo chuyến dã ngoại, tôi nhắn tin cho cô ta qua diễn đàn như thế. Tôi biết là tôi vừa chịu thua trong việc tiếp tục tránh anh, tránh Trúc Tử, tránh cả diễn đàn để đi làm một người bình thường, xem ra thì việc đi làm người bình thường không dễ như tôi tưởng.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài